menu_open

Nghệ nhân trà Trần Thị Thanh Nhị và mối duyên với trà luyện hương tại Hiên Trà Nhị Độ Mai 

Xem cỡ chữ:
Nghệ nhân trà Trần Thị Thanh Nhị bên sản phẩm trà tự luyện trong không gian Hiên Trà Nhị Độ Mai
Huế - một địa điểm vô cùng đặc biệt, nơi ghi dấu những giai đoạn thăng trầm của lịch sử và cũng là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp bao đời của người Huế nói riêng và của dân tộc Việt Nam. Trong số các giá trị quý giá được gìn giữ trên mảnh đất Thần kinh xưa, không thể không nhắc đến trà - biểu tượng đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam. Và khi nhắc đến trà cùng với những người gìn giữ văn hóa trà cổ truyền tại Huế, không thể bỏ qua Hiên Trà Nhị Độ Mai - một quán trà nhỏ nằm giữa trung tâm kinh đô Huế, được điều hành bởi nghệ nhân trà - tiến sĩ Trần Thị Thanh Nhị - giảng viên tại Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Huế.
Nghệ nhân trà Trần Thị Thanh Nhị bên sản phẩm trà tự luyện trong không gian Hiên Trà Nhị Độ Mai

Phóng viên: Người ta hay nói ướp trà, ủ trà. Tại sao chị lại dùng từ “luyện” trà? 

Nghệ nhân Trần Thị Thanh Nhị: Để có một chén trà ngọt hậu, bền hương, người làm trà phải cẩn thận, tỉ mẩn, kỳ công, chánh niệm trong từng công đoạn: đó là khâu chọn nguyên liệu, chọn hoa, vào hương, thông hương, sao trà, cho trà nghỉ, sàng sẩy nhặt hoa… Tất cả phải được tập trung một trăm phần trăm tâm trí và bằng tất cả trái tim. Các quá trình đó không chỉ làm một lần mà thành mà được lặp đi lặp lại, luyện đi luyện lại đề hương được sâu, được bền và thấm vào từng phân tử trà, trà và hương hợp nhất, không phân biệt. Nhờ quá trình vào hương nhiều lần, chúng tôi sẽ tạo nên một bản hoà hương đa sắc đầy biến ảo, các nốt hương, nốt vị sẽ biến đổi qua các lần pha khác nhau, mang đến cho người thưởng trà những cảm nhận, dư vị khó quên. Có những ấm trà có khi pha đến lần nước thứ 20, khi trà vị trà đã hết mà người thưởng thức tinh tế vẫn cảm nhận sự dai dẳng, vấn vương của hương hoa.

 Nghệ nhân trà Thanh Nhị hướng dẫn pha trà cho một bạn nhỏ

Phóng viên: Dòng trà luyện hương mà chị theo đuổi có gì khác với trà hương ở những nơi khác? 

Nghệ nhân Trần Thị Thanh Nhị: Có nhiều bí quyết liên quan nhưng một trong những điều có thể chia sẻ là chúng tôi tập trung sử dụng nguyên liệu chính là trà shan tuyết đại cổ thụ được thu hái từ những cây trà hoang dã có tuổi đời hàng trăm năm tuổi trong những cánh rừng Tây Bắc nước ta, trà tự nhiên hút trọn linh khí của đất trời mấy trăm năm và không chịu sự tác động chăm bón của con người nên rất tinh khiết và có lợi cho sức khoẻ; và trên nền trà đó, chúng tôi luyện hương các loại hoa vào, như hoa sen, hoa bưởi, hoa mộc, hoa mai, hoa cau, hoa hồng, hoa cúc, hoàng lan, nhài…Từ nền trà Shan tuyết đại cổ thụ, quá trình vào hương vất vả và tốn nhiều nguyên liệu hoa tươi hơn nhưng khi thành phẩm trà bên hương và bền vị hơn dùng nguyên liệu từ trà trồng, đặc biệt có công dụng tốt cho sức khỏe và làm đẹp.

Công đoạn vào trà cho bông sen

Phóng viên: Theo chị, với nguyên liệu từ hoa cỏ xứ Huế, có thể khai thác làm những món trà luyện hương gì?

Nghệ nhân Trần Thị Thanh Nhị: Ở Huế có ba loài hoa đặc biệt là hoa Mộc, hoa Mai và hoa Sen. Nếu bạn bước chân vào những ngôi nhà vườn ở Huế bạn sẽ rất dễ bắt gặp những cây hoa Mộc, Hoa Mai. Đó là loài hoa giản dị mà trang đài, thanh khiết nhưng vẫn ngát hương. Đó là những nguyên liệu quý để luyện hương cho trà. Hoa Sen cũng là những loài hoa có mùi hương đặc biệt và có ý nghĩa. Sen cổ xứ Huế, nhất là Bạch liên được trồng ở Hoàng thành và hồ Tịnh Tâm thực sự có mùi thơm đặc biệt hơn hoa trồng những nơi khác. Từ nguyên liệu là hàng nghìn những đóa bạch liên Hoàng thành, hồ Tịnh Tâm chúng tôi đã tỉ mẫn tách gạo sen (phần túi hương màu trắng nằm trên đài sen) luyện nên món trà có tên Ngọc Khiết hấp dẫn du khách gần xa. Tuỳ vào độ thơm của hoa từng năm mà cân đối lượng hoa vào trà, trung bình cần tầm xấp xỉ gạo của 2000 bông hoa để vào hương cho 1 kg trà (chúng tôi chọn trà xanh Shan tuyết Lũng Phìn – trà Vua Mèo)

Nghệ nhân trà Thanh Nhị thưởng hương gạo sen vừa thu nhặt được

Phóng viên: Món trà độc bản nào của quán mà chị dành nhiều tâm huyết nhất?

