menu_open

Khu biệt giam Chín hầm của họ Ngô Đình ở Huế

Danh mục Văn hóa - Nghệ thuật

Chi tiết sản phẩm

Danh mục:
Văn hóa - Nghệ thuật
Doanh nghiệp:
Trọng lượng:
Đơn vị tính:
Chứng nhận chất lượng sản phẩm:

Mô tả sản phẩm

 

 

Về di tích tội ác Chín hầm nhiều sách báo đã viết tương đối đầy đủ. Thời Khu biệt giam Chín hầm của gia đình họ Ngô “có uy” nhất diễn ra trong giai đoạn thế hệ của tôi đang ngồi trên ghế nhà trường Trung học và Đại học Huế. Hai từ Chín hầm là nỗi đe dọa hãi hùng nhất đối với chúng tôi và cũng may mắn, chính chúng tôi là những người đã góp phần phá cửa vĩnh viễn khu biệt giam hãi hùng ấy cách đây đúng 43 năm. Trong bài nầy tôi xin phép chỉ kể lại những điều tôi biết về khu biệt giam Chín hầm.

I. “CHÍN HẦM” NỖI SỢ HÃI CÓ THẬT

Năm 1956 tôi được vào học lớp Đệ ngũ trường Quốc Học. Đầu niên khóa trường còn mang tên Ngô Đình Diệm. Đến ngày 26 tháng 12, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Trường (1896-1956), học sinh cũ và thầy giáo đứng đầu là thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đình Hàm vận động tích cực, ông Diệm cho nhà trường lấy lại tên cũ Quốc Học. Trong “huấn từ” đọc nhân lễ kỷ niệm, ông Diệm có nói đại ý: Nhân tài miền Nam đã theo ông Hồ Chí Minh ra Bắc cả, vận mạng Việt Nam Cộng Hòa ông kỳ vọng vào các thế hệ học sinh Quốc Học. Học sinh Quốc Học được coi như con cưng của chế độ.

Hằng năm các học sinh trưởng lớp Quốc Học được gọi đến xếp hàng danh dự tại lăng Ngô Đình Khả mỗi khi “Tổng thống về thăm mộ cụ thân sinh” và tại dinh thất của gia đình họ Ngô ở dốc Phủ Cam khi ở đấy có lễ lược kỵ giỗ. Tôi là một trong số hàng trăm học sinh trưởng lớp lúc ấy. Vốn là dân nông thôn lên Huế vừa đi làm gia sư kiếm cơm ăn vừa đi học, lần đầu tiên được bước chân đến những nơi cường quyền như thế tôi cũng cảm thấy “vinh dự”. Mỗi lần đi dự lễ như thế được ông Cố vấn Ngô Đình Cẩn đại diện cho gia đình họ Ngô đãi ăn một bữa. Những món nem, chả, tré đặc biệt của Huế lần đầu tôi được nếm ở đây.

Nhưng chầu chực hầu hạ ở chốn cường quyền hết sức nhọc nhằn, dần dần tôi cảm thấy không còn vinh dự nữa mà bắt đầu sợ. Sợ nhất là mỗi khi thấy ông Cố vấn Ngô Đình Cẩn trong bộ khăn đen áo dài, miệng nhai nhóp nhép miếng trầu đỏ tươi thụng thịnh đến xoa đầu đám học sinh chúng tôi. Thường thì hai tay ông chắp sau lưng, quát tháo người nầy người nọ. Ngay cả mấy ông bộ trưởng, tướng lãnh gia nhân nhà họ Ngô đang đứng khép nép chờ ông sai bảo cũng không giấu được sự sợ hãi trên mặt.

Những người tiếp đón, dọn cỗ bàn không vừa ý ông, ông đòi giết. Nghe nói ông Cẩn không biết nói đùa, khi ông nói bắt, nói giết là bọn gia nhân phải thực hiện bắt, giết ngay. Cái sợ dưới bóng ông Cẩn thấm vào người tôi rất nhanh. Tôi cứ nơm nớp lo: Nhỡ ăn nói sơ suất điều gì thì mang vạ vào thân. Do đó nhiều khi có lệnh triệu tập đi làm hàng rào danh dự tôi phải khai đau xin phép vắng mặt.

