Dưới thời Khải Định (1916 - 1925), phần lớn do chủ quyền của Việt Nam đều đã rơi hẳn vào tay thực dân Pháp và nền văn hóa phương Tây đã ảnh hưởng mạnh mẽ vào nước ta. Đặc biệt vào năm 1922 chính vua Khải Định cũng đã có một chuyến du hành sang châu Âu, vì vậy phần lớn các công trình kiến trúc được cải tạo, hoặc xây mới dưới thời vị vua này đều có nhiều yếu tố hiện đại và kỹ thuật xây dựng tân thời xâm nhập vào. Thay cho vật liệu xây dựng truyền thống chủ yếu của địa phương như: gỗ, đá, gạch và vôi vữa… Vua Khải Định rất thích dùng các loại vật liệu kiên cố như: xi măng, sắt thép, mảnh sứ, thủy tinh... Ở lăng tẩm và cung điện của vua lúc bấy giờ, đã sử dụng các phương tiện và kỹ thuật hiện đại như: đèn điện, nước máy, vòi phun nước, cột thu lôi, cửa sắt...
Sau khi vua Khải Định băng hà, vua Bảo Đại đã cho tu sửa lại cung điện, lắp đặt thêm các tiện nghi của phương Tây. Từ đó điện Kiến Trung trở thành nơi ăn ở chung của cả gia đình nhà vua, bao gồm: Vua Bảo Đại, Hoàng hậu Nam Phương, Hoàng tử Bảo Long, Hoàng nữ Phương Mai, Phương Liên, Phương Dung và Hoàng tử Bảo Thăng.
Ngày 29/08/1945, điện Kiến Trung chứng kiến một sự kiện lịch sử quan trọng: vua Bảo Đại tiếp xúc đầu tiên với phái đoàn Chính phủ lâm thời để chính thức họp bàn thoái vị, trao lại quyền điều hành đất nước cho Chính phủ Lâm thời.
Đến năm 1947, điện Kiến Trung bị sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn lại nền móng.
Ngày 16/02/2019, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã khởi công dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Kiến Trung. Công trình được thực hiện trên diện tích hơn 3,800m2. Các đơn vị thi công đã giữ nguyên cấu trúc nền móng hiện còn, hạn chế can thiệp yếu tố gốc của di tích. Dự án gồm các hạng mục gia cố, phục hồi tường bao, hệ thống lan can, sân khuôn viên gồm tiền viên và hậu viên, các bậc cấp; tu bổ phục hồi lầu Kiến Trung (Kiến Trung Lâu) 2 tầng, chiều cao khoảng 14m, diện tích xây dựng khoảng 975m2. Ngoài ra, dự án còn tu bổ các công trình nhỏ xung quanh như đôn gạch, đài phun nước, súng thần công, nhà canh, hệ thống cây xanh, bảo tồn nền móng Đông Cung Lâu, Ngự Thư Phòng, Võ Hộ Giá Phòng và Ngự Phê Phòng... Dự án có tổng mức kinh phí đầu tư hơn 123 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu phát triển văn hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Điện Kiến Trung sau trùng tu, tôn tạo (Ảnh: Lê Đình Hoàng - Thùy Giang)