Đứng trên vai những "gã khổng lồ"
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp được xem là quá trình thay đổi về tư duy, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số vào cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng doanh thu và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Chung quy, mục tiêu chuyển đổi số chính là giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả và năng suất; cải thiện trải nghiệm khách hàng; mở rộng thị trường và tăng doanh thu; tối ưu hóa quy trình quản lý; thúc đẩy đổi mới và sáng tạo…
Nói như vậy, chuyển đổi số doanh nghiệp sẽ không giới hạn trong tiếp cận về công nghệ mà còn thay đổi cả một tổ chức vận hành, giao tiếp và tương tác với khách hàng, phá vỡ cách thức hoạt động truyền thống. Để làm được điều này đòi hỏi doanh nghiệp không ngừng cải tiến và đổi mới, bắt kịp với sự phát triển của công nghệ và thị trường.
Tại buổi khởi động chương trình hỗ trợ chuyển đổi số 100 ngày cho 100 doanh nghiệp cách đây 2 năm, trong các trao đổi của mình, nhiều doanh nghiệp vẫn còn đặt câu hỏi: “Doanh nghiệp chúng tôi phải bắt đầu chuyển đổi số từ đâu?”. Điều này cho thấy, doanh nghiệp vẫn khá mù mờ trong hành trình chuyển đổi số của doanh nghiệp mình. Và lẽ dĩ nhiên, các chuyên gia đều đưa ra câu trả lời là “Bắt đầu từ tư duy người đứng đầu doanh nghiệp”, bởi không hề có một mô típ chuẩn nào trong chuyển đổi số của doanh nghiệp. Chỉ khi, chủ doanh nghiệp nhận thức và định hướng rõ ràng tầm quan trọng; đánh giá được tình hình hiện tại của doanh nghiệp, mong muốn cũng như định hướng phát triển doanh nghiệp trong tương lai mới có những đáp án cho chính doanh nghiệp đó. Ngoài ra, chuyển đổi số thành công hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào chi phí mà doanh nghiệp sẵn sàng chi ra, khả năng tiếp cận của đội ngũ nhân sự…
Tại phiên thảo luận chuyên đề “Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp” mới đây, ông Nguyễn Đình Nam, chuyên gia marketing trực tuyến chia sẻ rằng, hiện nay có rất nhiều mô hình chuyển đổi số để doanh nghiệp lựa chọn. Song thay vì loay hoay và bế tắc tìm cho mình một lối đi riêng, nghiên cứu để tạo ra những giải pháp mới, doanh nghiệp có thể tận dụng các nền tảng công nghệ sẵn có mà các công ty lớn đã tạo ra hoặc đặt hàng thiết kế công nghệ riêng. Bằng cách đứng trên vai những gã khổng lồ công nghệ này, các doanh nghiệp có thể tận dụng những lợi ích và hiệu quả đã được kiểm chứng trong quá trình chuyển đổi số của mình.
Công nghệ được xem là mấu chốt trong chuyển đổi số
Đi sau nhưng về trước
Thực tế, câu chuyện đứng trên vai người khổng lồ công nghệ có tầm quốc tế như: Google, Amazon, Microsoft hay các doanh nghiệp công nghệ trong nước như BKAV; Salemall… không còn mới. Hiệu quả kinh doanh mang lại trong quá trình chuyển đổi số này thực tế cũng đã được chứng minh.
Có thể lấy câu chuyện tiếp cận kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử làm ví dụ. Thay vì, doanh nghiệp loay hoay xây dựng các trang web bán hàng, bán hàng trực tiếp tiêu tốn chi phí nhân sự, mặt bằng, chi phí cho việc quản lý bán hàng… Thì hiện nay, nhiều doanh nghiệp công nghệ đã nghiên cứu và phát triển vận dụng các nền tảng công nghệ tiên tiến như: điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo... để thiết kế nên những phần mềm bán hàng, chốt đơn, chăm sóc khách hàng hoàn toàn tự động. Chưa nói, các doanh nghiệp này cũng đã xây dựng nên những nền tảng bán hàng đa kênh mang lại doanh thu lớn cho doanh nghiệp.
Mô hình hệ sinh thái bán hàng 4.0 dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Công ty CP Salemall chẳng hạn.
Ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc điều hành Công ty CP Salemall chia sẻ rằng, hiện Salemall đang phát triển nhiều giải pháp xây dựng hệ sinh thái bán hàng 4.0 cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với việc thiết lập hệ sinh thái này, doanh nghiệp có thể ứng dụng giải pháp ALL-IN-ONE để quản lý mọi khía cạnh của hoạt động kinh doanh trực tuyến. Ngoài cung cấp các công cụ và tính năng để quản lý toàn bộ quy trình bán hàng, từ việc tạo và quản lý sản phẩm, đơn hàng, kho hàng, đến việc xử lý thanh toán và giao hàng, giải pháp này còn hỗ trợ quản lý bán hàng trên nhiều kênh khác nhau như: website, cửa hàng trực tuyến, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và các ứng dụng di động.
Ngoài ra, ALL-IN-ONE cung cấp tính năng tiếp thị liên kết, cho phép doanh nghiệp tạo ra chương trình thưởng và khuyến mãi để khách hàng cũ và đối tác giới thiệu khách hàng mới. Tích hợp giao - vận và thanh toán trực tuyến cho phép khách hàng dễ dàng lựa chọn và thanh toán sản phẩm một cách thuận tiện. Bằng việc tận dụng giải pháp này, doanh nghiệp sẽ tăng tính cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh doanh và tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.
Không riêng gì Salemall, hiện trên thị trường công nghệ có rất nhiều giải pháp mà doanh nghiệp có thể tận dụng để phát triển. Lợi thế ưu việt mà các giải pháp này mang lại chính là đã được kiểm chứng, tối ưu hóa và có khả năng tương thích cao. Bằng cách sử dụng những nền tảng này, doanh nghiệp có thể dễ dàng tích hợp các ứng dụng và dịch vụ mới, mở rộng quy mô hoạt động và thích ứng nhanh chóng với các thay đổi trong môi trường kinh doanh.
Việc đứng trên vai những gã khổng lồ công nghệ giúp doanh nghiệp tiếp cận với một hệ sinh thái đa dạng và mở rộng, từ đó khai thác các dịch vụ và công nghệ phù hợp với nhu cầu của mình. Đồng thời bằng cách này, doanh nghiệp có thể giảm thiểu rủi ro tài chính và tiết kiệm chi phí phát triển, giúp tập trung tài nguyên vào việc tạo ra giá trị và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Nói như ông Nam, khi thế giới ngày càng trở nên “phẳng” hơn, người đi sau có lợi thế tiến nhanh hơn nếu biết tiếp thu và ứng dụng thành công nguồn tài nguyên khổng lồ về khoa học, công nghệ, tài chính. Tuy nhiên chọn điều gì, từ đâu, bằng cách nào để thành công lại tùy thuộc hoàn toàn vào mức độ khôn ngoan, sự lựa chọn của mỗi doanh nghiệp. Nói cách khác, doanh nghiệp phải biết lựa chọn hướng đi hợp lý, sáng tạo để có thể đứng được trên vai những "người khổng lồ".