menu_open

Thực trạng, tiềm năng và định hướng bảo tồn, phát triển mai vàng Huế

Danh mục Thương hiệu Mai vàng Huế

Chi tiết sản phẩm

Danh mục:
Thương hiệu Mai vàng Huế
Doanh nghiệp:
Văn hóa - Nghệ thuật
Trọng lượng:
Đơn vị tính:
Chứng nhận chất lượng sản phẩm:

Mô tả sản phẩm

I. GIỚI THIỆU MAI VÀNG VIỆT NAM

Cây mai vàng có tên khoa học là Ochna integerrima (Lour.) Merr., thuộc họ lão mai (Ochnaceae). Cây gỗ nhỡ cao 3-7m, cành nhánh thưa, dài, mảnh. Lá thưa, thường xanh, mọc cách, màu xanh nhạt, mặt lá bóng. Cụm hoa hình thành chùm nhỏ mọc ở nách lá. Hoa có cuống ngắn. Cánh đài 5 - 10, màu xanh bóng, dày, không che kín nụ, cánh tràng 5-10, màu vàng tươi. Đĩa hoa dày, có khía, nhị nhiều. Bầu có 3-10 múi, mỗi múi một noãn. Quả kép có nhiều hạch nhỏ, không cuống, xếp quanh đế hoa.

Cấu tạo của các bộ phận cây mai

Mai vàng Việt Nam có rất nhiều giống/dòng, có từ 5 cánh đến hàng trăm cánh, chia làm nhiều loại. Loại 5 cánh có một số giống mai phổ biến như mai sẻ, mai trâu, mai cánh tròn, mai cánh nhọn…

Mai sẻ là giống có rất nhiều hoa, mỗi hoa có 5 cánh vàng tươi, đường kính hoa ở mức trung bình (khoảng 2cm). Đây là giống mai được nhiều người ưa thích do có ưu điểm là số hoa/cành/cây lớn.

Mai trâu là giống mai vàng 5 cánh, đường kính hoa lớn hơn mai sẻ (khoảng 3,5cm), cánh dày và có màu vàng nghệ tươi. Tuy nhiên, mai trâu có số lượng hoa/cành/cây ít.

Mai cánh tròn có đoá hoa lớn như mai trâu, có màu vàng rực rỡ, hoa có 5 cánh, cánh hoa vừa to vừa tròn, cánh không trơn láng và ngoài rìa cánh lượn sóng.

Khoảng nửa thế kỷ trở lại đây, nhờ vào kết quả lai tạo tự nhiên (do gió, côn trùng…) và nhân tạo của con người (do sự lai tạo, chọn lọc…), nên đã tạo ra rất nhiều loại hoa mới như mai Giảo, mai Huỳnh Tỷ, mai Cửu Long, mai Cúc… Số lượng cánh hoa cũng biến đổi theo từng loại hoa như mai Sa Đéc 9 cánh, mai Mỹ Tho 24 cánh, mai Gò Đen 48 cánh, mai Bến Tre 120 cánh…


Mai Trâu


Mai Sẻ


Mai Giảo 
 


Mai Cánh nhọn

Để làm phong phú về hình dáng, các nghệ nhân trồng hoa, chơi hoa cũng đã tạo ra nhiều kiểu dáng mai vàng khác nhau. Một số kiểu điển hình đó là thế “trực quân tử”, thế “tùng lập”, thế “nhân lễ nghĩa trí tín”, thế “mai nữ”, thế “mẫu tử”, thế “bạt phong hồi đầu”, thế “quần thụ tam sơn”, thế “hạc lập”, thế “nhất trụ kình thiên”, thế “thất hiền”, thế “ngũ phúc”…

Có thể nói cây mai vàng là cây cảnh rất phổ biến từ miền Trung trở vào. Mai vàng được trồng rộng rãi trong vườn nhà, làm cây cảnh, trồng chậu, bonsai. Cây mai được người dân sử dụng nhiều nhất vẫn là vào dịp tết Nguyên Đán cổ truyền hàng năm.

Cây hoa mai là biểu tượng của xuân về, hình ảnh hoa mai vàng khoe sắc, đâm chồi nảy lộc với hàm ý mong một năm mới nhiều tài lộc và thịnh vượng. Vì lẽ đó hoa mai vàng luôn được người Việt ưa chuộng
Bên cạnh việc phục vụ nhu cầu giải trí, thưởng thức…cây mai vàng còn mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho những người sản xuất kinh doanh. Ở Việt Nam vào dịp Tết Nguyên Đán cây hoa mai vàng được bán với giá trung bình 1 đến 3 triệu đồng/cây, có những cây lên đến hàng trăm triệu đồng.

