20 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự
Ngoài lễ khai mạc và bế mạc được dàn dựng công phu, mang đậm bản sắc, Festival Huế 2018 chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế 1 điểm đến 5 di sản” kéo dài từ ngày 27-4 đến ngày 2-5 còn hàng loạt chương trình nghệ thuật của 36 đoàn nghệ thuật đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới biểu diễn liên tục.
Ông Huỳnh Tiến Đạt, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Festival Huế cho biết, Festival Huế năm nay có nhiều hoạt động văn hóa gắn với cộng đồng, trong đó người dân đóng vai trò chủ thể của lễ hội.
Lễ hội đường phố diễn ra vào các buổi chiều trong thời gian tổ chức Festival Huế 2018
Ông Đạt cho biết: “Ban tổ chức sẽ cố gắng tăng tần suất đưa đoàn nghệ thuật về biểu diễn miễn phí tại các huyện, thị xã với chất lượng nghệ thuật cao nhất có thể. Cùng với đó, lễ hội đường phố sẽ có nhiều khác biệt so với kỳ Festival Huế 2016: thời gian kéo dài hơn, quy mô hơn và hứa hẹn chất lượng hơn. Sau khai mạc một ngày, lễ hội đường phố diễn ra vào tất cả các buổi chiều cho đến trước ngày bế mạc, thay vì diễn một ngày nghỉ một ngày như trước đây. Số buổi diễn tăng gấp đôi so với kỳ festival trước nên lộ trình biểu diễn cũng phong phú hơn; được mở rộng ra các tuyến phố xa hơn, thay vì chỉ tập trung vào hai trục đường chính Lê Lợi và Trần Hưng Đạo như các kỳ festival lần trước".
Theo ông Đạt, điểm nhấn tạo bất ngờ với công chúng tại kỳ festval năm nay là mở rộng đối tượng tham gia biểu diễn để mở rộng đối tượng thưởng thức. Các năm về trước, chủ đề của lễ hội luôn gắn với di sản, những nét truyền thống của các quốc gia. Năm nay, chủ đề của lễ hội là “Sắc màu văn hóa”, ngoài các đoàn truyền thống có thêm các đoàn nghệ thuật đương đại tham gia biểu diễn, hứa hẹn sôi động, nhiều phong cách, đáp ứng nhu cầu thưởng thức hơn, nhất là giới trẻ.
Hơn 20 đoàn nghệ thuật quốc tế cùng biểu diễn tại Festival Huế 2018
Gấp rút chuẩn bị Festival Huế 2018, thị xã Hương Thủy đang tích cực chuẩn bị cho “Chợ quê ngày hội”. Tất cả các khâu, từ đẩy mạnh xã hội hóa, quảng bá tuyên truyền đến chăm chút từng phần việc, từng hoạt động để Thủy Thanh thực sự là một điểm đến cho những ai muốn khám phá, trải nghiệm chợ quê ngày hội.
Ông Nguyễn Phương Toàn, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Hương Thủy cho biết, cùng với "Hương xưa làng cổ" (huyện Phong Điền) và "Sóng nước Tam Giang" (huyện Quảng Điền), “Chợ quê ngày hội” tiếp tục là bức tranh đồng quê đầy sắc màu giới thiệu về đời sống văn hóa nông thôn truyền thống sinh động tại Festival Huế 2018.
Trên cơ sở những hoạt động vui chơi như những năm trước, “Chợ quê ngày hội” năm nay tiếp tục được mở rộng với không gian trưng bày cây cảnh, mở các phiên chợ đêm, lễ hội áo dài và nâng cấp hội bài chòi để xứng đáng với tầm Di sản văn hóa phi vật thể thế giới.
Chợ quê ngày hội diễn ra bên cạnh di tích cầu ngói Thanh Toàn
“Toàn bộ ánh sáng, hình ảnh thay đổi so với những năm trước. Đặc biệt, thay vì cầu ngói Thanh Toàn chỉ là một công trình độc lập trong không gian chung, năm nay công trình này sẽ trở thành nền sau cho sân khấu chính suốt kỳ lễ hội. Mặt khác, với sự ưu tiên hỗ trợ của Trung tâm Festival Huế, “Chợ quê ngày hội” sẽ có thêm chương trình lễ hội áo dài và được chọn lựa chương trình nghệ thuật của các đoàn quốc tế để phù hợp hơn với không gian và đời sống của người dân Thủy Thanh”, ông Toàn giới thiệu.
