menu_open
Chùa Túy Vân (Thánh Duyên Quốc tự) - Ngôi chùa cổ của Huế ẩn mình trên đỉnh Túy Vân sơn
20/07/2022 10:37:16 SA
Xem cỡ chữ:
Xứ Huế có núi Túy Vân phong cảnh hữu tình, bốn mùa non xanh nước biếc, mây trắng nhởn nhơ bay như kẻ say tình. Trên núi có chùa Thánh Duyên được phong vào hàng Quốc tự, dưới chân núi có phá Tam Giang trời nước bao la thơ mộng đến nao lòng. Nếu du khách đã một lần đặt chân đến Huế, đừng bỏ lỡ cơ hội ghé thăm ngôi cổ tự in bóng mãi với thời gian _ Thánh Duyên Quốc tự nhé.

Thắng cảnh quốc gia – Túy Vân sơn

Núi Túy Vân, còn gọi Thúy Vân, xưa được vua Thiệu Trị (1807-1847) liệt vào hàng thứ 9 trong "Thần kinh nhị thập cảnh", tức cảnh đẹp thứ 9 trong số 20 cảnh đẹp nổi tiếng của kinh đô Huế. Núi nằm bên bờ phá Tam Giang, trước thuộc tổng Diêm Trường, huyện Phú Lộc, phủ Thừa Thiên; nay là xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Túy Vân Sơn đã được xếp vào thắng cảnh quốc gia. Từ chân núi Tuý Vân sang bãi biển đá dưới chân Núi Rùa chỉ mất chừng 10 phút. Ở đây, các quần thể đá to nhỏ chồng xếp lên nhau tạo ra những hốc động thật kỳ thú. Từng mảng sóng bạc đầu dội vào hốc đá vút lên cao mù mịt liên hồi. Tiếng sóng, gió biển hoà với tiếng reo của lá cây tạo nên một sự cộng hưởng của âm thanh hoang dã. Trên một dải cát hẹp của bờ biển, các quần thể đá hình như những con rùa là nơi tập trung nhiều loại vỏ hải sản tấp vào bờ, tạo dáng như một hòn non bộ rất bắt mắt. Du khách đến đây sẽ thích thú khi đi dạo quanh núi rừng và theo con đường ven biển rợp bóng dương, đọc sách, bơi, ăn đồ biển và ngủ trên cát. Những người thích mạo hiểm hơn thì băng qua những tảng đá và chiêm ngưỡng từng đợt sóng để đứng trên tảng đá cao ngất ngưởng giữa không gian bao la.

Túy Vân quốc tự bốn mùa mây trắng say

Quốc tự Thánh Duyên toạ lạc ở Tuý Vân sơn, ngày trước thuộc phường Đông Am, tổng Diêm Trường, huyện Phú Lộc, phủ Thừa Thiên; nay là làng Hiền An, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cùng với Linh Mụ và Diệu Đế, Thánh Duyên là một trong ba ngôi quốc tự của xứ Thần kinh còn tồn tại cho đến ngày nay.

Chùa Túy Vân hay còn gọi là chùa Thánh Duyên. Chùa nằm cách thành phố Huế chừng 40km về phía Đông, dừng chân ở đoạn cuối xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc bạn sẽ thấy một ngọn núi nhỏ đứng sừng sững giữa bốn bề sóng nước của phá Tam Giang và biển Đông. Đó chính là núi Túy Vân, trên đỉnh núi là ngôi chùa Tháp có lịch sử hàng trăm năm tuổi.

Dạo bước lên núi tham quan chốn cửa thiền, giữa cảnh bình yên non nước, khi bên tai chỉ còn lại tiếng lá rừng xào xạc xen lẫn trong tiếng rì rầm của sóng nước và tiếng kinh cầu man mác giữa buổi trưa hè, lòng người viễn khách bỗng trở nên thư thái lạ thường và bao nhiêu muộn phiền cũng dường như tan biến hết.

