QUY TRÌNH LÀM BÚN VÂN CÙ
Ngày xưa, nghề làm bún là một nghề công phu và đòi hỏi quá trình làm rất vất vả. Nghề làm bún cần có chày, cối để giã gạo; có khuôn để vặn bún; có lò lửa để luộc bún; có thúng, mủng để đựng bún…
Để làm nên sợi bún ngon, gạo được dùng phải là gạo Khang dân (người Huế gọi là gạo ruộng), là loại gạo dùng để nấu cơm khô nổi tiếng ăn không ngán. Gạo được rửa sạch kỹ lớp cám bên ngoài từ 4-5 lần, ngâm 2 ngày thì hạt gạo khô ban đầu trở thành dẻo và no nước. Bí quyết đặc biệt là sau khi ngâm xong thì bỏ muối hột sống (thành phần quan trọng để bún bớt bị chua trong quá trình làm mà lại có vị mặn giúp bún ăn ngon, đậm đà).
Sau đó, cho gạo vào cối giã, gạn lọc thành bột khô. Sau khi nấu chín bột, người làm bún phải dùng tay đánh bột nhuyễn thành hồ, sau đó bỏ vào khuôn vặn. Sợi bột sau khi đi qua lỗ khuôn được nhúng ngay vào nồi nước đang sôi, sợi bún từ đó được thành hình. Bước cuối cùng là làm nguội nhanh sợi bún bằng nước lạnh.
Muốn con bún không quá bở cũng không quá dai, người làm bún phải pha thêm bột lọc. Nghề bún không chỉ đòi hỏi ở người làm sức khoẻ mà còn đòi hỏi sự tinh tế trong cách pha chế. Tỷ lệ bột lọc cho vào trong bún không có công thức cụ thể mà đòi hỏi kinh nghiệm của người làm nghề.
Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu ngày càng nhiều của thị trường, người dân làng Vân Cù đã biết ứng dụng máy móc, thiết bị kỹ thuật vào quy trình sản xuất bún, vừa cho năng suất cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vừa giải phóng sức lao động cho người dân thôn Vân Cù. Tuy nhiên, để đảm bảo độ thơm ngon đặc trưng của sợi bún làng Vân, nhiều công đoạn thủ công vẫn được người dân nơi đây duy trì.
Bún Vân Cù xưa có 3 loại là bún con, bún lá và bún mớ. Hiện nay chỉ còn bún con (những lọn bún quấn lại với nhau, dài già gang tay, rất tiện lợi cho việc ăn uống đơn giản) và bún mớ (còn gọi là bún “ngảo” hay bún kí lô, loại người Huế thường ăn đại trà ngày nay).