Ngồi lại với nhau, các bạn chuyện trò rôm rả, nhưng khi vào giờ học hay những buổi họp, sinh hoạt tập thể thì ít đứng lên phát biểu, tỏ ra ngại ngùng, ấp úng khi cần bày tỏ chính kiến của mình. Cô Lệ Hà, giáo viên một trường THPT ở Huế chia sẻ: “Trong tiết học, các em rất ngại phát biểu. Câu hỏi giáo viên nêu, nhiều em biết nhưng không tự giác, đợi khi thầy cô gọi mới đứng dậy trả lời”. Chị Ngọc Liên ở Phong Điền có cô con gái năm nay học lớp 11 thì tỏ ra lo ngại: “Không biết đến trường đến lớp thế nào, chứ mỗi lần có khách vào nhà là cứ né tránh, không dám trò chuyện”.
Chính vì ngại phát biểu xây dựng bài, ít khi đứng lên bày tỏ quan điểm của mình, rụt rè khi phản biện nên dẫn đến thiếu kỹ năng nói, thuyết trình, trình bày; mất tự tin khi đứng trước đám đông. Nhiều học sinh có suy nghĩ, chỉ cần làm tốt bài kiểm tra trên giấy là được, không cần thiết phải rèn kỹ năng nói trước tập thể. Cô Dương Lan dạy môn Ngữ văn ở Hương Thủy chia sẻ: “Nhiều học sinh khả năng viết rất tốt, nhưng khi phát biểu hay thuyết trình đề tài thì lại lúng túng, ấp úng”. Hơn thế nữa, không ít bạn trẻ chỉ biết học lý thuyết, sách vở mà không quan tâm đến các kỹ năng giao tiếp, nói năng…
Thực tế cho thấy, trong môi trường học đường, những bạn trẻ nào tích cực tham gia vào các hoạt động Đoàn, Hội thanh niên, các sinh hoạt tập thể; hoặc nằm trong Ban cán sự lớp, Ban chấp hành Đoàn trường thì có nhiều cơ hội để cọ xát, rèn luyện kỹ năng giao tiếp và trở nên tự tin trước tập thể.
Để trang bị các kỹ năng, từ đó giúp học sinh mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp và trong cuộc sống, nhiều trường phổ thông đã tổ chức các sân chơi tập thể sôi nổi, có ý nghĩa thiết thực. Trường THPT chuyên Khoa học Huế đã đồng hành với hơn 600 học sinh ở 3 khối bằng nhiều hoạt động thiết thực, như tổ chức các buổi talkshow với nhiều chủ đề khác nhau; cuộc thi “GenZ cKH loves Huế” đầy sáng tạo. Cô giáo Dương Thị Quỳnh Châu, Bí thư Đoàn Trường THPT chuyên Quốc Học Huế cho biết: “Ngoài nhiệm vụ học tập, chúng tôi luôn đặc biệt chú trọng đến việc rèn luyện, phát triển các kỹ năng sống, giúp các em vận dụng linh hoạt, mạnh dạn, tự tin khi vào đại học và cả sau này ra trường. Hiện tại ở Trường Quốc Học Huế có 20 câu lạc bộ, đội, nhóm, thu hút đông đảo các bạn đoàn viên, thanh niên. Tham gia vào các câu lạc bộ, các em năng động, sáng tạo, mạnh dạn và tự tin hơn, từ đó giúp tuổi trẻ phát triển toàn diện”.Chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay chú trọng đến mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực cho người học. Trong 10 năng lực cần phát triển cho học sinh thì có 3 năng lực chung là: Tự chủ và tự học; Kỹ năng giao tiếp và hợp tác nhóm với các thành viên khác; Giải quyết vấn đề theo nhiều cách khác nhau một cách sáng tạo và triệt để. Ở các môn khoa học xã hội, chương trình mới chú ý đến rèn luyện bốn kỹ năng là nghe, nói, đọc, viết. Qua các môn học, bài dạy cụ thể và qua các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệm; các sinh hoạt ngoại khóa, các sân chơi tập thể… nhà trường, thầy cô giáo, Đoàn thanh niên phải trang bị, rèn luyện, truyền cảm hứng giúp học sinh phát triển. Một khi những năng lực này được phát triển theo thời gian thì chắc chắn những bạn trẻ sẽ tự tin, mạnh mẽ, bản lĩnh và vững vàng hơn khi bước vào đời.