menu_open
Huế - Chiếc nôi của áo dài Việt Nam
09/08/2024 9:31:31 SA
Xem cỡ chữ:
(ảnh minh họa)
Huế là người mẹ đã sản sinh và nuôi dưỡng chiếc áo dài Việt Nam, áo dài cũng từng góp phần tạo nên một nét đặc trưng của văn hóa Huế...
(ảnh minh họa)

1. Phú Xuân - Huế, chiếc nôi khai sinh của áo dài Việt Nam

Năm 1744, sau hơn 180 năm mở mang vùng đất Đàng Trong, cơ nghiệp của các chúa Nguyễn đã phát triển vững mạnh, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã quyết định hình thành một vương triều mới thay cho sự nghiệp của nhà chúa. Cùng với việc xây dựng đô thành Phú Xuân, chính thức xưng vương (Võ vương), tổ chức lại bộ máy triều chính, cải tổ triều phục, Võ vương còn chủ trương cải cách trang phục dân gian Đàng Trong để tạo ra một diện mạo mới của vương quốc.

Sự kiện chúa Nguyễn Phúc Khoát ra lệnh cải cách trang phục xứ Đàng Trong năm 1744 đã được nhiều tư liệu lịch sử khẳng định, nhưng kiểu dáng trang phục dân gian lại chỉ được mô tả rất sơ lược, thậm chí đôi lúc không thật thống nhất với nhau:

Giáo sĩ Jean Koffler, người Prague (Tiệp Khắc) là thầy thuốc riêng của chúa Nguyễn Phúc Khoát vào thời điểm 1740 - 1755, người trực tiếp chứng kiến sự kiện nầy, trong tác phẩm Miêu tả lịch sử xứ Đàng Trong của ông (bản dịch tiếng Pháp là Description historique de la Cochinchine), đã cho biết “Chúa bắt bỏ lối quần áo thô bỉ của người Đàng Ngoài mà châm chước theo lối quần áo của người Tàu”.(1)

Lê Quý Đôn, người đã giữ chức vụ Hiệp trấn Tham tán quân cơ trong bộ máy chính quyền Lê Trịnh chiếm đóng Đàng Trong năm 1776, trong tác phẩm Phủ biên tạp lục viết vào thời điểm nầy cũng nhắc lại sự kiện cải cách trang phục thời chúa Nguyễn Phúc Khoát 36 năm trước và mô tả hiện trạng lúc bấy giờ là “(Nguyễn Phúc Khoát) lại hạ lệnh cho trai gái hai xứ (Thuận Hóa, Quảng Nam) đổi dùng áo quần Bắc quốc để tỏ sự biến đổi; đến như khiến phụ nữ đều mặc áo ngắn hẹp tay như áo đàn ông thì Bắc quốc không có thế. Trải hơn 30 năm, người ta đều tập quen, quên cả tục cũ… Những sắc mục ở dân gian cũng mặc áo đoạn hoa bát ty và áo sa, lương, địa làm đồ mặc vào ra thường, lấy áo vải áo mộc làm hổ thẹn… Đàn bà con gái thì đều mặc áo the và hàng hoa, thêu hoa ở cổ tròn…”.(2) Mô tả của Lê Quý Đôn đã cho thấy thấp thoáng những chiếc “áo sa, áo lương, áo the”, nhưng chi tiết “áo ngắn hẹp tay” (nguyên văn chữ Hán là “trách tụ đoản y”) trong đoạn văn “phụ nữ đều mặc áo ngắn hẹp tay như áo đàn ông” (và không cho biết kèm theo áo là váy hay quần, nhưng “áo ngắn hẹp tay như áo đàn ông” có khả năng là mặc kèm theo quần dài) đã làm một số người đi tới nhận định thời kỳ 1776, và có thể cả trước đó, trang phục cải cách của Đàng Trong chưa phải là áo dài, mà là áo ngắn.

