Hạnh phúc vỡ òa
Nguyễn T. V. đang học lớp 5. Gia đình chị Hoàng Ngọc T. Th. có hành trình hơn 5 năm cùng con đi khắp nơi, đến nhiều bệnh viện để thăm khám, tìm bệnh và chữa bệnh cho con. T. V. bị rối loạn phổ tự kỷ, nói ngọng và nói lắp. Rối loạn ngôn ngữ của cháu nặng đến mức những lời cháu nói ra không thể hiểu được. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán thắng lưỡi V. ngắn, ảnh hưởng đến phát âm. Cháu được phẫu thuật cắt thắng lưỡi nhưng vẫn không cải thiện.
Qua bạn bè giới thiệu, hè năm 2024, chị Hoàng Ngọc T. Th. đưa con đến bệnh viện điều trị âm ngữ. Ban đầu T. V. kiên quyết không điều trị. Mỗi lần đến bệnh viện, cháu “vùng vằng” khó chịu đòi về. Nhờ kiên trì thuyết phục, công sức của người mẹ cũng có kết quả T. V. cũng đồng ý hợp tác trị liệu cùng các bác sĩ.
Bị rối loạn phổ tự kỷ, T. V. gặp khó khăn với quy tắc học ẩn và hiểu nghĩa bóng, cũng như rập khuôn. Dựa trên rối loạn của cháu, các bác sĩ sử dụng phương pháp sửa lỗi cấu âm truyền thống cho can thiệp rối loạn âm lời nói và phương pháp lời nói kéo dài cho nói lắp. Ngoài ra, cháu được can thiệp để cải thiện giao tiếp xã hội, thuyết tâm trí, sử dụng hỗ trợ trực quan và câu chuyện xã hội. Khi can thiệp dựa vào các phương pháp lấy cháu và gia đình làm trung tâm; phát triển các điểm mạnh của cháu và gia đình được hướng dẫn hỗ trợ song song.
Các cháu nhỏ được thăm khám và kiểm tra về rối loạn ngôn ngữ
Sau 3 tháng tham gia điều trị âm ngữ, Nguyễn T. V. có sự thay đổi ngoạn mục, khi phục hồi đến 80 – 90% khả năng nói. Bước vào năm học mới, cháu tự tin giao tiếp, tham gia vào tất cả các hoạt động trường lớp. Cháu đã có thể đứng trước lớp để thuyết trình. Hạnh phúc của người mẹ không đâu xa, là khi con có thể tham gia các hoạt động vui chơi, học tập như bao bạn bè khác.
Tương tự, hơn 2 tuổi mà cháu Trần B. K. chưa thể bập bẹ được những tiếng gọi ba, mẹ đầu đời. Từ nói được duy nhất của cháu là “e” (xe) chưa tròn vành. Thấy con mình phát triển không bình thường, chị Võ Trần H. M. đưa con đi khám bác sĩ dù gặp phải phản ứng của chồng và gia đình.
Trì hoãn nhiều lần, nhưng với linh cảm của người mẹ, chị H. M. quyết định giấu người nhà đưa con đi kiểm tra. Kết quả chẩn đoán cháu bị rối loạn ngôn ngữ. Chị tạm gác tất cả, dành toàn bộ thời gian chăm sóc con. Vừa điều trị tại bệnh viện, vừa đồng hành cùng con ở nhà. Thời gian cứ thế trôi, trong bao nỗi kỳ vọng con sẽ nói được. Rồi một ngày đầu thu, khi tiết trời chuyển sang dịu mát, tiếng bập bẹ “mẹ” đầu tiên của con phát ra. Những giọt nước mắt hạnh phúc cứ thế rơi xuống, người mẹ vỡ òa niềm hạnh phúc vô bờ.
