Cùng với việc tăng cường công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ theo tinh thần của Chỉ thị 24-CT/TW ngày 15/5/2013 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 14/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và những năm tiếp theo”, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong số hóa dữ liệu nghĩa trang liệt sĩ là một bước đi cần thiết và đồng bộ nhằm tăng cường công tác quản lý thông tin tại nghĩa trang, giúp thân nhân liệt sĩ thuận tiện hơn trong việc tra cứu, thăm viếng, đóng góp một phần thiết thực cho hoạt động "Uống nước nhớ nguồn" của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong công cuộc tri ân công lao của các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến tháng 7/2022, trên 63 tỉnh thành cả nước hiện có hơn 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và hơn 3.000 công trình ghi công liệt sĩ. Trong đó, tính từ năm 2013 đến nay, toàn quốc đã tìm kiếm, quy tập được gần 17.000 hài cốt liệt sĩ với hơn 8.000 hài cốt liệt sĩ trong nước, hơn 2.000 hài cốt liệt sĩ tại Lào và hơn 6.000 hài cốt liệt sĩ tại Campuchia; tiếp nhận hơn 38.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ.
Hiện nay, cùng với sự quyết liệt của chính quyền các cấp trong việc tập trung, phối hợp đẩy nhanh công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, trong những năm qua, đã có nhiều đơn vị, tổ chức quan tâm đến việc số hóa dữ liệu nghĩa trang liệt sĩ, giúp "Về nguồn" gần hơn nhờ các ứng dụng số hóa nghĩa trang, phần mềm quản lý nghĩa trang, phần mềm tra cứu thông tin liệt sĩ, cổng thông tin dữ liệu tra cứu thông tin liệt sĩ... Trong đó, Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện nghiên cứu và triển khai xây dựng thành công Phần mềm Quản lý Nghĩa trang ứng dụng công nghệ GIS để ứng dụng cho Nghĩa trang Liệt sĩ Bình Chánh – Bình Tân, Nghĩa trang Liệt sĩ Nhà Bè (Thành phố Hồ Chí Minh), Nghĩa trang Liệt sĩ Thị xã Hương Thủy và Nghĩa trang Liệt sĩ Hương Điền (Thừa Thiên Huế).
TRUY CẬP DỮ LIỆU SỐ HÓA NGHĨA TRANG LIỆT SĨ HƯƠNG ĐIỀN
TRUY CẬP DỮ LIỆU SỐ HÓA NGHĨA TRANG LIỆT SĨ NHÀ BÈ
TRUY CẬP DỮ LIỆU SỐ HÓA NGHĨA TRANG LIỆT SĨ BÌNH CHÁNH - BÌNH TÂN
Số hóa dữ liệu nghĩa trang tạo thuận lợi cho người dân/thân nhân chủ động tra cứu, thăm viếng tại nghĩa trang được dễ dàng
Phần mềm Quản lý Nghĩa trang ứng dụng công nghệ GIS là công cụ hỗ trợ tối ưu trong công tác quản lý thông tin, dữ liệu hiện trạng về hoạt động của nghĩa trang. Phần mềm giúp người dùng dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm thông tin của các mộ phần, cũng như giúp cho các cấp quản lý, các phòng nghiệp vụ dễ dàng theo dõi, cập nhật các dữ liệu, thông tin, số liệu kịp thời tại nghĩa trang.
Sử dụng công nghệ GIS (Geographic Information System) để dựng bản đồ cho nghĩa trang và được đặt đúng hướng như trên thực địa, Phần mềm Quản lý Nghĩa trang ứng dụng công nghệ GIS tạo thuận tiện cho việc theo dõi, đối chiếu thông tin dành cho người tham quan. Đặc biệt, với chức năng thu, phóng tùy ý trên bản đồ, chỉ cần đặt con trỏ chuột ở khu vực cần tìm, người dùng có thể rà soát và biết được chính xác tên, hình ảnh và toàn bộ những thông tin liên quan về liệt sĩ đó hay lô đất đó và có thể đi đến vị trí mộ trên sơ đồ nghĩa trang mà không tốn thời gian hay sợ nhầm lẫn.