Tuy nhiên, cũng cùng thời điểm, năm 1778 (chưa tròn 2 năm sau khi Lê Quý Đôn viết Phủ biên tạp lục), M. Chapman, với danh nghĩa là sứ giả nước Anh, từ Bengal - Ấn Độ đến Quy Nhơn gặp gỡ Nguyễn Nhạc, ông đã mô tả rất chi tiết trang phục của Nguyễn Nhạc, của quan quân nhà Tây Sơn và đặc biệt là trang phục dân gian của người Đàng Trong năm 1778. Trong hồi ký Giao tiếp trong một lần đến Đàng Trong năm 1778 (Relation d’un voyage en Cochin-Chine en 1778) ông nhận xét “đàn ông và phụ nữ Nam Hà đều mặc những bộ đồ được thiết kế theo cách giống nhau… chúng chỉ gồm một áo dài thả lỏng, cổ nhỏ cài cúc, bắt chéo trên ngực, trông không khác gì một chiếc áo dài ngủ, ống tay áo rất dài và rộng, phủ kín cả hai bàn tay."(3)

Mô tả của M. Chapman về chiếc áo dài dân gian và các kiểu loại trang phục của người Đàng Trong ở vùng Quy Nhơn rất chi tiết, có chủ ý tường thuật theo cách nhìn của người phương Tây cũng trùng hợp với những trình bày trong tác phẩm Dã sử lược biên Đại Việt quốc Nguyễn triều thực lục được biên soạn bởi Nguyễn Văn Nhân và được Lý Văn Phức, Nguyễn Công Trứ biên tập sửa chữa. Tác phẩm nầy đã cung cấp hai chi tiết quan trọng về chiếc áo dài “quần chân áo chít” và áo dài “ngũ thân”: Quyển 8 cho biết dưới thời Nguyễn Phúc Khoát, chúa “bắt đầu hạ lệnh cho nam nữ sĩ thứ trong nước đều mặc áo nhu bào, mặc quần, vấn khăn, tục gọi là quần chân áo chít từ đây”. Quyển 11 cung cấp một sắc lệnh của vua Minh Mạng là “cấm đàn ông đóng khố, đàn bà không được mặc váy kiêm áo tứ thân; nhất loạt đều dùng quần chân và áo năm thân theo lệnh của Hiếu Võ Hoàng đế (chúa Nguyễn Phúc Khoát) năm xưa ở Thuận Hóa”.(4) Dã sử lược biên Đại Việt quốc Nguyễn triều thực lục có người hiểu là loại sử thiếu chính xác (dã sử), nhưng thật ra, dưới thời quân chủ, “dã sử” là loại sách sử của tư nhân (Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh), để phân biệt với “chính sử” là sách sử do sử quan của triều đình biên soạn. Nguyễn Văn Nhân, Lý Văn Phức và Nguyễn Công Trứ đều là các đại thần dưới triều Minh Mạng, một vị vua cực kỳ nghiêm khắc, rất khó để các vị quan nầy dám ghi chép những lời không xác thực về nhà vua. Vì vậy, theo chúng tôi, những dữ liệu mô tả chi tiết về chiếc áo dài của M. Chapman và thông tin của các vị đại thần trong Dã sử lược biên Đại Việt quốc Nguyễn triều thực lục có mức độ đáng tin cậy để có thể đi đến nhận định: chính dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát chiếc áo Ngũ thân đã ra đời, trở thành trang phục chính thức của cả đàn ông và nữ giới ở vùng đất Đàng Trong.(5)

Trải qua các biến động lớn dưới thời quân Trịnh chiếm đóng Thuận Hóa (1775 - 1786), thời Tây Sơn (1786 - 1801) và những năm đầu triều Nguyễn, trang phục của người Đàng Trong dù có biến đổi đôi chút, nhưng cơ bản vẫn nối tiếp cách thức áo Ngũ thân vốn có từ thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát:

-  Thời Lê - Trịnh chiếm đóng Phú Xuân, Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục cho biết triều đình Lê - Trịnh đã ra lệnh “đổi bỏ lối ăn mặc dị dạng để theo chế độ quốc triều”. Nhưng lệnh ban ra chưa lâu thì quân Trịnh lại bị quân Tây Sơn đánh đuổi, người dân Đàng Trong vẫn sử dụng trang phục như dưới thời chúa Nguyễn.

