Hãy cùng Khám phá Huế điểm qua những món ăn trứ danh này nhé!
BÚN BÒ HUẾ
Tương truyền Bún Bò Huế ra đời từ thời chúa Nguyễn Hoàng (khoảng thế kỷ thứ 16) trong hành trình vào Nam mở cõi, đã có những người theo chân Chúa vào lập nghiệp, trong số đó có Cô Bún -Người phụ nữ đã sáng tạo ra cách chế biến xay gạo ra để làm thành sợi bún và lấy thịt bò nấu thành nước dùng, làm nên món Bún Bò Huế.
Trong hành trình lập nghiệp, Cô Bún đã chọn làng Vân Cù (nay thuộc xã Hương Toàn, tỉnh Thừa Thiên Huế) để lập nghiệp và truyền nghề lại cho nhân dân trong vùng. Ngày nay, làng Vân Cù là làng nghề truyền thống của tỉnh Thừa Thiên Huế về nghề làm bún tươi nức tiếng của địa phương. Người ta thường ví von "mềm như bún" nhưng cái mền Đông Phương lại là cái dẻo dai bền bỉ để sống còn trên bước đường vạn dặm của nghề làm bún. Dân gian có câu: “Hoành Sơn nhất đái chim về cội - vạn đại dung thân đọi bún bò”- Ý ví von rằng tuy Cô Bún đã không còn nhưng Bún Huế vẫn còn mãi trong lòng nhân dân.
Năm 2014, trong một tập của series phim "Anthony Bourdain: Parts Unknown" sản xuất bởi kênh truyền hình CNN, đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain đã đến Huế và có dịp thưởng thức món bún bò của vùng đất Cố đô. Ông đã nhận xét "Bun bo Hue is the greatest soup in the world” (Tạm dịch: Bún bò Huế là món súp ngon nhất thế giới mà tôi từng thưởng thức).
Lẽ dĩ nhiên, đối với du khách ngày nay đến Huế, Bún Bò Huế là món ăn đầu tiên được giới thiệu để thưởng thức. Năm 2016, Bún bò Huế được Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận là top 100 món ăn đạt giá trị ẩm thực châu Á.
MÈ XỬNG
Mè Xửng là niềm tự hào của người dân Cố đô. Mè Xửng là thức quà, là đặc sản "có một không hai" cho du khách khi rời Huế.
Trải qua hàng bao nhiêu đời, món Mè xửng Huế vẫn được người dân Huế tiếp nối, giữ gìn để tạo ra đặc sản thơm ngon. Loại kẹo này được làm hoàn toàn bằng thủ công và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nguyên liệu chủ yếu của mè xửng là bột gạo, vừng, đường trắng và lạc. Để kẹo mè vừng không bị bẻ đôi thì bột gạo phải là gạo ngon được lựa chọn kỹ càng. Còn vừng thì phải là loại vừng chất lượng để đảm bảo mùi thơm và thanh ngọt mang lại. Với vị ngọt và dẻo dai của đường kết hợp với đậu phộng, mùi thơm của vừng khiến người ăn ăn vào nhớ mãi.
Để thưởng thức kẹo Mè xửng Huế ngon đúng điệu, người Huế thường dùng kẹo với ly trà nóng vào buổi sáng, trưa hoặc chiều. Sự tinh tế trong thưởng thức Mè Xửng, cũng là thú vui tao nhã của bao người, chính là sự chậm rãi, kiên nhẫn, không thể nôn nóng, không hề vội vã… mới có thể ngấm hết vị ngọt, vị thanh, vị dẻo của miếng kẹo nhỏ nhưng nổi tiếng muôn đời - Mè Xửng.
Từ một nghề thủ công truyền thống, ngày nay, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng không chỉ trong nước mà cả quốc tế, kẹo Mè Xửng Huế hiện đã được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, từ công đoạn nấu bằng hệ thống nồi hơi, đến hệ thống băng tải làm nguội, cán, cắt, đóng gói..., nâng công suất sản xuất lên khoảng 1.000 tấn sản phẩm/năm.
Năm 2013, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận Kẹo Mè Xửng Huế nằm trong TOP 50 đặc sản quà tặng Việt Nam.
TÔM CHUA HUẾ
Cũng giống như Mè Xửng, Tôm chua cũng là một đặc sản quà tặng độc đáo của xứ Huế. Trong ẩm thực Huế, tôm chua là món ăn bình dân nhưng lạ thay, đây là món ngon rất được ưa chuộng và phù hợp với mọi không gian, từ nhà hàng, khách sạn sang trọng cho đến những bữa ăn thường nhật của người Huế.
Tôm chua mang đủ sự tinh tế của người Huế trong cách chế biến. Tôm chua là sự tổng hòa của sắc màu trắng của xôi, măng, riềng tỏi, màu đỏ của tôm, ớt... và đủ các vị: ngọt, béo, bùi, cay, chua, đắng... Đó còn là sự tổng hòa của âm và dương, cái mát lành của tôm hòa trong cái cay nồng của gia vị, tất cả thật hài hòa và quyến rũ. Cảm giác ngon miệng, nếm thử một miếng thôi sẽ thấy vị chua ngọt dịu của tôm lan tỏa cùng với sự cay nồng của ớt riêng tỏi, ăn cùng với cơm nóng, kèm theo nhiều loại rau sống, chuối chát, khế chua, rau thơm tạo nên một "bản hợp xướng" khó diễn tả hết thành lời để kích thích vị giác của người thưởng thức.
