menu_open

Lịch sử thành phố Huế: Gìn giữ nét tinh tế của vùng đất cố đô

01/04/2025 9:15:15 SA
Xem cỡ chữ:
Hành chính thành phố Huế. (Nguồn: Hue.gov.vn)
Từng là một đô thị do người Pháp thành lập theo hướng hiện đại khá sớm ở Việt Nam, nhưng Huế vẫn giữ được nét cổ kính đặc trưng của một đô thị cổ.
Hành chính thành phố Huế. (Nguồn: Hue.gov.vn)

Huế (trước đây là tỉnh Thừa Thiên-Huế) là một trong sáu thành phố trực thuộc trung ương và là thành phố di sản của Việt Nam. Thành phố là một trong các trung tâm văn hóa, y tế và giáo dục lớn của Việt Nam.

Đây là thành phố trực thuộc trung ương duy nhất có đường biên giới, đồng thời là thành phố ven biển thuộc cực nam của vùng Bắc Trung Bộ, miền Trung Việt Nam. Huế hiện là đô thị loại I, là thành phố trung tâm cấp vùng và cấp quốc gia.

Vị trí địa lý

Thành phố Huế nằm ở dải đất ven biển miền Trung Việt Nam, thuộc Bắc Trung Bộ, bao gồm phần đất liền và phần lãnh hải thuộc thềm lục địa biển Đông.

Huế cách thủ đô Hà Nội 675 km về phía Bắc, cách thành phố Đà Nẵng 94 km về phía Nam với ranh giới tự nhiên là dãy núi Bạch Mã, phía đông giáp Biển Đông, phía tây giáp tỉnh Salavan và tỉnh Sekong, Lào, phía nam giáp thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, phía bắc giáp tỉnh Quảng Trị.

Khí hậu Huế là kiểu khí hậu nhiệt đới gió mùa. Những tháng đầu năm có nắng ấm. Thỉnh thoảng lụt vào tháng 5. Các tháng 6, 7 và 8 có gió mạnh. Mưa lũ và có gió đông vào tháng 9 và 10. Tháng 11 thường có lụt. Cuối năm mưa kéo dài.

Nhưng hiện nay do chịu tác động của biến đổi khí hậu nên từ tháng 3 đến tháng 8 nắng nóng lên đến đỉnh điểm. Các tháng 9, 10, 11 thường xuyên có bão. Từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau là giai đoạn gió mùa đông bắc kéo về gây mưa to kèm theo đó lũ trên các sông tăng nhanh. Khí hậu có 2 mùa chính:

Mùa nóng: từ tháng 5 đến tháng 9, nắng nóng lên đến đỉnh điểm với nhiệt độ khá cao từ 35 đến 40 độ C, chịu ảnh hưởng gió phơn tây nam

Mùa lạnh: kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, chịu ảnh hưởng gió mùa đông bắc nên mưa nhiều, trong khoảng thời gian này sẽ xuất hiện lũ lụt vào khoảng tháng 10 trở đi. Nhiệt độ trung bình về mùa lạnh ở vùng đồng bằng là 20-22 độ C.

Chế độ mưa ở Huế lớn, trung bình trên 2700mm, tập trung từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau, có nơi trên 4.000 mm, chiếm 70% tổng lượng mưa trong năm, riêng tháng 11 chiếm 30% lượng mưa cả năm.

Mùa mưa ở Huế lệch với hai miền Nam-Bắc, khi 2 miền này mưa thì Huế nắng nóng và ngược lại. Đặc điểm mưa ở Huế là mưa không đều, lượng mưa tăng dần từ Đông sang Tây, từ Bắc vào Nam và tập trung vào một số tháng với cường độ mưa lớn do đó dễ gây lũ lụt, xói lở. Độ ẩm trung bình 85-86%

Lịch sử hình thành

Trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam, vùng đất Thuận Hóa-Phú Xuân-Huế có vị trí khá quan trọng.

Những phát hiện khảo cổ gần đây cho thấy, con người đã sinh sống trên mảnh đất này trong khoảng thời gian từ trên dưới 4.000 năm đến 5.000 năm. Trong đó, các di vật như rìu đá, đồ gốm tìm thấy ở Phụ Ổ, Bàu Đưng (Hương Chữ, Hương Trà) có niên đại cách đây trên dưới 4.000 năm.

