menu_open

Tết xưa trong các phủ đệ Huế

Danh mục Văn hóa - Nghệ thuật

Chi tiết sản phẩm

Danh mục:
Văn hóa - Nghệ thuật
Doanh nghiệp:
Chứng nhận chất lượng sản phẩm:

Mô tả sản phẩm

Chợ Tết xưa nằm bên cạnh sông Hương, Huế – Ảnh tư liệu

Cái thú đam mê này thai nghén từ những lời kể chuyện thú vị của mệ nội lúc còn sống, mệ vốn xuất thân từ dòng dõi hoàng tộc nhà Nguyễn. Mệ thường  kể cho tôi nghe những câu chuyện liên quan đến cung đình triều Nguyễn, có những chuyện mệ nghe từ những cụ hoàng tộc cao niên kể lại hoặc đã từng chứng kiến tận mắt. Tôi nhớ như in lời mệ kể về lễ tết xưa trong phủ đệ khi mệ có dịp theo cha đến dự lễ. Sau này lớn lên, tôi tiếp tục dành nhiều thời gian tìm hiểu nghiên cứu về di sản phủ đệ triều Nguyễn. Đứng trước các phủ đệ tọa lạc hai bên bờ sông An Cựu, không khí Tết xa xăm của triều đại cũ bất chợt đồng hiện đằng sau cánh cổng ngõ phủ đệ cổ kính, phủ đầy rêu phong.

Triều Nguyễn có quy định, khi các hoàng tử, công chúa lấy chồng, lấy vợ, thì nhà vua lệnh cho quan lại tìm cuộc đất có vị trí phong thủy tốt, ban cho tiền bạc xây dựng phủ đệ riêng, để sau này khi các ông hoàng, bà chúa qua đời thì nơi đây trở thành chốn thờ tự. Vào thời kỳ hưng thịnh của triều Nguyễn tại Kinh đô Huế có hàng trăm phủ đệ lớn nhỏ khác nhau. Phủ đệ được xây dựng theo phong cách kiến trúc truyền thống Huế với nhà rường, cổng ngõ, bình phong, non bộ, vườn cây… Phủ đệ là nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa của Tết Huế xưa. Vào những ngày gần Tết, nhịp sống ở phủ đệ rộn ràng hơn những ngày thường. Số lượng quan lại, binh lính và người hầu trong phủ đệ có phần giảm do một số người xin phép các ông hoàng, bà chúa về nhà ở quê để lo Tết cho gia đình, trái với ngày thường lên đến hàng trăm người phục vụ và sống ở phủ đệ. Số gia nhân còn lại ở phủ đệ được phân công canh gác, tập trung dọn dẹp, quét tước, chuẩn bị phẩm vật sinh hoạt trong những ngày Tết. Theo điển lệ của triều Nguyễn, Lễ Thướng tiêu là khởi đầu của dịp nghỉ Tết của toàn bộ triều đình, thời vua Minh Mạng quy định bắt đầu từ ngày 25 tháng Chạp thì ngừng tiếp nhận văn thư, cất ấn và làm lễ dựng nêu. Lễ Thướng tiêu đầu tiên tổ chức trước điện Thái Hòa trong Hoàng cung do nhà vua đích thân chủ trì, sau đó sai các hoàng thân, hoàng tử đi làm lễ tương tự tại các miếu thờ, đàn tế, lăng tẩm tổ tiên… Khi lễ Thướng tiêu ở Đại Nội thực hiện xong thì các ông hoàng, bà chúa mới làm lễ Thướng tiêu tại phủ đệ của mình để mừng ngày Tết đến, ngăn chặn ma quỷ, cúng những thần linh để phù hộ cho gia quyến được bình an, cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu. Để chuẩn bị cho nghi lễ này, các ông hoàng, bà chúa phải sai người hầu chọn lựa sẵn những cây tre thật dài và thẳng, khi chặt hạ róc cành thì vẫn giữ lại một chùm cành lá xanh ở phía ngọn. Tại chỗ này người ta đan một cái hình 4 dọc 5 ngang (gọi là cái lung tung). Sau khi làm lễ cúng thần linh, chủ lễ sẽ cho buộc chiếc giỏ đan bằng tre (hoặc mây) trong đựng giấy tiền, cau trầu, bùa đào (ghi tên thần linh) cùng bút mực,… lên ngọn, rồi dựng cây nêu lên sao cho thật thẳng, đầu ngọn nêu có dải phướn bằng lụa đỏ buông dài để luôn phất phơ trong gió. Cây nêu được dựng lên trong phủ đệ đánh dấu thời điểm ăn Tết bắt đầu diễn ra.