CHÈ HUẾ
Huế không phải là địa phương duy nhất có chè, nhưng lại là nơi có nhiều món chè nhất khó nơi nào bì kịp.
Khó có thể kể hết được xứ Huế có bao nhiêu loại chè, bởi không chỉ 20 món chè thường bày bán trên đường phố Huế, nơi đây còn có những món chè đặc biệt ngay từ tên gọi: chè long nhãn, chè kê, chè bột lọc bọc heo quay, chè lục tàu xá...
Theo các nhà nghiên cứu Huế thì chè Huế là món ăn có từ lâu đời trên vùng đất Phú Xuân, là sự kết hợp hài hoà giữa nghệ thuật chế biến Chăm Pa và món ăn truyền thống Việt để tạo nên một trong ngũ vị đặc trưng (mặn - ngọt - chua - cay - đắng) của ẩm thực Huế.
Chính vì thế trong cung nội, chè là món tráng miệng không thể thiếu trong các bữa ngự thiện của các vua triều Nguyễn (1802-1945), còn ngoài dân gian thì chè không chỉ là món ăn được ưa thích hàng ngày của người già, trẻ nhỏ, mà còn là món được dùng để cúng tế nhân các ngày lễ, tết, mồng một, ngày rằm như món quà dân dã ngọt ngào dâng lên tiền nhân.
BÁNH BÈO - NẬM - LỌC
Không biết từ bao giờ, bánh Bèo, bánh Nậm, bánh Lọc - 3 loại bánh ngon của xứ Huế đã song hành cùng nhau như một tên gọi, như thể chưa ăn đủ 3 món này là xem như... chưa đủ vị. Ở Huế, có một làng nghề truyền thống về bánh Bèo - Nậm - Lọc: Làng Đức Bưu (phường Hương Sơ, thành phố Huế). Nghề làm bánh Bèo - Nậm - Lọc được ghi nhận xuất hiện từ những năm đầu thế kỷ 19, và cùng với sự phát triển của làng cũng như sự hấp dẫn của món bánh mà bánh Bèo - Nậm - Lọc đã trở nên phổ biến và dần trở thành đặc sản Huế.
Ngày nay, khi đến với "thiên đường ẩm thực Huế", Bánh Bèo - Nậm - Lọc đã trở thành thực đơn bất thành văn của bất cứ du khách nào lỡ nặng lòng với mảnh đất và con người Cố đô.
CƠM HẾN
Theo người xưa kể lại, cách đây hơn 200 năm, có gia đình của người đàn bà họ Huỳnh vì quá nghèo nên phải ngày đêm đi bắt cá, bắt tôm, bắt hến. Một ngày tình cờ khi không bắt được cá tôm, hai vợ chồng của người đàn bà này phải ăn cơm nguội để qua một đêm với hến. Khẩu vị của thức ăn này đặc biệt đến nỗi từ hôm đấy nó đã phổ biến ra khắp cồn Huế, đặc biệt là những người nghèo tại đây.
Một thời gian sau, hến được bán ở các vùng chợ của kinh đô Huế và trở thành một món ăn dân dã rộng rãi ở mọi tầng lớp. Dưới thời vua Thái Thành, bà Nguyễn Thị Thép đã cào hến để tiến vua tại cồn Hến. Vua ăn và thấy đây là một món ăn cực kì độc đáo, hợp vị nên đã phong hiệu và lập ra phường Hến. Từ đó mà món ăn này trở thành món tiến vua, nằm trong danh sách các món ăn cung đình và thường được ăn vào các dịp đặc biệt.
Và cho đến ngày nay, cơm hến trở thành một món ăn "quốc dân" không chỉ có ở Huế mà còn nhiều tỉnh thành trên đất nước. Nhưng công thức và hương vị của nó chỉ đặc biệt ở mỗi Huế, nó trở thành món ăn đặc sản mà người du lịch hay đi đâu có dịp ghé Huế phải ăn một bát cơm thì mới gọi là đã đến Huế.
Trong hành trình tìm kiếm, quảng bá đặc sản và ẩm thực Việt Nam lần thứ I - năm 2012, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập 11 đặc sản của tỉnh Thừa Thiên Huế vào Top các đặc sản nổi tiếng của Việt Nam, và Cơm Hến là một trong số đó.
Lúc sinh thời, nhà văn Nguyễn Tuân từng nhận xét: "Có cái vẻ như là người sông Hương non Ngự thì ăn bằng mắt nhiều hơn bằng miệng. Những cái đĩa nho nhỏ, những cái chén xinh xinh, trên đó sắc màu của những miếng chín hài hòa giữa một bức tranh tĩnh vật ngon lành”. Từ trong gian khó, mỗi món ăn đối với người Huế đã có sự tinh tế, chắt chiu, hài hòa và nghệ thuật, bởi lẽ đó mà mặc dù trải qua bao biến thiên của thời cuộc, ẩm thực Huế mãi vẫn trường tồn, không hề mai một.