menu_open
Đề xuất một số giải pháp bảo tồn và phát triển giống Mai vàng Huế
02/11/2022 4:37:19 CH
Xem cỡ chữ:
(Ảnh minh họa)
Đã từ lâu chưa có một công trình nghiên cứu chuyên sâu nào nhằm xác định bộ giống mai vàng hiện hữu để đưa ra những nhận xét khoa học, nêu rõ được những đặc điểm phân loại hình thái nhằm giúp cộng đồng nhận dạng và phân biệt. Đây là một thách thức lớn cho việc xác định giống chuẩn “Mai vàng Huế”.
(Ảnh minh họa)

1.    Hiện trạng phong phú về giống Mai vàng ở Thừa Thiên Huế

Thực tế cho thấy, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện hữu khá nhiều giống mai vàng 5 cánh, lá xanh có nguồn gốc từ nhiều vùng địa lý khác nhau trong nước. Từ đó qua quá trình sinh trưởng phát triển, chúng đã giao phấn nhờ gió và côn trùng gây ra hiện tượng hỗn giao tự nhiên ngoài ý muốn của các chủ vườn để rồi xuất hiện thêm một loạt giống lai nữa khiến cho bộ giống mai vàng ở Thừa Thiên Huế ngày càng phong phú, phức tạp. Qua thực tiễn này, nếu với cách nhìn nhận cảm quan thì khó có thể phân biệt rạch ròi, việc nhầm lẫn giữa giống này với giống kia là lẽ thường tình. Trong lúc đó, đã từ lâu chưa có một công trình nghiên cứu chuyên sâu nào nhằm xác định bộ giống mai vàng hiện hữu để đưa ra những nhận xét khoa học, nêu rõ được những đặc điểm phân loại hình thái nhằm giúp cộng đồng nhận dạng và phân biệt. Đây là một thách thức lớn cho việc xác định giống chuẩn “Mai vàng Huế”.

2.    Nhu cầu xác định các giống Mai vàng đặc hữu của Thừa Thiên Huế

Việc xác định cụ thể các giống Mai vàng 5 cánh hiện hữu ở Thừa Thiên Huế là yêu cầu cấp thiết, sẽ giúp cho việc bảo tồn và phát triển hiệu quả giống Mai vàng đặc hữu của Thừa Thiên Huế, từ đó Hội Mai vàng Thừa Thiên Huế sẽ có định hướng hữu hiệu trong việc bảo vệ thương hiệu và sản xuất giống “Mai vàng Huế” sau này. Chúng tôi hy vọng trong thời gian sắp tới, đề tài “Điều tra đánh giá và bảo tồn Mai vàng Huế” sẽ làm kỹ điều này; sẽ tiến hành điều tra, phân loại hình thái, cấu trúc của thân, càn, lá, hoa và quả có kết hợp kiểm định trình tự gen. Để làm tốt điều này chúng ta cần xâm nhập thực tế rộng rãi, tiếp cận hàng loạt cây mai vàng ở nhiều địa bàn khác nhau thuộc các huyện, thị xã chứ không riêng thành phố Huế. Ngoài ra, để tăng độ chính xác khoa học và độ tin cậy thì cũng phải kết hợp tốt cả hai phương pháp: phân loại học thực vật và dân tộc học thực vật.

3.    Một số giải pháp bảo tồn và phát triển giống Mai vàng đặc hữu của Thừa Thiên Huế

3.1.    Giải pháp bảo tồn

3.1.1.    Giải pháp kỹ thuật

•    Sau khi nghiệm thu đề tài “Điều tra đánh giá và bảo tồn Mai vàng Huế”, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh cần tạo điều kiện cho Hội Mai vàng Huế soạn thảo quy trình chăm bón, phòng trừ sâu bệnh hại cho mai vàng nói chung và Mai vàng Huế nói riêng để phổ biến rộng rãi cho các chủ vườn mai trên toàn Tỉnh;

•    Cần có văn bản hướng dẫn kỹ thuật bồi dưỡng, bảo vệ những cây Mai vàng Huế sẵn có và nhân giống theo quy trình chuẩn cho các nhà vườn không chuyên;

•    Vận động các chủ vườn mai chuyên nghiệp tách riêng những chậu Mai vàng Huế thành từng ô khoảnh cách biệt với các ô khoảnh những chậu mai thuộc các giống khác trong suốt quá trình chăm sóc và trưng bày…

3.1.2.    Giải pháp hành chính

•    Các chi hội Mai vàng Huế ở từng địa phương tiến hành gắn logo cho những cây Mai vàng Huế đã được xác định ở một số vườn mai không chuyên ở địa phương mình

•    Tuyên truyền vận động các vườn mai bảo tồn những cây mai đã được gắn logo “Mai vàng Huế”;

•    Hằng năm cứ vào dịp Tết nguyên đán cần có hội thi Mai vàng Huế với giải thưởng hấp dẫn nhằm khuyến khích cộng đồng bảo tồn và phát huy giá trị của Mai vàng Huế;

•    Hội Mai vàng Huế cần tổ chức định kỳ những sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm bảo tồn mai vàng nói chung và Mai vàng Huế nói riêng;

•    Sở KHCN làm cầu nối giữa Hội Mai vàng Huế và chính quyền cấp Tỉnh, cấp Thành phố, Thị xã, Huyện để tiến hành các hoạt động cần thiết về bảo tồn Mai vàng Huế…

3.2.    Giải pháp phát triển

3.2.1.    Giải pháp kỹ thuật

•    Chọn lọc một số cá thể Mai vàng Huế cổ thụ làm nguồn nhân giống;

•    Đến mùa hoa, trước khi hoa nở cần dùng lưới màng (loại màu trắng chuyên dụng cho các nhà màng thủy canh) để lợp và rào chắn bao bọc giúp cây mai nguồn nhân giống tránh được sự thụ phấn chéo từ những cây lân cận;

•    Chọn lọc những quả mai tốt, không dị tật để nhân giống hàng loạt trong vườn ươm chuyên dụng;

•    Thử nghiệm nhân giống mô phôi, nếu thành công thì nhân giống đại trà ở các vườn ươm chuyên nghiệp song song với nhân giống bằng hạt ở các vườn ươm cộng đồng.

3.2.2.    Giải pháp hành chính

•    Bảo hộ thương hiệu cho tất cả những cây Mai vàng Huế được nhân giống có kiểm soát;

•    Truyền thông rộng rãi với cộng đồng cả nước qua các trang mạng phổ biến, đài truyền hình và xuất bản sách chuyên đề...

NGUT Đỗ Xuân Cẩm