Những năm gần đây, những cây cảnh đẹp, gắn với truyền thống dân tộc trong đó có cây mai vàng còn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, từ đó đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

II.    GIỚI THIỆU MAI VÀNG HUẾ

2.1.    Một số nét chung về mai vàng Huế

Ở Huế, mai vàng hay còn gọi là Hoàng mai Huế - là loại hoa nổi tiếng không chỉ ở xứ Huế mà còn nổi tiếng với người dân Việt Nam – cây được trồng từ lâu đời ở cung đình, phủ đệ, dinh thự, sân đình, cửa chùa, sân nhà người dân... tạo nên vẻ đẹp sang trọng, trở thành một biểu tượng sắc xuân của thiên nhiên và con người Huế, gắn liền với đời sống thường nhật của người dân xứ Huế.

Giống mai vàng 5 cánh được trồng lâu đời ở Huế, với xưng danh “mai vàng Huế” như một mặc định cho loài hoa mai có năm cánh với sắc vàng rực rỡ. Loài hoa mai này chỉ sinh trưởng tốt nhất trên vùng đất cố đô Huế và cũng là đặc sản của vùng sông Hương núi Ngự; Mai vàng Huế với những tính trạng đặc trưng khác biệt với các giống mai khác đó là: “có lộc xanh, cành lộc dày (dăm chi); hoa có cuống ngắn; 5 cánh màu vàng đậm, viền lượn sóng, mặt phẳng, các cánh xếp khít nhau; có hương thơm dịu nhẹ”.


Cây mai Huế, nở hoa dịp Tết

Mai vàng Huế có 5 cánh, dáng thanh thoát, hơi ưỡn mình về phía mặt trời. Từng bông hoa nở chụm lại thành từng chùm một điểm xuyết trên nhành mai phảng phất một làn hương dìu dịu rất riêng. Đó chính là “phong thái” của mai đất Huế mà không phải hoa mai ở nơi nào cũng có được.

2.2. Đặc điểm nông sinh học của mai vàng Huế

* Rễ: Hầu hết mai Huế được gieo từ hạt, cây gieo bằng hạt cho bộ rễ khỏe, có một rễ chính và nhiều rễ con. Rễ mai thuộc loại rễ trụ, cứng giòn, có nhiều rễ phụ. Mai có rễ cái khá dài, cây lâu năm rễ cái có những rễ dài > 1m, rễ mai cũng có thể được dùng để tạo dáng/thế bonsai, làm tăng giá trị của cây mai.

* Thân: Thân mai vàng Huế thuộc loại cây bụi gỗ nhỏ, cao 2-7 m, vỏ cây màu nâu vàng, thân gỗ xù xì, nhiều cành nhánh. Thân mai rất cứng nhưng có độ dẻo nên có thể uốn sữa cành nhánh theo ý muốn, do đó mà mai cũng được chọn dùng làm cây bonsai rất có giá trị vì vừa có dáng/thế vừa có hoa đẹp.

* Lá: Lá mai vàng Huế thuộc loại lá đơn mọc cách, mềm, xanh nhạc bóng, mép có răng cưa nhỏ. Kích thước lá thay đổi theo giống và điều kiện dinh dưỡng. Khi còn non lá mai vàng Huế có màu xanh nõn chuối, khi lá trưởng thường có màu xanh lá cây, (nhiều loại mai khác lộc và lá non có màu nâu đỏ, đây là một trong những tiêu chỉ để phân biệt mai vàng Huế với các loại mai khác). Vào mùa đông lá mai rụng, đến mùa xuân lại đâm chỗi nảy lộc. Nếu để tự nhiên lá mai sẽ rụng vào sát tết Nguyên đán và hoa mai sẽ nở sau tết, do vậy để có hoa nở vào dịp Tết, thì trước đó khoảng 20-30 ngày, người trồng mai phải dùng tay vặt bỏ lá mai.


Bông hoa mai vàng Huế

* Nụ, hoa: Nụ/Hoa mai thường mọc ra từ nách lá, đôi khi có thể mọc từ cành, từ thân, mới đầu là một nụ cái to, gọi là nụ cái, có vỏ lụa bọc bên ngoài gọi là vỏ trấu. Khi vỏ lụa bung ra thì xuất hiện một chùm hoa con, có từ một đến mười nụ, (có thể lên tới 20 nụ), sự phát triển của nụ cái khác chậm, nhưng từ lúc nụ cái bung vỏ lụa, thành chùm hoa, thì chùm hoa này tăng trưởng rất nhanh, khoảng sau 7-10 ngày là hoa nở.