-  Thời Tây Sơn, khi Chapman đến Đàng Trong năm 1778, phụ nữ Nam Hà đều mặc áo dài. John Barrow đến vùng biển Đà Nẵng năm 1792 - 1793 (thời Cảnh Thịnh) cũng mô tả trang phục của người dân là “quần áo của nữ giới không có gì hấp dẫn. Nhìn chung một chiếc áo vải bông dài lụng thụng, màu nâu hoặc xanh, buông rủ xuống tận giữa bắp đùi, một chiếc quần đen bằng vải thô dày, may rất rộng là y phục thông thường của họ […] Về lễ phục trong trường hợp đặc biệt, một quý bà thường mang một lúc ba, bốn chiếc áo màu sắc, dài ngắn khác nhau, chiếc ngắn nhất nổi bật hơn cả […] Y phục của người đàn ông ít phân biệt với y phục nữ giới, nếu có là một chiếc áo khoác và đôi ống quần dài”.(6)

-  Thời Gia Long, Michel Đức Chaigneau, con trai Thắng Đức hầu Jean Baptiste Chaigneau và bà Hồ Thị Huê (người Phường Đúc), sống dưới thời Gia Long, trong tác phẩm Souvenirs de Hué đã mô tả y phục của mẹ mình: “Bà mặc một chiếc áo dài rộng bằng lụa màu trắng, ống tay áo dài thả lửng, khoác lên trên là một chiếc áo lụa khác màu tím; chiếc quần bà mặc rộng ống bằng sa - tanh đen, phủ đến mắt cá chân, gần như để lộ ra đôi bàn chân, bà đội một chiếc khăn đóng (khăn vấn) màu xanh dương”.(7) John White, người Mỹ đã đến Gia Định năm 1819 đã thấy “quần áo của dân bản xứ gần giống nhau cho cả hai giới tính” và y phục của một phụ nữ quyền quý “được phân biệt bởi số áo dài mà họ mang trên mình, áo dài lớp trong hết là áo dài nhất, những áo khác thì càng lúc càng ngắn đi. Chúng đều có màu khác nhau và toàn bộ rất là lòe loẹt”; riêng “một bà thuộc hàng thượng lưu mà ông chồng của bà đã về chầu vua ở Huế” là “trên áo quần bà là gồm có bốn cái áo dài có màu sắc khác nhau. Bà đi giày vải kiểu Trung Hoa và trên đầu vấn một cái khăn vấn bằng lụa vàng”.(8)

Bộ trang phục áo dài “quần chân” đã trở thành hình ảnh thân quen, từng tồn tại hàng trăm năm đối với người Đàng Trong, đến nỗi vào tháng 12 năm 1802, lúc bàn luận với các quan về phong tục, vua Gia Long đã nhận xét “Dân Bắc Hà thì kiểu quần áo cũng không đẹp. Phải nên một phen sửa định mới có thể đồng nhất phong tục. Nhưng sửa đổi phong tục cũng phải dần dần”.(9) Điều vua Gia Long chưa làm được thì đến đời Minh Mạng, nhà vua đã từng bước thực hiện. Năm 1826, vua xuống dụ “Nhà nước ta bờ cõi hợp một, văn hóa cùng nhau, há lại nên có việc làm và quy chế khác. Huống chi tỉnh Quảng Bình là nơi gần Kinh Thành… thế mà áo mặc dân gian vẫn còn khác hẳn,… Vậy nay doanh thần nên sức cho sĩ dân châu ấy, về kiểu chế áo mũ đều dùng kiểu áo mặc như sĩ dân từ sông Gianh trở vào Nam, để thống nhất thanh giáo mà điều chỉnh phong tục”. Năm sau, nhà vua tiếp tục ra chỉ dụ “Nhà nước ta cõi đất hợp làm một, chính trị, phong tục há nên có khác?… Nay các hạt ở Bắc thành cũng nên kịp thời sửa đổi lại để cho được đồng nhất. Nhưng thay đổi phong tục, là việc mới bắt đầu làm, mà dân gian nghèo giàu không đều, về sự nhu cầu mặc, tất nên rộng hạn cho ngày tháng. Vậy thiết tha xuống lời dụ này: các ngươi đại thần nên sức khắp cho sĩ dân trong hạt: phàm cách thức áo mặc đổi theo cách thức như Quảng Bình trở vào Nam, chuẩn cho đến mùa xuân năm Minh Mạng thứ 10 (1829), nhất tề sửa đổi lại, để nêu ý nghĩa “vâng theo phép vua”. Tuy vậy, gần 10 năm sau (1837), lúc nhà vua đã cải tổ hệ thống hành chính theo phương thức trung ương tập quyền, nhưng trang phục mới vẫn chưa thống nhất, nhà vua phải ra lời dụ quyết liệt: “Trước kia, cho rằng áo mặc từ sông Gianh trở ra ngoài, vẫn thói tục hủ lậu, đặc biệt xuống dụ cho đổi theo áo mặc như từ Quảng Bình trở vào Nam, để tỏ ra cùng một phong tục, lại cho kỳ hạn rộng rãi, để cho thong thả may mặc… mà có kẻ cứ theo tục cũ lỗi thời chưa đổi,… Vậy hạn cho trong năm nay, cần phải nhất luật thay đổi cả, và khi sang năm mới, nếu vẫn còn theo thói cũ không đổi, tức thì trị tội nặng”.(10)