Mấy năm lên học chuyên khoa Tú tài, tôi không còn làm trưởng lớp nên không phải tới chầu hầu ở gia đình họ Ngô nữa. Tuy nhiên, càng hội nhập sâu vào đời sống ở Huế lúc đó, nỗi sợ hãi trong tôi càng tăng lên. Không hiểu sao, tất cả những gia đình tôi được nhận vào làm gia sư đều là nạn nhân của gia đình họ Ngô. Lúc tôi đang dạy các em Ái Linh, Mộng Vinh, Lý Gia Nhẫn (hiện nay ở Úc) ở nhà buôn Lý Lâm Thịnh (đường Trần Hưng Đạo) là lúc gia đình nầy đang rất đau buồn vì phải nhượng lại sở đất vườn ở gần Chín hầm để xây sinh phần cho Ngô Đình Cẩn. Cho đến lúc đó tôi chưa có dịp đặt chân đến khu vực Chín hầm nhưng nghe nói đến hai chữ ấy tôi cũng như nhiều người dân Huế đều kinh khiếp.

Khi tôi đang dạy các em Hương, Hải ở nhà cô Vy (đường Mai Thúc Loan) thì xảy ra cuộc đảo chính Diệm do Đại tá Vương Văn Đông và Đại tá nhảy dù Nguyễn Chánh Thi cầm đầu (11.11.1960), ông Lê Thúc Huyến - chồng cô Vy, làm trưởng ty Thanh Niên, bị bắt đưa lên giam ở Chín hầm vì cái tội tưởng Diệm đã bị đảo chánh, nên hạ ảnh Ngô Tổng Thống xuống, không ngờ đảo chánh bất thành. Ông Huyến đi tù, tôi mất chỗ dạy. Cũng trong dịp đó, ông Bửu Bang - Chủ hiệu Rồng Vàng, nơi tôi đã làm gia sư trước đó cũng bị ông Cẩn bắt với tội danh là “Gián điệp miền Trung” (1).

Đến cuối năm 1960, tôi làm trưởng ban Văn nghệ học sinh Quốc Học, trong chương trình kỷ niệm 64 năm ngày thành lập trường có vở kịch Người Điên Giữa Kinh Thành của Vũ Hân. Người đóng vai chính (người điên) là học sinh Dư Tế Xuân. Trong buổi diễn đầu tiên dành cho các quan khách và gia nhân nhà họ Ngô, Dư Tế Xuân đã cương thêm mấy câu được hiểu như ám chỉ phê phán chế độ độc tài đã làm cho lãnh đạo nhà trường vô cùng bối rối. Bọn mật vụ của Ngô Đình Cẩn đe dọa, nếu không hủy bỏ ngay đêm diễn thứ hai thì sẽ bắt tôi. Ông giám học Văn Đình Hy lệnh cho tôi phải thực hiện ngay, nếu không thì không những tôi mà cả lãnh đạo trường Quốc Học cũng vào Chín Hầm như chơi. Chưa bao giờ tôi sợ hãi, đau đớn, nhục nhã với bạn bè đến thế! Đó là “sự kiện chính trị” đầu đời của tôi.

Ở Huế ai mà không biết Ngô Đình Cẩn thường vi hành về Thuận An ban đêm. Chiếc xe Cẩn đi không bật đèn pha. Những xe chạy ngược chiều vô phúc không biết cứ để đèn pha mà chạy là bị gia nhân của Cẩn tóm ngay. Mượn cái uy của Cẩn, dưới tay Cẩn hình thành một tầng lớp người mất dạy. Nhà thầu Nguyễn Đắc Phương - người cùng họ với tôi, đã phải chết để trả cho cái giá dám qua mặt bà Cả Lễ - chị Ngô Đình Cẩn, đấu thầu làm trụ sở Tỉnh đường Thừa Thiên Huế và điện Thái Hoà trong Đại Nội.

