Thay đổi nhận thức - tác động tích cực đến môi trường
Hơn 1 tháng ra mắt “Điểm du lịch giảm nhựa Cầu ngói Thanh Toàn – mô hình du lịch cộng đồng thân thiện với môi trường”, đến nay, điểm du lịch này có nhiều nét thay đổi tích cực khi xuất hiện nhiều trang thiết bị giảm nhựa như máy lọc nước, bình nước thủy tinh, ly thủy tinh; hệ thống thùng rác phân loại, bảng nhận diện và truyền thông nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, hướng dẫn du khách thải rác đúng nơi quy định… Mô hình do sở Du lịch thành phố Huế phối hợp cùng Ban quản lý Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam”.

Ra mắt điểm du lịch giảm nhựa Cầu ngói Thanh Toàn
Cũng nằm trong dự án “Huế - đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam”, thời gian qua, mốt số trường học trên địa bàn đã tổ chức nhiều tiết học lồng ghép dạy phân loại rác tại nguồn (PLRTN) và giảm nhựa. Học sinh được chỉ dẫn cách tái chế và sử dụng lại các loại rác thải nhựa, thực hành phân loại rác; chuyển tải các câu chuyện về bảo vệ môi trường và được chính các em tái diễn lại ngay trên lớp học.
Được triển khai từ năm 2021, đến nay, Dự án đã phối hợp với Sở Giáo dục tích hợp chủ đề rác thải nhựa vào 31 trường tiểu học và 20 trường THCS, tiếp cận hơn 38.000 học sinh. Các trường góp phần giảm hơn 800 kg nhựa dùng một lần, thu gom 529 kg rác có thể tái chế và 375 kg rác nhựa. 581 bài học sử dụng tài liệu của dự án, nhận được phản hồi tích cực từ giáo viên và học sinh.

Triển khai các mô hình phân loại rác tại các trường học
Đối với những tác động đến môi trường, dự án đã góp phần giảm lượng rác thải nhựa rò rỉ vào môi trường tự nhiên; Gần 570 tấn rác thải nhựa đã được thu gom và xử lý đúng cách.
Với mong muốn chuyển đổi số trong công tác quản lý chất thải rắn, "Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam" đã hỗ trợ phát triển và ứng dụng nền tảng công nghệ Hue-S trong giám sát hành vi xả rác và phân loại rác với Hệ thống giám sát thông minh và dữ liệu quản lý chất thải. Trong nỗ lực hiện đại hóa công tác quản lý chất thải, Dự án đã phối hợp với Trung tâm Giám sát và Điều hành đô thị thông minh (Hue IOC) triển khai một chuỗi giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác giám sát và xử lý hành vi vi phạm liên quan đến rác thải.
Một trong những bước đột phá là phát triển phần mềm AI phân tích hình ảnh từ camera giám sát để tự động nhận diện các hành vi xả rác không đúng nơi quy định. Thông tin vi phạm sau đó được tích hợp vào hệ thống “Phản ánh hiện trường” trên ứng dụng Hue-S – nền tảng đô thị thông minh của Thành phố Huế. Hệ thống Hue-S cho phép kết nối các camera giám sát, thùng rác thông minh và cơ sở dữ liệu tập trung, giúp quản lý rác thải theo thời gian thực. Nhờ vậy, các hành vi xả rác bừa bãi có thể được phát hiện và xử lý kịp thời, đồng thời dữ liệu phân loại và khối lượng rác cũng được thống kê chính xác để phục vụ cho công tác lập kế hoạch.
Nhân rộng mô hình
Sau khi đánh giá hiệu quả Dự án “Huế - đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” từ năm 2021 – 2024, đầu năm 2025, Chủ tịch UBND thành phố đã có Quyết định số 1207/QĐ-UBND phê duyệt tiếp nhận viện trợ không hoàn lại thuộc hỗ trợ phát triển chính thức Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam năm 2025” do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tài trợ với tổng vốn dự án hơn 22 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, Dự dán đã hoàn thiện các hoạt động hỗ trợ mô hình "trường học không rác thải" tại 31 trường bao gồm 45 ngôi nhà xanh để học sinh thực hành phân loại rác. Hỗ trợ các xã/phường triển khai hoạt động xóa điểm nóng, tập huấn PAOT cho cộng đồng địa phương và nâng cao năng lực cho cán bộ về WSAS và giảm nhựa, tập huấn xử lý hữu cơ để sản xuất IMO và compost,... áp dụng các tiêu chuẩn hiệu suất nhằm cải thiện quản lý rác thải rắn.

Ra quân làm sạch rác thải nhựa tại điểm du lịch sinh thái Đầm Chuồn
Hiện dự án đã triển khai cung cấp 204 bộ thùng lưu chứa rác sau sinh hoạt cho các địa phương để thu gom rác tái chế và rác nguy hại, cùng 11.100 túi các loại cho các hộ gia đình thực hiện PLRTN; Phát triển phần mềm ứng dụng để quản lý và giám sát lộ trình thu gom, vận chuyển rác và khối lượng rác toàn thành phố.
Bà Hoàng Ngọc Tường Vân, Giám đốc Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” cho biết, hiện Dự án đang tập trung triển khai Mô hình “Du lịch giảm nhựa”, “Trường học giảm nhựa”; Mở rộng ứng dụng Hue-S và phát triển hệ thống CSDL trong quản lý CTR thông minh; Hình thành các mô hình Trạm nhà chờ và tiếp nước cho các điểm du lịch giảm nhựa. Bên cạnh đó tiếp tục nhân rộng chương trình và các Chiến dịch giảm nhựa trong kinh doanh: Thúc đẩy các chuỗi bán lẻ và doanh nghiệp tham gia vào các chiến dịch “Không túi nilon,” khuyến khích khách hàng mang túi cá nhân và hỗ trợ khách hàng trong việc lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường; Mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn và hỗ trợ doanh nghiệp xanh…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Quý Phương nhận định, thời gian qua, thành phố Huế đã tổ chức nhiều hoạt động để bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa, nổi bật là phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”. Dù đã có nhiều nỗ lực, song công tác thu gom rác thải nhựa vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc. Do đó, Dự án "Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam" đã và đang tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về tác hại của rác thải nhựa. Hiện thành phố đang yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể, các địa phương, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp có những hành động thiết thực để giải quyết vấn đề về ô nhiễm chất thải nhựa, cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững. Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thúc đẩy hành động hướng tới lối sống xanh, tiêu dùng bền vững, góp phần kiểm soát ô nhiễm nhựa, bảo vệ môi trường, thực hiện các cam kết khí hậu và mục tiêu phát triển bền vững.