menu_open
Diễn đàn quốc tế Huế 2024: Một số định hướng phát triển kinh tế di sản, kinh tế xanh và kinh tế số tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Xem cỡ chữ:
Sáng ngày 06/12, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại Nội - Huế), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Viện Nghiên cứu Kiến trúc & Đô thị Hàn Quốc và Công ty TNHH SMC Huế tổ chức Diễn đàn quốc tế lần thứ ba với chủ đề “Một số định hướng phát triển kinh tế di sản, kinh tế xanh và kinh tế số tại tỉnh Thừa Thiên Huế”, thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện các tổ chức quốc tế, cùng nhiều đại biểu đến từ các Sở ngành, tổ chức trong và ngoài nước.

Đây là sự kiện quan trọng trong khuôn khổ hợp tác quốc tế, nhằm thúc đẩy các ngành kinh tế tiềm năng, khai thác phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo vệ môi trường và đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển kinh tế địa phương Thừa Thiên Huế, là hoạt động tiếp nối thành công của Diễn đàn quốc tế lần thứ nhất “Giao thông xanh, đô thị thông minh, xu hướng phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế” (do Viện Nghiên cứu và Phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức vào ngày 16/12/2022) và Diễn đàn quốc tế lần thứ hai “Huế - Công nghệ thông tin – Thúc đẩy phát triển bền vững” (do Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức vào ngày 01/12/2023) tại thành phố Huế.

Tại Diễn đàn, các đại biểu, chuyên gia đã giới thiệu và thảo luận về một số định hướng phát triển kinh tế địa phương như kinh tế di sản, kinh tế số và kinh tế xanh tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển dữ liệu số và công nghiệp văn hóa trên cơ sở bảo tồn, tôn tạo, phát triển bền vững giá trị văn hóa của di sản Cố đô Huế, góp phần đưa Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước và khu vực, từng bước thực hiện thành công Nghị quyết 54 - NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết 175/2024/QH15 về việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc trung ương, là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong phát triển của Thành phố Huế. Kinh tế di sản sẽ đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng và phát triển Huế trở thành một thành phố hiện đại, bền vững trong tương lai, biến những giá trị văn hoá lịch sử thành những giá trị kinh tế mà kinh tế sẽ là nguồn nuôi sống lại di sản, góp phần ngược lại cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. 

Trong khuôn khổ của Diễn đàn, rất nhiều tham vấn đến từ các chuyên gia trình bày về các giải pháp và định hướng phát triển kinh tế bền vững, đồng thời chia sẻ các mô hình thành công và kinh nghiệm từ các địa phương khác và quốc tế trong việc phát huy giá trị di sản, thúc đẩy kinh tế xanh và ứng dụng công nghệ số vào các ngành kinh tế. Theo KTS. Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế: Phát triển kinh tế từ giá trị di sản không chỉ mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp mà còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử. Thời gian qua, các mô hình như khai thác Thái Y Viện, hệ thống thủy đạo, du lịch trải nghiệm trên Thượng Thành, giáo dục di sản và tổ chức festival văn hóa đã chứng minh tiềm năng lớn của di sản Huế trong việc xây dựng nền kinh tế bền vững. Chúng ta có thể thấy việc phát triển kinh tế xanh, kinh tế số không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn là cơ hội để Thừa Thiên Huế tối ưu hóa giá trị cảnh quan và sinh thái. Bên cạnh đó, sự đa dạng của các di sản đã được UNÉCO công nhận cũng tạo nền tảng vững chắc để Huế phát triển thành một thành phố Festival đẳng cấp quốc tế, bao gồm nhiều lĩnh vực, từ âm nhạc, nghệ thuật trình diễn đến triển lãm văn hóa - lịch sử, cảnh quan thu hút khách du lịch và nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới. Kho tàng di sản này tạo cơ sở để Huế trở thành trung tâm giao lưu văn hóa quốc tế, tổ chức các sự kiện ngoại giao văn hóa quy mô lớn. Điều này không chỉ nâng cao vị thế của Huế trên trường quốc tế mà còn tạo cơ hội phát triển kinh tế thông qua các hoạt động văn hóa và du lịch. 

Ngày 23/11/2024 vừa qua, Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) đã được Quốc hội biểu quyết thông qua là bước tiến quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa, góp phần điều chỉnh những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho việc sử dụng, khai thác di sản văn hóa góp phần sáng tạo những giá trị văn hóa mới, làm giàu kho tàng di sản văn hóa Việt Nam và mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế, quảng bá giá trị di sản văn hoá Việt Nam trong nước và nước ngoài, góp phần phát triển bền vững di sản văn hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế di sản tại địa phương.


Các chuyên gia trong và ngoài nước chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế di sản, kinh tế xanh và kinh tế số tại tỉnh Thừa Thiên Huế tại Diễn đàn

Huế có lợi thế vượt trội trong việc phát triển kinh tế xanh, kinh tế số lấy di sản văn hóa làm nền tảng. Sự kết hợp độc đáo giữa các loại hình di sản tạo ra cơ hội phát triển đan xen giữa du lịch, văn hóa, giáo dục, công nghệ và sáng tạo, không chỉ bảo tồn và phát huy di sản mà còn tạo ra động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng và phát triển Huế (thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam) là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á, Châu Á; Trung tâm khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế chuyên sâu, là thành phố di sản, văn hóa đầu tiên của Việt Nam trên nền tảng bảo tồn, phát huy các giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Nhằm tạo cơ sở cho các hoạt động hợp tác có hiệu quả và bền vững giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Viện Nghiên cứu Kiến trúc & Đô thị Hàn Quốc, tại Diễn đàn, hai đơn vị sẽ tiến hành ký kết bản ghi nhớ hợp tác thực hiện chương trình nghiên cứu, tư vấn thiết kế tái thiết có chuyên môn cao nhằm phát triển đa dạng mô hình kiến trúc sinh thái lịch sử, công nghiệp văn hóa, dịch vụ du lịch… tại di tích Huế. 


Ký kết hợp tác về thực hiện chương trình nghiên cứu, tư vấn thiết kế tái thiết có chuyên môn cao nhằm phát triển đa dạng mô hình kiến trúc sinh thái lịch sử, công nghiệp văn hóa, dịch vụ du lịch… tại di tích Huế

Diễn đàn Quốc tế Huế hàng năm sẽ được tổ chức tại Huế vào ngày thứ 6, tuần đầu tiên của tháng 12 hàng năm. Vì vậy, Diễn đàn Quốc tế Huế 2025 - Lần thứ IV dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 05/12/2025.

Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>