Bọn con em của tay chân nhà họ Ngô vào trường Quốc Học học thì ít mà quậy phá thì nhiều, không thầy cô giáo nào dám đụng đến. Thậm chí mấy tên cắt cỏ, hái lá sắn dây cho dê, cho nai của “ông Cố vấn” ăn cũng làm tàng, đến vuờn nhà ai muớn hái, muốn bứt thứ gì thì tùy ý. Nếu gia chủ cự nự sẽ bị chúng trừng phạt ngay. Bọn gia nhân của Cẩn nghe nhà ai có đồ quý như xa-lông cổ, đá đẹp, cây bon-xai cổ thụ, giống hoa lạ là chúng về báo cho Cẩn biết và Cẩn sẽ cho đến thương lượng lấy đem về làm của riêng ở Sinh phần của ông ngay.

II. TỘI ÁC VÀ TRỪNG PHẠT

Không rõ có phải vì nỗi sợ hãi, căm thù chồng chất lâu ngày mà đến đầu năm 1963, đang học Đại học Sư phạm, anh Vĩnh Kha mời tôi gia nhập đoàn Sinh viên Phật tử, tôi đồng ý ngay. Và chẳng bao lâu sau đó cuộc đấu tranh chống chế độ Ngô Đình Diệm kỳ thị tôn giáo, đàn áp Phật tử nổ ra, tôi đã dấn thân một cách tích cực. Cuộc đời chính trị của tôi bắt đầu từ đó.

Đến rạng sáng ngày 21.8.1963, chính quyền Diệm Nhu thực hiện “kế hoạch nước lũ” bao vây tất cả chùa chiền và bắt hết những sư sãi và Phật tự tham gia đấu tranh trên toàn cõi miền Nam. Tôi bị bắt ở chùa Diệu Đế cùng với Hòa thượng Thích Đôn Hậu. Các bạn tôi ở chùa Diệu Đế và chùa Từ Đàm cũng bị bắt hàng ngàn người. Ngoài những người lãnh đạo chủ chốt đưa đi biệt giam còn chúng tôi bị đưa vào Hội trường Ty Công An và Sân vận động Huế.

Đây là một vụ đàn áp đẫm máu, vi phạm nhân quyền lớn chưa từng có ở Việt Nam. Dư luận Mỹ và phương Tây phê phán nặng nề chế độ Diệm. Cuộc đàn áp đã làm chấn động thế giới. Liên hiệp quốc phải ra tay cử phái đoàn vào điều tra. Nhờ thế tay chân của Diệm nới lỏng sự khắc nghiệt ở các trạm giam, trong đó có khu biệt giam Chín hầm.

Đến ngày 1.11.1963, chế độ Diệm bị lật đổ bởi chính những tướng lãnh và quân đội công bộc của Diệm. Chúng tôi được ra khỏi tù. Trong suốt cả tuần lễ sau ngày cáo chung của chế độ Diệm, hàng chục vạn đồng bào Huế tuôn ra đường tỏ nỗi vui mừng chấm dứt chế độ độc tài gia đình trị nhà họ Ngô. Đồng bào cũng đã ùa lên đập phá khu Sinh phần của Ngô Đình Cẩn. Những người bị Ngô Đình Cẩn tước đoạt tài sản tham gia đập phá hăng hái nhất.

Một đoàn sinh viên gồm các bạn Nguyễn Thiết, Trần Duy Thọ, Thái Thị Ngọc Dư và tôi được cử lên yêu cầu quân nhân đứng về phe đảo chánh hãy mở cửa khu biệt giam Chín hầm. Những người bị bắt vì tham gia tranh đấu được thả hết. Những tù chính trị khác thì chuyển về các nhà lao trong thành phố. Chúng tôi cũng hô hào quần chúng hãy dừng tay đập phá sinh phần của Ngô Đình Cẩn, vì đây là một chứng tích tội ác mà Cẩn đã tạo bởi những của cải vật chất quí giá của người dân Huế. Do uy tín của sinh viên đồng bào dừng tay đập phá, nhưng sau khi chúng tôi lên xe về thành phố thì việc trả thù lại tiếp tục cả năm sau chưa dứt.

