Trong chiến tranh, Mỹ đã sử dụng thung lũng A So của huyện A Lưới làm sân bay dã chiến. Đây cũng là nơi chứa, đựng chất độc hoá học, là trạm trung chuyển để không quân Mỹ đi phun rải ở khu vực miền Trung. Trong vòng 10 năm (1961-1971), Thừa Thiên Huế với trọng điểm là sân bay A So là nơi hứng chịu hậu quả nặng nề của hơn 432.812 gallon với khối lượng dioxin ước tính khoảng 11kg, do đó tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và huyện A Lưới nói riêng là một trong những địa bàn chịu hậu quả nặng nề của chất độc dioxin.
Theo kết quả nghiên cứu từ 1994 đến năm 2000 của UB 10-80 HATFIELD Consultans Co LTD Canada ghi lại: “Trong chiến dịch Ranch Hand (1961-1971) Mỹ đã rải xuống khu vực A Lưới lượng bom đạn và chất độc hóa học, hơn 3.000 phi vụ rải với gần 500 gallons chất diệt cỏ, trong đó có trên 50% chất da cam có chứa diôxin. Sân bay A So căn cứ của Mỹ xây dựng năm 1960, được giải phóng năm 1966, Mỹ đã rải chất độc da cam, hủy diệt môi trường sinh thái nặng nề nhất với nồng độ trên 70 gallas/km2”.
Theo kết quả nghiên cứu, sự tồn lưu của dioxin đối với hệ sinh thái ở điểm nóng sân bay A So có hàm lượng dioxin trong đất là 879,85 pg/g. Toàn tỉnh có gần 16.000 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, riêng huyện A Lưới là khoảng 5.000 người. Ngoài ra, các mẫu lấy từ mỡ gan, cá trắm cỏ, máu người dân sinh ra sau chiến tranh đều có nồng độ chất độc cao.