menu_open
HueCIT đạt danh hiệu “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc 2020”
20/10/2020 2:11:38 CH
Xem cỡ chữ:
Tại Lễ trao giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam – Vietnam Digital Awards 2020 vừa được Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức chiều ngày 18/10 tại Hà Nội, Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế (HueCIT) đã được vinh danh ở hạng mục “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” với sản phẩm “Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành”

Sản phẩm của HueCIT được vinh danh tại lễ trao giải (Ảnh chụp màn hình)

Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam – Vietnam Digital Awards 2020 được phát động từ tháng 6-2020. Các tiêu chí để đánh giá bình chọn và trao tặng Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam là: Ưu việt về tính năng, công nghệ, bảo mật và chất lượng sản phẩm, dịch vụ; Sự nổi trội của sản phẩm dịch vụ so với các sản phẩm khác cùng loại trên thị trường; Sản phẩm mới, dịch vụ có tiềm năng ứng dụng; Đánh giá hiệu quả của Quá trình chuyển đổi bằng doanh thu, thị phần; Năng lực uy tín của đơn vị…

Từ 232 hồ sơ dự thi, qua quá trình thẩm định sơ khảo và chung khảo, Ban tổ chức đã lựa chọn và trao giải cho 40 sản phẩm, giải pháp xuất sắc và 31 đơn vị là cơ quan nhà nước, doanh nghiệp chuyển đổi số tiêu biểu. Các hạng mục giải thưởng bao gồm: Sản phẩm dịch vụ, giải pháp số tiêu biểu (40 sản phẩm thuộc 27 doanh nghiệp); Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc (22 doanh nghiệp); Cơ quan nhà nước chuyển đổi số  xuất sắc (7 cơ quan); và Thu hẹp khoảng cách số (2 doanh nghiệp).

Phát biểu tại Lễ trao giải, ông Nguyễn Minh Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2020 cho biết: "Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam được Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức thường niên để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết của Bộ chính trị về CMCN 4.0, Chương trình chuyển đổi số quốc gia cùng nhiều chủ trương, chính sách khác của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số, với mục tiêu xây dựng Việt Nam thành một quốc gia số với nền kinh tế số, Chính phủ số và xã hội số hàng đầu trong khu vực và tiên tiến trên thế giới. Giải thưởng nhằm phát hiện và tôn vinh dịch vụ, sản phẩm, giải pháp công nghệ số tiêu biểu của Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm công nghệ 'Make in Vietnam' để quảng bá tới thị trường trong nước và quốc tế".


Ông Lê Vĩnh Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế tại Lễ trao giải thưởng

Với sản phẩm “Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành” (Hệ thống QLVB&ĐH) thuộc hạng mục Giải pháp Chính phủ điện tử và đô thị thông minh, HueCIT được vinh danh là cơ quan  có quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ từ mô hình truyền thống sang môi trường quản lý, làm việc dựa trên nền tảng công nghệ số.

Hệ thống QLVB&ĐH là sản phẩm được xây dựng trên nền web với mô hình triển khai tập trung, liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đây là hệ thống lõi của các hệ thống thông tin phục vụ điều hành và quản lý của tỉnh Thừa Thiên Huế, Hệ thống đặc biệt phù hợp với quản lý điều hành tác nghiệp hàng ngày trong nội bộ cũng như trên diện rộng của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước theo định hướng cải cách hành chính và chính phủ điện tử. 

Hệ thống hỗ trợ toàn diện công tác điều hành của lãnh đạo, các hoạt động tác nghiệp của cán bộ, chuyên viên từ cấp tỉnh đến cấp xã; có sự liên thông, kết nối dữ liệu giúp dễ dàng trao đổi thông tin trong nội bộ cơ quan, các cơ quan trong tỉnh nhưng vẫn đảm bảo tính bảo mật của các tài khoản. Đồng thời, hệ thống còn cho phép gửi/nhận văn bản từ cơ quan trung ương cũng như từ các địa phương khác thông qua trục gửi nhận văn bản của quốc gia. Hệ thống được xem là kho dữ liệu dùng chung của tỉnh.

Từ năm 2017 đến nay, Hệ thống đã được triển khai hoạt động trong toàn tỉnh với 205 đơn vị là các Sở ngành và UBND các cấp, 40 đơn vị trực thuộc, 13.933 người sử dụng thường xuyên trên hệ thống, trở thành “kho dữ liệu dùng chung” của tỉnh, “bàn làm việc điện tử” của mỗi công chức viên chức. Thông qua Hệ thống, đến nay, tỉ lệ văn bản điện tử được sử dụng trong cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế là trên 90%. Từ ngày 26/6/2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu toàn tỉnh thực hiện phát hành văn bản điện tử có ký số trong Hệ thống QLVB&ĐH và Trục liên thông văn bản quốc gia đến các cơ quan hành chính Nhà nước thay thế văn bản giấy (trừ văn bản mật).

Các số liệu trên cho thấy Hệ thống QLVB&ĐH đã góp phần giúp tỉnh Thừa Thiên Huế trong công tác cải cách hành chính, tiết kiệm chi phí in ấn, và quan trọng hơn là đã góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả xử lý công việc của lãnh đạo, công chức viên chức và người lao động trong hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh, góp phần quan trọng trong nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như nâng cao các thứ hạng, chỉ số ICT của tỉnh nhà. 

Với bề dày hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo, tư vấn, thiết kế, xây dựng và triển khai các giải pháp ứng dụng CNTT, HueCIT đã và đang khẳng định là một đơn vị hàng đầu của tỉnh Thừa Thiên Huế trong lĩnh vực CNTT. Bên cạnh nhiệm vụ tham mưu cho Tỉnh các cơ chế, chính sách, định hướng liên quan đến CNTT theo từng giai đoạn, HueCIT còn  là điểm đến của thu hút đầu tư, liên kết doanh nghiệp, hợp tác đào tạo, hỗ trợ truyền thông… 

Cùng với định hướng phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc xác định công nghệ thông tin và truyền thông là ngành đột phá của Tỉnh theo Nghị quyết 54/NQ-CP ngày 10/12/2019 của Bộ chính trị; với bước đệm trở thành thành viên chính thức của Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung theo Quyết định 1898/QĐ-TTg ngày 25/12/2019 của thủ tướng Chính phủ, HueCIT đang dần chuyển mình phát triển với định hướng đến năm 2025 trở thành một Trung tâm mạnh, có uy tín của khu vực miền Trung và của cả nước, góp phần xây dựng thành công nền hành chính điện tử, công sở điện tử và Chính phủ số tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>