menu_open
Hàng mai trước hiên nhà
13/01/2025 3:45:45 CH
Xem cỡ chữ:
Lão yêu hoa như yêu con. Đặc biệt là mai vàng. Tết đến, ai đi ngang nhà lão cũng trầm trồ vì cả một rừng mai mọc kiêu hãnh trước hiên nhà. Xen kẽ dưới những gốc mai là hoa vạn thọ, mười giờ, sống đời… chen chúc nhau ưỡn mình đón nắng. Mai của lão trồng không to, gầy, khẳng khiu như thân hình của lão. Tuy vậy chúng có sức sống mãnh liệt và nở hoa cánh to, đẹp dịu dàng.

Lão dọn đến xóm này cũng được chục năm. Miếng đất này trước đây là đồng ruộng của một người trong xóm, vì thiếu nợ nên bán rẻ cho lão rồi ra đi mất dạng. Lão ở một mình, không có người thân nào bên cạnh. Trông rất lập dị. Suốt ngày lão chỉ làm bạn với cây cảnh, chim chóc chứ không xã giao cùng hàng xóm. Người ta bắt gặp lão đi chợ mỗi ngày, nhưng lão cũng chỉ chào xã giao rồi lủi thủi ra về, không nói thêm câu nào khác. “Lão sống quá bí hiểm”, một người trong xóm bảo thế. Chẳng ai biết về cuộc đời của lão ra sao. Cũng nhiều lần ông Tư cạnh nhà hỏi lão về đời tư, nhưng lão giả lả rồi quay vào nhà với lý do bận chăm sóc cây cảnh. Chính vì vậy mà người ta không ưa gì lão, từ trẻ em đến cụ già. Ông Tư hằn học với người bạn:

 - Lão già khó ưa! Xem thường cả câu hỏi của tôi. Lão tưởng mình là ai mà kênh kiệu như thế chứ! Hàng xóm dù gì cũng tối lửa tắt đèn có nhau kia mà! Sống thế thì tự đào hố mà chôn mình…

Người bạn tiếp lời:

- Tôi cũng có ưa gì lão già đó đâu. Khó tính kinh khủng. Hôm bữa tôi chỉ hỏi một câu thôi mà lão nhe răng sún cười trừ rồi bỏ đi. Ông xem có quê không chứ. Mà thôi, hạng người ấy ông quan tâm làm gì. Để cho lão chơi với dế đi.

Tết năm nào cũng vậy, vườn hoa của lão luôn bị mất trộm. Công trình lão chăm sóc mai, canh tước lá đúng ngày cho mai nở đẹp, vậy mà nỡ lòng nào kẻ trộm dùng dao chặt hoặc dùng tay bẻ nhánh. Cứ lợi dụng vào 29, 30 Tết, trước âm thanh ồn ào náo nhiệt của ban đêm, người ta lẻn vào vườn và bẻ mai. Sáng mồng một Tết, lão mở cửa thấy nguyên hàng mai trước nhà bị thương tật, các loài hoa khác bị giẫm nát, lão đau lắm. Nhưng lão không có hành động nào phẫn nộ. Lão lại lặng lẽ mang cuốc, kéo tỉa cành, vun đất cho mai. Đôi khi lão còn ngồi dưới gốc mai mà khóc như con mình vừa gặp nạn.

Có năm, lão bị kẻ trộm bứng nguyên gốc mai luôn ấy chứ. Nghe tiếng động mạnh, lão trở mình thức giấc, vội vàng lê thân già mở toang cửa chính. Lão la làng lên:

- Ai vậy? Ai làm gì trước nhà tôi?

Không gian tĩnh lặng lại ùa về. Bọn trộm chưa kịp bê gốc mai đi đã chạy bán sống bán chết. Vậy là trong đêm, lão mở đèn, dù muỗi cắn nát đôi tay, đôi chân nhưng lão vẫn hì hục lấp đất trả gốc mai về nguyên trạng ban đầu.

Một lần đi ngang nhà ông Tư, thấy nhiều cành mai vàng rực rỡ đang nằm trong lọ, lão lắc đầu rồi bước nhanh về nhà. Chẳng những người lớn mà ngay cả lũ trẻ trong xóm cũng phá phách. Chúng ngang nhiên vào vườn nhà lão hái trái cây vào ban ngày. Thằng Tèo cháu bà Ba ú ở đầu  xóm nói bọn bạn:

- Tụi bây cứ vô tư vào sân lão bẻ nhiều cành mai đem về nhà trưng. Không sao đâu. Bà nội tao nói lão hiền như cục đất. Thấy hoa nào đẹp cứ nhổ thẳng tay!

Chưa dừng lại ở đó. Thằng Tèo còn chạy về nhà mang dao qua nhà lão chặt rất nhiều nhánh mai đẹp mang ra chợ bán kiếm tiền chơi game. Lão đi chợ Tết về, thấy tình cảnh ấy thì nhăn nhó, lắc đầu. Rồi lão hành động kịp thời: Xây hàng rào bao bọc, mua thêm hai con chó trông chừng nhà. Kế sách ấy của lão được người trong xóm cho là khiêu khích, tuyên chiến, đối đầu hết xóm. Vì vậy mà dù có dùng thứ gì để bảo vệ vườn hoa đi chăng nữa thì cũng bị bọn trộm “viếng”.

