Sau hơn hai năm triển khai, đề tài đã thống kê được 520 lễ hội đang diễn ra trên địa bàn, trong đó có 472 lễ hội truyền thống, 23 lễ hội văn hóa, 20 lễ hội ngành nghề và 5 lễ hội có yếu tố nước ngoài. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên sâu, gồm phần mềm quản lý lễ hội, ứng dụng di động tích hợp đa nền tảng và trang web trình diễn các lễ hội tiêu biểu trên nền bản đồ số GIS. Hệ thống này cho phép tra cứu thông tin, hình ảnh, video lễ hội một cách tiện lợi, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và quảng bá rộng rãi các giá trị lễ hội của thành phố.

Với khả năng tích hợp vào hệ sinh thái số GISHue, dữ liệu lễ hội không chỉ là nguồn thông tin quý giá cho các nhà nghiên cứu, mà còn trở thành tài nguyên hấp dẫn để các công ty du lịch – truyền thông xây dựng sản phẩm văn hóa đặc trưng phục vụ du khách. Đây cũng là cơ sở để thành phố Huế tiến tới đề xuất các lễ hội tiêu biểu vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, từng bước khẳng định vị thế là trung tâm văn hóa – du lịch hàng đầu cả nước.

Kết quả đề tài một lần nữa khẳng định vai trò tiên phong của thành phố Huế trong chuyển đổi số lĩnh vực văn hóa, đồng thời thể hiện sự nhạy bén trong việc kết nối di sản với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Đây là mô hình mẫu có thể nhân rộng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng thành phố Huế trở thành đô thị di sản trực thuộc Trung ương, theo đúng tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.