Từ đó, bộ trang phục áo dài Việt Nam sản sinh ở Kinh Thành Phú Xuân - Huế đã dần dần thay thế các dạng trang phục cổ truyền của Đàng Ngoài, từng bước được điều chỉnh để trở thành trang phục chung cho đàn ông và đàn bà Việt Nam. Trải qua nhiều thăng trầm cùng thế cuộc, từ chiếc nôi ở xứ Huế, áo dài Việt Nam trở thành một biểu tượng về bản sắc văn hóa của trang phục Việt, vừa trang trọng, vừa mang tính độc sáng, không lẫn vào đâu khi sánh vai cùng các biểu tượng văn hóa trang phục đa dạng của toàn cầu. Với riêng xứ Huế, áo dài còn mang theo một quá khứ vàng son, một kiểu cách rất riêng của vùng đất Kinh kỳ.

2. Một số đặc trưng của áo dài Huế

Áo dài là tên gọi chung cho trang phục của đàn ông và đàn bà, dù kiểu cách áo dài phụ nữ thường thướt tha, duyên dáng, áo dài đàn ông lại trang nghiêm, chững chạc. Áo dài là áo Năm thân, vì khổ vải ngày xưa hẹp, vạt trước và vạt sau đều phải “nối sống”, may ghép hai thân vải với nhau; ngoài ra còn có một thân vải ngắn may nối với vạt sau, gọi là vạt con, khi mặc áo, vạt con nằm khuất dưới vạt trước. Người Huế gọi áo Năm thân là áo Ngũ thân hay Ngũ thể, với ý nghĩa tương truyền rằng năm thân áo tượng trưng cho đạo lý cao đẹp của con người: bốn thân áo của vạt trước, vạt sau tượng trưng cho “tứ thân phụ mẫu” (cha mẹ mình và cha mẹ người hôn phối), thân trong tượng trưng cho người con. Áo dài có năm nút, tượng trưng cho ngũ thường (nhân - nghĩa - lễ - trí - tín), ngũ luân (quân thần: vua - tôi, phụ tử: cha - con, phu phụ: chồng - vợ, huynh đệ: anh - em, bằng hữu: bạn bè). Mặc chiếc áo dài Ngũ thân là mang trên mình đạo làm người, không được làm những điều trái luân thường đạo lý.

Áo dài ngũ thân (Ảnh minh họa: Áo dài Quang Hòa)

Ở các vùng miền trong nước, áo dài thường là lễ phục, riêng với Huế áo dài vừa là một phần trong lễ phục, vừa là y phục thường ngày. Có một thời áo dài luôn gắn liền với sinh hoạt của người Huế, tùy từng đối tượng, từng hoàn cảnh, từng thời gian mà áo dài có những biến cách khác nhau: Trong cung, vua mặc áo dài khi đọc sách, ăn cơm; phi tần cung nữ khi ngủ vẫn mặc áo dài. Ngoài dân gian, thầy đồ và học sinh đều mặc áo dài khi học tập; trong nhà người lớn mặc áo dài khi tiếp khách; khi đi chợ, bán hàng rong, ra đồng ruộng, chèo đò trên sông… người người đều mặc áo dài.

Áo dài nam thường là màu đen, hoặc xanh hay trắng, vạt áo hẹp và ngắn hơn áo dài nữ, thường đi liền với chiếc quần trắng, khăn đóng và guốc mộc. Áo dài xanh dành cho người cao tuổi, người có danh phận. Áo dài đỏ chỉ dành riêng cho người thượng thọ. Những bậc đại quan, tùy theo chức phận còn mặc áo dài màu tía (trên Nhất phẩm), màu cổ đồng (Chánh Nhất phẩm), màu thiên thanh (Tòng Nhất phẩm)... Ở các đại lễ, đàn ông “có vai vế” còn khoác thêm bên ngoài chiếc áo thụng xanh, có vạt dài và tay áo rất dài, rất rộng, thường gọi là áo rộng.

