menu_open

Chiến khu Dương Hòa - Chiến khu bất khả xâm phạm ở Thừa Thiên Huế

Danh mục Di tích khác

Chi tiết sản phẩm

Danh mục:
Di tích khác
Doanh nghiệp:
Văn hóa - Nghệ thuật
Chứng nhận chất lượng sản phẩm:

Mô tả sản phẩm

CHIẾN KHU DƯƠNG HÒA

Chiến khu bất khả xâm phạm ở Thừa Thiên Huế

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng ta hết sức coi trọng việc xây dựng căn cứ địa kháng chiến, đây được xem là phương thức, biện pháp để thực hiện thành công đường lối kháng chiến trường kỳ nhất định thắng lợi của Đảng, quân và dân ta. Căn cứ địa còn là nơi để quân và dân ta dựa vào đó xây dựng cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện phát triển lực lượng, tạo thành những thế trận vững chắc về chính trị, quân sự, ngoại giao... đồng thời là hậu cứ xuất phát, tiến công tiêu diệt kẻ thù.

Chiến khu Dương Hòa là một trong những minh chứng tiêu biểu về căn cứ địa kháng chiến ở Thừa Thiên Huế, là nơi đóng các cơ quan đầu não của Thừa Thiên Huế và là mặt trận phía Nam của chiến trường Bình Trị Thiên trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Ngày 07/3/2016, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 397/QĐ-UBND về việc xếp hạng địa điểm Chiến khu Dương Hòa (xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy) là di tích lịch sử (lưu niệm sự kiện) cấp Tỉnh.

ĐẶC ĐIỂM

Địa thế của vùng đất Dương Hòa thuận lợi cho việc xây dựng hậu cứ để phục vụ chiến đấu lâu dài. Chính vì vậy, sau sự kiện chiến khu Hòa Mỹ (huyện Phong Điền) bị Pháp tấn công, càn quét và đặc biệt đến giữa năm 1948 phong trào cách mạng các huyện phía Nam phát triển mạnh, đòi hỏi sự tăng cường trực tiếp chỉ đạo của Tỉnh ủy nhằm bám sát địa bàn hoạt động.

Tháng 5/1948, Tỉnh ủy và các cơ quan chỉ đạo kháng chiến của tỉnh (Ủy ban hành chính kháng chiến, Tỉnh đội, Công an và các tổ chức đoàn thể kháng chiến khác) chuyển từ chiến khu Hòa Mỹ vào căn cứ Dương Hòa và Dương Hòa trở thành chiến khu cách mạng.

Tại Chiến khu Dương Hòa, qua hai cuộc kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, quân và dân ta đã tổ chức, đánh bại nhiều cuộc hành quân càn quét của thực dân Pháp; đồng thời được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước như Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng... trên đường công tác chỉ đạo kháng chiến đã ghé thăm và làm việc.

Ngoài cơ quan Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến Hành chính đóng ở Lương Miêu, Dương Hòa, còn có căn cứ của các cơ quan phục vụ kháng chiến như: Cơ xưởng, Nhà in, Trường học, Ngân hàng, Kho tàng đóng từ khe Rệ đến chân động Mang Chang; các cơ quan đoàn thể, đơn vị Bộ đội, Công an đóng ở Dương Hòa, Đình Môn, Kim Ngọc để thường xuyên cơ động về đồng bằng; Công ty kinh tài Việt Phú và Ty Lương thực đóng gần thác Hộ để thu mua, tiếp nhận gạo, lúa, hàng hóa từ đồng bằng lên; Huyện ủy Hương Thủy đóng ở xóm Lụ; Huyện ủy Hương Trà đóng ở Đình Môn (1948); khe Dứa là nơi các cơ quan Bệnh viện đóng; từ cây Chò lên khe Dài là kho xưởng và nhà in; Đại đội 114, 115, 116, Tiểu đoàn 319 đóng ở quanh Đình Môn; Trung đoàn 101 và Trung đội 7 đóng ở Lương Miêu (CK2); Thành ủy, Thành đội đóng ở chân động núi Mang Chang; cây Nhãn (Lương Miêu) là nơi đóng trụ sở của Ban Tuyên huấn; đồi Voi – khe Túi là nơi thành lập Đại đội vũ trang 116 Hương Thủy (1961); bến đò Lương Miêu, Tân Ba là nơi tiếp nhận, đưa đón quân ta qua về, từ đồng bằng lên Chiến khu và ngược lại...

