menu_open
Chủ động phòng bệnh cúm
12/03/2023 9:02:29 SA
Xem cỡ chữ:
Thời tiết đang giao mùa xuân - hè thuận lợi cho virus phát triển, đặc biệt là virus cúm.

Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên tiêm vaccine phòng cúm. 

Khả năng lây nhiễm cao qua đường hô hấp

Mới đây, Viện Pasteur TPHCM có công văn khẩn gửi sở y tế 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam về việc tăng cường giám sát viêm phổi nặng liên quan cúm A (H5N1).

Theo TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cúm là một dạng bệnh nhiễm virus cấp tính. Bệnh phát triển khi virus cúm lây nhiễm và tấn công vào hệ hô hấp đường mũi, cổ họng, các ống phế quản và có thể bao gồm cả phổi. Cúm phần lớn diễn biến nhẹ và người bệnh có thể tự hồi phục trong khoảng 2-7 ngày. Tuy nhiên, ở một số trường hợp đặc biệt như người bị suy giảm miễn dịch, người mắc các bệnh mạn tính,… cúm có thể trở nên nguy hiểm và gây ra các biến chứng nặng có thể dẫn tới tử vong.

Cúm có thể tấn công mọi đối tượng, ở người lớn tỷ lệ là 5-10%, trẻ em là 20-30%. Điểm nguy hiểm của cúm là khả năng lây nhiễm cao dẫn đến nguy cơ bùng dịch. Ở các vùng nhiệt đới như Việt Nam, cúm thường xảy ra vào mùa mưa nhưng vẫn có thể phát tán vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Cúm có 3 loại khác nhau ảnh hưởng tới người, bao gồm: cúm A, cúm B, cúm C.

Theo BS Đỗ Thiện Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương, trước đây chỉ 1-2% mắc viêm não sau cúm A, nhưng những năm gần đây số lượng bị viêm não lên đến 3-6%. Biến chứng nguy hiểm gần đây xuất hiện nhiều là viêm não sau khi mắc cúm. Khoảng 3-5 ngày mắc cúm, một số trẻ có biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương như lơ mơ, li bì, co giật… Vì vậy, BS Hải khuyên người dân cần tiêm vaccine phòng cúm hằng năm vào thời điểm hai tuần đến một tháng trước thời điểm dịch cúm diễn ra (tháng 3, 4, 9, 10 trong năm).

Phân biệt giữa cảm và cúm

Theo BS Nguyễn Viết Hậu - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, trên thực tế nhiều người thường hiểu sai rằng bệnh cảm và cúm là một. BS Hậu nhìn nhận 2 căn bệnh này khác nhau nhưng dễ bị nhầm lẫn do các triệu chứng khá giống nhau, thường thì người bệnh tự điều trị theo kinh nghiệm truyền miệng mà ít khi phải đến bệnh viện. Tuy nhiên, mọi người cần biết phân biệt giữa 2 bệnh này để chọn cách điều trị đúng, tránh dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Theo TS.BS Đặng Thị Mai Khuê - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, các triệu chứng của bệnh cảm và cúm rất giống nhau. Cúm do các chủng virus cúm gây ra, thường để lại những tổn thương đường hô hấp trên và có thể gây viêm phế quản cấp, thậm chí viêm phổi nặng, đe dọa tính mạng. Trong khi cảm cũng do các virus gây ra nhưng chỉ khu trú tổn thương đường hô hấp trên, rất hiếm gây các tình trạng nặng đe dọa tính mạng và thường tự khỏi trong một tuần.

Đôi lúc triệu chứng bệnh cảm và cúm dễ nhầm lẫn, bản thân người bệnh không cần phân biệt nhưng nếu có các dấu hiệu bệnh như: bệnh kéo dài hơn 1 tuần, sốt cao khó hạ hay sốt kéo dài quá 3 ngày liên tục, đau rát vùng hầu họng không thể nuốt thức ăn, ho kéo dài quá 2 tuần dù các triệu chứng khác đã dứt hẳn, triệu chứng đau đầu, mỏi cơ rất trầm trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày thì nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế.

BS Nguyễn Viết Hậu khuyến cáo, hai bệnh này lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, dịch tiết từ mũi họng, do vậy nếu trong cơ quan có người bị cảm hay cúm nên cho nghỉ ngơi tại nhà để tránh lây lan. Cần vệ sinh các vật dụng dễ bị dính dịch tiết chứa virus như nắm tay cửa ra vào, cửa toilet, điện thoại bàn, bàn phím...

Để chủ động phòng chống cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp: đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; tiêm vaccine cúm mùa phòng bệnh; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.