Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm
Xác định CĐS là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa thiết thực đối với người dân, doanh nghiệp, ngay từ khi bắt đầu triển khai Đề án 06 về "Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia, giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06), Sở Tư pháp đã quan tâm, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, kịp thời các nhóm nhiệm vụ theo yêu cầu Ban Chỉ đạo Đề án 06 của tỉnh và Bộ Tư pháp.
Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Văn Hưng chia sẻ: Sở đã ban hành nhiều văn bản đề nghị UBND, Phòng Tư pháp cấp huyện tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đẩy mạnh tuyên truyền về công tác CĐS. Trọng tâm là triển khai thủ tục hành chính (TTHC) thuộc danh mục TTHC thiết yếu gồm: Đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn và cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP)… Để đảm bảo mọi thông tin được cập nhật chính xác, kịp thời, các phòng chuyên môn của Sở tích cực hướng dẫn cấp xã phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức tập huấn, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Hiện nay, đối với việc cấp phiếu LLTP, ngành tư pháp tỉnh đang tiếp nhận theo 3 hình thức gồm: Nộp hồ sơ qua bưu điện, qua Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng dịch vụ công tỉnh. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, đơn vị đang đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân khi có nhu cầu về việc cấp phiếu LLTP sẽ nộp hồ sơ trực tuyến, nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và tăng tính công khai, minh bạch về TTHC.
Cùng với đó, Sở Tư pháp quan tâm thực hiện đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, tích cực ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước như: Phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng quản lý hoạt động công chứng của các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh; phần mềm hệ thống quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý; phần mềm LLTP do Bộ Tư pháp cung cấp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06, ngành tư pháp phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin - Truyền thông hoàn thành tích hợp giữa Cổng dịch vụ công quốc gia/Hệ thống dịch vụ công của tỉnh với Hệ thống Quản lý hộ tịch điện tử, Hệ thống thông tin Lý lịch tư pháp đối với 6/6 TTHC thiết yếu theo yêu cầu tại Đề án 06. Đồng thời, tham mưu triển khai thực hiện 2 nhóm TTHC liên thông “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng” ngày càng đi vào nề nếp, ổn định; sau 2 năm đã phát sinh gần 5.000 hồ sơ liên thông trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Nâng tỷ lệ đăng ký TTHC qua mạng
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CĐS của ngành tư pháp tỉnh vẫn còn gặp một số hạn chế, khó khăn. Trình độ dân trí, điều kiện vật chất, trang bị thiết bị số của người dân chưa đồng đều nên nhu cầu thực hiện TTHC trực tuyến chưa cao. Việc kết nối, liên thông giữa các phần mềm của các ngành trong liên thông 2 nhóm TTHC theo yêu cầu của Đề án 06 chưa thực sự thông suốt, khả năng tiếp nhận, đồng bộ hồ sơ có thời gian chờ quá lâu. Việc bố trí hạ tầng kỹ thuật phục vụ việc đăng ký, quản lý hộ tịch tại địa phương vẫn còn thiếu, chưa đảm bảo; đường truyền Internet đôi lúc không ổn định ảnh hưởng không nhỏ đến việc sử dụng phần mềm
Theo Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Văn Hưng, với quan điểm xuyên suốt lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, ngành tư pháp tỉnh tiếp tục thực hiện toàn diện, mạnh mẽ công tác CĐS nhằm tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, người dân về ý nghĩa thiết thực của công tác này đối với hoạt động của ngành và đời sống sinh hoạt hằng ngày; thay đổi thói quen và nâng cao tỷ lệ của người dân về đăng ký các TTHC qua mạng.
“Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, ngành tư pháp tiếp tục chủ động tham mưu thực hiện nhiệm vụ số hóa dữ liệu hộ tịch theo chỉ đạo của UBND tỉnh và nhiệm vụ số hóa, làm sạch dữ liệu hộ tịch theo yêu cầu của Đề án 06; tăng cường công tác phối hợp giữa ngành tư pháp và ngành công an trong công tác kiểm tra, rà soát, làm sạch dữ liệu hộ tịch. Đồng thời, tích cực ứng dụng CNTT trong từng hoạt động chuyên môn nhằm cung cấp dịch vụ công nhanh gọn, thuận tiện nhất cho người dân” - Giám đốc Sở Tư pháp nhấn mạnh.
Trong 2 năm qua, UBND cấp xã trên toàn tỉnh tiếp nhận và giải quyết 34.651 trường hợp đăng ký khai sinh, 26.172 trường hợp đăng ký khai tử, 15.321 trường hợp đăng ký kết hôn. Sở Tư pháp tiếp nhận 29.640 hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP, trong đó tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến chiếm tỷ lệ 45% (tỷ lệ nộp trực tuyến năm 2023 tăng 11.364 hồ sơ so với năm 2022). Những kết quả trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi thực hiện các TTHC, không phải mất thời gian, chi phí đi lại nhưng vẫn hoàn thành đúng quy định pháp luật.