Áo dài nữ theo phong cách xưa có vạt áo dài, tay hẹp, thân không chít eo, không để lộ ngực, tà áo được cắt úp, thân may thong thả, tạo nên nét uyển chuyển, dịu dàng, mang nét nữ tính. Chiếc áo dài của giới nữ quyền quý giàu sang thường là áo kép, may hai lớp vải; áo kép còn mặc ngoài áo dài đơn hoặc áo cánh vải nhẹ. Chất liệu loại áo dài nầy thường sang trọng, màu sắc đẹp và tao nhã; các họa tiết thêu thùa sắc sảo, đường kim mũi chỉ tinh tế, tạo nên một vẻ thẩm mỹ đài cát, kiêu sa mà vẫn khiêm cung, kín đáo. Có những chiếc áo dài xưa của phụ nữ Huế đẹp như một tác phẩm nghệ thuật. Áo dài của phụ nữ bình dân giản dị hơn, với vải vóc thô sơ, thường là màu đen, màu nâu hoặc trắng hay lam, không thêu thùa nhưng kiểu dáng chẳng khác lắm so với chiếc áo dài giới quyền quý. Trong những dịp đặc biệt như cưới hỏi, lễ lớn, một số người còn mặc chiếc áo cặp theo nguyên tắc áo trong dài hơn, màu sặc sỡ hơn, áo ngoài ngắn hơn, màu sắc nhã hơn. Áo dài của phụ nữ buôn bán gánh gồng khi sờn rách lại được vá thêm mảnh vải quàng cả hai vai; có khi được thay nửa vạt áo, tạo thành áo dài nối, với cách phối màu hài hòa kiểu đen - nâu, đen - trắng, nâu - trắng. 

Tương tự như cả nước, ở Huế áo dài nam ít thay đổi, nhưng áo dài nữ lại linh hoạt biến đổi theo thời gian, song cơ bản phụ nữ Huế vẫn bền bỉ duy trì tính kín đáo, trang nhã và đoan trang theo phong cách riêng. Vào thập kỷ 1930, 1940, với những vận động cách tân áo dài nữ theo mẫu mã của các họa sĩ Nguyễn Cát Tường, Lê Phổ, Lê Thị Lựu, táo bạo nhất là kiểu Le Mur (Nguyễn Cát Tường) với kiểu cổ hình trái tim, cổ lọ, cổ bẻ, đính nơ, tay phồng, khoét giữa lưng, không tay, cài khuy trên vai… đã ít nhiều tạo ảnh hưởng tại Hà Nội và một số thành phố lớn, nhưng phụ nữ ở Kinh đô Huế vẫn không hưởng ứng, trừ việc bỏ cách nối sống giữa hai thân áo, chuyển áo Năm thân thành áo Ba thân. Vào thập niên 1960 ở miền Nam, với sự phổ cập rộng rãi các loại nội y, nịt ngực (soutien), các chất liệu vải nylon, áo dài phụ nữ miền Nam cũng nhiều lần cách tân, với các kiểu áo chít eo, áo cổ cao, cổ tròn, cổ thuyền, cổ trái tim, áo dài tay raglan, vạt ngắn…; nhưng trừ việc tiếp thu phổ biến cách may áo tay raglan (cách ráp tay áo nối từ cổ xuống nách), cách chuyển đổi vạt áo lúc dài lúc ngắn, ống quần lúc rộng lúc hẹp; còn lại phụ nữ Huế vẫn hưởng ứng một cách rụt rè các kiểu cách tân và hầu như lại lạnh nhạt, dè bỉu những kiểu dáng đi ngược với thuần phong mỹ tục. Có lẽ sự thay đổi lớn nhất là cách chuyển đổi từ chiếc quần chân què sang quần đáy giữa, quần dây lưng sang quần dây thun, gài nút, gài khuy, dây kéo. Trong nhiều lớp đổi thay của áo dài nữ, vẫn tồn tại một hiện tượng kéo dài rất nhiều năm là nữ sinh Huế vẫn bền bỉ ưa chuộng chiếc áo dài tím mơ mộng, chiếc áo dài trắng tinh khôi, như một cách để khẳng định mình là con gái Huế. Đã có thời (1954 - 1975) Huế được báo giới miền Nam tôn xưng là Thành phố Áo dài.