Ngày xử tử Ngô Đình Cẩn ở Sài Gòn (9.5.1964), con ông Đức Sinh - nạn nhân của Ngô Đình Cẩn, là em Thanh đã đi tàu bay vào xem tận mắt cái chết của Cẩn. Thạnh đã lấy khăn mùi soa thấm máu Cẩn đem về Huế đặt lên bàn thờ cha. Năm 1968, Thạnh thoát ly và trở thành phóng viên Đài phát thanh Giải phóng.

Sau sự kiện chế độ Diệm bị lật đổ, sinh viên Huế chúng tôi lại tiếp tục đấu tranh chống các chính phủ tay sai Mỹ sau Diệm. Đến năm 1966, tôi thoát ly và không còn nhớ chuyện Chín hầm, và khu Sinh phần của Ngô Đình Cẩn ấy nữa.

III. TRỞ LẠI CHÍN HẦM

Hầm số 5 Khu biệt giam Chín hầm cũ ở thôn Ngũ Tây, xã Thủy An, cách đàn Nam Giao khoảng 5km về phía nam. Cách đó chừng 0,8km là khu sinh phần của Ngô Đình Cẩn xây trên sườn một ngọn đồi thoai thoải quay mặt về hướng đông bắc. Một hòn non bộ lớn được dựng lên trong một hồ bán nguyệt ngăn cách vùng đồi có nhiều chùa chiền tháp cổ với sinh phần của ông Cẩn. Trước kia khu vực sinh phần nầy rộng đến hàng mấy chục héc-ta, trồng toàn cam, đường đi lối lại có hoa cỏ tươm tất. Kiến trúc chính là một cái lầu tứ giác tạo dựng bởi chất liệu xi-măng cốt sắt giả gỗ cổ, phần còn lại đắp sành sứ theo kiểu lăng Khải Định, một tòa lầu rộng lớn với bộ cột kèo xuyên trến đều bằng xi-măng cốt sắt giả gỗ. Những xác nhà bê-tông cốt sắt còn lưu lại cho đến ngày nay là chứng tích tội ác nhắc nhở con người rằng của phi nghĩa không bao giờ được kết thúc êm ấm cả.

Khu biệt giam Chín hầm là chín cái hầm mà thực dân Pháp xây dựng từ năm 1941, bao quanh một trái đồi để cất giấu vũ khí. Đến sau ngày 9.3.1945, phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp, chín cái hầm kiên cố này bỏ trống. Sau năm 1954, lật lọng được Bảo Đại lên nắm chính quyền, anh em nhà họ Ngô đã có “sáng kiến” cải tạo 9 cái hầm cất giấu vũ khí của Pháp thành một khu biệt giam những người yêu nước và những người có tư tưởng chống đối chế độ độc tài gia đình trị họ Ngô.

Mặt trước mỗi hầm trổ cửa to, cao, chắc chắn, trông ra khoảng trống thoai thoải xuống chân đồi, ba mặt kia là tường bê tông xây sát vào thành đất. Hầm có chiều sâu chừng 10 mét, chiều ngang chừng 6m, chiều cao chừng 4m, đựoc ngăn thành hai dãy xà-lim chuồng cọp, có cửa gỗ mở ra lối đi ở giữa hầm. Mỗi chuồng cọp dài khoảng 2m, rộng 0,9m.

Tường ngăn các chuồng cọp cao 2m, mỗi chuồng có một lưới sắt tạo bởi 16 song sắt ngang và hai thanh sắt dọc chặn trên đầu. Ban ngày ánh sáng vào mỗi xà-lim nhờ nhờ, ban đêm tối om. Trời nắng, trong hầm nóng như nồi rang, trời mưa nước giọt trên đầu tù nhân, lạnh buốt xương da. Tù nhân không được ra ngoài vệ sinh, tất cả đều đi trong thùng và một tuần mới có người đưa đi đổ.

