menu_open
Cuộc đào thoát gây dựng cơ nghiệp của Chúa Nguyễn Hoàng
03/12/2018 2:29:59 CH
Xem cỡ chữ:
Nhận định đúng thời cơ, Nguyễn Hoàng nghe lời Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã vào đất Thuận Hóa trú thân, nuôi chí gầy dựng cơ đồ. Ông là người đặt nền tảng cho việc xây dựng giang sơn riêng cho dòng họ mình và Thuận Hóa trở thành đất dựng nghiệp của vương triều nhà Nguyễn (1802 - 1945).

Chúa Tiên Nguyễn Hoàng

Cuộc di dân mở rộng bờ cõi

Nguyễn Hoàng (1525 – 1613) hay Nguyễn Thái Tổ, Chúa Tiên, là vị chúa Nguyễn đầu tiên, người đặt nền móng cho vương triều Nguyễn. Chúa Nguyễn Hoàng quê ở thôn Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Ông nội (Nguyễn Hoằng Dụ) và cha ông (Nguyễn Kim) Nguyễn Hoàng đều là những trọng thần của triều đình nhà Hậu Lê. 

Năm 1545, Nguyễn Kim, người có công gây dựng lại nhà Hậu Lê sau khi rơi vào tay nhà Mạc, bị hàng tướng triều Mạc là Dương Chấp Nhất đầu độc chết. Trịnh Kiểm, con rể ông được vua Lê phong làm Lượng quốc công, thay Nguyễn Kim nắm giữ binh quyền.

Từ đây, Trịnh Kiểm bắt đầu thực hiện ý đồ tước bỏ dần thế lực của họ Nguyễn để tập trung quyền hành vào tay họ Trịnh. Trịnh Kiểm giết con trai cả của Nguyễn Kim là Nguyễn Uông. Trước tình thế đó, Nguyễn Hoàng, con trai thứ của Nguyễn Kim, phải tìm cách thoát khỏi sự ám hại của Trịnh Kiểm.

Nguyễn Hoàng đem chuyện này bàn với cha đỡ đầu là Nguyễn Ư Dĩ và được ông khuyên cáo bệnh về nghỉ ở chốn Thuận Hóa “hiểm trở, kiên cố”. Để tránh sự nghi ngờ của Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng đã nhờ chị là Ngọc Bảo (vợ của Trịnh Kiểm) xin vào trấn thủ Thuận Hóa.

Bên cạnh đó, Nguyễn Hoàng còn cho người đến hỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm và nhận được câu ẩn ý “Hoành sơn nhất đái khả dĩ dung thân” (nghĩa là một dải Hoành sơn có thể dung thân được). Đất Thuận Hóa xa xôi, hiểm nghèo.

Hơn nữa, nếu Nguyễn Hoàng vào đó, Trịnh Kiểm có thể tập trung tiêu diệt nhà Mạc, thu phục kinh đô, dựng cơ đồ nhà Trịnh. Vì vậy, Trịnh Kiểm đã dâng biểu xin vua bổ nhiệm Nguyễn Hoàng vào đó trấn thủ.

Tháng 11/1558, Nguyễn Hoàng được lệnh vào trấn thủ Thuận Hóa với một quyền hạn rộng lớn “phàm mọi việc ở địa phương không kể to nhỏ đều cho tùy tiện xử lý”.

Nguyễn Hoàng ra đi vừa để bảo toàn mạng sống, vừa tính kế phát triển sự nghiệp lâu dài, nên khi rời đất Bắc, ông đã lôi kéo một lực lượng đông đảo bao gồm nhiều tướng lĩnh (Văn Nham, Thạch Xuyên, Tiền Trung, Tường Lộc), binh lính (1000 thủy quân), và nhân dân các làng mạc ở huyện Tống Sơn, nghĩa dũng đất Thanh Hóa cùng một số quan lại, binh lính ở Thanh Hóa và Nghệ An.

Khi đoàn quân đi qua Thanh Nghệ Tĩnh, nhiều người hưởng ứng đem cả vợ con theo. Đây chính là một cuộc di dân thực sự.

Vào vùng Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng ban đầu đóng ở xã Ái Tử (sau gọi là kho Cây Khế), thuộc huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị. Nguyễn Hoàng ngay sau đó đã có những chính sách hiệu quả để phát triển vùng đất của mình và mở rộng lãnh thổ hơn nữa về phía Nam.  

