menu_open

Nhãn lồng Huế

Danh mục Điểm mua sắm

Chi tiết sản phẩm

Danh mục:
Điểm mua sắm
Doanh nghiệp:
Chứng nhận chất lượng sản phẩm:

Mô tả sản phẩm

Nhãn Huế chỉ cho quả khi cây đủ độ già, nên tích tụ vào trái cây những hương vị đặc biệt. Ở Huế, nhãn không chỉ trồng rải rác trong vườn dân, đường phố, đường làng mà còn trồng ở các khu di tích thuộc quần thể di tích cố đô Huế.

Không giống như những loại nhãn khác, nhãn Huế quả nhỏ, ngọt nhưng không hắc; cùi dày vừa phải, ráo nước, không quá giòn mà cũng chẳng quá dai. Ở Huế nhãn ngon có tiếng là nhãn ở vùng đất Kim Long, ở bên Thành Nội.

Nhà văn Trần Kiêm Đoàn từng ví von: "Tình cảm gái Huế như trái nhãn lồng Đại Nội. Trái nhãn nội phủ tự nó vốn đã trơn tru, dày cơm, mọng nước rồi. Chỉ cần cắn vào trái nhãn căng tròn sức sống thiên nhiên cũng đủ ngọt ngào, sóng sánh cả môi, răng. Vậy mà người Huế cũng phải đem mo cau hay giỏ tre để lồng lại; để bó những trái nhãn trầm mình trong khuôn khổ. Những trái nhãn lồng là hiện thân của những người con gái Huế. Phải biết lồng trái tim giữa mùa ươm trái dậy thì. Mơ mộng, lãng mạn, đam mê, vương vấn, dậy sóng tới đâu... thì cũng phải "lồng" mới chín mọng, mới ngọt ngào, thơm tho, danh giá được."

Đến Huế vào mùa nhãn, cứ ra chợ là đâu đâu cũng thấy bày bán, có loại rất nhỏ là nhãn thường, nhãn to hơn thì gọi là nhãn lồng, loại nào cũng đều ngon cả. 

Thật may mắn cho ai khi đến Huế, được thưởng thức một chén chè sen long nhãn - món chè nổi danh thiên hạ của Huế, như là kết tinh của hai sản vật tiêu biểu đất Cố đô: nhãn lồng và hạt sen Huế. 

Cách làm chè hạt sen long nhãn không có nhưng đòi hỏi sự cầu kỳ, tỉ mỉ và tinh tế - những nét đẹp của người phụ nữ Huế. Sen tươi sau khi bỏ tim hấp với chút đường phèn khoảng 15 – 20 phút; Nhãn bóc vỏ, khéo léo dùng dao nhỏ, có đầu nhọn “đẩy” hạt ra ngoài, giữ cho cùi nhãn còn vẹn nguyên. Đây chính là công đoạn khó nhất, đòi hỏi ở người làm sự cẩn trọng, đam mê đến từng chi tiết. Nếu lấy hạt không khéo sẽ làm cùi nhãn rách, như thế thì chẳng thể nào có được sự tròn trịa để mà ôm ấp sen vào lòng. Tiếp đến lấy sen “lồng” vào nhãn; màu trắng ngà thay cho màu đen tuyền; cái mềm mại thay cho hạt cứng cáp. Sen e ấp trong lòng nhãn tựa như vẻ đẹp thanh thoát dịu dàng của thiếu nữ nơi đây.

Sau cùng, đổ nước vào đun, khi sôi cho đường phèn vào. Đun lửa nhỏ đợi khi đường tan thì nhấc bếp xuống, để nguội. Khi nước đường phèn đã nguội múc nước đường đổ vào sắp chén nhỏ xinh đựng sẵn dăm quả nhãn bọc hạt sen ( nếu cho vào lúc nước còn nóng sẽ làm nhãn không giòn mà dai). Nếu muốn dùng lạnh thì đem cất vào tủ lạnh vài giờ sau đem ra dùng.

Thử một chút nước cảm ngay vị ngọt thanh thanh của đường phèn. Nếm một quả nhãn bọc hạt sen thấy ngay vị ngọt giòn của nhãn, vị thanh mát của sen. Ngọt nơi đầu lưỡi, mát tận tâm can, lúc đó ta không chỉ “thấm” chè sen bọc nhãn lồng xứ Huế mà còn “ngấm” cả chất Huế, “hồn” Huế.

Liên hệ mua hàng

Ở xứ sở thiên nhiên, văn vật hữu tình như Huế, hầu như cái gì cũng có, cây gì cũng có. Nhãn Huế cũng là một trong số những sản vật theo mùa mà du khách khi tới Huế không nên bỏ qua vào độ tháng 7, tháng 8.