Vọng cảnh Tư Hiền, Cầu Hai từ tháp Điều Ngự là trải nghiệm không nên bỏ qua khi đến Huế - Ảnh: Nguyễn Phong

Lịch sử hình thành chùa Túy Vân

Chùa Thánh Duyên hay được người địa phương quen gọi là chùa Túy Vân, được xây dựng khoảng nửa sau thế kỉ thứ XVII, tức dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần. Đến năm 1836, nhà vua lại cho đại trùng tu chùa một lần nữa. Sau lần chỉnh trang này chùa mang dấu ấn kiến trúc cung đình đậm nét và được vua Minh Mạng ban sắc phong lên hàng quốc tự. Đầu thời vua Thiệu Trị, vì kiêng húy tên Thái hậu Hồ Thị Hoa nên núi Thúy Hoa được đổi thành núi Thúy Vân, nhưng dân trong vùng vẫn quen gọi là núi Túy Vân, tức núi mây say, và chùa cũng gọi là chùa Túy Vân. Đây từng là nơi tu hành của nhiều vị cao tăng xứ Huế do chính các vua nhà Nguyễn cử đến làm trụ trì.

Là một trong những thắng cảnh nổi tiếng tại Huế nên trước đây núi Túy Vân và chùa Thánh Duyên là nơi thường được giới tao nhân lui tới. Trong số đó có vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều đã nhiều lần ghé thăm và để lại nhiều áng văn thơ ca ngợi nơi đây như bài thơ “Vân Sơn thắng tích” của vua Thiệu Trị và 4 bài thơ ca ngợi cảnh đẹp chùa Thánh Duyên, gác Đại Từ, tháp Điều Ngự, núi Túy Vân của vua Minh Mạng. 

Từ ngôi chánh điện nhìn ra, bên phải có nhà bia và tấm bia “Ngự chế Thánh Duyên Tự chiêm lễ bát vận”

Bia bằng đá thanh, cao 2,00m, rộng 1,20m, dày 0,30m. Đầu bia trang trí lưỡng long triều nguyệt, phía dưới chạm hình sen cánh phượng; chung quanh diềm bia chạm hoa văn dây lá, hoa cúc.

Ngày nay chúng ta vẫn có thể chiêm ngưỡng được những bài thơ này khắc trên bia đá và còn đang được lưu giữ trong chùa. Trải qua bao biến động của lịch sử cùng nhiều lần tu sửa, ngày nay chùa Thánh Duyên vẫn còn nằm trên núi Túy Vân. Đến năm 1996 chùa đã được nhà nước công nhận là di tích văn hóa – lịch sử cấp Quốc gia.

Tại đây vẫn còn lưu giữ nhiều văn vật có giá trị như chuông đồng, bia đá và các bài thơ của các vị vua triều Nguyễn được bảo tồn cẩn thận. Trong số gần 70 pho tượng tại chùa Thánh Duyên, nổi bật nhất phải kể đến là bộ tượng Thập Bát La Hán bằng tre thếp vàng và bộ tượng Thập Bát La Hán bằng đồng xưa và lớn nhất Việt Nam đã được ghi vào sách Kỷ lục Việt Nam năm 2008. Hiện tại, bộ tượng đồng Thập Bát La Hán đang được thờ trong chính điện, còn bộ tượng tre thếp vàng được nhà chùa bảo quản trong điều kiện riêng đặc biệt, để có thể đảm bảo giữ bộ tượng quý được lâu bền.

Đôi nét kiến trúc về ngôi chùa có phong cảnh độc nhất vô nhị của Huế

Trải qua thời gian, chùa Túy Vân đã xuống cấp, điêu tàn đổ nát nhưng vẫn giữ được nét cổ kính của một ngôi chùa có lịch sử hàng trăm năm. Đây là ngôi chùa có phong cảnh độc nhất vô nhị trong các chùa tại Huế với hàng trăm gốc cây cổ thụ, bao quanh chùa là hệ thống rừng nguyên sinh với những gốc cây có đường kính hai ba người ôm không xuể, dây leo chằng chịt.

Chùa Túy Vân lọt thỏm giữa núi và sóng nước, khung cảnh như càng u tịch. Vào chùa vào những ngày oi nồng mà vẫn có cảm giác mát lạnh, giữa hoa và tiếng chim muông như đang lạc vào khu rừng nguyên sinh.

Chùa Thánh Duyên mang đậm phong cách kiến trúc thời nhà Nguyễn với lối xây “trùng thiềm điệp ốc”, không nguy nga đồ sộ mà có nét nhỏ nhắn và tinh tế. Con đường nhỏ hàng trăm bậc thang dẫn bước lạc giữa hàng cây cổ thụ, lá rừng trút giữa lối đi khiến người viếng chùa có cảm giác khác hẳn với những ngôi chùa khác.

 Bước qua hệ thống tam cấp ta đến với Tam Quan của chùa.

