menu_open
Tết cung đình có gì đặc biệt?
22/02/2021 8:48:39 SA
Xem cỡ chữ:
Vua Khải Định đến thỉnh an hoàng mẫu ở cung Diên Thọ, ảnh sưu tầm
Nhà vua có thực sự nghỉ Tết? Những văn bản về công việc quan trọng phát sinh trong ngày nghỉ Tết liên quan tới triều chính và quân đội sẽ được xử lý như thế nào? Tết cung đình giống và khác gì Tết trong dân gian? Châu bản triều Nguyễn sẽ giải đáp cho chúng ta điều này.
Vua Khải Định đến thỉnh an hoàng mẫu ở cung Diên Thọ, ảnh sưu tầm

Ngay trong ngày đầu năm mới, hoàng đế đích thân đến cung hoàng mẫu làm lễ chúc mừng. Bản Tấu năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) của các đình thần đề cập nội dung: Hàng năm, kính gặp các lễ Thánh thọ, Chính đán (ngày đầu năm, tức mùng 1 tháng Giêng), Đoan dương ở cung Từ Thọ, do Bộ Lễ dâng nghi chú, đích thân Hoàng thượng dẫn quần thần đến cung Từ Thọ làm lễ chúc mừng. Vào các ngày đó, vâng mệnh (Hoàng thái hậu) miễn cho các quan không phải đến mừng. Vậy thành thật dám xin Thánh thượng soi xét và chuyển tới cung Từ Thọ, xin từ nay về sau cho phép các quan vào các tiết Thánh thọ, Chính đán, Đoan dương được làm lễ mừng như nghi thức. Nhà vua phê trên văn bản: Ngày hôm nay Trẫm tới cung Từ Thọ tâu trình, lúc đầu (Hoàng thái hậu) còn chưa đồng ý. Trẫm bèn nói việc làm của các khanh là xuất phát từ tấm lòng thành và cầu xin mãi mới được đồng ý. [1] Bản Tấu năm Tự Đức thứ 4 (1851) cũng cho biết: Đầu năm, vào dịp Tết Nguyên đán, ngày mùng 1, Hoàng thượng đến cung Gia Thọ làm lễ khánh hạ. Chúng thần thỉnh xin tuân theo lệ trước, bắn bảy phát pháo.[2]

tết huế xưa
Các vũ công trong ngày lễ, ảnh sưu tầm

Làm lễ xong, hoàng đế ngự ở điện Thái Hòa, bách quan dâng biểu mừng.

Ngày nay, việc thưởng tết thường được thực hiện sớm, trước ngày nghỉ Tết Nguyên đán. Còn dưới triều Nguyễn, vào đúng dịp tết, các hoàng đế ban thưởng cho hoàng thân, bá quan văn võ cũng như ban ân chiếu rộng khắp cho chúng dân.

Ngày mùng 1 nhà vua ban yến, thưởng tết cho các hoàng thân, quan văn từ ngũ phẩm, võ từ tứ phẩm trở lên. Mùng 2 Tết, hoàng thượng đến làm lễ tiến tân và chiêm bái tại điện Phụng Tiên (nơi thờ các vua triều Nguyễn), ban thưởng yến tiệc và tiền vàng cho các quan văn từ lục phẩm, võ từ ngũ phẩm trở xuống. Ngày mùng 3 Tết, nhà vua lại thân đến Thái miếu làm lễ, sai các Hoàng tử, Hoàng thân đến tế tại Triệu tổ miếu và miếu Hoàng khảo. Ngoài ra, ngày đó vua ban yến cho biền binh, lính thợ trấn giữ ở các đồn lũy.

Dưới triều hoàng đế Gia Long, khi đất nước vừa thống nhất, đang trong tình hình bình ổn sau chiến tranh, do vậy việc thưởng tết cho trăm quan không được nhắc đến nhiều. Một lần, vào năm 1808, hoàng đế Gia Long ban thưởng cho triều đình, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ chép: “Năm 1808, ngày Tết Nguyên đán thưởng cho thân công cùng các hoàng tử 20 lạng bạc, các quan văn võ chánh thất phẩm 10 lạng bạc, tòng nhất phẩm 9 lạng bạc, chánh nhị phẩm 6 lạng, tòng nhị phẩm 5 lạng”.