Nguyễn Hoàng ngoài tài lãnh đạo còn có lòng nhân đức nên dân chúng Thuận Hóa rất cảm mến, họ gọi ông là Chúa Tiên mặc dù đương thời chỉ có chức Đoan Quốc Công. Ông đã nhẫn nhịn để chờ thời cơ, không manh động với địch thủ đã giết người thân của mình, lập chí lớn, gây dựng cơ nghiệp để lại cho con cháu mai sau.


Chùa Thiên Mụ được Chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng năm 1601.

Năm 1569, khi ra chầu Vua Lê, Nguyễn Hoàng được giao trấn thủ luôn vùng đất Quảng Nam, ảnh hưởng chính trị của ông lan rộng tới Đồng Xuân, Tuy Hòa. Năm Qúy Tỵ 1593, Nguyễn Hoàng đem quân ra Đông Đô yết kiến vua Lê, lần ra Bắc này ông đã giúp Trịnh Tùng đánh dẹp dư đảng họ Mạc. Trong suốt 8 năm, vì lập được nhiều chiến công nên ông lại bị Trịnh Tùng lo ngại, có ý hãm hại, không cho ông về lại Thuận Hóa mà kiếm cớ giữ lại kinh thành. 

Năm 1600, một lần nữa Nguyễn Hoàng lấy cớ đi dẹp loạn giong buồm chạy thẳng ra khơi, để con trai thứ 5 và cháu làm con tin, còn ông một mình vào Thuận Hóa tìm đường sống. Từ đó ông vượt đèo Hải Vân vào Quảng Nam, xây Trấn Dinh ở Cần Húc (Duy Xuyên|), cử con trai thứ 6 vào trấn nhậm, Quảng Nam là nơi đất tốt, dân đông, sản vật giàu có. Từ đấy Nam Bắc phân biệt, bề ngoài thì làm ra bộ hòa hiếu, nhưng bề trong thì vẫn lo việc phòng bị để chống cự với nhau.

Xác lập thế lực họ Nguyễn

Thế lực của Nguyễn Hoàng ở phía Nam được xác lập khi khám lý phủ Hoài Nhơn (Bình Định) Trần Đức Hòa thuộc gia đình có thế lực, nhiều đời vốn là bề tôi nhà Lê tới yết kiến.

Trong cuốn “Phủ biên tạp lục” của Lê Qúy Đôn có đoạn viết về xứ Thuận Quảng dưới cai trị của Nguyễn Hoàng như sau: “Đoan Quận Công có uy lược, xét kỹ, nghiêm minh, không ai dám lừa dối. Cai trị hơn 10 năm, chính sự khoan hòa, việc gì cũng thường làm ơn cho dân, dùng phép công bằng, răn giữ bản bộ, cấm đoán kẻ hung dữ.

Quan dân hai xứ thân yên tín phục, cảm nhân mến đức, dời đổi phong tục, chợ không bán hai giá, người không ai trộm cướp, cửa ngoài không phải đóng, thuyền buôn ngoại quốc đều đến mua bán, đổi chác phải giá, quân lệnh nghiêm trang, ai cũng cố gắng, trong cõi đều an cư lạc nghiệp. Hàng năm nộp thuế mà giúp việc quân, việc nước, triều đình cũng được nhờ...”.

Năm 1604, Nguyễn Hoàng chia đặt lại các đơn vị hành chính thuộc xứ Thuận Hóa, đổi phủ Tiên Bình thành phủ Quảng Bình (phía Bắc tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình ngày nay), đổi phủ Tư Ngãi thành phủ Quảng Ngãi…

Nguyễn Hoàng cũng lấy giáo lý phật giáo để cai trị, thuần tính quân dân dưới quyền. Ông đã cho sửa chữa, xây dựng nhiều ngôi chùa từ Quảng Nam ra Quảng Bình. Trong đó nổi bật nhất là việc Nguyễn Hoàng cho xây dựng chùa Thiên Mụ ở Huế vào năm 1601.

Về ngôi chùa Thiên Mụ nổi tiếng ở Huế, sách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 1) có viết: “Bấy giờ, Chúa (chỉ Nguyễn Hoàng) đi dạo xem hình thế núi sông, thấy trên cánh đồng của xã Hà Khê thuộc huyện Hương Trà (nay là ngoại ô thành phố Huế), giữa khu đất bằng phẳng nổi lên một gò cao, trông tựa như hình đầu rồng đang ngoái nhìn lại, phía trước thì có sông lớn (sông Hương), phía sau có hồ rộng, cảnh trí rất đẹp đẽ.

