menu_open

Lễ hội dân gian ở Thừa Thiên – Huế

Danh mục Văn học

Chi tiết sản phẩm

Danh mục:
Văn học
Doanh nghiệp:
Chứng nhận chất lượng sản phẩm:

Mô tả sản phẩm

Như lời bộc bạch khiêm tốn của tác giả, Huế từ xưa cho đến nay vốn là vùng đất có nét văn hóa riêng. Với lòng ham muốn tìm hiểu bản sắc văn hóa địa phương, tác giả trình bày trong tập sách các tập tục, lễ hội đã được chứng kiến hoặc nghe kể lại qua những chuyến đi thực địa, điền dã suốt 20 năm… và đề tài cũng giới hạn lễ hội trong phạm vi dân tộc Kinh.

Sách "Lễ hội dân gian Thừa Thiên- Huế" dày hơn 265 trang, sau lời nói đầu là nội dung chính phần giới thiệu những lễ hội dân gian tiêu biểu ở Thừa Thiên- Huế. Xin được lược kể ra đây như lễ hội tưởng niệm các vị khai canh, khai khẩn, thành hoàng làng, lễ tế thu một số ngôi làng nhiều người biết đến như làng Xuân Hòa, làng Thế Chí Tây, làng Hạ Lang, làng Dương Nổ. Đó là lễ hội cầu ngư ở làng Thuận An, hội vật làng Sình (Lại Ân), lễ hội làng Chuồn (An Truyền ), lễ hội các tổ sư ngành nghề nổi tiếng ở Huế như tổ sư nghề điêu khắc, nghề kim hoàn, nghề gốm, nghề thêu, ngành tuồng, ngành ca nhạc, nghề rèn. Đó là các lễ hội theo tục lệ cầu an theo mùa vụ; lễ hội tín ngưỡng tôn giáo như lễ hội điện Hòn Chén, lễ tế Thai Dương phu nhân, lễ cô đàn Thủ Lễ, nghi lễ đám tang cá ông, lễ tế âm hồn ngày thất thủ kinh đô, lễ Phật đản, lễ Vu lan, lễ hội tưởng nhớ các danh nhân, anh hùng lịch sử.

le hoi dien hon chen hue
Lễ hội điện Hòn Chén

Mỗi lễ hội một câu chuyện, dẫn dắt người đọc nhiều bất ngờ, thích thú, nhất là những gốc gác, sử liệu về vùng đất. Ví như khi giới thiệu về lễ hội làng Sình: "Dù ai đi đó đi đây/ Ngày mười hội vật nhớ quay về Sình". Đó là câu ca dao ở Huế nhắc nhở mọi người hãy nhớ ngày mồng 10 tháng giêng âm lịch hằng năm quay về làng Sình (Lại Ân), xã Phú Mậu, H. Phú Vang để xem đấu vật. Ngoài những quy định cấm đoán đòn hiểm, xấu để hạ đối phương, làng còn dành riêng một giải thưởng cho nhân cách đô vật. Điều này nói lên tinh thần thượng võ được đề cao.

Đó là lễ hội làng Chuồn (An Truyền) xã Phú An, H. Phú Vang. Ngôi làng này đã đi vào lịch sử dân tộc, được cả nước biết đến sau sự kiện chày vôi do Đoàn Trưng, Đoàn Trực người làng Chuồn, dẫn thợ xây Khiêm Lăng, dùng chày vôi làm vũ khí đang đêm vượt núi đồi đánh vào Đại nội định lật đổ vua Tự Đức, đưa Đinh Đạo lên ngôi. Cũng ở ngôi làng Chuồn này còn có thượng thư Bộ Lễ Hồ Đắc Trung đã bày cho dân làng nghi lễ tế thần khai canh trong kỳ thu tế hằng năm.

Đó là lễ Đông Chí làng An Nông, xã Lộc Bổn, H. Phú Lộc. Lễ này để tế ngài khai canh Nguyễn Đà thời Trịnh Nguyễn phân tranh (1627-1672). Ngài chỉ huy một đạo quân Nam tiến, trong cuộc chiến đấu ngài bị thương dưới chân đèo Hải Vân, sau đó ngựa đưa về hậu phương thì mất. Ngài được phong Dực Bảo trung hung linh phò chi thần. Ngài là một tướng lãnh chết trận nên vào ngày cúng tế, các thợ rèn, thợ hòm không hành nghề. Người theo đạo Thiên chúa không dự lễ. Uy danh ngài đã có câu ca: "Nhất Nguyễn, nhì Võ, ba Phan/Ai cho Lê, Phạm nghênh ngang giữa làng".