Dưới triều Minh Mệnh, một văn bản cuả Bộ Hộ vào năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) có nội dung ghi cụ thể việc ban thưởng cho quan lại nhân Tết Nguyên đán:

Tết Nguyên đán sắp tới, trẫm sẽ ăn Tết cùng các khanh. Ngày hôm đó, truyền ban yến tiệc một bữa và tùy theo thứ bậc mà ban thưởng bạc. Hoàng tử và chư công, mỗi người thưởng 20 lạng; quan văn, quan võ hàm chánh nhất phẩm, mỗi người 12 lạng; tòng nhất phẩm 10 lạng; tòng tam phẩm 4 lạng; chánh tứ phẩm 3 lạng;…Thị nội, đội trưởng, suất đội, cai đội,… đều được thưởng mỗi người 1 lạng và đều cho dự tiệc.[3]

Nhà vua cũng ban thưởng rộng khắp chúng dân. Trong các khoản vâng theo chiếu báu để ban ơn cho quân dân vào Tết Nguyên đán năm Minh Mệnh thứ 8 (1827), có một khoản rằng: người 80 tuổi trở lên cấp cho 1 súc vải, 1 phương gạo; người 90 tuổi trở lên cấp cho 1 súc lụa, 2 phương gạo; người 100 tuổi trở lên cấp cho 2 súc lụa, 1 súc vải, 3 phương gạo. Văn bản còn nêu rõ: Chúng thần đã dán treo công bố rộng khắp để toàn hạt được biết… Lại sức cho các quan phủ huyện đến trấn làm đơn lãnh lương gạo về lị sở, theo hạng phân cấp để tiện cho dân. Nghiêm sức không được mượn việc mà xâm lạm,lừa dối, để trừ thói xấu.[4]

Ngoài ra, còn có các văn bản đề cập việc ban thưởng cho biền binh theo lệ nhân dịp Tết Nguyên đán. Bản Tấu của Bộ Hộ năm Tự Đức thứ 32(1879) chép:  Phụng xét tại Kinh, số các viên biền binh lính thợ hiện trấn giữ các đồn lũy Thuận An, Tư Hiền, Hòa Quân, Lộ Châu, Triều Sơn, Thủy Tú, Phổ Lợi, Quy Lai và Thuận Hòa, hàng năm vào tiết Nguyên đán được chuẩn ban yến tiệc và theo lệ, tiền chiết cấp có mức độ khác nhau. Tết Nguyên đán năm tới, các viên biền binh đóng ở các đồn trên, trừ những người nào đã dự yến ra, những người còn lại ở các tấn, xin theo lệ trước, vẫn lấy ngày mùng 1, mùng 3 tháng Giêng, sẽ do bộ thần và Thừa Thiên phủ thần - mỗi bên phái một thuộc viên, ngày đó đến hội đồng cùng viên tham biện, căn cứ theo số người hiện có mặt, chia hạng cấp phát.[5]

Cũng có năm, nhà vua cho dừng việc chúc tết và ban yến vì những lý do “đặc biệt”:

Vì biên thùy chưa yên:

Năm Tự Đức thứ 15 (1862), Bộ Hộ và Bộ Lễ dâng bản Tấu về việc: Tết Nguyên đán sắp tới, xin dừng việc ban yến tiệc vì biên thùy chưa yên, tướng sĩ ở ngoài phải gian lao mà đình thần được ban yến thì trong lòng thực không yên, khoản yến tiệc xin tạm dừng một lần. Hoàng đế Tự Đức phê lên bản Tấu: Nếu dừng việc ban yến thì việc chúc mừng cũng nên đình chỉ.[6]

Vì có nhật thực và đang có dịch bệnh:

Văn bản của Nội các năm Tự Đức thứ 2 về việc dừng tổ chức chúc Tết và ban yến: Sáng ngày mùng 1 Tết năm tới có nhật thực. Nay lại đang có dịch bệnh lưu hành. Vì vậy, thiết triều chúc tết và ban yến ngày mùng 1 Tết năm mới đều truyền cho đình chỉ.[7]

Như vậy, nghi lễ đón Tết ở cung đình diễn ra long trọng, tưởng như khác xa với Tết cổ truyền trong dân gian - nhưng thấp thoáng đâu đó, trong từng nghi tiết, trong tâm thức đề cao chữ Hiếu và trong sự tạm ngưng công việc để thưởng thức tiết xuân ấm áp,… chúng ta thấy có những điểm gần gũi với Tết trong dân gian, hòa trong nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. 

* Thông tin bài viết được trích từ Triển lãm “Cung đình đón Tết” khai mạc vào ngày  28/1/2021 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

[1] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Minh Mệnh, tập 6, tờ 263.

[2] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức, tập 33, tờ 215.

[3] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Minh Mệnh, tập 20 tờ 199.

[4] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Minh Mệnh, tập 21, tờ 167.

[5] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức, tập 330, tờ 345.

[6] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức, tập 149, tờ 241.

[7] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức, tập 11, tờ 385.

Hồng Nhung
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>