menu_open
Phát triển du lịch thông qua liên kết công nghiệp văn hóa
24/12/2024 10:40:05 SA
Xem cỡ chữ:
Chương trình biểu diễn nghệ thuật Huế Symphony - Bản Giao Hưởng Cố Đô 
Nguồn tài nguyên văn hóa phong phú của Huế chính là nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch, góp phần đưa du lịch Cố đô trở thành tiềm năng lớn của nền công nghiệp văn hóa. Trong mối liên kết để phát triển, Huế đang có kế hoạch triển khai nhiều giải pháp để phát triển công nghiệp văn hóa gắn với các sản phẩm du lịch.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật Huế Symphony - Bản Giao Hưởng Cố Đô 

Khai thác lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa

Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam vừa trao chứng nhận cho các địa phương dẫn đầu chỉ số thu hút đoàn làm phim và môi trường sản xuất phim tại Việt Nam (Production Attraction Index - PAI) và đáng mừng là Huế được vinh danh trong top 10.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao, chỉ số PAI không chỉ là thước đo đánh giá, mà còn là cầu nối giữa điện ảnh và các địa phương, giúp khám phá và phát huy tiềm năng chưa được khai thác. Những năm gần đây, trên chính lợi thế về cảnh quan, di sản văn hóa, nét cổ kính, trầm mặc của đền đài, cung điện, di tích, kiến trúc..., Huế trở thành là điểm đến được các nhà làm phim lựa chọn. Nhiều bộ phim lấy bối cảnh quay ở Huế, được khán giá rất thích như: Mắt biếc, Gái già lắm chiêu 5, Em và Trịnh, Kiều, Linh miêu… đã trở thành minh chứng cho đánh giá của một số nhà làm phim rằng Huế sở hữu “viên ngọc quý” mà những nhà làm phim đang cần.

Điện ảnh là một trong những ngành công nghiệp văn hóa tiêu biểu được gắn kết giúp phát triển du lịch. Trên thực tế, Huế đã và đang tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, tạo ra nhiều giá trị, trong đó có thúc đẩy phát triển du lịch. Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, phát triển công nghiệp văn hóa được Thừa Thiên Huế xác định nội dung quan trọng để phát huy lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy và đóng góp vào tăng trưởng của địa phương. Đặc biệt là định hướng “Phát triển kinh tế di sản gắn với du lịch và công nghiệp văn hóa” đã nhấn mạnh trong Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.


 Huế có nhiều lễ hội, chương trình nghệ thuật đặc sắc, thu hút người dân và du khách. Ảnh: Đình Hoàng

Với lợi thế về quần thể di sản vật thể và phi vật thể, Huế có rất nhiều tiềm năng là thành phố dẫn đầu về công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Lựa chọn những mô hình gắn liền với nghệ thuật, âm nhạc, di sản văn hóa, điện ảnh, bảo tàng triển lãm, áo dài, ẩm thực, nghề truyền thống sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và gắn kết các ngành trong hệ sinh thái hình thành công nghiệp văn hóa ở Huế. 

Điển hình như trong tháng 10/2024, Sở Du lịch phối hợp, Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Học viện Âm nhạc Huế và Công ty Bamboo Artist Agency tổ chức Chương trình biểu diễn nghệ thuật Huế Symphony - Bản Giao Hưởng Cố Đô như một thử nghiệm hướng đến trở thành sản phẩm công nghiệp văn hoá tiêu biểu của Huế trong thời gian tới. Huế Symphony đặt mục tiêu bảo tồn và phát triển âm nhạc truyền thống Huế bằng cách giới thiệu vẻ đẹp của âm nhạc Huế đến khán giả, từ đó lan tỏa nét đẹp văn hóa của cố đô. Từ chương trình cũng mang đến trải nghiệm mới lạ, thu hút giới trẻ và còn góp phần thúc đẩy du lịch văn hóa với mong muốn đưa Huế trở thành điểm đến nghệ thuật độc đáo của Việt Nam.

Sức hút của Huế Symphony là rất rõ ràng khi trong hai đêm nhạc biểu diễn (19-20/10), đã có gần 2.000 khán giả mua vé, trải nghiệm ẩm thực và các dịch vụ xung quanh như nhà hàng, khách sạn, tham quan di tích cố đô. Một hệ sinh thái tăng trải nghiệm cho du khách bước đầu được hình thành. Điều đặc biệt, Bản Giao Hưởng Cố Đô có thể được xây dựng và “đóng gói” để có thể trình diễn ở nhiều nơi với sứ mệnh xuất khẩu văn hóa của địa phương và cả tầm quốc gia.