Nghệ nhân Trần Thị Thanh Nhị: Theo tôi, mỗi người làm trà tâm huyết thì mỗi loại trà với họ đã là độc bản rồi. Mỗi loại trà tôi đều dành những tâm tư, tha thiết. Tuy nhiên nếu nói, tìm một mùi hương rất riêng của xứ Huế, của Hiên trà Nhị Độ Mai mà chưa có nhà trà nào làm thành tác phẩm đưa vào menu để trà khách thưởng thức thì theo tôi đó chính là trà Sương Mai – trà được lấy cảm hứng và tái hiện lại vẻ đẹp và mùi vị của những giọt sương đọng trên cánh hoa Mai trong buổi sớm mai tinh sương. Để hoàn thiện tác phẩm này chúng tôi mất 3 năm nghiên cứu thử nghiệm và thành phẩm. Với màu sắc vàng tươi nổi bật, với khí lực, cốt cách kiêu hùng vượt qua giá rét mùa đông để báo tin xuân, nên hoa Mai được tôn phong vị thế là Bách hoa khôi -  ví như người đỗ đầu khoa thi, người con trai ưu tú nhất hoặc con gái xinh đẹp nhất vùng. Cùng với Tùng, Trúc, Cúc thì hoa Mai cũng là một trong những biểu tượng cho vẻ đẹp, cốt cách của người quân tử. Cao Bá Quát đã từng cảm thán “Nhất sinh đê thủ bái Mai hoa” (cả cuộc đời chỉ bái lạy trước hoa mai” cũng là vì thế). Ngoài ra, hoa Mai trong sự tiếp nhận mang ý nghĩa tượng trưng cho sự phú quý, giàu sang. Đặc biệt theo sự tìm hiểu của tôi, cây hoa Mai có năng lượng dương khí rất mạnh, tôi tin khi dự án “Mai vàng trước ngõ” của Huế được triển khai thành công, với những cây mai trước nhà mỗi người dân Huế, với những rặng mai trước Đại Nội, trong công viên, những rừng mai phủ khắp đồi núi, rồi triền sông Hương thì nó không chỉ làm đẹp cho cảnh quan môi trường mà còn trợ tạo phong thuỷ, làm tăng năng lượng và sự thịnh vượng cho Huế. Khi thưởng trà Sương Mai bạn sẽ cảm nhận được nhiều cung bậc, thoạt tiên là vị thanh nhã, nhẹ nhàng, trong trẻo như nước sương Mai, thưởng sâu hơn thì hương lại chuyển sang phảng phất chút hương sữa ngậy tròn, hun hút sâu ở tầng hương cuối là mùi trầm ngạt ngào, có thể khiến ta say ngây ngất.  

Công đoạn xử lý hoa mai trước khi thực hiện trà hoa Mai

Công đoạn vào trà cho bông sen của nghệ nhân Thanh Nhị

Công đoạn gói hoa sen đã có trà bên trong bằng lá sen

Thành phẩm là trà sen với nguyên liệu bạch trà

Phóng viên: Chị từng tham gia những hội trà, những cuộc thi nào nổi bật liên quan đến trà? Những trải nghiệm đó giúp chị nhận ra điều gì về trà Việt?

Nghệ nhân Trần Thị Thanh Nhị: Trải nghiệm vào tháng 9/2019, khi tham gia Cuộc thi pha chế trà Việt Nam (Tea Masters Cup Viet Nam 2019 cho tôi thấy tài nguyên trà Việt Nam ta giàu có, quý giá quá, nếu mà thuơng mại được tốt sẽ giúp cho cuộc sống của người dân được nâng lên. Khi tiếp xúc với các giám khảo quốc tế tôi thấy qua trà chúng ta có thể quảng bá và giới thiệu văn hoá rất tốt.

 

Nghệ nhân trà Thanh Nhị hướng dẫn làm trà sen cho các bạn học viên đam mê trà

Phóng viên: Chị có ước mơ gì về trà? 

Nghệ nhân Trần Thị Thanh Nhị: Ước mơ của tôi là góp phần trí lực đưa phong vị trà Huế, trà Việt được lan toả nhiều nơi và đem lại nhiều giá trị tốt đẹp cho cuộc sống.

Nghệ nhân trà Thanh Nhị hướng dẫn cách nâng chén trà một học viên nhỏ tuổi

----------------
Tháng 9/2019, TS. Trần Thị Thanh Nhị tham gia Cuộc thi pha chế trà Việt Nam (Tea Masters Cup Viet Nam 2019) tổ chức ở Hà Giang, cô vượt qua 20 nghệ nhân trong cả nước, giành một giải nhất phần thi “Trà và đồ ăn kèm”, một giải nhì phần thi “Thử nếm trà”. Tiến sĩ Trần Thị Thanh Nhị là một trong ba nghệ nhân của Việt Nam được chọn tham gia cuộc thi pha chế trà thế giới tổ chức tại Trung Quốc.

Xin cảm ơn chị!
 

Khám phá Huế tổng hợp
EMC Đã kết nối EMC