Hoa mai vàng Huế, có cuống ngắn; mỗi hoa có 5 cánh màu vàng đậm (vàng hoàng bào), viền cánh hoa lượn sóng, hoa dạng mặt phẳng, các cánh xếp tương đối khít nhau, không có khe hở giữa các cánh hoa, hoặc có khe hở nhỏ; có hương thơm dịu nhẹ ( đây cũng là những đặc tính để phân biệt với những giống mai khác).

Hoa mai Huế là hoa lưỡng tính, do vậy có thể tự thụ, hoặc giao phấn, trong quá trình giao phấn nhờ côn trùng, gió, các hạt sinh ra sẽ là sự lai tạo của nhiều dòng/giống mai với nhau, do vậy mà khi nhân giống mai từ hạt, nếu không có biện pháp cách ly thì sẽ hạt mai đa phần là hạt lai, từ đó sẽ ra rất nhiểu các con lai, có biến thể khác nhau, điều này giải thích vì sao hiện nay ở Huế ngoài giống mai vàng Huế, mang đặc trưng cho mai Huế, còn có rất nhiều các biến chủng khác nhau, có những đặc tính khác với bố mẹ ban đầu, do vậy muốn bảo tổn được giống mai vàng Huế cổ phải có các biện pháp chọn cây mẹ thuần chủng, rồi cách ly, bao phấn để chúng tự thụ mới ra thế hệ cây con thuần chủng,

* Hạt: Hoa nào thụ phấn thì sẽ tạo quả và kết thành hạt. Mỗi quả mai có 1 hat, khi quả còn non có màu xanh, sau chuyển sang nâu, đỏ. Hạt có nhiều hạch nhỏ, hạt nhỏ màu xanh không cuống xếp quanh đế hoa, hạt khi chín chuyển sang màu đen, hạt dễ nảy mầm, tỷ lệ nảy mầm có thể lên tới 90%

2.3. Ý nghĩa và tiểm năng phát triển mai vàng Huế

Theo nhiều tài liệu, thì mai vàng Huế được trồng và phát triển từ lâu đời, nó trở thành đặc hữu tại vùng đất cố đô với tên gọi “mai vàng xứ Huế” hay “Hoàng mai Huế”. Trước đây, mai vàng Huế phân bố chủ yếu ở vùng núi có cây thưa và đồi cây bụi: đầu nguồn sông Hương, sát biên giới Việt – Lào. Mai vàng thường tập trung thành quần thể gần bờ suối, các vùng rừng như Long Hồ, Ngọc Hồ, Ngũ Tây, Thừa Lưu, Truồi… mai xuất hiện khá nhiều. Tuy nhiên ở đây, do các hoạt động khai thác của con người nên chúng khó phát triển tốt, chỉ còn lại gốc và những cành tái sinh.

Trong những thập kỷ gần đây vào ngày Tết, người Huế chơi mai không chỉ là nhu cầu làm đẹp cho không gian, mà còn là văn hóa tinh thần, thể hiện nét sinh thái nhân văn truyền thống, chính vì vậy mai vàng Huế đã được lãnh đạo và người dân Huế quan tâm, phát triển.

Với quyết tâm khôi phục và phát triển mai vàng Huế, các cấp chính quyền, đoàn thể cùng với sự đồng hành hưởng ứng của người dân, một số vườn mai vàng đã được quy hoạch và được trồng đúng giống mai vàng Huế và bước đầu đã đem lại kết quả tích cực. Hai vườn mai vàng thí điểm trước Đại Nội và công viên trên đường Lê Duẩn trở nên lung linh, sang trọng khi Tết đến xuân về với cảnh hoa vàng rực rỡ, tỏa hương thơm thanh khiết, thu hút người dân và du khách đến thăm quan, thưởng lãm. Phong trào nhà nhà trồng mai, mọi nơi trồng mai đã và đang diễn ra, điều này cũng cho thấy sự đồng lòng nhất trí của tất cả mọi người dân Huế khi lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế phát động và hưởng ứng phong trào “Mai vàng trước ngõ”.

