Sáng 19/6, tại Khách sạn Saigon Morin – Tp. Huế, Cuộc họp “Chia sẻ kinh nghiệm mô hình trường học giảm thiểu rác thải nhựa” do WWF-Việt Nam phối hợp với UBND thành phố Huế tổ chức, đã diễn ra với sự tham dự của hơn 150 đại biểu. Sự kiện là hoạt động trọng điểm nằm trong khuôn khổ Dự án “Huế – Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam năm 2025” (TVA), với sự tài trợ từ WWF-Na Uy. Hội nghị có sự hiện diện của lãnh đạo Sở Nông nghiệp & Môi trường, Giáo dục & Đào tạo, các phòng giáo dục quận huyện, hiệu trưởng và giáo viên từ nhiều trường tiểu học và THCS, cùng các tổ chức chuyên môn và doanh nghiệp đồng hành như HEPCO, Công ty Môi trường Á Châu…
Phát biểu khai mạc cuộc họp, ông Huỳnh Trường Ngọ – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Huế ghi nhận những kết quả tích cực mà mô hình “Trường học giảm nhựa” đã đạt được trong thời gian qua. Ông nhấn mạnh: “Giáo dục là nền tảng để hình thành thói quen sống xanh. Việc đưa giảm nhựa vào môi trường học đường không chỉ là giải pháp ngắn hạn, mà cần được duy trì và nhân rộng như một chiến lược dài hạn, hướng tới phát triển bền vững.”
.JPG?ver=2025-06-19-150915-343)
Ông Huỳnh Trường Ngọ – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Tp. Huế – phát biểu chỉ đạo tại chương trình.
.JPG?ver=2025-06-19-150915-343)
Không khí hội nghị với sự hiện diện của đại diện các trường học và cơ quan quản lý
TVA – Dấu ấn Xanh lan tỏa trong giáo dục
Sau ba năm triển khai, mô hình "Trường học giảm nhựa" đã thu hút 180 trường tham gia với hơn 54.000 học sinh, trong đó có 83 trường được chọn làm mô hình điểm. Tổng cộng đã thu gom gần 30 tấn phế liệu, trong đó có hơn 5,5 tấn nhựa; gớp phần giáo dục nhận thức và thay đổi hành vi về rác thải nhựa. Tính đến giữa năm 2025, TVA đã hỗ trợ lắp đặt 117 "Ngôi nhà xanh" tại trường học, giúc giảm thiểu hơn 660 kg nhựa dùng một lần mỗi tháng. Hơn 6.200 học sinh được hưởng lợi từ phương pháp "Giáo dục hành động", với 54 bài giảng mẫu, 161 bài giáo án điện tử, hơn 600 tiết học lồng ghép chủ đề môi trường.
Riêng trong năm 2025, mô hình tiếp tục được mở rộng ra các huyện, thị xã vệ tinh gồm Phú Vang, Quảng Điền và thị xã Hương Thủy, với sự tham gia của 90 trường với 31 trường học làm mô hình điểm và hơn 16.000 học sinh tham gia. Chỉ trong 5 tháng đầu năm, hơn 120 hoạt động giảm nhựa đã được tổ chức, bao gồm hội thảo, tập huấn, các tiết học mẫu, hoạt động truyền thông, kiểm toán rác và 31 ngày hội sống xanh, thu hút đông đảo học sinh và giáo viên hưởng ứng. Ngoài ra, các hoạt động sáng tạo như thi vẽ tranh, cuộc thi phân loại rác đúng cách, và hoạt động đổi rác lấy quà cũng góp phần đưa giáo dục môi trường trở thành một phần thiết thực trong đời sống học đường tại các trường học ở Huế.
.JPG?ver=2025-06-19-150915-703)
Bà Lê Thị Mỹ Thuyên – chuyên gia tư vấn Dự án TVA – đã trình bày tổng quan về việc triển khai mô hình trường học giảm nhựa tại ba địa phương Hương Thủy, Phú Vang và Quảng Điền, đặc biệt nhấn mạnh các chỉ số thay đổi hành vi học sinh sau khi áp dụng lồng ghép giáo dục môi trường.
“Trường học giảm nhựa” – Hành động thật, tác động lớn
Cuộc họp: “Chia sẻ kinh nghiệm mô hình trường học giảm thiểu rác thải nhựa” không chỉ là diễn đàn tổng kết, sự kiện còn là nơi kết nối và lan tỏa những sáng kiến hiệu quả với tinh thần “Học hỏi – Cải tiến – Nhân rộng”. Tại đây, nhiều mô hình, bài học thực tiễn đã được chia sẻ. Trường Tiểu học số 1 Quảng Phú (huyện Quảng Điền) cũng ghi dấu ấn với mô hình phân loại và quản lý chất thải rắn theo nguyên tắc 4R (Reduce – Reuse – Recycle – Refuse), được đánh giá cao về tính thực tiễn và khả năng nhân rộng. Trường Tiểu học Thủy Phù gây ấn tượng với phương pháp Giáo dục hành động, kết hợp trò chơi và sân khấu hóa nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông trong lớp học. Tại Trường THCS Vinh Hà (huyện Phú Vang), sáng kiến “Tháng nói không với nhựa” được chính học sinh và giáo viên chủ động triển khai như một hoạt động tự phát, cho thấy sự lan tỏa mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động.
