menu_open

Đình làng Dương Nỗ

09/05/2025 2:33:49 CH
Xem cỡ chữ:
Đình làng Dương Nỗ
Di tích văn hóa cổ kính giữa lòng Cố đô.
Đình làng Dương Nỗ
Địa chỉ: Thôn Dương Nỗ, phường Dương Nỗ, thành phố Huế.
Điện thoại:
Tình trạng: Hiện nay, Đình làng Dương Nỗ đang được bảo tồn và quản lý bởi Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Thừa Thiên Huế, đơn vị trực tiếp phụ trách cụm di tích tại làng Dương Nỗ, bao gồm cả Đình làng và Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giới thiệu:

Nằm yên bình bên dòng Phổ Lợi thơ mộng, Đình làng Dương Nỗ thuộc thôn Dương Nỗ, phường Dương Nỗ, quận Thuận Hóa, thành phố Huế. Từ trung tâm thành phố, chỉ mất khoảng 20 phút di chuyển, du khách đã có thể đặt chân đến một không gian văn hóa mang đậm dấu ấn làng quê xứ Huế - Đình làng Dương Nỗ. Đình làng Dương Nỗ là một trong những thiết chế tín ngưỡng lâu đời và tiêu biểu của vùng đất ven đô Huế. Không chỉ là nơi hội họp, sinh hoạt cộng đồng của người dân, đình còn lưu giữ giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc sắc. Năm 1999, đình được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia.

 

 

Lịch sử hình thành:

Được xây dựng từ năm 1471 dưới triều vua Lê Thánh Tông, đình làng Dương Nỗ ra đời cùng thời với quá trình khai hoang, lập làng của cư dân Việt tại vùng đất mới. Các vị thuỷ tổ của làng Dương Nỗ đã chọn vùng đất thoáng đãng ở bờ nam thuộc hạ lưu sông Kim Trà để lập hàng sinh sống, dựng ngôi đình để thờ tự các vị tiền nhân. Lúc đầu đình có cấu trúc đơn giản bằng tranh, tre, nứa, lá, trãi qua các đời chúa Nguyễn cho đến Tây Sơn, quy mô kiến trúc của đình chỉ gồm một gian hai chái, mãi cho đến năm Gia Long thứ 7 (1808), nhờ sự hỗ trợ đắc lực của Tri tượng chánh chưởng Tượng quân kiêm cai vào vụ giám quân Nguyễn Đức Xuyên (một vị tướng dưới thời Gia Long – quê làng Dương Nỗ) đã giúp cho dân làng xây dựng lai ngôi đình từ tranh, tre thành ngôi đình có quy mô rộng lớn bằng gỗ lim bền vững.

Trải qua hơn năm thế kỷ, nơi đây từng chứng kiến bao thăng trầm lịch sử, từ thời phong kiến đến kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Đặc biệt, trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, đình từng là nơi diễn ra các cuộc họp bí mật của lực lượng cách mạng địa phương, là nơi nuôi giấu cán bộ và lưu giữ tài liệu quan trọng. Chính vì thế, đình không chỉ là nơi thờ tự, mà còn là biểu tượng cho tinh thần yêu nước của người dân Dương Nỗ.

Nét đặc trưng:

Không chỉ là nơi thờ tự, Đình làng Dương Nỗ còn là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng. Hằng năm, các lễ tế xuân – thu được tổ chức theo nghi thức cổ truyền, thu hút đông đảo con cháu trong làng và du khách thập phương. Những nghi lễ ấy không chỉ thể hiện lòng biết ơn tổ tiên mà còn góp phần bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể của địa phương.

Kiến trúc:

Đình làng Dương Nỗ được xây dựng theo kiến trúc truyền thống gồm 5 gian 2 chái, mái lợp ngói âm dương. Toàn bộ ngôi đình được bố trí bao gồm: Toà đại đình, sân đình, cổng định, hàng trụ biểu và bến đình được liên kết với nhau theo một một trục dọc hướng bắc nam. Trong khuôn viên của khu vực đình còn có từ đường Thất tộc (nhà thờ 7 họ trong làng). Nhà thuyền hay còn gọi là nhà Đường và các miếu thờ được bao bọc bởi ba mặc tường thành (tả, hữu và mặt trước), mặt sau (hậu đình) xưa có đắp một dải đất cao và trồng tre dày (được gọi là Huyền Vũ )

Mặt trước của hệ thống bờ thành phía Nam từ tây sang Đông có trổ 4 cổng chính theo thứ tự: Đầu tiên là cổng vào miếu thờ ngài Phi Vận tướng quân (người có công lớn trong cuộc Nam chinh của vua Lê Thánh Tông). Tiếp đến là cổng Đại Đình, cổng Tam quan và miếu thờ cao các đại vương và cuối cùng là cổng vào nhà thờ Khoái Châu quận công Nguyễn Đức Xuyên  (người có công tái thiết đình Dương Nỗ).