Qua một đêm, hai chú chó của lão sùi bọt mép lăn ra chết. Còn bức rào thì bị lật tung. Nhiều cành mai bị tước sạch hoa rải vương vãi đầy trên  đất. Lão giận lắm chứ: “Tôi có làm hại gì ai đâu? Có quậy phá vì ai đâu mà sao các người cứ tìm cách phá hoại hoa tôi hoài chứ?”. Lão định nhờ đến chính quyền địa phương can thiệp nhưng rồi lão nghĩ không nên làm lớn chuyện, kẻo đẩy vấn đề đi quá xa càng nguy hơn. “Chiến lược” hòa hiếu của lão được thực hiện bằng việc đặt biển cấm trước thềm nhà: “Hoa đẹp, để ngắm, xin đừng hái trộm”. Ôi, cái gì càng cấm thì người ta càng tò mò, phá phách hơn thế. Cái biển “chướng tai gai mắt ấy” được quẳng vào sọt rác bên lề đường, còn hoa thì vẫn cứ bẻ. Không có cách nào khác, lão đành buông xuôi.

***

Tết năm nay lại cận kề. Vài ngày nữa thôi. Thấy lão ngồi tỉ mẩn chăm hoa kiểng, chỉ tay đếm từng gốc mai coi đủ không, ông Tư hàng xóm chắp tay sau đít đi qua đi lại, nói bâng quơ:

- Cũng kỳ công dữ há! Cực khổ làm chi rồi chẳng được gì. Phí thời gian vàng ngọc. Ngồi không uống trà, ăn nhậu cho nó sướng cái thân.

Lão chẳng nói gì. Vì lão biết, nếu mở miệng ra thì chỉ “châm dầu vào lửa” mà thôi. Khẽ ngắt mấy nhánh mai nở sớm, lão nâng niu mang ra sau nhà rửa sạch rồi chưng lên bàn thờ ông thiên. Những cành hoa dành để chưng đều được lão chọn từ những bông hoa đẹp nhất. Lão chỉ tay vào đóa mai nở sớm, bảo:

- Mày khôn đấy, được nở trọn vẹn. Tao nghĩ năm nay, mấy luống hoa này, chắc cũng te tua như những năm trước. Vòng đời quá ngắn ngủi, tụi bây đừng buồn tao. Hãy hãnh diện vì đã làm đẹp cho đời, phủ xanh cho xã hội.

Nói rồi lão thở dài thườn thượt, vác cuốc vào nhà.

Ba mươi Tết. Hàng mai trước hiên nhà lão đẹp hơn mọi năm. Có lẽ là do thời tiết không bướng bỉnh như mọi năm mà theo quy luật tuần hoàn. Những nụ mai to, ngào ngạt hương thơm cứ như nụ cười chúm chím của trẻ thơ. Sáng sớm, mới bước ra cửa, lão còn ngỡ ngàng nói chi người lạ: “Đẹp thật! Tao hài lòng về bọn bây lắm!”. Dù có vài cành bị ai đó chặt phá, nhưng rừng mai vẫn kiêu hãnh vươn lên từ thương tích.

Đêm giao thừa. Lão biết thế nào những kẻ phá bĩnh cũng nhằm ngay buổi tối này, để thỏa dạ căm ghét lão. Lão đốt đèn sáng choang trước cửa, nằm đong đưa võng và nghe radio. Dự định là thức canh bọn trộm, nhưng mấy bài ca cổ trong đài mùi mẫn quá khiến đôi mắt lão sụp mí và thiếp đi. Khi lão giật mình tỉnh giấc vì tiếng pháo và tiếng reo hò từ xa vang vọng thì cũng là lúc mấy chậu mai để đời của lão không cánh mà bay. Theo quán tính lão chồm dậy chạy ra ngoài nhưng bóng đèn đã bị ai gỡ mất, trời tối đen như mực. Mò mẫm lấy đèn pin, lão ra hiên nhà soi hàng mai thì có vài gốc mai bị xới tung lên, một số mất, còn lại thì gãy nát. Thảm thương hơn cả năm rồi. Thốt nhiên lão khóc, khóc như đứa trẻ lên năm. Lão vội vào nhà, lấy cuốc xới lỗ để trồng lại mấy gốc mai nằm chỏng chơ trên đất. Mặc cho cái lạnh cứa da cứa thịt của đêm trừ tịch làm lão rét run lên và ho khục khặc. Vừa xúc đất, lão vừa khóc, vừa nói:

- Cho tao xin lỗi tụi bây. Chỉ vì thỏa chí điền viên, sống an nhàn nơi làng quê mà tao đã giết tụi bây rồi!

Lão làm việc đó cho đến sáng và rồi người ta không còn thấy hình ảnh ông lão ít nói cần mẫn chăm hoa đâu nữa. Lão mất ngay ngày đầu năm. Ngay trong ngày hôm đó, gia đình hay tin, vội đưa lão về thành phố an táng. Có rất nhiều người từ khắp mọi nơi, cách xa hàng trăm cây số, đã vội đón xe đò xuống chỉ để gặp mặt ân nhân của mình lần cuối. Lão đã lao động cật lực cả đời, tạo ra biết bao của cải, để rồi cống hiến tất cả cho quỹ tình thương từ thiện. Thú vui cuối đời của lão là được hưởng thú an nhàn cùng hoa cỏ, không vướng bận chuyện đời, không dây dưa rắc rối với ai. Vậy mà…

Sáng mồng hai Tết. Những hàng mai trước hiên nhà nở hoa chi chít cành, không thiếu một cây nào. Có lẽ đêm hôm qua, bọn trộm đã mang mai về lại mái nhà yêu thương!

Nguyễn Hoàng Duy
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>