Giữa thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp nổ súng tấn công xâm lược Việt Nam, toàn thể nhân dân và quân đội triều Nguyễn đã có sự chống trả quyết liệt. Thực dân Pháp từng bước đánh chiếm nhiều nơi trên lãnh thổ nước ta, và cuối cùng quyết định thực hiện cuộc tấn công quan trọng vào trung tâm “đầu não” là Kinh đô Huế trong thời gian 1883-1885. Cuộc chiến bảo vệ cửa biển Thuận An năm 1883 và sự kiện binh biến tại Kinh đô Huế 1885 đã có nhiều nhân vật lịch sử ngã xuống, cùng với hàng nghìn người dân, quân lính đã thiệt mạng. Vẫn còn nhiều di tích để nhắc nhở cho hậu thế về tinh thần yêu nước, chí khí chiến đấu của tiền nhân để bảo vệ chủ quyền đất nước.
Giai đoạn 1883-1885 cũng là khoảng thời gian mà nội bộ triều đình nhà Nguyễn lâm vào khủng hoảng sâu sắc, hình thành các khuynh hướng: chủ chiến chủ hòa và đầu hàng. Trong tham luận của mình, PGS.TS Đỗ Bang nhận định: Mỗi vị vua kế vị trong giai đoạn này là người đại diện cho một trong những phe phái đó, nhưng phe chủ chiến do Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đứng đầu luôn nắm ưu thế, làm nhiệm vụ sàng lọc để kiến tạo một triều đình chống Pháp.

Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố phát biểu tại hội thảo
Nhiều tham luận tại hội thảo cũng cung cấp cơ sở khoa học làm rõ nhiều nhân vật có liên quan sự kiện lịch sử 1883 trong đó có gia đình họ Nguyễn làng Vân Dương (TP Huế) là Nguyễn Quý và 3 con trai, đặc biệt là phò mã Nguyễn Chơn và người em Nguyễn Thưởng còn gắn liền với việc tổ chức phòng thủ ở các đồn ải tại vùng biển Thuận An; Nhân cách kiên cường của các tham tri: Trần Thúc Nhẫn, Lâm Hoằng trong cuộc kháng chiến bảo vệ cửa biển Thuận An; hay chân dung của các sĩ phu yêu nước như: Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Trường Tộ, Đăng Huy Trứ, Phạm Phú Thứ, Phan Đình Phùng ..với bi kịch của giới trí thức trong một thời đại “không thuộc về họ”.
Với sự sưu tầm, đối chiếu, phân tích các nguồn tư liệu liên quan trong nước và nước ngoài, hội thảo đã có nhiều bổ sung và đánh giá khách quan hơn về diễn biến, hậu quả cũng như ý nghĩa của các sự kiện quân sự - chính trị tại của biển Thuận An và kinh thành Huế, làm sáng tỏ về một giai đoạn lịch sử đầy thử thách, sóng gió của dân tộc. Bên cạnh đó, tại hội thảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã trao đổi, thảo luận làm sáng tỏ hơn các nội dung sau: vai trò chiến lược của cửa biển Thuận An và hệ thống phòng thủ tại Thuận An đối với Kinh đô Huế trước cuộc tấn công của thực dân Pháp; Những chuyển biến trong nội bộ triều đình nhà Nguyễn từ khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tiến hành xâm lược nước ta, đặc biệt là mâu thuẫn giữa phe chủ chiến và phe chủ hòa, tác động của nó đến cục diện chính trị - quân sự lúc bấy giờ; Vai trò của nhân dân các địa phương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là các hình thức tự vệ, hỗ trợ hậu cần, tinh thần đoàn kết… các phong tục, tín ngưỡng dân gian như lễ cúng Âm Hồn tại các đàn, miếu nhân ngày Kinh đô thất thủ; Sưu tầm, đối chiếu và phân tích các nguồn tư liệu liên quan từ cả phía Việt Nam và các quốc gia khác nhằm góp phần bổ sung và đánh giá khách quan hơn về diễn biến, hậu quả cũng như ý nghĩa của các sự kiện quân sự - chính trị tại cửa biển Thuận An và Kinh thành Huế giai đoạn 1883 - 1885…

Các đại biểu trao đổi tại hội thảo