Đi liền với chiếc áo dài nữ còn có guốc, khăn và nón Huế. Trước 1945, phụ nữ Huế còn gắn bó với áo dài Nhật Bình và khăn vành, đây là trang phục thông thường của các bậc phi tần, công chúa đã lan truyền sang giới mệnh phụ và con gái nhà giàu sang quyền quý. Áo Nhật Bình là áo xẻ cổ giữa, cổ áo to bản, đăng đối, tạo thành hình chữ Nhật ở trước ngực, có nút cài khoảng giữa ngực, áo rộng, hai vạt bốn thân, vạt trước xẻ giữa, vạt sau nối sống, tay áo rộng và dài phủ tay, đầu tay áo và cuối vạt áo đều trang trí năm dải màu ngũ sắc sang trọng, thân áo được thêu thùa trang trí theo lối cung đình. Khăn vành là khổ vải dài hơn chục mét, rộng gần nửa mét, gấp lại khoảng 10 lần, với thành rộng khoảng 3 - 4cm, nếp gấp hình chữ Nhân ở giữa trán, nhằm tôn vẻ đẹp quý phái của người phụ nữ quý tộc, về sau được phụ nữ trong dân gian yêu thích, sử dụng trong các dịp cưới hỏi và lễ nghi trang trọng.

Đến nay, áo dài Huế vẫn đang đứng trước những xu hướng cách tân. Và chắc chắn, sẽ không có một mẫu áo dài nào bất biến, càng không thể có một mẫu áo dài chỉ dành riêng cho Huế. Có điều dễ nhận thấy, là đứng trước vô vàn những kiểu áo dài được biến tấu để phụ nữ Việt Nam tha hồ lựa chọn, thì hầu như phần đông phụ nữ Huế vẫn hướng đến những kiểu dáng mà giá trị đã được sàng lọc qua thời gian, những chiếc áo dài vừa mới mẻ, vừa gợi cảm, nhưng vẫn kín đáo tôn được nét tuyệt mỹ của những đường cong cơ thể, tạo nên nét duyên dáng sinh động của người phụ nữ Huế.

3. Để áo dài phục sinh trong cuộc sống của Huế

Huế là người mẹ đã sản sinh và nuôi dưỡng chiếc áo dài Việt Nam, áo dài cũng từng góp phần tạo nên một nét đặc trưng của văn hóa Huế, nhưng với những thăng trầm của thế sự, áo dài có lúc như viên ngọc quý đã bị lớp bụi hờ hững rẽ rúng của người đời che lấp hết vẻ đẹp lấp lánh vốn có. Trong thập niên 1990 trở lại đây, cùng với sự đổi mới của đất nước, áo dài đã dần dần được hồi sinh với diện mạo mới. Đặc biệt từ Huế, những lễ hội áo dài gắn với Festival Huế và Festival Nghề Truyền thống Huế bắt đầu từ năm 2000 đến nay đã đánh thức dậy vẻ đẹp kiêu sa đài cát của áo dài phụ nữ Việt Nam. Từ quý 4 năm 2018 đến đầu năm nay, với quy định của chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức nữ và nữ học sinh trung học, sinh viên đại học mặc áo dài sáng thứ hai đầu tuần, miễn vé tham quan vào di tích Cố đô Huế đối với phụ nữ mặc áo dài trong dịp ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2019 đã tạo ra những chuyển động ban đầu, cả về nhận thức và hành động, hướng đến khôi phục vẻ đẹp của áo dài nữ, tạo ra một nét mới trong sinh hoạt của Cố đô Huế. Trong xã hội, áo dài nữ cũng đang trở lại với những kiểu mẫu đa dạng, đôi lúc rất xa lạ, xuất hiện nhiều trên các sân khấu, các cửa hàng may mặc thời trang, các điểm lễ hội, vui chơi giải trí… Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tỉnh táo, áo dài vẫn chưa thực sự hồi sinh trong cuộc sống hằng ngày của người dân, chưa tạo được một chuyển động trong đời sống kinh tế xã hội ở Huế. Đáng lưu ý, tuy áo dài nữ đã xuất hiện phổ biến, nhưng áo dài nam chỉ mới có mặt trong những điểm việc làng, việc họ, trong những ngày giỗ chạp, chủ yếu vẫn trong số người lớn tuổi; một số giới trẻ ở Huế cũng mới sử dụng áo dài trong các dịp cưới hỏi, trên các sân khấu trình diễn nghệ thuật; hình ảnh chiếc áo dài nam vẫn còn vướng vất với quá khứ của một thời xưa cũ.

Làm gì để áo dài sớm thực sự hồi sinh, tạo ra một nét đẹp độc đáo trong cuộc sống của người dân xứ Huế, góp phần cùng các giải pháp khác, tạo động lực mới để Huế vươn vai đứng dậy, hướng đến một thời cơ phát triển mới?

