menu_open
Vươn tầm Đại học Quốc gia
Xem cỡ chữ:
Đại học Huế đang hướng đến xây dựng Trường đại học Sư phạm thành Trường đại học Sư phạm trọng điểm Quốc gia 
Vị trí, vai trò và tầm ảnh hưởng của Đại học Huế đang từng ngày được khẳng định, vươn tầm quốc gia.
Đại học Huế đang hướng đến xây dựng Trường đại học Sư phạm thành Trường đại học Sư phạm trọng điểm Quốc gia 

30 năm đại học Vùng

Đại học Huế tiền thân là Viện Đại học Huế, thành lập vào tháng 3/1957. Năm 1994, Đại học Huế được tổ chức lại theo Nghị định 30/CP của Chính phủ, trở thành 1 trong 3 đại học vùng trong cả nước. Khi mới tái thành lập, Đại học Huế có 6 trường, gồm: Đại cương, Khoa học, Sư phạm, Nông Lâm, Y khoa và Nghệ thuật. Đến nay, đã phát triển thêm các trường đại học: Kinh tế, Ngoại ngữ, Luật; Trường Du lịch; Khoa Kỹ thuật và Công nghệ; Khoa Quốc tế; Khoa Giáo dục thể chất; Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị; các Viện Công nghệ sinh học, Đào tạo mở và Công nghệ thông tin, Khảo thí và Bảo đảm chất lượng giáo dục, Chuyển đổi số và Học liệu, Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội; Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh; Trung tâm Phục vụ sinh viên; Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo; Nhà xuất bản và Tạp chí Khoa học.

Năm 1994, Đại học Huế có gần 1.600 công chức, viên chức và người lao động; trong đó, có 27 giáo sư, phó giáo sư, 74 tiến sĩ, 79 thạc sĩ. Đến nay, Đại học Huế có hơn 3.600 viên chức và người lao động; trong đó có 214 giáo sư, phó giáo sư, 799 tiến sĩ, 1.526 thạc sĩ, 38 giáo sư danh dự người nước ngoài.

Theo ông Lê Văn Tường Lân, Quyền Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên, Đại học Huế, năm 1996, Đại học Huế có 60 ngành đào tạo đại học, 30 chuyên ngành đào tạo cao học, quy mô đào tạo khoảng 19.600 sinh viên, học viên. Đến năm 2023, Đại học Huế đã có 149 ngành đào tạo đại học, 108 ngành đào tạo thạc sĩ và 55 ngành đào tạo tiến sĩ; 63 chuyên ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa I và II; 12 ngành đào tạo bác sĩ nội trú. Quy mô đào tạo năm 2023 hơn 44.500 sinh viên hệ chính quy; 4.330 học viên sau đại học. Trong giai đoạn 2019 - 2023, Đại học Huế đã có hơn 45.200 cử nhân, bác sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư; khoảng 7.000 thạc sĩ, hơn 250 tiến sĩ và khoảng 7.000 bác sĩ chuyên khoa cấp I, II tốt nghiệp. Đến nay, Đại học Huế có 20% chương trình đào tạo đại học đạt tiêu chuẩn kiểm định Quốc gia và AUN-QA (Mạng lưới các trường đại học ASEAN).

PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế tự hào, Đại học Huế hiện nay đang cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao, tài năng ở các lĩnh vực: y dược, sư phạm, nghệ thuật, nông - lâm - ngư, pháp luật, du lịch… cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Qua 67 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là 30 năm tái thành lập, Đại học Huế đã đào tạo và cấp bằng cho khoảng 320.000 bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, cử nhân; gần 24.230 thạc sĩ và 678 tiến sĩ. Nhiều cựu sinh viên và học viên của Đại học Huế nắm giữ các vị trí quan trọng cho sự phát triển chung của đất nước.

Ông Lê Anh Phương dẫn chứng thêm, từ năm 2014 đến nay, Đại học Huế đã thực hiện nhiều đề tài được ứng dụng vào thực tiễn, mang lại giá trị kinh tế - xã hội cho các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Tiêu biểu nhất có thể kể đến cụm công trình “Tối ưu hóa công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ ở vùng có nguồn lực hạn chế: Từ nghiên cứu đến triển khai ứng dụng”, của nhóm tác giả GS.TS. Cao Ngọc Thành đã được ứng dụng hiệu quả và có tầm ảnh hưởng lớn. Điều này giúp công trình đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2022.


Hợp tác quốc tế được Đại học Huế mở rộng thời gian qua 

Nâng tầm thành Đại học Quốc gia

Chính vì vị thế, vai trò của một đại học vùng đã được khẳng định, từng bước vươn tầm quốc gia; cùng với bối cảnh mới, khi Thừa Thiên Huế đang trên đường trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đại học Huế cũng vì thế phải vươn tầm hơn nữa để trở thành Đại học Quốc gia. Thuận lợi cho Đại học Huế là các điều kiện về tính pháp lý, các nghị quyết, quy hoạch đều khẳng định và định hướng Đại học Huế vươn tầm thành Đại học Quốc gia.

Cuối năm 2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa có buổi làm việc với Đại học Huế và đã nhấn mạnh rằng, bên cạnh các chủ trương, định hướng trở Đại học Quốc gia, còn cho thấy sự quyết tâm nội tại của Đại học Huế. Để trở thành Đại học Quốc gia, Đại học Huế phải luôn chú trọng đổi mới nội dung chương trình đào tạo và bám sát nhu cầu của thực tiễn. Cần rà soát lại công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng. Đổi mới giáo dục phát huy vai trò đội ngũ trí thức. Xây dựng thành đại học chuyên sâu, thông minh, tạo sự đột phá về giáo dục có thế mạnh. Đặc biệt, chú trọng giáo dục văn hóa, gia đình, con người Huế…

PGS.TS. Lê Anh Phương thông tin, hiện Đại học Huế đang hoàn thiện đề án quan trọng để vươn tầm trở thành Đại học Quốc gia. Có thể kể đến đề án phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia Huế và đề xuất đưa nhiệm vụ xây dựng Đại học Quốc gia Huế vào nội dung quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Bộ Giáo dục và Đào tạo; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, triển khai thực hiện các đề án trọng tâm, như đề án phát triển Trường đại học Y - Dược theo mô hình Trường - Viện cấp Quốc gia, hướng đến đạt chuẩn quốc tế vào năm 2045; đề án phát triển Trường đại học Sư phạm thành trường đại học sư phạm trọng điểm Quốc gia; đề án thành lập Viện Công nghệ sinh học Quốc gia miền Trung; đề án tái cấu trúc Đại học Huế xứng tầm Đại học Quốc gia…

“Toàn thể Đại học Huế đang rất đồng lòng hướng đến mục tiêu xây dựng Đại học Quốc gia. Chuẩn bị tốt về nội lực, tận dụng tối đa ngoại lực. Khi “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, việc trở thành Đại học Quốc gia của Đại học Huế sẽ không còn xa nữa”, PGS.TS. Lê Anh Phương chia sẻ.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG