Bảo tàng Gốm cổ sông Hương tiền thân là không gian trưng bày gốm cổ sông Hương do GS.TS Thái Kim Lan và anh trai là cố họa sĩ Thái Nguyên Bá dày công gần 40 năm sưu tầm, cất giữ và có cả những cổ vật của cố nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan.
Đây là bảo tàng duy nhất trên cả nước trưng bày gốm được tìm thấy từ các dòng sông trong không gian địa lý hẹp (tỉnh Thừa Thiên Huế). Với diện tích khoảng 700m2, hiện nay, Bảo tàng có gần 5.000 hiện vật, trong đó phần lớn là gốm cổ được vớt từ dưới lòng sông Hương có nhiều niên đại, từ gốm Chàm, gốm Sa Huỳnh, Tiền sử, Sơ sử, Lê sơ... và cả những hiện vật gốm từng được sản xuất tại làng cổ Phước Tích, Mỹ Xuyên.
Không gian chính của Bảo tàng là nơi trưng bày 108 hiện vật gốm tiêu biểu thời tiền Sa Huỳnh – Sa Huỳnh (cách nay 2.500 năm – 3.000 năm), thời Champa (thiên niên kỷ 1 đầu Công nguyên), thời Lý - Trần đến thời Nguyễn (thế kỷ 19 – 20) với chủ đề Sông Hương – nơi gặp gỡ các nền văn hóa.
Trưng bày nhiều nhất tại Bảo tàng là các vật dụng dùng trong đời sống hằng ngày như lu, hũ, bình, chén, bát bồng, bình vôi làm bằng các chất liệu khác nhau như đất nung, sành, gốm men... Niên đại của các hiện vật trong bảo tàng kéo dài từ thế kỷ 5 trước Công nguyên đến thế kỷ 20, trong đó các hiện vật gốm, sành thời Lê Trung hưng (thế kỷ 17 – 18) chiếm số lượng nhiều nhất, là sản phẩm của các làng nghề gốm cổ truyền Phước Tích và Mỹ Xuyên.
Đây đều là những hiện vật từng gắn bó mật thiết và phản ánh cụ thể về đời sống sinh hoạt của cư dân qua các thời kỳ lịch sử; phản ánh quá trình giao lưu trao đổi giữa các vùng miền của Việt Nam và cả quá trình giao lưu quốc tế của cư dân Huế với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.