Trước hết, cần thừa nhận thời đại đã đổi khác, rất khó để những tà áo dài truyền thống lại bay bay khắp mọi nhà, mọi đường phố, đường làng, hay trong chợ, trên sông, ngoài đồng ruộng… như một thời Huế từng có. Nhưng cần khẳng định áo dài Huế là một giá trị văn hóa độc đáo trong di sản văn hóa Huế, để quyết tâm xây dựng thương hiệu Áo dài Huế như một tài sản trí tuệ độc sáng của vùng đất Cố đô. Vì vậy, ngoài nỗ lực tiếp tục mở rộng các phương thức hướng dẫn nữ sinh, vận động phụ nữ thường xuyên sử dụng trang phục áo dài trong các sinh hoạt xã hội, tỉnh Thừa Thiên Huế cần tổ chức thêm các hoạt động quảng bá, tôn vinh vẻ đẹp của áo dài Huế (tổ chức Ngày hội Áo dài Huế với quy mô hoành tráng, thu hút người dân cùng tham gia. Khuyến khích xây dựng các show trình diễn áo dài Huế, bán sản phẩm áo dài hằng đêm. Nâng chất lượng, gắn Lễ hội Áo dài mỗi kỳ Festival Huế với một không gian độc đáo của di tích Cố đô…). 

Đặc biệt, Thừa Thiên Huế có thể đi tiên phong vận động khôi phục lại quốc phục áo dài Việt Nam, cho cả nam và nữ; chủ động xây dựng bộ hồ sơ đề nghị trung ương xem xét trình UNESCO công nhận di sản Áo dài Việt Nam, Áo dài Huế là di sản văn hóa thế giới. Trước mắt, cùng với việc vận động phụ nữ Huế mặc áo dài, cần phát động khôi phục áo dài nam theo kiểu dáng sang trọng, đa sắc màu như trang phục của giới quan lại, quý tộc dưới thời Nguyễn; tập trung khôi phục áo dài Nhật Bình Huế; yêu cầu mọi cán bộ, viên chức của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cả nam và nữ, khi làm nhiệm vụ tại Đại Nội và các lăng tẩm, di tích Cố đô đều mặc áo dài trang trọng. Hằng năm, cơ quan quản lý di tích Cố đô đều tổ chức ngày Đại lễ Tôn vinh Áo dài tại lăng chúa Nguyễn Phúc Khoát, lăng vua Minh Mạng, tạ ơn các vị có công khai sáng trang phục áo dài Việt Nam. Quy định trong các buổi tiếp tân long trọng của tỉnh và thành phố, mọi nhân viên làm nhiệm vụ tiếp tân, cả nam và nữ, đều mặc trang phục áo dài… Đại thể, cần đa dạng hóa quảng bá về áo dài để xây dựng hình ảnh Huế là chiếc nôi của áo dài Việt Nam, là Kinh đô áo dài của Việt Nam, đối với trong tỉnh, trong nước và du khách nước ngoài.

Tập trung xây dựng thương hiệu Áo dài Huế gắn với Cố đô Huế và các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của xứ Huế, xây dựng thành các Tour du lịch khám phá Kinh đô Huế hấp dẫn. Xúc tiến thành lập Hiệp hội nghề may và kinh doanh áo dài Huế. Khuyến khích các nhà đầu tư phát triển sản xuất và kinh doanh áo dài Huế. Vận động hình thành Phố kinh doanh Áo dài Huế, hình thành một số tiệm may áo dài phục vụ du khách. Tạo mối liên kết giữa các cơ sở du lịch và người làm dịch vụ may và kinh doanh áo dài. Tìm kiếm thị trường để đưa các sản phẩm áo dài Huế “may sẵn”, áo dài Nhật Bình, khăn vành Huế ra các thị trường ngoài tỉnh và quốc tế.

Cùng với nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của áo dài Huế, cần nhìn nhận một thực tế là sẽ không bao giờ có một mẫu áo dài bất biến, dành chung cho mọi người, mọi lứa tuổi, càng không có một loại áo dài Huế chỉ dành riêng cho người Huế, để không dị ứng trước các mẫu áo dài cách tân, áo dài biến tấu, đôi khi rất xa lạ. Hãy để thời gian làm vị giám khảo sàng lọc và lựa chọn; nhưng đồng thời cũng cần chủ động hướng dẫn giới trẻ, nhất là nữ sinh, thấm nhuần ý nghĩa áo dài Huế là một nét tâm hồn của phụ nữ Việt Nam, để chính các bạn trẻ biết chọn lựa đúng đắn áo dài thời trang phù hợp với cốt cách Việt Nam, tránh sa vào những kiểu dáng ngoại lai.