Những chiếc rìu đá được phát hiện trên nhiều địa bàn khác nhau, đặc biệt tại các xã Hồng Bắc, Hồng Vân, Hồng Hạ, Hồng Thủy, Bắc Sơn (huyện A Lưới), Phong Thu (Phong Điền) có niên đại trên dưới 5.000 năm.

Di tích khảo cổ quan trọng gắn liền nền văn hóa Sa Huỳnh được tìm thấy lần đầu tiên tại Thừa Thiên Huế năm 1987 là di tích Cồn Ràng (La Chữ, Hương Trà) đã cho thấy chủ nhân của nền văn hóa này đã đạt đến trình độ cao trong đời sống vật chất lẫn tinh thần cách đây trên dưới 2.500 năm.

Dấu ấn của nền văn hóa này còn được tìm thấy ở Cửa Thiềng (Phú Ốc, Tứ Hạ, Hương Trà) vào năm 1988. cùng với nền văn hóa Sa Huỳnh, các nhà khoa học còn tìm thấy những vết tích chứng tỏ sự hiện diện của nền văn hóa Đông Sơn ở Thừa Thiên-Huế. Minh chứng là chiếc trống đồng loại 1 đã được phát hiện ở Phong Mỹ, Phong Điền năm 1994. Đây là một trong những di vật độc đáo của nền văn hóa Việt Cổ.

Theo các tư liệu xưa, từ hàng nghìn năm trước, Thừa Thiên Huế đã từng là địa bàn cư trí của những cộng đồng cư dân mang nhiều sắc thái văn hóa khác nhau. Tương truyền vào thời kỳ hình thành Nhà nước Văn Lang - Ân Lạc, Thừa Thiên Huế là một vùng đất của bộ Việt Thường. Tới đầu thời kỳ Bắc thuộc, vùng đất này thuộc Tượng Quận.

Du khách nước ngoài khám phá thành phố Huế. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

“Từ thuở mang gươm đi mở cõi”

Với lời sấm truyền "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân" (một dải Hoành Sơn, có thể yên thân muôn đời), năm 1558, Nguyễn Hoàng xin vào trấn giữ xứ Thuận Hóa, khởi đầu cơ nghiệp của các chúa Nguyễn.

Từ đây, quá trình phát triển của vùng đất Thuận Hóa-Phú Xuân gắn liền với sự nghiệp của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Năm 1636, khi chúa Nguyễn Phú Lan dời phủ đến Kim Long, lịch sử hình thành và phát triển của thành phố Huế sau này đã bắt đầu.

Hơn nữa thế kỷ sau, năm 1687, chúa Nguyễn Phúc Thái lại dời phủ chính đến làng Thụy Lôi và đổi tên thành Phú Xuân (ở vị trí tây man trong kinh thành Huế hiện nay), tiếp tục xây dựng và phát triển Phú Xuân thành một trung tâm đô thị phát đạt của xứ Đàng Trong.

Tuy có lúc, Phủ Chúa dời ra Bác Vọng (1712-1723), nhưng khi Võ Vương lên ngôi lại cho dời phủ chính vào Phú Xuân và dựng ở "bên tả phủ cũ," tức góc đông nam kinh thành Huế hiện nay.

Sự nguy nga bề thế của thành Phú Xuân dưới thời Nguyễn Phúc Khoát đã được Lê Quý Đôn mô tả trong "Phủ biên tạp lục" năm 1776 và trong "Đại Nam nhất thống chí" với tư cách là đô thị phát triển thịnh vượng trải dài hai bờ châu thổ sông Hương, từ Kim Long - Dương Xuân đến Bao Vinh - Thanh Hà, Phú Xuân là thủ phủ của xứ Đàng Trong (1687-1774).

Từ 1788-1945: Từ kinh đô xưa đến đô thị tiêu chuẩn phương Tây

Dưới thời Tây Sơn, năm 1788, vua Quang Trung đóng đô ở Phú Xuân. Năm 1802, Nguyễn Ánh - một hậu duệ của các chúa Nguyễn đã thống nhất giang sơn về một mối, lập nên triều Nguyễn. Năm 1806 ông chính thức lên ngôi Hoàng đế và tiếp tục chọn Phú Xuân làm Kinh đô và xây dựng thành trì kiên cố. Phú Xuân (Huế) là nơi định đô của nhà Nguyễn cho đến khi kết thúc triều đại năm 1945.