Tương lai mới
Cháu Nguyễn Trần M. Ng. (3 tuổi) bị rối loạn phổ tự kỷ. Thường ngày, cháu tránh giao tiếp với mọi người, hay nổi nóng và mất kiểm soát. Sau 3 tháng được can thiệp phương pháp trị liệu dành cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ, cháu đã tham gia vui chơi và đặc biệt là nói được, tương tác với ba mẹ bằng ngôn ngữ. Cháu đã biết nói “ẹ” (mẹ), “ó” (chó), “ữa” (sữa), “i” (đi)… Dù chưa rõ chữ, nhưng đó là niềm hạnh phúc quá lớn với người thân trong gia đình cháu. “Trước đây, cháu không hề giao tiếp bằng mắt, nay cần gì cháu sẽ quay sang và dùng ánh mắt trìu mến của con trẻ truyền tải thông tin mà mình muốn. Thấy được ánh mắt của con nhìn mình, kết hợp với những từ bập bẹ, cảm xúc lâng lâng hạnh phúc thật khó tả vô cùng”, mẹ cháu M. Ng. xúc động.
Chị Hoàng Ngọc T. Th. kể lại, trước đây, có những cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh, cháu rất hứng thú tham gia và tự làm tất cả, nhưng vì không thể nói bình thường nên phải tìm một bạn khác cùng vào nhóm để thuyết trình bài thi. Hay khả năng tiếng Anh của cháu rất tốt, khi kiểm tra chất lượng để bồi dưỡng, cháu đạt điểm cao nhất. Cũng do nói không bình thường nên cháu không thể tham gia vì trong cuộc thi có phần thi nói. “Chắc chắn rồi, khi đã nói rõ hơn, cháu sẽ làm được tất cả, tham gia các cuộc thi mà cháu muốn và tin tưởng một điều rằng tương lai mới sẽ mở ra với con trong thời gian đến”, chị Hoàng Ngọc T. Th. nói.
Y, bác sĩ và ba mẹ đồng hành tham gia trị liệu về ngôn ngữ cho trẻ
Theo Bệnh viện Trường đại học Y - Dược Huế, ĐH Huế: Tỷ lệ rối loạn tự kỷ ở trẻ ngày càng tăng lên. Trước đây, trong 100 trẻ có 1 trẻ bị tự kỷ, hiện nay trong 36 trẻ có 1 trẻ bị. Những cháu bị rối loạn ngôn ngữ nằm trong nhóm rối loạn phát triển. Ngoài rối loạn ngôn ngữ, thì còn có rối loạn phổ tự kỷ, giảm thính lực, thị lực, bại não, rối loạn âm lời nói, nói lắp… Các trẻ đến thăm khám, can thiệp có rất nhiều biểu hiện khác nhau, như ngại giao tiếp, không nói được, nói lắp, một số bạn nói bị ngọng, hay giọng khàn, giọng hơi, giọng yếu…
ThS. BS. Đặng Thị Thu Hằng, đơn vị Âm ngữ trị liệu, Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Trường đại học Y - Dược Huế cho biết, phát triển bình thường thì các cháu 1 tuổi sẽ nói được từ đơn đầu tiên. Đến hai tuổi các cháu nói được 2 từ trở lên, đến 3 tuổi nói được câu dài và có thể kể chuyện. Nếu thấy các con có những biểu hiện không bình thường, ba mẹ cần theo dõi và đưa đi kiểm tra. Ở rối loạn ngôn ngữ, lúc 1 tuổi đã có thể phát hiện, biểu hiện là các cháu chưa thể bập bẹ nói. Lúc này, nên cho các cháu kiểm tra để xác định nguyên nhân. Với các cháu bị rối loạn ngôn ngữ, càng can thiệp sớm chừng nào sẽ tăng hiệu quả điều trị chừng đó. Quá trình trị liệu, sự đồng hành của gia đình đóng vai trò quan trọng, như trường hợp của cháu Nguyễn T. V., mẹ rất quan tâm, sát sao luôn là bạn đồng hành cùng cháu.
ThS.BS. Hà Chân Nhân, Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Trường đại học Y - Dược Huế cho biết, Bệnh viện bắt đầu khám và trị liệu ngôn ngữ từ năm 2016 khi được dự án KOICA - Hàn Quốc tài trợ. Trung bình mỗi năm, có khoảng 400 trẻ đến khám và 60 – 70 trẻ được can thiệp trị liệu. Thời gian trị liệu đối với mỗi trẻ là 3 - 6 tháng.