Để áo dài phục sinh trên đất Huế chính là để làm giàu thêm cho Huế, giàu cả về những giá trị văn hóa và giàu lên nhờ dịch vụ áo dài phát triển. Thương hiệu Áo dài Huế phát triển sẽ kéo theo du lịch Huế, kinh tế xã hội Huế phát triển. 

CHÚ THÍCH

(1)    Dẫn theo Đào Duy Anh. (1983). Việt Nam văn hóa sử cương. Quan Hải tùng thư, tr. 121.
(2)    Lê Quý Đôn. (2015). Phủ biên tạp lục. Bản dịch Trần Đại Vinh. Nxb Đà Nẵng, tr. 292 - 293.
(3)    M. Chapman. Relation d’un voyage en Cochin-Chine en 1778, tr. 61. Dẫn theo Trần Quang Đức. (2013). Ngàn năm áo mũ. Nxb Thế giới. Hà Nội, tr. 264.
(4)    Dã sử lược biên Đại Việt quốc Nguyễn triều thực lục. Dẫn theo Trần Quang Đức. (2013). 
Ngàn năm áo mũ. Nxb Thế giới. Hà Nội, tr. 260, 261.
(5)    Mô tả của Lê Quý Đôn về “áo ngắn hẹp tay” (trách tụ đoản y) không hẳn đã loại trừ khái niệm “áo dài” như cách hiểu của chúng ta ngày nay. “Đoản y” có thể là dạng áo dài chưa quá gối, tương tự như Dã sử lược biên Đại Việt quốc Nguyễn triều thực lục đã sử dụng từ “nhu bào” để mô tả về “áo chít quần chân” hay áo Ngũ thân (“nhu” là áo ngắn, “bào” là áo dài, “nhu bào” là dạng áo dài chưa đến gót chân, khác với “trường bào”?). Có lẽ vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn nữa!
(6)    Barrow. (2008). Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792 - 1793. Nxb Thế giới. Hà Nội, tr. 83.
(7)    Kinh thành Huế đầu thế kỷ XX qua hồi ức của Michel Đức Chaigneau. Bản dịch của Lê Đức Quang. (2016). Nxb Thuận Hóa. Huế, tr. 135.
(8)    John White. Les Européens qui ont vu le Vieux Hué: Tạp chí BAVH, số 1937.
(9)    Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2004). Đại Nam thực lục. Tập I (bản dịch Viện Sử học). Nxb Giáo dục. Hà Nội, tr. 539.
(10)    Nội Các triều Nguyễn. (2005). Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Tập IV (bản dịch Viện Sử học). Nxb Thuận Hóa. Huế. Tr. 142 - 144.

TÓM TẮT

Từ sự kiện chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương ở Đô thành Phú Xuân năm 1744, chiếc áo dài Ngũ thân đã ra đời và phổ biến rộng rãi ở Đàng Trong. Đến thời Minh Mạng, nhà vua đã nhiều lần hạ lệnh buộc người dân Bắc Hà, cả nam và nữ, đều mặc áo dài. Chiếc áo dài được khai sinh từ Huế đã trở thành quốc phục, là biểu tượng về văn hóa của trang phục Việt Nam. Áo dài Huế còn có những đặc trưng của vùng đất Kinh kỳ. Huế cần đi tiên phong vận động khôi phục quốc phục Áo dài Việt Nam.

ABSTRACT

HUẾ - THE CRADLE OF VIETNAMESE ÁO DÀI 

From the fact that Lord Nguyễn Phúc Khoát proclaimed himself a king in Phú Xuân Capital in 1744, the Five-flaps dress (Áo dài Ngũ thân) was born and diffused widely in Đàng Trong (Cochinchina) where during Minh Mạng’s Reign, the Emperor had many times commanded the people, both male and female wearing it. The Áo dài born in Huế has became the National dress - a symbol of Vietnam’s costume culture. It also consists of the Royal Capital’s features. Huế Ancient Capital should take a leading position in mobilizing Vietnam’s National Áo dài restoring.

Nguyễn Xuân Hoa
Các bài khác
    << < 1 2 3 > >>