Làng Thế Chí Tây, xã Điền Hòa, huyện Phong Điền nổi tiếng với nghề trồng mai cảnh hàng trăm năm. Kết quả điều tra cho thấy, hơn 40% người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề trồng mai vàng làm cảnh. Cũng vì thế mai vàng đã trở thành đặc sản nổi bật của dân làng và là cây chơi dịp Tết không thể thiếu trong mọi gia đình. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid 19, nhưng trong 2 năm qua, trên địa bàn xã vẫn có khoảng 5.000 cây mai có thể thương mại, gần 15.000 cây mai giống. Trong đợt Tết năm 2022 Nhâm Dần người dân đã bán được khoảng 2.500 cây/chậu mai cảnh với tổng giá trị thu được gần 5,0 tỷ đồng.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện nay có nhiều vùng chuyên sản xuất kinh doanh mai giống, mai cảnh khá nổi tiếng như ở Phường An Đông, An Tây thành phố Huế, một số địa phương ở huyện Quảng Điền, huyện Phú Vang, thị xã Hương Thuỷ, Hương Điền... những vùng này mỗi năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hàng vạn chậu mai đẹp vào dịp tết Nguyên đán, thu về hàng chục tỷ đồng.

Như vậy có thể nói cây mai vàng đã có từ lâu ở Huế và Mai vàng Huế có những nét đặc trưng riêng, đã gắn bó với người dân xứ Huế, mang lại hiệu quả cho người sản xuất kinh doanh, đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, người yêu mai mai không chỉ ở Thừa Thiên Huế mà còn ở cả mọi miền đất nước.

Hiện nay nhu cầu tiêu dùng mai Huế còn rất lớn, không chỉ để chưng trong dịp tết Nguyên Đán mà còn để trồng ở các công viên, công sở, các công trình giao thông, các đường làng ngõ xóm vì vậy nhu cầu về cây mai Huế sẽ ngày càng tăng và càng đòi hỏi chất lượng cao hơn.

III.    ĐỊNH HƯỚNG BẢO TỔN VÀ PHÁT TRIỂN MAI VÀNG HUẾ

Mai vàng Huế mặc dù có những ưu điểm rất nổi trội kể trên, tuy nhiên xu hướng tiêu dùng hiện nay không chỉ một loại mà người tiêu dùng muốn đa dạng hóa nhiều sản phẩm khác nhau và cũng yêu cầu chất lượng cây mai ngày càng cao hơn.

Chính vì vậy, chúng ta cần làm 1 lúc nhiều việc: bên cạnh việc áp dụng các giải pháp bảo tồn giống mai Huế hiện có, cũng cần chọn, tạo thêm những giống mai mới có những đặc tính mới, khắc phục được các tồn tại của giống mai Huế hiện có, một mặt để đa dạng hóa sản phẩm, mặt khác để nâng cao hơn nữa chất lượng cây mai, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

3.1. Một số định hướng trong bảo tồn phát triển mai vàng Huế

1. Lý do của việc bảo tồn

Cây mai Huế có rất nhiều ưu điểm kể trên, nhưng do từ trước đến nay ít được nghiên cứu một các bài bản, việc sản xuất mai Huế chủ yếu là mang tính tự phát, người dân chưa có nhiều thông tin về và vai trò ý nghĩa của nguồn gen mai Huế, nhiều cây mai có giá hàng trăm năm tuổi có nguy cơ bị bán ra ngoài tỉnh, hoặc do chế độ chăm sóc không phù hợp, cây bị chết, từ đó dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn gen, do vậy rất cần được bảo tồn.

2. Mục tiêu của bảo tồn, phát triển mai vàng Huế

Bảo tồn nguồn gen mai Huế có nguy cơ bị mai một, để duy trì và phát triển nguồn gen mai quý, phục vụ việc sản xuất một cách ổn định, lâu dài, bền vững

3. Một số nội dung trong công tác bảo tồn, phát triển

- Điều tra, đánh giá hiện trạng phân bố các giống mai vàng ở Thừa Thiên Huế. Số hóa dữ liệu bản đồ phân bố và nhận dạng mai vàng Huế, làm cơ sở cho các nghiên cứu, định hướng tiếp theo.

- Nghiên cứu đa dạng di truyền và cấu trúc quần thể của mai vàng ở Thừa thiên Huế làm thông tin cơ sở cho việc nhận biết và chọn cây đầu dòng phục vụ công tác bảo tồn và phát triển giống mai vàng Huế.

-    Nghiên cứu đặc điểm hình thái học và sinh thái học và chỉ thị phân tử để nhận biết giống Mai vàng Huế, để từ đó xây dựng bảng hướng dẫn nhận dạng giống mai vàng Huế.

-    Nghiên cứu các các biện pháp bảo tồn mai vàng Huế tại chỗ nhằm tránh thất thoát những cây mai quý, có giá trị cao, đã gắn bó với người dân Huế.

