Di tích tháp đôi Liễu Cốc nằm ở thôn Bàu Tháp, phường Hương Xuân (thị xã Hương Trà) được xem là di tích kiến trúc nghệ thuật có nhiều giá trị, đánh dấu một giai đoạn phát triển trong lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung, dân tộc Chăm nói riêng. Di tích này đã được xếp hạng Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp Quốc gia.
Công trình kiến trúc tôn giáo đặc trưng
Tháp đôi Liễu Cốc nằm ở hữu ngạn sông Bồ trên một triền dốc tự nhiên không lớn, gồm hai ngôi tháp được xây dựng gần nhau trên 2 trục song song theo hướng Đông - Tây.
Trong Bản lược kê lý lịch di tích trình xét công nhận Di tích cấp Quốc gia, Bảo tàng Thừa Thiên Huế (nay là Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế) đánh giá, tháp đôi Liễu Cốc là công trình kiến trúc tôn giáo đặc trưng của người Chăm… Đây là một di tích có giá trị về mặt khoa học, lịch sử, kiến trúc. Nó đánh dấu một thời kỳ, một chặng đường phát triển của lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung, của dân tộc Chăm nói riêng trong quá trình tạo dựng truyền thống, trên cơ sở tiếp thu các giá trị văn hóa về mặt kiến trúc nghệ thuật của các nước trong khu vực, để sáng tạo ra những đặc trưng riêng biệt của dân tộc mình. Di tích này cũng phản ánh rõ nét tính kế thừa - đan xen đổi mới trong kỹ thuật kiến trúc xây dựng của dân tộc Chăm ở thế kỷ IX - X trên địa bàn tỉnh.
Nhiều hiện vật được tìm thấy trong đợt khai quật khảo cổ kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6 vừa rồi ở di tích tháp đôi Liễu Cốc
Vì thế, việc nghiên cứu, khai quật khảo cổ để xác định rõ quy mô, kết cấu, tính chất, niên đại của di tích là hết sức cần thiết. Những kết quả thu được sẽ phục vụ thiết thực và hiệu quả cho công tác quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị tổng thể di tích. Việc khai quật khảo cổ diễn ra từ cuối tháng 4 và kéo dài trong 2 tháng được đánh giá khá bất ngờ khi phát hiện hàng ngàn di vật cũng như xuất lộ hệ thống kết cấu địa tầng với nhiều lớp.
Ông Nguyễn Ngọc Chất, Phó phòng Nghiên cứu sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử quốc gia - Trưởng đoàn khai quật khảo cổ di tích tháp đôi Liễu Cốc cho rằng, trước khi tiến hành xây dựng tháp, người xưa đã đổ đắp thêm một lượng đất phù sa để tạo mặt bằng, sau đó tiến hành đầm chắc bằng lớp đất laterite và bột gạch, dày từ 5 - 12cm để gia cố đáy móng tháp.
Theo ông Chất, sau khi hợp nhất 3 hố khai quật, toàn bộ quy mô, mặt bằng, kết cấu nền móng, đế tháp và phần còn lại của thân tháp Bắc đều được làm xuất lộ. Song song với việc làm xuất lộ quy mô kết cấu nền móng kiến trúc tháp Bắc và các dấu tích kiến trúc liên quan khác, trong quá trình khai quật cũng thu được một khối lượng di vật, gồm 4.807 tiêu bản. Trong đó, tập trung chủ yếu là các loại vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc, các mảnh bia và phù điêu đá, đồ gốm men, đồ sành, đồ đất nung và tiền kim loại.
Đồng ý mở rộng diện tích khai quật khảo cổ
Từ những phát hiện đó, trưởng đoàn khai quật nhận định tháp đôi Liễu Cốc là di tích đền tháp Champa hiếm hoi còn xuất lộ trên mặt đất tính từ Bắc Mỹ Sơn trở ra, và may mắn hơn lại được tọa lạc trên vùng đất Thừa Thiên Huế, nơi còn có sự hiện diện của tháp Phú Diên và dấu tích của hàng chục di tích thành lũy, đền tháp Champa khác, góp phần sinh động cho bức tranh toàn cảnh về chiều sâu văn hóa của Huế.
Kết quả thăm dò, khai quật đã làm rõ một phần bình đồ kiến trúc tổng thể đền tháp Liễu Cốc với những đặc trưng kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc, bia ký… thể hiện rõ nét đây là công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng của người Chăm và tạm xếp niên đại xây dựng tháp Bắc Liễu Cốc vào giai đoạn cuối thế kỷ IX.
“Ngoài ra, khi so sánh trang trí trên tường của tháp Bắc và tháp Nam ở Liễu Cốc, chúng tôi cũng nhận thấy có sự khác biệt về trang trí cột và trụ tường của hai tháp này. Nhiều khả năng hai tháp không cùng một niên đại xây dựng. Điều đó cần tiếp tục bổ sung tư liệu khi có điều kiện nghiên cứu, mở rộng diện tích khai quật”, ông Chất nhận định.
Trong khi đó, ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đánh giá cao kết quả khảo cổ di tích Liễu Cốc cũng như đồng tình với việc mở rộng khai quật di tích trước mùa mưa. Vì thế, Sở đã có báo cáo gửi UBND tỉnh vào cuối tháng 6 và ngay đầu những ngày tháng 7, UBND tỉnh cũng đã đã thống nhất về mặt chủ trương mở rộng diện tích khai quật khảo cổ di tích tháp đôi Liễu Cốc. Tỉnh cũng giao Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện các thủ tục xin phép Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đảm bảo theo quy định, ngoài ra đề nghị UBND thị xã Hương Trà nghiên cứu, có phương án bảo vệ bền vững di tích nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích tháp đôi Liễu Cốc phục vụ khai thác du lịch và phát triển kinh tế.