Đó là lễ hội điện Hòn Chén thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na cũng còn nhiều điều chưa thể lý giải hết. Vua Đồng Khánh là người tin nhất vào sự linh ứng của Thánh Mẫu. Mẫu cho biết ông sẽ làm vua trong ba năm. Quả đúng như vậy. Sau tức vị, năm 1886, vua Đồng Khánh cho xây lại đền này một cách khang trang đổi tên ngôi đền thành Huệ Nam (ân huệ trời Nam). Thánh mẫu là người Chăm, nhưng người Việt vẫn tôn thờ. Điều này rút ra một nhận xét về tín ngưỡng của người Việt là không phân biệt sắc tộc. Hễ người nào có công đức cho dân thì được dân sùng bái. Điều này còn nói lên sự giao thoa văn hóa Việt-Chăm ở vùng đất Thuận Hóa ngày trước, Thừa Thiên- Huế ngày nay.

Và ở Huế không ai không biết lễ tế âm hồn ngày thất thủ kinh đô. Lễ cúng âm hồn vào ngày 23 tháng 5 âm lịch. Nghi lễ vừa có tính chất đơn lẻ trong từng gia đình lại vừa có tính chất cộng đồng trong thôn, xóm. Văn tế sưu tầm có những câu thống thiết: "Lô nhô trẻ dìu già, ông dắt cháu, chân còn đi đầu gục lìa vai/ Lao nhao con khóc mẹ, vợ kêu chồng, tiếng chưa ngớt…".

Nghi thức cúng âm hồn ngày thất thủ kinh đô ở Huế trang trọng nhất được tổ chức tại ngôi miếu góc đường Mai Thúc Loan và Lê Thánh Tôn, phía đông nội thành, cách cửa Đông Ba chừng 3.000 mét. Các ngôi miếu này được xây dựng vào năm 1895, sau biến cố thất thủ kinh đô mười năm. Điều không phải ai cũng biết, sau tế lễ, vào ngày 12 tháng 6 âm lịch có tục đi chạp mộ tập thể những người tử nạn trong ngày thất thủ kinh đô tại núi Ngự Bình, địa điểm gần lăng Kinh Tế, trên đường vào chùa Trà Am.

Trong khi đó, lễ cô đàn ở Thủ Lễ, nguyên là một làng thuộc xã Quảng Phú, H. Quảng Điền, dân gian còn lưu truyền câu ca dao: Trống An Gia, thanh la Thạch Bình/Đình họ Khuông, chuông Thủ Lễ".

Lễ này được tổ chức ba năm một lần gọi là đại lễ Cô Đàn, để cúng cho tất cả những người trong làng mạng vong trên bộ lẫn dưới nước. Hình thức như lễ cúng âm hồn 23 tháng 5 tại TP Huế.

 Điều hấp dẫn như những mạch ngầm cuốn hút người đọc theo người viết bài này có lẽ không chỉ bởi chính các lễ hội dân gian của vùng đất kinh kỳ mà còn ở chính cái tình của người viết, thời gian công sức đầu tư nghiên cứu nhưng lại được trình bày với một văn phong giản dị, cách tiếp cận, khảo tả, tỉ mẩn, cẩn trọng trong từng câu chữ, xướng văn, trình tự nghi lễ. Truyền thuyết luôn được gắn với lịch sử để rồi mỗi lễ hội là một câu chuyện như là báu vật của tiên tổ để lại cho từng ngôi làng Việt. Ở đó dù lấm láp bụi thời gian nhưng đâu đó vẫn lấp lánh ánh hào quang về một vùng văn hóa, về quá khứ tổ tông để mỗi chúng ta có những suy nghĩ, tình cảm đúng đắn về lễ hội dân gian.

Liên hệ mua hàng

Thừa Thiên- Huế nguyên là đế đô của cả nước trong 143 năm (1802-1945), là một trong ba trung tâm văn hóa và du lịch hiện nay, lại là nơi tập trung nhiều lễ hội rất đáng được quan tâm tìm hiểu. Đặc biệt mùa xuân mùa của lễ hội, nếu muốn hiểu hơn về nguồn cội lễ hội dân gian, thì tập sách "Lễ hội dân gian ở Thừa Thiên- Huế" của nhà giáo, nhà nghiên cứu Tôn Thất Bình sẽ cung cấp cho bạn đọc nhiều điều bổ ích.
Ảnh bìa sách "Lễ hội dân gian ở Thừa Thiên - Huế".
Ảnh bìa sách "Lễ hội dân gian ở Thừa Thiên - Huế".
Võ Văn Trường
Báo Công an thành phố Đà Nẵng