Quảng bá 5 di sản thế giới
Là chương trình “đinh” tại Festival Huế 2018, Văn hiến Kinh kỳ là một show diễn nghệ thuật tổng hợp do Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế dàn dựng và thực hiện nhằm kết hợp giữa nhiều yếu tố: hát múa, diễn xướng, hoạt cảnh, ngâm thơ, âm nhạc, hiệu ứng âm thanh, kỹ xảo màn hình led, hiệu ứng ánh sáng, khói màu, pháo hoa kỹ thuật cũng nhiều yếu tố cộng hưởng trong nghệ thuật sân khấu khác…
Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Huế, tác giả kịch bản chương trình cho biết, Văn hiến Kinh kỳ là một câu chuyện lịch sử hào hùng về đất nước Việt Nam trong thế kỷ XIX. Văn hiến Kinh kỳ kể chủ yếu bằng ngôn ngữ nghệ thuật cung đình và nghệ thuật truyền thống Huế để làm nổi bật các chủ đề: Công cuộc xây dựng Kinh đô, thực thi chủ quyền đất nước, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và cuộc sống thanh bình với những giá trị được sáng tạo nên của một đất nước văn hiến, độc lập trong diễn trình lịch sử của dân tộc.
Văn hiến Kinh kỳ được “kể” còn trên cơ sở xâu chuỗi các sự kiện lịch sử để làm nổi bật 5 di sản văn hóa được thế giới công nhận là Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình, Mộc bản, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.
Ngoài diễn viên nòng cốt của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, chương trình phải huy động thêm diễn viên từ Đoàn Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị và nhiều lực lượng diễn viên phụ khác… với số lượng 400 người.
Đại nội Huế - tâm điểm tổ chức các lễ hội "đinh" tại Festival Huế 2018
Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trưởng ban tổ chức Festival Huế 2018 cho biết, ý tưởng của ban tổ chức rất rõ, chương trình được tổ chức biểu diễn tại Festival Huế, sau đó sẽ được tiếp tục tổ chức, phục vụ du khách thường xuyên.
"Cụ thể nhất là chương trình Văn hiến kinh kỳ sẽ trở thành sản phẩm phục vụ du khách tham quan Đại Nội về đêm hay chương trình Áo dài sẽ được duy trì để trở thành chương trình phục vụ khách hàng đêm thời gian đến", ông Nguyễn Dung thông tin.
Chương trình “Áo dài” sẽ duy trì để trở thành sản phẩm du lịch phục vụ khách hàng đêm thời gian sau khi trình làng
tại Festival Huế 2018
Các chương trình chính tại Festival Huế 2018
- Lễ Khai mạc: 20 giờ ngày 27-4 tại Quảng trường Ngọ Môn.
- Lễ Tế giao: 3 giờ ngày 27-4 tại Đàn Nam Giao.
- Chương trình nghệ thuật "Văn hiến Kinh kỳ": 19 giờ các ngày 28 và 30-4 tại Đại Nội Huế.
- Yến tiệc Hoàng cung: 19 giờ 30 các ngày từ 27-4 đến 2-5 tại Duyệt Thị Đường - Đại Nội Huế.
- Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa”: 15 giờ 30 các ngày từ 28-4 đến 1-5.
- Chương trình nghệ thuật "Tỏa sáng niềm tin”: 19 giờ 30 ngày 1-5 tại Công viên Cầu Dã viên.
- Chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn: 20 giờ ngày 28-4 tại Phu Văn Lâu.
- Chương trình nghệ thuật “Âm vọng sông Hương”: 20 giờ 05 ngày 29-4 tại Ngã ba sông Gia Hội - Công viên Trịnh Công Sơn.
- Chương trình Những tình khúc Huế, Lễ Bế mạc: 20 giờ ngày 2-5 tại Quảng trường Ngọ Môn.