Theo ông Phúc, Cố đô Huế được đánh giá là địa phương bảo tồn tốt các giá trị di sản truyền thống của Việt Nam, cả về di sản vật thể, phi vật thể, cảnh quan môi trường, lối sống, phong tục tập quán... Đồng thời, biến di sản thành các lợi thế cho sự phát triển và đã đạt nhiều thành tựu, trong đó được vinh danh các thương hiệu: Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, Thành phố văn hóa ASEAN, Thành phố Du lịch sạch ASEAN, Kinh đô áo dài, Kinh đô Ẩm thực.

Thời gian qua, tỉnh đã cho triển khai xây dựng chương trình 3D cho khu vực Hoàng cung Huế, thực hiện quét và dựng phim quảng bá giới thiệu việc tái tạo Hoàng thành Huế và di tích Hổ Quyền bằng công nghệ 3D, xây dựng kế hoạch số hóa các dữ liệu văn hóa, du lịch; triển khai rộng rãi các ứng dụng (App) Ca Huế, quản lý quảng cáo, du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), 3D mapping; xe đạp chia sẻ thông minh... Ngành du lịch đã hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch kết nối các sản phẩm dịch vụ thành chuỗi giá trị phục vụ du khách.

Bên cạnh đó, Festival Huế tổ chức theo hướng 4 mùa với chuỗi hoạt động lễ hội truyền thông và đương đại bước đầu hình thành hệ sinh thái gắn kết giữa sản phẩm lễ hội sự kiện với các hoạt động du lịch trải nghiệm, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống, bảo tàng, thời trang áo dài,…Tất cả là minh chứng cho thấy Huế đang nỗ lực khai thác lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa và phát triển du lịch thông qua mối liên kết công nghiệp văn hóa.

Gắn kết, tạo điều kiện để phát triển

Nhìn vào chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, có thể thấy du lịch văn hóa được xác định là một trong những ngành công nghiệp văn hóa cần được đẩy mạnh phát triển thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, cùng với thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật… Văn hóa là tài nguyên để phát triển du lịch và du lịch chính là phương thức hữu hiệu để khai thác những giá trị kinh tế của văn hóa.


Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn biểu diễn tại đêm nhạc Huế Symphony 

Theo Sở Văn hóa và Thể Thao, với mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tỉnh Thừa Thiên Huế có định hướng tiếp tục đổi mới công tác quản lý nhà nước về văn hóa theo hướng hiện đại hóa dựa trên cơ sở xây dựng nền hành chính điện tử và đô thị thông minh. Tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Thừa Thiên Huế một cách mạnh mẽ, rộng rãi, nhanh chóng hơn nữa đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tạo điều kiện tổ chức thường xuyên các hoạt động hội nghị, hội thảo, tổ chức chương trình sự kiện, hội chợ, cuộc thi... nhằm gặp gỡ, trao đổi giữa các chuyên gia với giới trẻ, doanh nghiệp trong lĩnh vực ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi để các bạn trẻ, cơ sở kinh doanh có điều kiện khởi nghiệp từ các giá trị văn hóa truyền thống, ẩm thực, các ngành nghề thủ công truyền thống.

Mặt khác, có cơ chế chính sách để thu hút nguồn đầu tư, xã hội hóa hoạt động văn hóa phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân nâng cấp, khai thác phát triển nguồn nhân lực, quảng bá, phát triển thị trường văn hóa. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp, hình thành các bảo tàng mỹ thuật tư nhân, không gian sáng tạo nghệ thuật - khởi nghiệp, các trung tâm tổ chức sự kiện văn hóa, nghệ thuật, các trung tâm thiết kế thời trang, trưng bày, thao diễn nghề truyền thống và mạng lưới liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp.

Trên chính những hoạt động đó, các đơn vị gắn chặt với sự phát triển du lịch, tạo ra những những sản phẩm du lịch sáng tạo mang đến trải nghiệm khác biệt cho du khách. Trong đó, tập trung khai thác những yếu tố văn hóa mang tính bản sắc, đặc trưng của địa phương, điểm đến. Huế tập trung phát triển có hiệu quả các sản phẩm du lịch văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, nghề truyền thống gắn liền công nghiệp văn hóa, hướng đến tạo được chuỗi sản phẩm du lịch và hệ sinh thái trải nghiệm từ các giá trị toàn diện của di sản văn hóa.

HỮU PHÚC