Các cựu tù nhân Chín hầm hiện còn đang sống ở Huế cho biết mỗi ngày tù chỉ được ăn hai bữa, cơm hẫm với mắm thối hoặc rau muống già, giờ cho ăn tùy hứng của người phục vụ, có thể cách nhau 3 tiếng đồng hồ và cũng có thể từ rạng sáng đến tối mịt mù. Phải giam cực hình như thế để cho những người tù cách mạng chuyển hướng và những người chống đối phải đầu hàng. Có vô số chuyện về tội ác của gia đình họ Ngô thực hiện ở đây.

Ông Võ Côn vốn là một tỉnh trưởng ở Bình Định, vì không ăn cánh với Cẩn nên bị vu là mật thám Pháp, ông Côn bị bắt và bị giam bí mật ở Chín hầm. Được tin chồng đang thoi thóp sắp chết, bà Côn bí mật lên Chín hầm đấu tranh, chửi bới tưng bừng. Bọn Cẩn buộc lòng phải để bà đưa chồng bà về. Về nhà ông Côn mất. Ông Nguyển Hữu Bích đi tập kết, vợ ông ở lại tiếp tục hoạt động, bị địch bắt, bị tra tấn vô cùng dã man nhưng bà Bích vẫn không khai.

Cuối cùng bà bị đưa lên giam ở Chín hầm. Như trên tôi đã đề cập sau cuộc đảo chánh 11.11.1960 không thành, Nguyễn Chánh Thi phải chạy trốn sang Căm-pu-chia, nhiều nhà giàu ở Huế như Đức Sinh, Nguyễn Văn Yến, Rồng Vàng bị vu là “gián điệp miền Trung” bị bắt đưa giam vào Chín hầm. Các gia đình nầy phải cắt một phần lớn tài sản của mình nộp cho Ngô Đình Cẩn mới được thả ra.  Thậm chí có cả chuyện các bà vợ của những người tù phải hiến thân cho bọn tay chân nhà họ Ngô thì chồng họ mới được can thiệp thả ra. Chồng về nhà hay tin vợ đã “thất thân”, rất đau buồn, Vợ cảm thấy nhục nhã, có bà đã quyên sinh. Gia đình các tư sản nầy nát ra từng mảnh.

Người tù Chín hầm được cả thế giới biết đến là Đại tá tình báo Nguyễn Minh Vân tức Nguyễn Đình Quảng, con trai ông Phó bảng người Quảng Nam Nguyễn Đình Hiến. Ông Vân bị cực hình ở Chín hầm từ 11.1961 đến 11.1963. Trong thời gian ấy ông đã sáng tác và học thuộc lòng 3000 câu thơ nói lên những ngày bị cực hình trong khu biệt giam Chín hầm. Sau ngày Diệm đỗ, sinh viên học sinh Huế đã lên cứu thoát ông ra khỏi Chín hầm. 3000 câu thơ viết từ cõi chết đã được bí mật chuyển ra Hà Nội và in vào cuối năm 1973 với tựa đề Sống Trong Mồ với tên tác giả Nguyễn Dân Trung.

Tập thơ đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và in trên các báo văn học của Âu Mỹ. Xin trích một số câu:

 “Anh thu hình vào một góc co ro
Gió ngoài rừng không ngớt thổi vi vo
Và chốc chốc lại luồn vào trong động
Leo theo vách lách vào lưng vào bụng
Tay ma nào dạo trên khắp làn da?
Vuốt quỷ đâu móc vào tận ruột già
Nước mưa dột vẫn đều đều rơi mạnh
Ngồi trên ván tưởng ngồi trên đá lạnh:...