Trong 143 năm triều Nguyễn cai trị, địa giới hành chính vùng đất này tiếp tục biến đổi. Cho đến hết giai đoạn triều Nguyễn độc lập (cuối đời vua Tự Đức), phủ Thừa Thiên gồm 6 huyện Hương Trà, Hương Thủy, Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền, đồng thời quản lãnh thêm đạo Quảng Trị.

Năm 1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng, mở đầu cho quá trình xâm lược của thực dân Pháp, tiếp đó là đế quốc Mỹ nhảy vào Việt Nam.

Thời kỳ Pháp thuộc, sau Hòa ước Quý Mùi 1883, triều đình nhà Nguyễn chấp nhận sự bảo hộ của Pháp trên mọi phương diện.

Năm 1899, thị xã Huế (Centre urbain de Hué) được thành lập bằng Nghị định ngày 30/8/1899 của Toàn quyền Đông Dương trên cơ sở chuẩn y Dụ các ngày 20/10/1898 và 12/7/1899 của vua Thành Thái. Từ đây Huế chính thức trở thành một đô thị theo tiêu chuẩn phương Tây.

Ngày 12/12/1929 bằng Nghị định của Toàn quyền Đông Dương, thành phố Huế (Commune de Hué) được thành lập trên cơ sở nâng cấp từ thị xã Huế. Đứng đầu thành phố là một Đốc lý do Công sứ Thừa Thiên kiêm nhiệm, ngoài ra có một Hội đồng thành phố giúp việc.

Ranh giới thành phố được ấn định bởi Dụ ngày 4/11/1921 của vua Khải Định và được thông qua bởi Nghị định ngày 25/11/921 của Toàn quyền Đông Dương.

Ngày 15/6/1938 Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định sáp nhập đơn vị hành chính mới là quần đảo Hoàng Sa từ tỉnh Quảng Ngãi vào tỉnh Thừa Thiên.

Ngày 5/5/1939 Toàn quyền Jules Brévié lại ra Nghị định tách quần đảo Hoàng Sa thành hai Đại lý hành chính thuộc tỉnh Thừa Thiên. Hai Đại lý hành chính này gồm “Cụm Lưỡi Liềm và các đảo phụ cậ,n, “Cụm An Vĩnh và các đảo phụ cận” đóng trên 2 đảo Hoàng Sa và Phú Lâm. Các viên đứng đầu đại diện cho Công sứ Pháp tại Thừa Thiên.

Đến cuối thời kỳ Pháp thuộc, tỉnh Thừa Thiên gồm 1 thành phố Huế (là tỉnh lị) và 6 huyện Hương Trà, Hương Thủy, Phong Điền, Phú Lộc, Phú Vang và Quảng Điền.

Từ 1945: Chấm dứt triều đại phong kiến

Ngày 23/8/1945, với hào khí của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân Thừa Thiên Huế đã vùng dậy lật đổ triều đại nhà Nguyễn.

Ngày 30/8/1945, người dân nơi đây lại thay mặt cả nước chứng kiến lễ thoái vị của Vua Bảo Đại, đánh dấu sự chấm dứt của triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, mở ra kỷ nguyên phát triển mới cho dân tộc.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Sắc lệnh số 77 ngày 21/12/1945 quy định 8 thành phố trong đó có thành phố Huế. Huế tiếp tục là tỉnh lị của Thừa Thiên, thuộc Khu 4 cùng các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.


Tỉnh Thừa Thiên - Huế (nay là Thành phố Huế) hoàn toàn giải phóng. (Ảnh: TTXVN)

Từ 1954: Vĩ tuyến 17

Sau Hiệp định Geneva 1954, đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, lấy sông Bến Hải thuộc Vĩ tuyến 17 tỉnh Quảng Trị làm ranh giới. Tỉnh Thừa Thiên thuộc chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý.

Năm 1958 chính quyền Việt Nam Cộng hòa cho cải biến các huyện thành các quận hành chính, thời điểm đó tỉnh Thừa Thiên bao gồm 9 quận là Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc, Vinh Lộc, Hương Điền, Nam Hòa (với 3 tổng, 89 xã). Đồng thời ấn định ranh giới thị xã Huế chia làm 10 khu phố và 31 khóm trực thuộc 3 quận là Quận Nhất, Quận Nhì, Quận Ba.