Người dân Huế đi chợ Tết năm 1923 - Ảnh tư liệu

Lễ Cáp hưởng là lễ tế cuối năm tại các miếu để mời các bậc tiên đế về ăn Tết, tổ chức ngày 30 tháng Chạp. Vua ngự ra Thế Miếu hoặc Thái Miếu làm chủ tế lễ. Các thân công, hoàng tử, đại thần đi cúng tế ở các lăng tẩm, đền miếu, chùa quán ở kinh đô. Do vậy, những ông hoàng nào được nhà vua giao nhiệm vụ cúng tế ở đền miếu phải hoàn thành nhiệm vụ, nếu không sẽ bị trách phạt. Sử triều Nguyễn có chép: “Hoàng tử Đức Thọ công là Miên Nghi, Hoàng đệ An Khánh công là Quang và Từ Sơn công là Mão, vì trong 3 ngày Tết Nguyên đán được tạm quyền đi tế các miếu, vì chậm trễ lỡ việc, liên danh dâng sớ lên xin lỗi”1. Điều này cho thấy các vị hoàng tử, hoàng thân đón Tết ở phủ đệ nhưng phải hoàn thành những nhiệm vụ cúng tế ngày lễ Tết do triều đình giao phó.

Vào đêm Giao thừa, các phủ đệ đều đốt pháo với ngụ ý xua đuổi tà ma, xua đuổi những điều xui xẻo, đưa tiễn những cái cũ để đón những điều mới, may mắn, tốt tươi. Tiếng pháo đêm Giao thừa như đánh mốc và tôn nghiêm thời khắc thiêng liêng, thời khắc giao thời giữa năm cũ và mới, giữa mùa đông giá lạnh và một mùa xuân ấm áp. Tiếng pháo giòn giã, mùi khét của diêm sinh, và xác pháo phủ khắp sân phủ đệ. Người ta muốn giữ sự may mắn đó mãi trong phủ đệ, nên ba ngày Tết cấm không được quét phủ, quét sân.

Theo định lệ từ thời vua Gia Long, vào ngày mồng một Tết, vua ngự ở điện Thái Hòa, đặt đại triều, các hoàng thân, bách quan đều mặc lễ phục làm lễ Khánh hạ theo nghi thức như làm lễ bái, dâng biểu mừng. Mở đầu một bài biểu mừng Tết thường có chủ đề sau: “Gặp Tết Nguyên đán, Tam dương tươi sáng; muôn vật sinh sôi. Non sông một cảnh tượng êm đềm, tiên bàn dâng Thụy; Cung khuyết ba sắc mây đầm ấm, giáp lịch mở đầu. Chúng thần thực lòng hoan hỉ, kính cẩn dâng biểu chúc mừng”2. Sau đó, các hoàng đệ, hoàng tử, công chúa đến mừng vua 5 lạy. Khi làm lễ mừng nhà vua xong thì vua truyền chỉ ban tiền thưởng xuân và yến tiệc. Các hoàng thân, hoàng tử mỗi người được ban trên dưới 20 lạng bạc, các quan tùy theo phẩm trật, chức tước mà được ban từ 1 đến 12 lạng bạc. Việc dự yến tiệc vào dịp Tết Nguyên đán có quy định chặt chẽ: “Phàm hàng năm, tiệc yến tết Nguyên đán: Thân phiên, hoàng thân, quan văn ngũ phẩm, quan võ tứ phẩm trở lên và các chức tước trong họ thì ngày mồng 1 ăn yến ở điện Cần chánh và giải vũ hai bên tả, hữu”3. Tiếp đến, nhà vua đưa các hoàng tử đến cung Từ Thọ (sau này đổi tên thành Diên Thọ) dâng biểu chúc mừng Hoàng Thái Hậu và làm lễ Khánh hạ. Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ có đoạn chép: “Năm Minh Mạng thứ 4, tiết Chánh đán ở Từ cung, vua dẫn hoàng tử, các Công đến cung Từ thọ làm lễ Khánh hạ, kính dâng tờ mừng”4. Nhà vua muốn đề cao chữ “Hiếu”, ý muốn nhắc nhở con cháu phải luôn nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên. Truyền thống tốt đẹp này được truyền lưu trong suy nghĩ và hành động của con cháu dòng họ Nguyễn Phúc từ xưa cho đến nay.

