menu_open
Nâng cấp dịch vụ để thu hút “khách nhà giàu”
Xem cỡ chữ:
Vịnh Lăng Cô, bức tranh thiên nhiên hữu tình. Ảnh: Nguyễn Phong 
Khách hạng sang, giới siêu giàu gần đây khá quan tâm du lịch Việt Nam và Thừa Thiên Huế là một trong những điểm đến được họ quan tâm tới. Ngoài cảnh đẹp, muốn thu hút dòng khách này, chất lượng dịch vụ là yêu cầu hàng đầu.
Vịnh Lăng Cô, bức tranh thiên nhiên hữu tình. Ảnh: Nguyễn Phong 

Cơ hội

Cuối tháng 8 vừa qua, một tin rất vui cho du lịch Huế là cặp cô dâu, chú rể Ấn Độ đã thuê gần hết hai resort 5 sao liền kề thuộc top đẳng cấp nhất ở Lăng Cô (huyện Phú Lộc) để mời và đưa bạn bè, người thân đến dự tiệc cưới trong 4 ngày (từ ngày 26 - 30/8).

Đại diện một khu nghỉ dưỡng tại đây cho biết, mọi thông tin của khách đều yêu cầu giữ kín đến khi họ rời đi. Khách mời của họ được đưa đón trên chuyến charter bay thẳng từ Ấn Độ đến sân bay Đà Nẵng, sau đó, họ cùng có mặt ở Lăng Cô. Cô dâu và chú rể chọn hai resort làm nơi tổ chức lễ cưới từ 3 tháng trước vì hội đủ các điều kiện đảm bảo tính riêng tư, đường bay thuận tiện. Họ đã bay sang Việt Nam 3 lần để kiểm tra địa điểm, đánh giá chất lượng dịch vụ, sau đó mới đưa ra quyết định. Trong hành trình đến Huế tổ chức tiệc cưới, họ mang theo 30 nhân viên và đầu bếp. Thực đơn đám cưới gồm các món truyền thống của Ấn Độ và Việt Nam. Đám cưới có đến 600 nhân viên tại Việt Nam tham gia hỗ trợ.

Việc lựa chọn hai resort 5 sao thuộc top đẳng cấp nhất ở Lăng Cô để tổ chức tiệc cưới của cô dâu, chú rể Ấn Độ cho thấy sức hút của điểm đến trước những yêu cầu khắt khe của “khách nhà giàu”. Thời gian qua, các dòng khách hạng sang, giới siêu giàu đang khá quan tâm đến du lịch Việt Nam. Hồi đầu năm 2024, thông tin tỷ phú Ấn Độ bao trọn khu nghỉ dưỡng sang trọng, mời hàng trăm khách, mỗi bữa ăn hơn 100 món, mỗi ngày trang trí theo một chủ đề… đã truyền đi khắp thế giới. Tiệc cưới xa hoa kéo dài suốt mấy ngày đêm bên bờ biển Đà Nẵng trở thành cơ hội để khẳng định du lịch Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các sự kiện cao cấp, dịch vụ sang trọng, đẳng cấp của giới siêu giàu.


Siêu tàu du lịch quốc tế cập cảng Chân Mây

Mới đây, tỷ phú Ấn Độ Dilip Shanghvi vừa đưa 4.500 nhân viên của tập đoàn dược phẩm Sun Pharmaceuticals Industries Limited tới Việt Nam du lịch trở thành một sự kiện nổi bật. Tại Phú Quốc, UBND thành phố này cho biết, đầu năm 2024 đến nay, Phú Quốc liên tiếp đón các tàu du lịch biển 5 sao của Ý, siêu du thuyền của nước Pháp đưa hàng ngàn khách ngoại quốc thuộc hạng sang đến tham quan, tìm hiểu về nét đẹp văn hóa đời sống của người dân. Các khu resort cao cấp tại Phú Quốc thời gian qua cũng có nhiều cặp đôi tỷ phú Ấn Độ đến tổ chức đám cưới, nghỉ dưỡng.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ, những năm trước, cũng đã từng có các đoàn khách hạng sang khoảng 200 - 300 khách chọn Huế để tổ chức các sự kiện quan trọng. Đó là những đoàn khách Âu - Mỹ, Ấn Độ, có cả khách Việt kiều giàu có. Họ lựa chọn dịch vụ đẳng cấp và không ngại chi tiền. Đây là cơ hội lớn cho những doanh nghiệp làm du lịch.