.JPG?ver=2025-06-19-150915-767)
.JPG?ver=2025-06-19-151239-010)

Đại diện các trường trình bày sáng kiến mô hình giảm nhựa tại địa phương
“Trường học giảm nhựa” - Hành trình tiếp nối từ tâm huyết đến hành động
Một nội dung nổi bật là phần thảo luận chuyên đề về “Chiến lược duy trì mô hình trường học giảm nhựa sau dự án” do thầy Phan Văn Hải – Chuyên gia tư vấn Dự án chủ trì. Ông đề xuất ba giải pháp trọng tâm: (1) Xây dựng tài liệu nội bộ “Hướng dẫn kỹ thuật giảm nhựa”; (2) Phân bổ kinh phí duy trì truyền thông và thiết bị; (3) Hình thành “Mạng lưới giáo viên môi trường” để kết nối, chia sẻ kinh nghiệm giữa các trường.
.JPG?ver=2025-06-19-151351-307)
Thầy Phan Văn Hải chủ trì thảo luận chuyên đề:“Chiến lược duy trì mô hình trường học giảm nhựa sau dự án”
Bên cạnh những đề xuất từ phía chuyên gia, phiên thảo luận còn ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp thiết thực từ các trường đã triển khai mô hình trong những năm trước. Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm thực tế khi lồng ghép giáo dục môi trường vào chương trình học, đồng thời nêu rõ các khó khăn hiện tại như thiếu kinh phí duy trì hoặc cần thêm hỗ trợ chuyên môn. Từ đó, các trường cũng đề xuất định hướng cho tương lai, bao gồm việc mở rộng hợp tác với phụ huynh, doanh nghiệp địa phương và tăng cường vai trò của học sinh trong việc vận hành mô hình tại trường. Những ý kiến mang tính xây dựng này không chỉ giúp hoàn thiện chiến lược duy trì mô hình sau dự án mà còn thể hiện rõ sự đồng hành và chủ động của các cơ sở giáo dục trong vai trò là mắt xích quan trọng của đô thị giảm nhựa.
.JPG?ver=2025-06-19-151351-150)
.JPG?ver=2025-06-19-151351-010)
Đại diện các trường thảo luận kế hoạch duy trì mô hình sau dự án
Phong trào giảm nhựa học đường tại Huế - Khép lại một chặng đường, mở ra cam kết mới
Sau ba năm triển khai, mô hình “Trường học giảm nhựa” không chỉ dừng lại ở việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật, mà đã thực sự lan tỏa thành nếp sống xanh trong môi trường học đường. Từ hoạt động phân loại rác, đổi rác lấy quà, thi vẽ tranh đến những tiết học tích hợp chủ đề môi trường… phong trào đã bén rễ trong nhận thức và hành vi của học sinh, giáo viên, phụ huynh – góp phần tạo nên những thay đổi bền vững từ chính bên trong nhà trường. Tinh thần đó được khẳng định tại lễ tổng kết và kết nối mô hình ngày 19/6/2025, khi Dự án TVA vinh danh 44 trường học tiêu biểu thuộc ba địa phương: Phú Vang, Quảng Điền và thị xã Hương Thủy. Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Dự án khuyến nghị các trường tiếp tục duy trì tuyên truyền giảm nhựa, khen thưởng học sinh có sáng kiến tích cực và chủ động huy động nguồn lực để hướng tới xây dựng trường học không rác thải nhựa.
Phát biểu tổng kết chương trình, bà Hoàng Ngọc Tường Vân – Quản lý Dự án “Huế – Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam”/WWF-Việt Nam – nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng, mỗi hành động nhỏ – từ việc phân loại rác, sử dụng đồ dùng cá nhân đến lan tỏa thông điệp sống xanh – đều góp phần tạo nên một thế hệ công dân có trách nhiệm với môi trường. Mong rằng mô hình sẽ tiếp tục được nhân rộng vì một Huế xanh – sạch – sáng.”
.JPG?ver=2025-06-19-151351-603)
Bà Hoàng Ngọc Tường Vân – Quản lý Dự án “Huế – Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam”/WWF-Việt Nam – phát biểu tại lễ tổng kết, nhấn mạnh vai trò của giáo dục trong hình thành thói quen sống xanh bền vững.
.JPG?ver=2025-06-19-151713-350)
.JPG?ver=2025-06-19-151713-350)
.JPG?ver=2025-06-19-151713-337)
.JPG?ver=2025-06-19-151713-193)
.JPG?ver=2025-06-19-151712-977)
.JPG?ver=2025-06-19-151712-990)
Đại diện các trường tiểu học và THCS tiêu biểu tại huyện Phú Vang, Quảng Điền và thị xã Hương Thủy nhận giấy khen vì thành tích xuất sắc trong triển khai mô hình “Trường học giảm nhựa”.