Phần chánh điện 1 tầng được xây dựng theo phong cách nhà rường Huế truyền thống pha chút yếu tố cung đình với phần mái lợp ngói liệt, cửa sổ trang trí hình chữ "Thọ", vây quanh là tường thành bao bọc. 

Ngôi chánh điện có quy mô vừa phải, được xây dựng theo lối nhà rường pha lẫn kiến trúc cung đình Huế

Nội điện thờ Phật cùng nhiều hiền thánh thiện thần khác, gian chính giữa thờ Tam Thế Phật: Quá khứ, hiện tại và vị lai, đằng trước thấp hơn bàn thờ Phật là bàn thờ bài vị mua Minh Mạng. Hai bên là hai dãy sập để tôn trí thờ Thập Điện Minh Vương, mỗi bên gần sát vách thờ năm tượng và vào phía trong thờ hai dãy tượng, mỗi bên chín tượng.

Điện Phật Thánh Duyên tự - Ảnh: Phatgiaotoancau.com

Đằng sau chánh điện của chùa là một khu vườn lớn, lưng chừng núi chính là gác Đại Từ, gian giữa thờ Phật, gian bên phải thờ Đức Quan Âm và gian bên trái thờ Bồ Tát Đại Thế Chí. Đằng sau cùng, nằm trên đỉnh núi có tháp Điều Ngự 3 tầng cao chừng 13m. Từ trên tầng cao nhất của tháp du khách có thể phóng tầm mắt ra xa và chiêm ngưỡng khung cảnh non nước hữu tình xung quanh, có đầm phá mênh mông bát ngát cùng ngọn núi xanh mờ ảo giữa làn sương.

Lối dẫn lên các công trình trên núi ở sau chính điện của chùa Túy Vân

Một điều đặc biệt ở chùa Thánh Duyên, đó là cách xây dựng không theo nguyên tắc chung mà theo quy tắc chùa – gác – tháp được xây dần lên cao trên đỉnh núi. Kết thúc tham quan khu chính điện ta đi dần lên cao theo con đường nhỏ sau chính điện. Gác Đại Từ dần hiện ra với hai tầng xây theo mô tuýp truyền thống, lợp ngói âm dương, gác nằm hài hòa với phong cảnh xung quanh và làm tôn thêm vẻ đẹp của chảnh chùa.

Gác Đại Từ nằm chính giữa cũng tượng trưng cho con người trong trục quan hệ Thiên-Nhân-Địa (con Người ở giữa, trên là Trời, dưới là Đất) nên phải mang cái tâm đại từ đại bi của Phật.

Cổng dẫn vào Gác Đại Từ

Cao nhất trên đỉnh núi Túy Vân là tháp Điều Ngư. Tháp Điều Ngư ở trên đỉnh núi, được xây liền khối bằng gạch, cấu trúc ba tầng, cao chừng 15m. Sử cũ có ghi lại là tháp cao 3 trượng 6 thước 9 tấc; ba con số này có tổng là 18, một con số hoàn hảo theo quan niệm của phương Đông. Từ đây, du khách đưa tầm mắt hướng ra xa có thể quan sát hết toàn cảnh của huyện Phú Lộc, nhìn sự hùng vĩ mênh mông của phá Tam Giang, cảnh cá Tư Hiền và biển Đông. Chiều về, tàu thuyền từ ngoài phá lùa ghé mũi vào nhau tạo nên một bức tranh như sắp đặt tuyệt đẹp.

Đình Tiến Sảng nằm sau tháp Điều Ngư - chùa Túy Vân

Dưới chân núi, cạnh bờ phá Tam Giang nay vẫn còn chiếc giếng cổ, gọi là Giếng Cung, bởi thuộc hành cung Thúy Vân, nơi các vua nhà Nguyễn vẫn thường về nghỉ ngơi trong những tháng mùa hè oi bức. Giếng nước tuy nằm cạnh bờ phá Tam Giang quanh năm nước lợ nhưng lại ngọt mát vô cùng. Nghe đồn các sư trên chùa và dân trong vùng thường lấy nước về pha trà cho hương vị thơm ngon, tinh khiết vô cùng.

Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, người có nhiều năm nghiên cứu về các di sản cung đình Huế, thì chùa Thánh Duyên có lối kiến trúc rất đặc biệt, vừa thể hiện được triết lý Phật giáo vừa phản ánh được tinh thần cơ bản của Nho giáo. 