Nâng cấp và hoàn thiện dịch vụ

Với “khách nhà giàu”, vấn đề tiền bạc không quá quan trọng, nhưng yêu cầu tiêu chuẩn dịch vụ của họ rất khắt khe. Ngoài yêu cầu cảnh quan, chất lượng dịch vụ đẳng cấp, an ninh, an toàn, tính chuyên nghiệp, kinh nghiệm phục vụ thì còn rất nhiều yêu cầu khác phải đảm bảo như sự yên tĩnh, tính riêng tư, bảo mật thông tin, thực phẩm đạt chuẩn tuyệt đối…

Thực tế, Việt Nam đang đón nhận làn sóng du lịch mạnh mẽ từ Ấn Độ. Bên cạnh đó, khách du lịch người Hồi giáo cũng quan tâm đến Việt Nam nhiều. Đây là những thị trường du lịch tiềm năng, với nhiều khách thuộc giới siêu giàu, chi tiêu lớn khi đi du lịch. Song, đối với Huế, chưa có nhiều cơ hội thường xuyên để đón tiếp họ. Đối với khách Ấn Độ, phải từ sau giai đoạn dịch COVID-19 mới thấy các đoàn khách bắt đầu tìm đến Huế. Còn với khách ở các nước Hồi giáo, số lượng khách đến Huế vẫn còn khá khiêm tốn.

Lý giải cho điều này, các doanh nghiệp du lịch ở Huế nhìn nhận, dịch vụ du lịch và lưu trú cũng như các dịch vụ liên quan ở tầm cao tại Huế chưa nhiều, quỹ phòng dành cho các đoàn khách lớn không có. Mặt khác, chưa có các đường bay thẳng đến Huế. Bà Dương Thị Công Lý, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh chia sẻ, với khách Hồi giáo, có những yêu cầu rất riêng. Chẳng hạn như việc khách Hồi giáo chỉ dùng thực phẩm Halal, các cơ sở phục vụ phải có phòng cầu nguyện... Tuy nhiên, nhiều điều kiện của các dòng khách này thì du lịch Huế vẫn chưa đáp ứng được.

Để thu hút “khách nhà giàu”, cần nghiên cứu và có chiến lược hợp lý với sự chuẩn bị thị trường và điều kiện phục vụ một cách bài bản, từ hạ tầng dịch vụ, khu lưu trú và nâng cấp dịch vụ để để đón các đoàn khách du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, sự kiện), các đám cưới, các chuyến nghỉ dưỡng của giới siêu giàu. Bên cạnh đó, phải đào tạo được đội ngũ cực kỳ chuyên nghiệp.

Giám đốc Sở Du lịch khẳng định, với khách VIP thì mọi dịch vụ phải đẳng cấp. Bên cạnh việc các khách sạn, khu nghỉ dưỡng đang dần hoàn thiện, nâng cấp dịch vụ, đặt ra chiến lược, định hướng về dòng khách hạng sang này thì các đơn vị cũng có những chính sách riêng để thu hút khách. Ngành du lịch cũng đang tiếp tục kêu gọi đầu tư về hạ tầng, dịch vụ để tiếp cận và thu hút khách, đồng thời có chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp du lịch đưa các dòng khách hạng sang đến Huế. Ngoài ra, chính quyền địa phương và ngành du lịch cũng kết nối, làm việc với các hãng tàu biển lớn để thông tin và kết nối, đưa khách hạng sang đến với Huế nhiều hơn.

Hữu Phúc