Chúa nhân đó mới hỏi chuyện người địa phương, ai cũng nói gò đất đấy rất thiêng. Tục truyền: Xưa, đang đêm bỗng có người nhìn thấy một bà già mặc áo đỏ, quần xanh, ngồi trên đỉnh gò và nói: Sẽ có vị chân chúa đến đây xây chùa để tụ khí thiêng, giữ long mạch.

Nói rồi bà già ấy biến mất. Bấy giờ, nhân đấy mới gọi gò đất kia là gò Thiên Mụ. Chúa cũng cho là gò đất đấy có linh khí, bèn cho cất chùa, gọi là chùa Thiên Mụ”.

Ngoài việc chăm lo đời sống nhân dân, Nguyễn Hoàng đã tổ chức được đội quân hùng mạnh. Nhất là đội thủy binh, năm 1559 khi mới định cư chưa đầy năm, tàu Tây Ban Nha đã đến gây rối ở vùng biển nước ta, chúng đã bị lực lượng phòng thủ biển cảnh cáo.

Năm 1585, tàu phương Tây lại đến quấy nhiễu, Sách Đại Nam thực lục chép: “Năm Ất Dậu, bấy giờ có giặc nước Tây dương hiệu là Hiển Qúy đi 5 chiếc thuyền lớn đến đậu ở Cửa Việt (Quảng Trị) để cướp bóc ven biển. Chúa sai hoàng tử thứ sáu lĩnh hơn 19 chiếc thuyền tiến thẳng cửa biển, Hiển Qúy sợ chạy. Từ đó giặc biển im hơi”.

Năm 1611, quân Chiêm Thành vượt đèo Cù Mông xâm chiếm biên giới, Nguyễn Hoàng sai quân đánh đuổi và lập thêm phủ Phú Yên, mở rộng xứ Quảng Nam tới đèo Cả. Đương lúc cai trị, Chúa Nguyễn Hoàng rất quan tâm tới thương mại. Chỉ trong mấy thập niên, ông đã biến đổi Đàng Trong trở thành xứ giàu có và đủ mạnh để có thể duy trì được nền độc lập. 

Năm 1613, biết mình không thể sống lâu hơn, Nguyễn Hoàng cho triệu công tử thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên đang trấn thủ Quảng Nam ra. Ông dặn dò các cận thần rồi cầm tay Phúc Nguyên nói: “Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung; anh em trước hết phải thân yêu nhau. Con phải giữ được lời dặn đó thì ta không ân hận gì”.

Chúa lại nói: “Đất Thuận Quảng phía Bắc có núi Ngang (Hoành Sơn) và sông Gianh hiểm trở phía Nam ở núi Hải Vân và núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn) vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh chống chọi với Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời…”.

Các vị Đế, Vương hậu duệ của ông tiếp tục chính sách mở mang này và đã chống nhau với họ Trịnh bất phân thắng bại trong nhiều năm. Cuối cùng họ Nguyễn cũng đã hoàn thành việc thống nhất đất nước từ Nam đến Bắc ở đất liền, cùng với chủ quyền biển đảo ở biển Đông, khởi đầu từ niên hiệu Gia Long (cháu đời thứ 10 của Nguyễn Hoàng).

Sau khi qua đời, ban đầu mộ của Nguyễn Hoàng táng ở vùng núi Thạch Hãn, huyện Hải Lăng, phủ Triệu Phong (nay thuộc huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị), về sau được cải táng lăng mộ chuyển về núi La Khê tức Khải Vận Sơn (nay thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Lúc đầu Chúa Nguyễn Hoàng được thờ tại chùa Long Phước (nay thuộc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), về sau được Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên phối thờ cùng Tĩnh Công Nguyễn Kim tại chùa Thiên Mụ ở Phú Xuân (nay là Thành phố Huế).

Năm Giáp Tý, niên hiệu Gia Long năm thứ ba, 1804, vua Gia Long (1780 - 1820) cho dựng Thái Miếu rộng mười ba gian để thờ các Chúa Nguyễn và các công thần đời trước, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng cùng Hoàng hậu được thờ ở án chính giữa. Vua Gia Long suy tôn cho Nguyễn Hoàng miếu hiệu là Thái Tổ. 

Hải Lăng
Các bài khác
    << < 1 2 > >>