 Cổng Đình làng Dương Nỗ nhìn từ xa

Toàn bộ ngôi đình được tập trung ngay gian chính diện – nơi thờ tự uy nghiêm và được ngăn cách bởi hậu tẩm ngăn kín bằng đố ván. Mặt trước của hậu tẩm là sáu cánh cửa thượng song hạ bản trong một khung đỡ, phía trên là kiểu trang trí “mây trắng” làm viền che cho các ô hộc chạm nỗi hình lưỡng long triều nhật. Hình khối gỗ đai nổi gồ lên trên nền đáy bằng sơn đỏ. Mảng tiếp xuống ở giữa là hình chạm nổi mặt hổ phù sơn son thiếp vàng, Các gian tả hữu và chái đình đều để trống. Khi tế lễ hay hội họp là nơi ngồi của quan viên, bô lão và dân làng.

Hành làng của đình được ốp bằng các phiến đá thanh lớn của bốn cột hiên đúc tròn, mỗi cột đắp nổi hình một con rồng uốn lượn, điểm xuyết bằng hoa văn “long ẩn vân rồng trong mây”, ở ngoại thất, bộ mái đình được chia thành 4 mái; hai mái trước và sau rộng và sâu tạo cảm giác mênh mông, hành tráng…Nóc mái có hình thuyền, giữa là khối lưỡng long triều nhật, toả ra những tia sáng bốc cao dựa trên hình một bức hoành kiểu cuốn như đắp nổi hình tượng ba ông Phước – Lộc – Thọ. Dải nóc thuyền có các ô kiểu chạm lộng khắc hình hoa, xen kẻ trong những ô đắp nổi cảnh vật ngựa sắp qua cầu theo tích xưa. Ô chính giữa là hình kỷ hồi văn đắp sành sứ, trên kỷ là vật dùng thờ như lư hương.

  
Chính điện  đình làng Dương Nỗ

Nổi bật hơn cả là phần nội tẩm có sàn đúc cao hơn sân đình trên đó đó có thiết trí một án thờ lớn ở ngay chính giữa gồm 3 tầng: Tầng 1 đặt hai con hạc gỗ chầu hai bên, giữa là án tam sơn để đặt đèn nước, cau trầu, tầng hai là bát nhang, tầng 3 là hòm đựng sắc phong. Bên cạnh đó còn có hai án phối tự đặt theo hai hướng Đông Tây đối xứng.


Án thờ lớn đặt bên trong Đình làng Dưỡng Nỗ



Nhà thờ Bảy họ nằm trong khuôn viên Đình

Ngày nay Đình làng Dương Nỗ là một di tích tiêu biểu trong hệ thống di tích lưu niệm thời niên thiếu của Bác Hồ tại Thừa Thiên Huế. Đặc biệt mang dấu ấn khá sâu đậm trong thời gian hai năm Bác Hồ theo cha và anh về sinh sống, học tập tại làng Dương Nỗ (1898 -1900).

Hướng dẫn trải nghiệm:

• Ghé thăm Đình làng Dương Nỗ, du khách có thể cảm nhận được vẻ đẹp dung dị, trầm mặc của một làng quê xứ Huế còn vẹn nguyên hồn cốt xưa. Đây cũng là dịp để tìm hiểu về kiến trúc đình làng, nghe kể chuyện làng, chuyện nước qua lời kể của người dân địa phương.

• Từ đình, du khách có thể kết hợp tham quan Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh – nơi Bác từng sinh sống và học tập vào những năm đầu thế kỷ XX, cách đó chỉ vài trăm mét.

• Thời điểm lý tưởng để tham quan: mùa xuân (tháng Giêng Âm lịch) và mùa lễ hội đình làng (tháng Bảy Âm lịch).

• Nếu bạn yêu thích không gian văn hóa truyền thống, mong muốn tìm hiểu chiều sâu lịch sử vùng đất Cố đô, đình làng Dương Nỗ sẽ là điểm dừng chân đầy ý nghĩa – nơi quá khứ và hiện tại cùng hiện hữu trong từng mái ngói, từng nếp đình cổ kính.

​------
Nguồn: "Di tích và địa điểm di tích lưu niệm Bác Hồ và gia đình Người ở Thừa Thiên Huế" của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế

Video Youtube:

Bản đồ:

Các bài khác
    << < 1 2 > >>  
EMC Đã kết nối EMC