-    Nghiên cứu tuyển chọn các cây mai vàng Huế có các đặc tính điển hình để làm cây đầu dòng, từ đó để nhân giống vô tính, giữ được đặc tính nguyên bản của giống mai Huế từ bao đời nay.

-    Nghiên cứu và áp dụng kỹ thuật kiểm soát sự giao phấn tự do của cây mai, để có được những hạt mai vàng thuần chủng, cây giống mai vàng thuần chủng, từ đó cung cấp cho các nhà vườn sản xuất ra số lượng lớn cây mai vàng Huế thuẩn chủng.

-    Nghiên cứu xây dựng quy trình nhân giống, chăm sóc mai vàng Huế để từ đó giúp người dân Huế có 1 quy trình chuẩn trong nhân giống, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, điều chỉnh cây mai nở đúng dip Tết Nguyên đán.

3.2.    Một số định hướng trong chọn tạo giống mai mới cho Thừa Thiên - Huế

1.    Lý do cần chọn tạo giống mai mới

Giống mai Huế có rất nhiều ưu điểm kể trên, Tuy nhiên còn một số nhược điểm như cánh hoa mỏng, số lượng hoa/cây/cành chưa nhiều, độ bền của hoa chưa cao, mùi thơm của hoa vẫn còn nhẹ nhàng, ở thời tiết khô, trong không gian kín mới tỏa hương. Do vậy một mặt cần bảo tồn, mặt khác cần phải chọn những cá thể đột biến tự nhiên có lợi và chủ động lai tạo ra các tổ hợp/dòng mai mới, từ đó phát triển các cả thể/dòng mới này, để bổ sung làm phong phú các giống mai ở Huế, khắc phục những khiểm khuyết kể trên.

2.    Mục tiêu của chọn tạo giống mai mới cho Thừa Thiên - Huế

Chọn tạo ra một số dòng/ cá thể mai mới mang đặc trưng của mai Huế nhưng sẽ bổ sung khiếm khuyết vào các tồn tại, hiện có, từ đó nâng cao giá trị của mai vàng Huế, dáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng.

3.    Một số nội dung trong công tác chọn tạo giống mai mới

- Điều tra, đánh giá nguồn gen các giống mai vàng ở Thừa Thiên- Huế, làm thông tin cơ sở cho việc nhận biết và chọn cá thể cây ưu tú phục vụ công tác nghiên cứu chọn các dòng/giống mai mới có nhiều ưu điểm vượt trội.

-    Ứng dụng công nghệ tạo giống đột biến để tạo ra những cá thể mai vàng mới, có những điếm khác bố mẹ, từ đó tuyển chọn ra các các cây (cá thể) mai vàng mới, có các đặc tính nổi trội, khắc phục những nhược điểm của giống mai hiện có, để làm nguồn giống gốc, đầu dòng, từ đó nhân giống vô tính, ra hàng loạt các cây có những đặc tính tốt, bổ sung thêm vào nguồn giống mai hiện có, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng

-    Ứng dụng công nghệ lai tạo hữu tính, để cải tiến nguồn gen (bao gồm lai xa, lai thuận nghịch, lai cải tiến) để tạo ra các các cây (cá thể) mai vàng lai mới, có các đặc tính nổi trội, khắc phục những nhược điểm của giống mai hiện có, sau đó nhân giống vô tính ra hàng loạt các cây có những đặc tính tốt đó để bổ sung thêm vào nguồn giống mai hiện có, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Mô phỏng cấu tạo của 1 bông hoa mai vàng

- Ứng dụng công nghệ IoT trong nhân giống, chăm sóc, chuẩn đoán và phòng trừ sâu bệnh, và thương mại cây mai, để có thể theo dõi, đánh giá, chăm sóc, kinh doanh cây mai 1 cách đơn giản, dễ dàng hiệu quả .

Bên cạnh các giải pháp khoa học nêu trên, cũng cần có các giải pháp đồng bộ khác, nếu làm được như vậy, trong tương lai không xa chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng Huế thành xứ sở của mai vàng Việt Nam và của thế giới.

Liên hệ mua hàng

Trong những thập kỷ gần đây vào ngày Tết, người Huế chơi mai không chỉ là nhu cầu làm đẹp cho không gian, mà còn là văn hóa tinh thần, thể hiện nét sinh thái nhân văn truyền thống, chính vì vậy mai vàng Huế đã được lãnh đạo và người dân Huế quan tâm, phát triển.
Mô phỏng cấu tạo của 1 bông hoa mai vàng
Mô phỏng cấu tạo của 1 bông hoa mai vàng
PGS.TS. Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả
Khám phá Huế tổng hợp