Để giải quyết vấn đề lương thực và dự trữ cho Chiến khu, một mạng lưới thu mua lương thực được hình thành. Theo đà phát triển, các mặt hàng lương thực, thực phẩm được vận chuyển từ Chiến khu về Huế và từ Huế lên Chiến khu như: Vũ khí, đạn dược, thuốc men, nhu yếu phẩm, lương thực... và những loại trái cây như: Thanh trà, bưởi, cam, quýt, dâu... cùng các loại mặt hàng lâm thổ sản. Các mặt hàng này được tập kết tại thôn Hạ, gần bến đò Tân Ba và từ đó phân bổ về các vùng lân cận; cùng với việc các chị em tiểu thương đến buôn bán, quán xá cũng bắt đầu mọc lên như: Quầy tạp hóa, quán café giải khát, quán cắt tóc, quán cơm, phở, tiệm ảnh... tạo điều kiện cho việc hình thành ngôi chợ và trở thành trung tâm giao lưu buôn bán giữa đồng bằng với Chiến khu, đồng thời là nơi tiếp tế hàng hóa, cung cấp các mặt hàng lương thực, thực phẩm cho Chiến khu.

CĂN CỨ ĐỊA CÁCH MẠNG

Sau khi Chiến khu Dương Hòa được thành lập, thực dân Pháp nhận định đây là cơ quan đầu não của phong trào kháng chiến ở Thừa Thiên Huế và trở thành cái gai trong mắt của thực dân Pháp, do đó, chúng thường xuyên tổ chức nhiều đợt tấn công lên Chiến khu, từ cấp Đại đội đến cấp Trung đoàn, từ phía ngã ba Bãng Lãng (ngã ba Tuần) lên đến Tân Ba, Đồng Tân (xã Phú Sơn)...

Nhằm bao vây, ngăn chặn việc tiếp tế cho Chiến khu Dương Hòa, thực dân Pháp đã thực hiện nhiều biện pháp như: bắt bớ thanh niên đi lính, càn quét cướp lúa gạo với các trận càn mang tên “Chiến dịch Châu chấu”, “Chiến dịch Cá sấu”. Với tinh thần đoàn kết, gắn bó và chiến đấu ngoan cường, quân và dân Thừa Thiên Huế đã cùng nhau vượt qua khó khăn bởi thiên tai, địch họa cùng những kìm kẹp của kẻ thù. Nhiều cán bộ lãnh đạo của thành phố, huyện Hương Thủy, Phú Vang vẫn kiên cường bám trụ ở Lương Miêu, xây dựng cơ sở bí mật ở Dương Hòa, Đình Môn, để liên lạc về đồng bằng và thành phố. Đây chính là cơ sở để Chiến khu Dương Hòa tiếp tục thể hiện vai trò của mình từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cho đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Chiến khu Dương Hòa bị địch chà đi, xát lại, nhưng Dương Hòa vẫn là căn cứ địa của cách mạng. Căn cứ kháng chiến ở Chiến khu Dương Hòa đã tạo thế và lực mạnh, đảm bảo cho quân và dân Thừa Thiên Huế liên tục tấn công địch, lập nên nhiều chiến công vang dội với những trận đánh của Trung đoàn 101 Trần Cao Vân tại Đồi Vồng, Đốc Bốm... Đặc biệt, ngày 20/6/1952, tại đây đã diễn ra một trận diệt càn làm cho quân Pháp và lính lê dương khiếp đảm. Quân Pháp dùng tàu đồng ngược sông Hương đổ bộ tiến đánh chiến khu đã bị quân dân cách mạng mai phục tiêu diệt gần sạch.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Dương Hòa là vùng an toàn khu của quân và dân Thừa Thiên Huế. Sự an toàn đó được thể hiện khi Tỉnh ủy quyết định chọn Dương Hòa làm nơi tổ chức các kỳ Đại hội đại biểu của Đảng bộ tỉnh trong các năm 1949, 1950, 1951. Cuối tháng 10/1953, Tỉnh ủy tiếp tục chọn Chiến khu Dương Hòa để mở Hội nghị cán bộ Chính trị và phát động phong trào thi đua “giết giặc lập công” góp phần phối hợp với các chiến trường trong cả nước.

