menu_open
Tôn Thất Tùng - danh y xứ Huế
27/02/2023 8:02:15 SA
Xem cỡ chữ:
Trong khuôn viên Bệnh viện Trung ương Huế có bức tượng chân dung GS. Viện sĩ, Bác sĩ, Anh hùng Lao động Tôn Thất Tùng. Từ cổng chính nhìn trái đã thấy bức tượng đặt trên bệ đá xung quanh là cây xanh và hoa. Ngày ngày đi qua đây đều thấy có bình hoa tươi được đặt bên bức tượng. Tượng được xây dựng vào ngày 10/5/2012, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, để thế hệ hậu sinh luôn nhớ về người con ưu tú của đất Cố đô - một danh nhân đã làm rạng rỡ nền y học Việt Nam thế kỷ 20.

GS.BS Tôn Thất Tùng (đứng giữa) giảng bài cho các sinh viên Y khoa tại Chiêm Hóa năm 1947. Ảnh: Tư liệu

GS. Tôn Thất Tùng sinh năm 1912 trong gia đình hoàng tộc ở Cố đô Huế. Ông đã cách xa chúng ta 38 năm nhưng tên tuổi, tài đức của ông đã trở thành huyền thoại. Những cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân, cho nền y học Việt Nam và thế giới vẫn còn lưu danh. Là cựu học sinh xuất sắc của Trường Quốc Học, sau đó là Trường Bưởi, Hà Nội, ông lựa chọn ngành y, một nghề đặc biệt để cứu người, vì hạnh phúc của Nhân dân. Ông học tại Trường Y khoa Hà Nội, trường y duy nhất của cả Đông Dương thời Pháp thuộc. Trúng tuyển loại xuất sắc, tốt nghiệp, bản luận văn của ông được tặng huy chương bạc của Đại học Paris (Trường Y Hà Nội lúc bấy giờ là một bộ phận của Đại học Paris).

Làm việc không mệt mỏi cho đến tận cuối đời, ông đã để lại 123 công trình khoa học có giá trị. Ông đã gây sự kinh ngạc cho nhân loại bởi những phát minh mới mẻ về lĩnh vực phẫu thuật gan khi chỉ mới 27 tuổi. Ông cũng là người đầu tiên mổ tim ở Việt Nam nǎm 1958, đặt nền móng cho việc nghiên cứu tác hại của chất độc hóa học dioxin, phương pháp điều trị ung thư gan bằng phẫu thuật kết hợp dùng miễn dịch và rất nhiều công trình khoa học khác. Cùng với Giáo sư Đặng Văn Ngữ, ông đã góp phần sản xuất penicilline phục vụ thương bệnh binh trong chiến tranh chống Pháp. GS. Tôn Thất Tùng là trường hợp đặc biệt hiếm thấy về những phát minh. Đến năm 1945, ông đã công bố 63 công trình trên các tạp chí y học của Pháp ở Paris và ở Viễn Đông.

Với thành tựu khoa học vượt trội không thể phủ nhận đó, năm 1940 ông được nhà cầm quyền Đông Dương bổ nhiệm làm Trưởng khoa Ngoại Trường đại học Y Hà Nội khi mới 28 tuổi. Ông là một trong những người đầu tiên xây dựng trường y ngay từ sau Cách mạng tháng Tám... Trong kháng chiến chống Pháp, ông vừa tham gia các hoạt động cách mạng và cùng những cán bộ y tế, các thầy trò, sinh viên trường y làm công tác cứu chữa thương, bệnh binh ở mặt trận Tây Nam Hà Nội, vừa đào tạo các sinh viên, phát triển ngành y tế. Ông có nhiều cống hiến cho ngành y học Việt Nam trên cương vị Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại khoa (Đại học Y Hà Nội), Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức, Thứ trưởng Bộ Y tế. Đặc biệt, ông là bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Bác Hồ rất mực yêu quý, và cũng là một trong mười hai người trên thế giới và là người duy nhất ở Việt Nam được tặng huy chương phẫu thuật quốc tế mang tên Lannelongue do Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris trao tặng; được Đảng và Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và kỹ thuật và nhiều huân, huy chương khác.

Bác sĩ Tôn Thất Tùng đang nghiên cứu trên bệnh phẩm (gan khô) (năm 1962). Nguồn: Tư liệu

GS. Hồ Đắc Di - người thầy, người bạn của GS.Tôn Thất Tùng đã nhận xét: “Tôi sống chung với anh Tùng hơn nửa thế kỷ, biết rõ anh ấy lắm. Một con người tốt bụng hết sức. Một nhà bác học có tầm cỡ quốc tế. Thông minh tuyệt vời. Biết mười, chỉ để làm một. Trong giới phẫu thuật thế giới, số người được giải thưởng Lannelongue như anh ấy còn quá hiếm, hiếm hơn cả số nhà vật lý được giải thưởng Nobel hay số nhà toán học được giải thưởng Fiels. Không ít người tưởng lầm rằng anh Tùng chỉ là một kỹ thuật viên giỏi thực hành. Lầm to! Anh ấy trước hết là một nhà bác học, một trí tuệ sáng tạo lớn, một con người của tư duy, một nhà văn hóa, một danh nhân!”.

Tham dự Hội thảo khoa học Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Giáo sư do Bệnh viện Trung ương Huế phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức cách đây đã hơn 10 năm, nhưng tôi vẫn nhớ và ấn tượng về những bài viết, bài nói, những hồi ức của các đại biểu, các nhà khoa học, các đồng nghiệp, học trò đánh giá về công lao và sự nghiệp của Giáo sư. TS. Ngô Vương Anh cho rằng: Giáo sư Tôn Thất Tùng được kính phục vì những đóng góp xuất sắc cho khoa học, góp phần làm rạng rỡ y học Việt Nam trong thế kỷ XX đầy máu lửa, nhưng ông còn là một con người lãng mạn, là nhà khoa học có trái tim thi sĩ... PGS. Đỗ Bang thì khái quát:  "Người con xứ Huế - GS.Tôn Thất Tùng đã để lại cho hậu thế một di sản khoa học vô giá với nhiều thế hệ học trò xuất sắc, một phẩm chất yêu nước tuyệt vời, một tấm gương lao động kính nể”.

GS. Tôn Thất Tùng đã để lại những dấu ấn của một tài năng và phong cách Huế, giọng Huế, điềm tĩnh, mô phạm, thi vị. Dù ở xa, nhưng ông luôn hướng về quê hương. Chưa tới một tháng khi đất nước thống nhất, ngày 25/5/1975, Giáo sư đã về Huế, đến thăm Bệnh viện Trung ương Huế, Trường đại học Y khoa Huế, nói chuyện với cán bộ và sinh viên y khoa. Giáo sư và phu nhân cùng đoàn đã đến thăm ngôi nhà bên dòng Hương mà Giáo sư đã gắn bó thuở thiếu thời sau 45 năm xa cách.

Bên bức tượng chân dung của Giáo sư Tôn Thất Tùng, ta ngưỡng vọng một nhân cách Huế, một thầy thuốc, nhà khoa học lừng danh. Người hết lòng trong đào tạo một đội ngũ các thầy thuốc có y đức, giỏi chuyên môn và xây dựng nền y học hiện đại. Sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân đầy thách thức hôm nay, tấm gương đó mãi soi đường.

Bài, ảnh: Nguyên Anh