Sang mùng 2 Tết, các ông hoàng, bà chúa làm lễ tại phủ đệ. Sau đó, các ông hoàng vào Đại Nội xin phép nhà vua rước mẹ của mình về phủ đệ để con cháu có dịp mừng tuổi, chúc phúc và báo hiếu. Mỗi dịp Tết về thăm con cháu tại phủ đệ, các Đức bà đều chuẩn bị những món quà quý chỉ có ở chốn cung đình để dành tặng làm vật kỷ niệm và mừng tuổi. Vì vậy, các công tử, công nữ nhỏ tuổi ở phủ đệ luôn mong đợi ngày Tết đến thật nhanh để được nhận quà của Đức bà. Trong hồi ký của mình đăng trên tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy, GS. Bửu Kế đã miêu tả lại sự kiện đón Tết tại phủ Lạc Biên quận công như sau: “Ngài tôi vào tâu xin Hoàng Đế cho phép bà tôi ra ngoài để con cháu dâng tuổi. Bà tôi đi một chiếc võng, hai bên có rèm bỏ xuống che kín cả người. Đòn võng sơn đỏ, hai đầu trở thành hình đầu phụng và đuôi phụng, khác hẳn đòn võng của ngài tôi trổ hình đầu rồng và đuôi rồng… Hai bà nữ quan hầu trầu thuốc và bưng tráp đã đứng khép nép sau lưng bà tôi. Ngài tôi, ả tôi và tôi lần lượt quỳ xuống dâng rượu thọ… Thăm con cháu đâu được một tiếng đồng hồ, bà tôi lại lên võng trở vào Đại nội”.

Trong ba ngày Tết, các ông hoàng, bà chúa rất bận rộn, lúc thì đi chúc Tết lúc thì ở phủ đệ tiếp khách không dứt. Các con cháu trong các phủ phòng khác, các vị tôn tước, quan lại trong triều đến phủ đệ chúc Tết. Đến ngày mùng 3 Tết như mọi năm, những người nghèo khổ kéo nhau đến cổng ngõ phủ đệ của các ông hoàng, bà chúa để xin tiền. Các ông hoàng, bà chúa sẵn lòng ban cho họ một ít tiền trong ngày đầu năm mới thể hiện lối sống phong lưu, tấm lòng khoan dung, sẵn lòng ban ơn cho những kẻ nghèo khổ, dẫu có lúc các ông hoàng, bà chúa cũng đang gặp khốn khó trước sự biến đổi của thời cuộc. Điều này minh chứng rõ nét tính cách Mệ được hình thành và nuôi dưỡng từ những phủ đệ kín cổng cao tường kia.

Tết cũng là dịp để các ông hoàng, bà chúa gặp gỡ giới văn nghệ sĩ xứ Huế đương thời, các tao nhân mặc khách cùng nhau sáng tác thi ca và ngâm vịnh thi phú tại phủ đệ. Những tên tuổi tác gia trong hoàng tộc triều Nguyễn như: Tùng Thiện vương Miên Thẩm, Tuy Lý vương Miên Trinh, Tương An quận vương Miên Bửu, Công chúa Mai Am, Công chúa Huệ Phố… đã để lại cho hậu thế một khối lượng tác phẩm văn chương đồ sộ, góp phần tạo ra hiện tượng văn chương tiêu biểu của giai đoạn này. Tại phủ Tùng Thiện vương đã lập nên Tùng Vân thi xã, về sau đổi thành Mặc Vân thi xã, quy tụ các văn nhân tên tuổi ở Kinh đô Huế, cùng nhau sáng tác văn chương. Cũng trong dịp Tết đến xuân về, ông hoàng Miên Thẩm đã sáng tác bài thơ Xuân Nhật (ngày xuân):

“Chơi xuân ai cũng trở nên xuân,
Hoa cũng như người đón rước xuân.
Thử hỏi “lão điên” xuân mấy độ?
Xuân nào lại chẳng để phần dành.
5

Ở Huế ngày xưa có câu “Phú bất như Định Viễn” nghĩa là: Không ai giàu bằng Định Viễn quận vương Nguyễn Phúc Bính (1797-1863). Do có tài kinh doanh rất giỏi và biết hợp tác buôn bán với thương nhân nước ngoài, nên Định Viễn quận vương rất cởi mở và nổi tiếng giàu có. Tại phủ đệ của ngài ở khu vực tiếp giáp làng Vỹ Dạ đến ngã ba làng Nam Phổ, Định Viễn quận vương đã lập nên phiên chợ Tết Gia Lạc và tồn tại gần trăm năm. Có thể hiểu Gia Lạc theo hai nghĩa: nhà nhà vui tươi hoặc thêm vui. Thời kỳ đầu, ông hoàng Định Viễn chỉ tổ chức chợ phiên ngày Tết dành cho hoàng thân quốc thích và quan lại nhằm trao đổi hàng hóa, vui chơi mùa xuân. Sau này, người dân quanh vùng cũng đến mua bán, thêm vào các trò chơi dân gian để thu hút mọi người và không khí trở nên náo nhiệt hơn. Từ đó, chợ Gia Lạc đã trở thành một hình thức hội chợ phiên vui xuân nổi tiếng trong những ngày đầu năm mới ở Kinh đô Huế. Đến với phiên chợ Gia Lạc ai nấy đều phải ăn mặc đẹp, lòng vui như xuân và ngấm ngầm thi đua lễ độ, tao nhã. Mọi người sẽ được tham gia vào các trò chơi ngày Tết của cung đình và của dân gian, thưởng thức các món ăn từ dân dã đến cao sang, mua sắm các đồ chơi, vật dụng, vật trưng bày và một số mứt bánh phục vụ vào dịp Tết. Phiên chợ này cũng cuốn hút những vị khách phương Tây đến tham dự và mua bán. Trong cuốn hồi ký “Mười tám tháng ở Huế” vào cuối triều vua Tự Đức, A. Auvray đã miêu tả sống động khung cảnh phiên chợ Gia Lạc vào ngày Tết như sau: “Mỗi năm, trong mấy ngày Tết, một vị hoàng thân mở phiên chợ tại phủ đệ, bán đủ thứ. Cũng có lợi. Năm 1880, chợ ấy nhóm tại bên kia sông, phía đông Công sứ quán, giữa hồ có hòn cù lao tẻo teo, có đình lục giác, xung quanh có quán xá bằng tranh. Người đi mua bán kẻ đến xem chơi tướp mướp. Các công tử, công nữ mặc áo lục, bọn nô bộc trong phủ đệ mặc áo màu sặc sỡ, cũng lẫn lộn trong đám đông người. Thành ra một cảnh tượng hoa hòe rực rỡ. Đàng sau là lầu ngói chỉ có các vị hoàng thân mới được ở nhà có tầng trên, còn người thường hoặc các quan đều không được. Trong phiên chợ này, thấy bán đủ thức: đồ chai, đồ chơi ngoại quốc, ly rượu lở bộ, tạp hóa Paris, đồ cẩn thô sơ, hộp trầu, ve thuốc bổ thuốc muối, còn nhiều thứ nữa…”6. Sau khi triều Nguyễn chấm dứt vào năm 1945 đến nay, chợ Tết Gia Lạc chỉ còn trong sử sách và trí nhớ của một ít người cao tuổi sống ở Huế.

Vào những ngày Tết, một số ông hoàng, bà chúa tổ chức diễn tuồng, Ca Huế trong phủ đệ. Nhiều phủ đệ có những đoàn tuồng riêng để thu hút những nghệ nhân giỏi và có những rạp hát ngay trong khuôn viên phủ đệ như các đoàn tuồng của Hải Ninh quận công, bà chúa Nhất, ông Hoàng Chín, bà chúa Tám,… Các rạp hát tuồng nổi tiếng của phủ Định Viễn quận vương, Diên Khánh vương, Tuyên Hóa vương… Các vở tuồng được trình diễn vào những ngày Tết như: Ngự Văn Quân, Vạn bửu trình tường… để cầu chúc một năm mới gặp nhiều điều an lành. Những buổi biểu diễn tuồng vào dịp Tết không chỉ dành riêng cho các ông hoàng, bà chúa, tầng lớp quý tộc, quan lại mà còn mở cửa cho dân chúng sống xung quanh phủ đệ đến xem. Quả là một dịp may hiếm có cho dân chúng đến thưởng thức tuồng cung đình. Các ông hoàng, bà chúa xem nghệ thuật tuồng ngoài chức năng giải trí, nó còn thực hiện chức năng giáo dục con người. Trong đó những yếu tố trung, hiếu, tiết, nghĩa luôn được đề cao nhằm mục đích hướng con người đến những giá trị nhân văn cao đẹp trong xã hội thời bấy giờ.

Ngày xưa, khuôn viên phủ đệ có diện tích hàng ngàn mét vuông, vì vậy khoảng sân rộng của phủ đệ là nơi tổ chức nhiều trò chơi cung đình và dân gian vào ngày Tết cho con cháu trong phủ đệ, các hoàng thân quốc thích, quan lại và dân chúng đến tham dự, vui chơi. Những trò chơi phổ biến cần nhắc đến như: Đổ xăm hường là trò chơi gieo các hột xúc xắc để dành những chiếc thẻ khắc chữ màu đỏ ghi các học vị trong hệ thống khoa cử thời xưa (Tú tài, Cử nhân, Tiến sĩ, Hội nguyên, Thám hoa, Bảng nhãn, Trạng nguyên). Bộ thẻ xăm hường có tất cả là 63 thẻ, chia làm 6 loại. Gán cho mỗi loại thẻ có giá trị 32 điểm, tổng cộng các thẻ là 192 điểm. Khi kết thúc ván chơi, ai đang giữ trong tay gồm những thẻ nào, có được bao nhiêu điểm, tổng số điểm cộng lại sẽ giúp xác định kẻ thắng người thua. Tiếp đến là trò chơi Đầu hồ. Chơi Đầu hồ là ném mũi tên (phi tiêu) gõ vào “con cóc” (miếng gỗ dẹp đặt giữa bình và vị trí người chơi), sao cho khi bật lên sẽ rơi xuống lọt vào miệng bình. Đây là trò chơi thử thách sự khéo léo, tinh nhạy của người chơi. Ngoài ra còn có chơi Bài vụ bao gồm: một chiếc bàn thấp, trên có hình ảnh tám con vật là heo (lợn) đen, voi trắng, trâu xanh, ếch vàng, ngựa đỏ, rùa vàng, tôm xanh, cá vàng; một bộ đồ sứ gồm dĩa để xoay con vụ và tô dùng để úp lên khi con vụ đang xoay; con vụ là một khối gỗ nhỏ hình trụ có tám cạnh, hai đầu gắn hai que nhọn, mỗi cạnh của con vụ có hình ảnh một con vật như đã nói trên. Khi chơi, những người chơi đặt tiền vào những con vật mà mình thích trên mặt bàn, nhà cái sẽ xoay con vụ trên dĩa, sau đó dùng tô để úp lên, lúc này con vụ vẫn đang xoay trong đĩa và người chơi có thể đặt thêm hoặc di chuyển tiền đã đặt đến con vật khác. Sau khi người chơi đã hoàn tất việc đặt tiền và con vụ đã ngừng xoay, nhà cái sẽ nhấc chiếc tô ra khỏi dĩa và hô tên con vật nằm phía trên. Người chơi nào đặt vào con vật đó sẽ là người thắng cuộc. Đặc biệt còn co hội chơi Bài Chòi thu hút nhiều người tham gia nhất. Người ta dựng lên 11 cái chòi được làm từ tranh và tre. Trên mỗi chòi đều có các dụng cụ bổ trợ như thanh la, mõ, trống… Người chơi Bài Chòi được bố trí ngồi trong các chòi đã được dựng sẵn từ trước, người chơi có thể mời gọi người thân hoặc bạn ngồi chung chòi của mình để cổ vũ động viên. Bài Chòi là một thú chơi tiêu khiển, một hình thức vui chơi nhẹ nhàng, tao nhã, không nặng về ăn thua giữa các người chơi. Người ta đến với Bài Chòi trong dịp năm mới không phải vì mục đích ăn thua, đỏ đen mà bởi tính chất giao lưu giải trí, muốn hòa mình vào không khí hoạt động vui vẻ của ngày hội. Việc tổ chức các trò chơi dân gian ở phủ đệ vào ngày Tết cho thấy các gia đình hoàng tộc vừa mang phong cách sống của hoàng gia, vừa chịu ảnh hưởng của đời sống dân dã. Yếu tố này được giải thích bởi đa phần các ông hoàng, bà chúa một thời sống ở trong cung cấm, tôn nghiêm thấm sâu trong máu thịt. Khi các ông hoàng, bà chúa lập phủ đệ ở bên ngoài Kinh thành, ở gần dân chúng đã chịu ảnh hưởng của cuộc sống bình dân và văn hóa dân gian một cách sâu đậm. Như vậy, phủ đệ là nơi giao thoa, hòa quyện lối sống văn hóa cung đình và dân gian, từ đó góp phần hình thành nên tính cách con người xứ Huế.

Cuộc vui chơi, du xuân kéo dài đến ngày mùng bảy tháng Giêng thì các ông hoàng, bà chúa tổ chức lễ hạ nêu tại phủ đệ, bắt đầu một năm làm việc mới. Phủ đệ trở về với không gian và nhịp sống kín đáo, thâm nghiêm như cũ…

Phủ đệ từng vang bóng một thời và nay là nơi lưu giữ những ánh hào quang quá vãng của Huế xưa. Đến phủ đệ du khách có thể cảm nhận được một phần nào hơi thở, nhịp sống thời kỳ vàng son của các ông hoàng, bà chúa triều Nguyễn vào những dịp Tết đến xuân về.

———————
1. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 3, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.454.
2. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 8, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 57.
3. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 7, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 35.
4. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 6, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 49.
5. Ưng Trình, Bửu Dưỡng (1970), Tùng Thiện vương: tiểu sử và thi văn, Huế – Sài Gòn, tr.293.
6. A. Auvray, Huế – Kinh về cuối triều Tự Đức: Mười tám tháng ở Huế, dịch giả Thúc Dật, báo Tràng An xuất bản năm 1937.

Liên hệ mua hàng

Những ngày giáp Tết, tôi thường lang thang trên những con đường ngắm nhìn những công trình kiến trúc xưa cũ được xây dựng dưới triều Nguyễn.
Trần Tôn Nữ
Tạp chí Sông Hương