Ngoài ra, tại Chiến khu Dương Hòa còn diễn ra nhiều cuộc họp, các lớp tập huấn, bồi dưỡng học tập Nghị quyết của Đảng...

Những chiến công vang dội của Chiến khu Dương Hòa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã khẳng định ưu thế của thế trận chiến tranh nhân dân, đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện. Với vị thế như vậy, Dương Hòa trở thành Chiến khu bất khả xâm phạm.

VỊ TRÍ CỦA CHIẾN KHU DƯƠNG HÒA

Chiến khu Dương Hòa ra đời đánh dấu một giai đoạn quan trọng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược ở Thừa Thiên Huế, là một mốc son trong lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. Với vị trí quan trọng của di tích, ngày nay, khi về với Chiến khu Dương Hòa là hành trình về nguồn của các tổ chức, đoàn thể, trường học để thấm nhuần tinh thần yêu nước và sức sáng tạo trong kháng chiến của thế hệ ông cha đi trước, để tưởng nhớ các anh hùng đã ngã xuống vì độc lập của dân tộc, từ đó giáo dục thêm tình yêu lịch sử qua các thế hệ...

Năm 2017, Xã Dương Hòa, Thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế được công nhận là xã An toàn khu của Trung ương theo Quyết định số 1660/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với 5 tiêu chí:
1. Được cấp ủy đảng từ Khu ủy, Quân khu ủy trở lên chỉ đạo xây dựng An toàn khu cách mạng (nơi có các điều kiện về địa hình, địa thế, chính trị, quân sự, kinh tế - xã hội, dân cư và bảo đảm an toàn cho các hoạt động lãnh đạo cách mạng của Đảng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ)”;
2. Nơi ở (nuôi, giấu, giữ bí mật), làm việc và hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phong trào cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của các đồng chí cán bộ của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội từ cấp Khu và Quân khu trở lên;
3. Nơi có cơ sở và phong trào cách mạng vững mạnh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ;
4. Lực lượng vũ trang của địa phương đã chủ động hoặc phối hợp với lực lượng vũ trang chính quy tổ chức các trận đánh địch để bảo vệ an toàn cho cán bộ, cơ quan, tổ chức của Đảng và Nhà nước đóng trên địa bàn;
5. Nơi đã diễn ra trận đánh thắng lợi quan trọng góp phần tạo ra cục diện chiến trường lợi thế cho cách mạng và kháng chiến tại địa bàn và khu vực lân cận.

Việc công nhận Dương Hòa là xã An Toàn khu không chỉ là vinh dự cho toàn Đảng bộ và nhân dân địa phương; mà còn là sự đánh giá khách quan của lịch sử, sự tôn vinh xứng đáng đối với công lao, đóng góp to lớn của Chiến khu Dương Hòa nói chung, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy nói riêng trong suốt cuộc trường chinh 30 năm kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ.

Liên hệ mua hàng

Chiến khu Dương Hòa ra đời đánh dấu một giai đoạn quan trọng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược ở Thừa Thiên Huế, là một mốc son trong lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà.