menu_open
Nhiều lợi ích khi bệnh viện lên tầm quốc tế
06/01/2025 2:09:38 CH
Xem cỡ chữ:
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Trung ương Huế
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký Quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030, ưu tiên đầu tư 6 bệnh viện lên tầm quốc tế, trong đó có Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế. Với bề dày truyền thống 130 năm, BVTW Huế đang đón đầu nhiều cơ hội phát triển. Thừa Thiên Huế Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với GS.TS.BS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc BVTW Huế và được ông thông tin:
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Trung ương Huế

Được Chính phủ và Bộ Y tế chọn là một trong 6 bệnh viện ưu tiên đầu tư trọng điểm phát triển ngang tầm khu vực và quốc tế; trước đó, đơn vị đã có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc người bệnh. BV hiện có quy mô hơn 5.000 giường bệnh, đội ngũ cán bộ y tế chuyên nghiệp, phẫu thuật trên 51.000 ca, đứng tốp 3 trong cả nước. Năm 2024, BVTW Huế là đơn vị tiêu biểu xuất sắc của Bộ Y tế về phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu, như ghép tạng, ghép tế bào gốc, đột quỵ, ung thư, tim mạch… Các chuyên ngành đều được bệnh viện phát triển đồng bộ, có hệ thống, phối hợp chặt chẽ. Đặc biệt, Bệnh viện là đơn vị duy nhất của ngành y tế được vinh danh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam” năm 2024.

Thưa giáo sư, BVTW Huế có tầm nhìn và chiến lược như thế nào trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng gắn với kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu?

Trong đầu tư phát triển để trở thành một trung tâm điều trị xứng tầm khu vực và thế giới, công tác đào tạo rất quan trọng, bởi nguồn nhân lực sẽ đảm bảo chất lượng kỹ thuật cũng như chất lượng dịch vụ chăm sóc người bệnh. Bệnh viện duy trì đào tạo dưới nhiều hình thức, như đào tạo tại chỗ, đào tạo nâng cao trong nước hoặc các nước có nền y học tiên tiến Mỹ, Pháp, Canada, Nhật Bản… Việc đào tạo triển khai một cách bài bản, hệ thống, xuyên suốt nhiều thế hệ. Điều này giúp thế hệ sau có thể kế tục các thế hệ đi trước và luôn có đội ngũ cán bộ trẻ chuyên môn cao, thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu, góp phần đưa bệnh viện phát triển đồng bộ, ổn định.

 GS.TS.BS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc BVTW Huế
 GS.TS.BS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc BVTW Huế

BVTW sẽ có cơ hội gì và tận dụng cơ hội đó như thế nào khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương?

BVTW Huế là bệnh viện hạng đặc biệt của Bộ Y tế đứng chân trên địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương rõ ràng sẽ được hưởng nhiều lợi ích, nhất là quy hoạch của Chính phủ trong đầu tư các trung tâm y tế chuyên sâu trên toàn quốc. Khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, các nguồn lực, nguồn đầu tư, nguồn nhân lực sẽ được tập trung cho Huế, Bệnh viện sẽ trực tiếp được hưởng lợi dựa trên cơ sở một trung tâm khám, chữa bệnh chất lượng cao có nguồn nhân lực tập trung, phục vụ sự phát triển thành phố Huế. Đồng thời, Bệnh viện cũng giúp cho Huế trở thành một trung tâm du lịch khám, chữa bệnh, thẩm mỹ và phát triển các loại hình du lịch, khám, chữa bệnh cao cấp khác.

BVTW Huế đang hướng về chuẩn khu vực và quốc tế. Vậy, lãnh đạo đơn vị đặt ra những yêu cầu gì về yếu tố con người, hạ tầng, phong cách thái độ phục vụ xứng tầm, thưa giáo sư?

Chúng tôi nhận thấy một khi Bệnh viện đã nâng tầm thì phải xây dựng nhiều tiêu chuẩn, tương đương với tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế. Nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, thái độ phục vụ… chất lượng dịch vụ luôn ở mức cao nhất làm người bệnh hài lòng.

Trang thiết bị y tế cũng cần được đầu tư đồng bộ, hiện đại nhằm cập nhật kỹ thuật tiên tiến của y học thế giới, đảm bảo tính thời sự và cấp thiết, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, thu hút bệnh nhân trong và ngoài nước, đặc biệt là Việt kiều về nước điều trị.

Vậy, khi Bệnh viện được nâng tầm khu vực và quốc tế, người bệnh sẽ được hưởng lợi gì?

Hiện nay, người Việt Nam phải ra nước ngoài khám, chữa bệnh đang là thực trạng nhức nhối. Chi phí chữa trị ở nước ngoài khá tốn kém, gấp 4 đến 10 lần chi phí điều trị tại Việt Nam. Việc phát triển BVTW Huế ngang tầm quốc tế mang lại nhiều lợi ích cho ngành y tế và xã hội, trong đó có người dân.

Điều dễ nhận thấy nhất khi Bệnh viện nâng tầm quốc tế là người bệnh sẽ được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao, được tiếp cận với các phương pháp điều trị tiên tiến nhất trên thế giới. Họ được đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao chẩn đoán, điều trị, được sử dụng dịch vụ y tế tốt nhất.

Bệnh viện đang triển khai hệ thống thông tin hiện đại, xây dựng mô hình bệnh viện thông minh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục nâng cấp phần mềm bệnh án điện tử, chuẩn hóa và định dạng dữ liệu đầu ra cho các bảng mẫu, đặc biệt là các bảng mẫu chỉ số theo dõi kết quả cận lâm sàng. Với hệ thống quản trị thông minh, người bệnh sẽ rút ngắn thời gian chờ đợi, được cung cấp đầy đủ thông tin về bệnh lý, phương pháp điều trị, chi phí điều trị.

Một điều người dân băn khoăn đó là khi lên thành phố trực thuộc Trung ương và Bệnh viện được nâng tầm thì liệu chi phí khám, chữa bệnh có tăng? Bệnh viện sẽ tính toán như thể nào để đảm bảo sự hài hòa trong lĩnh vực này?

Như tôi đã nói ở trên, bệnh nhân khám bảo hiểm y tế hay bệnh nhân khám dịch vụ đều được hưởng chất lượng khám, chữa bệnh như nhau. Ở cả hai lĩnh vực vừa nêu đều có các bác sĩ giỏi cùng đội ngũ điều dưỡng chuyên nghiệp điều trị, chăm sóc. Trên cơ sở này, người dân yên tâm rằng dịch vụ y tế chất lượng cao nhưng không có nghĩa là đắt đỏ và không thể chi trả như những nơi khác!

Xin cảm ơn giáo sư!

L. Giang (Thực hiện)
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>