Hỗ trợ chức năng tìm kiếm ngay từ giao diện Trang chủ, Phần mềm tạo sự tiện lợi cho người dân/thân nhân liệt sĩ bằng cách dễ dàng tìm kiếm thông tin về các liệt sĩ, vị trí mộ, hình ảnh và các thông tin liên quan (Họ tên của liệt sĩ, năm sinh của liệt sĩ, năm hy sinh của liệt sĩ, nguyên quán của liệt sĩ, …). Các dữ liệu được sắp xếp theo lưới thông tin rõ ràng, chi tiết giúp người dân/thân nhân thực hiện thăm viếng và tìm hiểu về anh hùng liệt sĩ một cách thuận tiện.
Cung cấp đầy đủ tiện ích của một cổng thông tin điện tử, Phần mềm Quản lý Nghĩa trang còn hỗ trợ chức năng trình diễn tin tức, hình ảnh, video, qua đó cho phép người quản trị dễ dàng cập nhật, bổ sung thông tin các hoạt động của Nghĩa trang, giúp người dùng dễ dàng theo dõi, tiếp cận thông tin một cách nhanh nhất trên môi trường Internet, tương thích trên tất cả các thiết bị. Qua đó, các cơ quan, đơn vị có chức năng (như Ban quản lý nghĩa trang, phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Huyện ủy/Quận ủy …) có thể dễ dàng truy cập và sử dụng thông tin này để phục vụ hoạt động chuyên môn và nghiệp vụ.
Phần mềm mặc định triển khai các tính năng cơ bản để thực hiện công tác số hóa, quản lý thông tin, định vị mộ phần tại các nghĩa trang hoặc từng phân khu. Tùy thuộc diện tích, số lượng, mức độ thông tin của các mộ phần, nghĩa trang mà có thể chọn cài đặt thêm các tính năng như đọc thông tin/giới thiệu tự động cho khách viếng thăm; cài đặt sổ viếng điện tử, chỉ dẫn đường đi trong các phân khu và nghĩa trang v.v…
Từ những nghiên cứu thực tiễn và quá trình phối hợp với các đơn vị địa phương, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội của các đơn vị liên quan tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Phần mềm Quản lý Nghĩa trang ứng dụng công nghệ GIS đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về quản lý, sử dụng và truyền thông giáo dục,… và dễ dàng ứng dụng cho các loại hình nghĩa trang (nghĩa trang nhân dân, nghĩa trang liệt sĩ,…) trong toàn quốc.
Cùng với mục tiêu của Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ (Ban Chỉ đạo quốc gia 515) trong đó phấn đấu đến năm 2030 xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp giám định ADN được khoảng 20.000 mẫu hài cốt; phấn đấu xác minh, kết luận 60% mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng, Phần mềm Quản lý Nghĩa trang ứng dụng GIS góp phần quản lý, lưu giữ và công bố thông tin về mộ liệt sĩ trong các địa phương trên cả nước. Qua đó, thể hiện sự tri ân sâu sắc công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ; đáp ứng một phần nguyện vọng của thân nhân, gia đình liệt sĩ và nhân dân trong cả nước, tăng cường khả năng phục vụ và tự phục vụ đối với người dân, thân nhân liệt sĩ khi đến với nghĩa trang; góp phần tăng cường công tác quảng bá, tuyên truyền giáo dục về truyền thống cách mạng; đồng thời cũng là dấu ấn chuyển đổi số của các địa phương trong việc ứng dụng CNTT phục vụ cộng đồng và xã hội.
Phần mềm quản lý nghĩa trang, số hóa nghĩa trang, số hóa nghĩa trang liệt sĩ, số hóa địa chỉ đỏ, ứng dụng quản lý nghĩa trang, tra cứu thông tin liệt sĩ, tra cứu thông tin mộ liệt sĩ, tìm mộ liệt sĩ trực tuyến, quản lý thông tin nghĩa trang, ứng dụng GIS