menu_open

Hùng vĩ non thiêng Bạch Mã

Danh mục Cảnh quan thiên nhiên

Chi tiết sản phẩm

Danh mục:
Cảnh quan thiên nhiên
Doanh nghiệp:
Chứng nhận chất lượng sản phẩm:

Mô tả sản phẩm

Cùng với những thác nước suối róc rách, những hồ nước mát mẻ giữa lưng chừng núi, những con đường mòn tự nhiên vắt vẻo giữa non xanh, khách du lịch lên với Bạch Mã còn có thú vui thức dậy thật sớm để có thể ngắm một bình minh rực rỡ với hình ảnh mặt trời, mây, gió và cỏ lau trong lãng đãng sương mai, đẹp đến mê hồn...

Bạch Mã có độ cao 1.450m so với mặt biển. Đây cũng là phần cuối của dãy Trường Sơn và là trung tâm của dải rừng xanh tự nhiên còn lại duy nhất của Việt Nam kéo dài từ biển Đông đến biên giới Việt Lào, cách Huế 40km về phía Nam. Đến Bạch Mã, những người yêu thích thiên nhiên hoang dã lần theo các đường mòn độc đáo đến ngắm thác Trĩ Sao (ở đấy có rất nhiều chim trĩ sao đang sinh sống); thác Đỗ Quyên cao 300m (nơi có rất nhiều hoa đỗ quyên nở vào tháng 3 và tháng 4); thác Ngũ Hồ (5 hồ nước trong xanh duyên dáng sẽ chờ đón bạn tắm mát trong những trưa hè)... Toàn cảnh Bạch Mã được thu vào tầm mắt khi lên đến Hải Vọng Đài, từ đây bạn có thể nhìn thấy cảnh quan bao la hùng vĩ của các dãy núi nối tiếp ra tận biển Đông, đẹp tựa bức tranh thuỷ mặc.

Vào những năm 30 của thế kỷ 20, khi người Pháp đặt chân tới nơi này họ đã phát hiện ra Bạch Mã có một kho tàng di sản thiên nhiên rất phong phú về cả động, thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Nhìn thấy tiềm năng to lớn của Bạch Mã, năm 1930 Pháp cho quy hoạch và xây dựng nơi đây thành một khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái lý tưởng. Cơ sở hạ tầng được định hình và ra đời đồng loạt với 139 ngôi biệt thự sang trọng cùng nhiều công trình phục vụ công cộng như: ngân hàng, bưu điện, bể bơi, sân bóng, nhà hàng. Rất tiếc là trải qua những thăng trầm của lịch sử cùng với chiến tranh, Bạch Mã đã bị tàn phá nặng nề và vóc dáng của một khu du lịch kiểu như: Sa Pa, Đà Lạt chỉ còn là hoài niệm. Từ năm 1991, Bạch Mã được chính thức trở thành Vườn Quốc gia với những quy hoạch bảo tồn nghiêm ngặt. Với diện tích hơn 22.031ha, vườn Quốc gia Bạch Mã là một trong số những khu bảo tồn thiên nhiên rộng lớn của nước ta. Nơi đây rất đa dạng về địa hình, diện mạo và tập hợp nhiều điều kỳ lạ của thiên nhiên hoang sơ. Ở đây có 1.295 loài thực vật, trong đó có nhiều loài gỗ quý hiếm như: cẩm lai, trắc, trầm hương, dương xỉ thân gỗ, đỉnh tùng, sến đinh, lim...; động vật thì có tới 736 loài, trong đó có 127 loài thú, vẫn còn nhiều loài thú quý vẫn còn như: hổ, báo, gấm, tê giác... cùng hơn 300 loài chim, côn trùng (trong đó có 27 loài thực vật và 66 loài động vật có tên trong sách đỏ Việt Nam).

Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã, Tiến sĩ Huỳnh Văn Kéo cho biết: để làm giàu thêm hệ thực vật nhiệt đới hết sức phong phú ở đây, trong năm 2008, Vườn Quốc gia Bạch Mã tiếp tục đầu tư 920 triệu đồng xây dựng vườn hoa xứ lạnh. Có 5 loài hoa được chọn để phát triển là hoa cúc, địa lan, đồng tiền, lay-ơn, cẩm chướng Hà Lan. Công trình do Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa Đà Lạt (thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) chuyển giao công nghệ. Tổng diện tích thực hiện vườn hoa này khoảng 2.000m2, hướng đến việc xây dựng vườn hoa giống và sản xuất hoa cung cấp cho thành phố Huế và các địa phương trong khu vực...

Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có quyết định điều chỉnh, mở rộng diện tích Vườn Quốc gia Bạch Mã từ 22.031 ha lên 37.487 ha. Trước mắt, đơn vị tập trung xây dựng quy chế quản lý các hoạt động, cũng như đầu tư xây dựng vùng đệm và dự án phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Bạch Mã mở rộng. Vườn Quốc gia Bạch Mã tiếp tục đẩy mạnh công tác tiếp thị, quảng bá du lịch sinh thái Bạch Mã, đa dạng hoá các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch tâm linh và các sản phẩm du lịch khác. Xây dựng các tuyến du lịch trọn gói từ Huế về Bạch Mã, các tuyến du lịch cao cấp…từng bước cải thiện hạ tầng cơ sở và nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ công nhân viên để nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Hiện hàng năm, Vườn Quốc gia Bạch Mã đã giao khoán bảo vệ 8.000ha rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh chuyển tiếp 430ha, trồng mới 42ha rừng đặc dụng và chăm sóc 131ha rừng trồng để làm giàu vốn rừng. Vườn đã hoàn thành tốt việc sưu tập cây lan và cây thuốc.

Phó giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Quốc Thành cho biết: Trong những năm gần đây, mỗi năm Vườn Quốc gia Bạch Mã đã có bình quân hơn 15.500 lượt khách đến tham quan du lịch. Hàng năm, tỉnh Thừa Thiên Huế còn tổ chức các chương trình du lịch "Ấn tượng Bạch Mã", với sự dàn dựng các điểm nhấn hết sức công phu như: "Hành trình Đỗ Quyên", "Một thoáng chợ xưa", "Tìm tình yêu huyền thoại", "Chinh phục tham quan Hải Vọng Đài", đêm lửa trại "Hồn núi", "Gọi chim trời", "Ẩm thực"... kết hợp với việc tham quan phong cảnh Bạch Mã để thu hút du khách.

Đến Huế, nhất là sau các dịp Festival thường kỳ, bên cạnh việc đi thăm thú thành nội, các lăng tẩm, chùa chiền và danh lam thắng cảnh của vùng đất Cố đô Huế, du khách có thể lên với Bạch Mã, một địa điểm tham quan, du lịch tuyệt đẹp với núi non hùng vĩ và khí hậu dịu mát, trong lành quanh năm.../.

Liên hệ mua hàng

Ngày hè, khi nhiệt độ giữa trưa ở Huế là 37 độ C thì ở Bạch Mã (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên- Huế) thời tiết hết sức dịu mát, với nhiệt độ khoảng hơn 20 độ C. Đặc biệt Bạch Mã hết sức hấp dẫn bởi vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ cùng một màu xanh bạt ngàn của hoa lá, cây rừng.
Báo Quân đội nhân dân