Là thắng cảnh nổi tiếng của kinh đô Huế nên trước đây núi Túy Vân và chùa Thánh Duyên thường là nơi lui tới của các bậc tao nhân mặc khách. Đặc biệt, vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức cũng từng nhiều lần ghé thăm và để lại nhiều áng văn thơ tuyệt tác ca ngợi cảnh đẹp nơi này. Điển hình như bài thơ “Vân Sơn thắng tích” của vua Thiệu Trị và 4 bài thơ ca ngợi cảnh đẹp chùa Thánh Duyên, gác Đại Từ, tháp Điều Ngự, núi Tuý Vân của vua Minh Mạng. Các bài thơ này đều được khắc trên bia đá và hiện vẫn còn lưu giữ ở chùa.

Trải qua bao cuộc bể dâu với nhiều lần tu sửa, chùa Thánh Duyên nay vẫn còn trên núi Túy Vân. Năm 1996, nơi này đã được Nhà nước công nhận là di tích văn hóa-lịch sử cấp quốc gia. Ngày nay, đến với thắng cảnh này du khách không chỉ được đắm mình trong cảnh Phật an nhiên để tĩnh tâm, gột rửa mọi muộn phiền, mà còn có cơ hội được khám phá vẻ đẹp bình dị mà nên thơ của những xóm chài ven phá Tam Giang, vùng đầm phá rộng lớn và kì bí bậc nhất Đông Nam Á.

Hôm nay đây, lên núi Túy Vân vãn cảnh chùa Thánh Duyên lòng người vẫn như đang nghe vang vọng lời thơ tuyệt tác năm nào của vị vua thi sĩ Thiệu Trị đề trên bia đá:

“Núi Thuý Vân

Non xanh cao ngắt

Cây biếc ngát hương

Ngoài ngắm đại dương

Trong nhìn biển nhỏ”

(Vân Sơn thắng tích - Vua Thiệu Trị).

Thế mới biết, núi Túy Vân cùng chùa Thánh Duyên với vị thế đặc biệt cùng vẻ đẹp độc đáo không chỉ làm nên nét riêng biệt giữa chốn rừng thiền mà còn là một ngôi quốc tự hàng đầu của chốn Thiền kinh, xứng danh là trấn sơn tự của Đại Nam bên cạnh cửa biển Tư Hiền hiểm yếu suốt mấy trăm năm qua. 

 

Thánh Duyên quốc tự - Chùa Túy Vân

- Địa Điểm: Chùa tọa lạc trên núi Túy Vân, thuộc xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

- Trụ Trì: Thượng tọa Thích Hải Ấn

- Điện Thoại: 0234. 392490

** Hướng dẫn đường đi

Chùa  nằm cách kinh thành Huế khoảng 60 km đường bộ về phía Đông Nam. Ngày xưa, để đến được chùa, ta có thể đi bằng hai con đường: từ thành phố Huế đi Thuận An, rồi từ Thuận An theo đường ven biển để về tới chùa; hoặc có thể đi từ thành phố theo đường quốc lộ về tới Đá Bạc, rồi từ đây lên đò máy sang phá Cầu Hai để đến núi Thuý Vân. Ngày nay, có cầu Trường Hà nối hai xã Phú Đa và Vinh Thanh, nơi tiếp giáp với thị trấn Phú Bài chừng 10 km qua đuờng quốc lộ dẫn vào thành phố, nên việc đi lại đã trở nên thuận tiện hơn rất nhiều.

Dọc theo con đường Quốc lộ 49B, đoạn tiếp nối từ Quốc lộ 1A xuôi về phía cửa biển Tư Hiền, không khí vẫn mát rượi nhờ bóng mát của những hàng dương, hàng dừa, của những khu vườn xanh mướt và cả những ngọn gió mang hơi ẩm thổi về từ phía phá Tam Giang.

Qua khỏi cầu Tư Hiền, đi thêm chừng 3 cây số nữa thì đến núi Túy Vân. Từ xa núi Túy Vân hiện lên tròn trịa xinh đẹp bên bờ Đông phá Tam Giang, án ngữ cạnh cửa Tư Hiền sâu hiểm. Đến gần chân núi ngước mắt nhìn lên là dãy bậc đá phủ mờ rêu xanh, phía trên cao thấp thoáng ánh vàng cổng tam quan của chùa Thánh Duyên nằm lẫn khuất trong bóng lá rừng xanh biếc.

Bài viết có sử dụng tư liệu và hình ảnh của: Sodulich.gov.vn, Phatgiaotoancau.com, Báo Lao động, Mia.vn...

Khám phá Huế tổng hợp
Các bài khác
    << < 1 2 > >>