Năm 1967 xác định lại ranh giới 3 quận thuộc thị xã Huế, trong đó Quận Nhất gồm toàn bộ khu thành nội bao gồm tường thành, các hào xung quanh kể cả Mang Cá nhỏ; Quận Nhì gồm khu tả ngạn sông Hương, ranh giới đến xã Phù Lưu thuộc quận Phú Vang tỉnh Thừa Thiên, hữu ngạn sông Hương nối qua sông đào Cửa Hậu và sông Kẻ Vạn; Quận Ba bao gồm tả ngạn sông Hương, ranh giới đến các xã Phú Lưu, Phú Hương (quận Phú Vang), các xã Thủy Phú, Thủy An, Thủy Phước, Thủy Trường, Thủy Xuân (quận Hương Thủy).


Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, thuộc 2 phường Hương Long và Hương Hồ, tổng mức đầu tư 2.282 tỷ đồng, phấn đấu hoàn thành quý 4/2025. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Từ 1975: Nhiều lần sáp nhập rồi tách tỉnh

Ngày 26/3/1975, Thừa Thiên-Huế được giải phóng hoàn toàn, góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cùng cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tháng 2/1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban hành Nghị định sáp nhập các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và Khu vực Vĩnh Linh thành tỉnh Bình Trị Thiên, tỉnh lị đặt tại thành phố Huế.

Ngày 11/ 3/ 1977, Quyết định số 62-CP của Hội đồng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hợp nhất và điều chỉnh địa giới một số huyện thuộc tỉnh Bình Trị Thiên, trong đó thành phố Huế được giữ nguyên.

Ngày 11/9/1981, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 64-HĐBT, theo đó sáp nhập 8 xã Hương Hải, Hương Phong, Hương Vinh, Hương Sơ, Hương Long, Hương Hồ, Hương Bình, Hương Thọ (trừ thôn Dương Hòa) và các thôn Thanh Chữ, Cổ Bưu, Bổn Trì, Bổn Phổ, An Lưu của xã Hương Chữ thuộc huyện Hương Điền và 9 xã Thủy Bằng, Thủy Biều, Thủy An, Thủy Dương, Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh, Phú Tân và các xóm Cồn Trâu, Cổ Thành, Vườn Trầu, Đồng Giáp của xã Thủy Vân thuộc huyện Hương Phú vào thành phố Huế. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, thành phố Huế có 10 phường và 23 xã.

Ngày 30/6/1989, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa VIII nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị quyết tách tỉnh Bình Trị Thiên để tái lập các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Khi chia tách, tỉnh Thừa Thiên-Huế gồm 5 đơn vị hành chính là thành phố Huế và 4 huyện Hương Phú, Hương Điền, Phú Lộc và A Lưới.

Năm 1990, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định chuyển 8 xã Thủy Bằng, Thủy Dương, Phú Thượng, Phú Mậu, Thuận An, Phú Thanh, Phú Dương, Phú Tân thuộc thành phố Huế về huyện Hương Phú và chia huyện Hương Phú thành 2 huyện Hương Thủy, Phú Vang. Đồng thời chuyển 9 xã Bình Thành, Bình Điền, Hương Bình, Hương Hồ, Hương An, Hương Vinh, Hương Thọ, Hương Phong, Hải Dương thuộc thành phố Huế về huyện Hương Điền và chia huyện này thành 3 huyện Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền.

Ngày 24/9/1992 căn cứ vào vị trí của thành phố Huế có cố đô và nhiều quần thể di tích lịch sử, văn hóa và để tạo điều kiện xây dựng thành phố Huế thành một trung tâm văn hóa, du lịch của cả nước, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Quyết định số 355-CT công nhận thành phố Huế thuộc tỉnh Thừa Thiên- Huế là Đô thị loại II.

Ngày 24/8/2005, Thủ tướng Chính phủ lại ban hành Quyết định số 209/2005/QĐ-TTg nâng cấp thành phố Huế lên Đô thị loại I.

Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Theo đó, từ ngày 1/1/2025, thành phố Huế sẽ là thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 4.947,11 km2 và quy mô dân số là 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Gần 5 thế kỷ từ khi nhà Nguyễn bắt đầu cai quản vùng đất này, Huế đã phát triển không ngừng. Từng là một đô thị do người Pháp thành lập theo hướng hiện đại khá sớm ở Việt Nam, nhưng Huế vẫn giữ được nét cổ kính đặc trưng của một đô thị cổ./.