Sau năm 1975, cụ Đào Duy Anh về thăm Huế, nơi cụ yêu cầu tôi đưa đi thăm đầu tiên là di tích khu biệt giam Chín hầm. Lúc ấy di tích tội ác Chín hầm còn như nguyên vẹn, Đứng trước một cửa hầm trơ trụi giữa một vùng đồi trọc nắng gắt, với chòm râu bạc ướt đẫm mồ hôi, nhà sử học lão thành Đào Duy Anh đã không cầm được nước mắt, bảo tôi: “Tôi đã đọc kỹ tập thơ Sống Trong Mồ của Trần Dân Trung, giờ đây được chứng kiến tận mắt cái địa ngục trần gian nầy, tôi không thể nào hiểu được. Không biết trên thế giới còn có nơi nào biệt giam con người tàn nhẫn đến như thế nầy không!”.

Sau đó tôi còn trở lại khu vực Chín hầm nhiều lần để tìm đất sản xuất tự túc. Mỗi lần đi ngang di tích khu biệt giam vô chủ tôi vẫn còn thấy lạnh trong xương sống. Đến thời gian dậy lên phong trào thu nhặt sắt phế thải xuất khẩu, một số người hám lợi đã đập nát cả chín cái nhà giam chứng tích tội ác để lấy sắt. Ngày 16.12.1993, khu vực Chín hầm được xếp hạng di tích (tội ác của chế độ cũ) cấp quốc gia, nhưng lên đây chỉ còn thấy một vài tấm biển mới làm với độc nhất hai mố cửa hầm trên đỉnh đồi. Nếu không cố tình đi tìm thì khu vực Chín hầm cũ ngày nay chỉ còn thấy là một khu đồi thông xanh mát do bàn tay các em học sinh Huế trồng từ sau ngày giải phóng mà thôi.

Mới đây những người đi tìm xác đồng đội đã tìm trong khu vực sinh phần Ngô Đình Cẩn và Chín Hầm được hài cốt của các sĩ quan tình báo cách mạng gồm các ông Phan Trọng Tịnh, Lý Văn Tố, Phan Hữu Đà. Ông Lý Văn Tố đã bị cưỡng bức đi gánh nước tưới cam và bị dập dưới gốc cam. Mãi cho đến năm vừa rồi mới tìm được hài cốt của ông.

Mỗi lần nhắc lại hay đi ngang qua khu biệt giam Chín hầm tôi vẫn còn thấy rợn người. Nhưng khi thấy khu vực nầy đã bị xóa hết tôi không khỏi suýt xoa tiếc rẻ giống như tôi đã từng tiếc không còn nhìn thấy khu dinh cơ của gia đình họ Ngô ở dốc Phú Cam nữa. Từ thuở ấu thơ, tôi đã thấm nhuần giáo lý của Đạo Phật: “Lấy ân trả oán”. Tuy nhiên, đi vào chùa Phật là nơi đại từ bi, đại trí huệ mà ở cửa vẫn phải dựng tượng ông thiện và ông ác. Phải biết điều thiện để làm điểu thiện là chuyện đã đành. Cũng phải biết cái ác để tránh không làm điều ác. Biết chỗ tối để tìm ra nơi sáng. Không tối không sáng, không phân biệt được điều thiện và điều ác thì con người dầu có đi hai chân cũng chưa thành người. Thiện không biết, ác không biết, chỉ biết tiền thì rồi xã hội sẽ đi về đâu?
...
(1) Sau đó tôi được biết trong vụ gián điệp miền Trung còn có tên nhiều nhà tư sản khác nữa là Nguyễn Văn Yến - Chủ hãng Morin, ông Đức Sinh - chủ một tiệm buôn lớn ở phố Trần Hưng Đạo v.v...
(Bài đã đăng t/c Huế Xưa và Nay Số 33/1999 (tr. 2 ) được tác giả xem lại vào tháng 2/2006) 

Liên hệ mua hàng

Sẽ rất thiếu sót nếu giới thiệu Huế mà không đề cập đến những di tích phản diện của lãnh chúa Ngô Đình Cẩn dưới thời chín năm (1954-1963) cai trị của gia đình họ Ngô ở miền Nam.
Bên trong nhà giam Chín Hầm.
Bên trong nhà giam Chín Hầm.
Nguyễn Đắc Xuân