menu_open
Tục thờ cọp ở Huế
03/07/2023 10:50:16 SA
Xem cỡ chữ:
Hình tượng con hổ trong tranh dân gian làng Sình - Huế (ảnh minh họa)
Thờ cúng vật linh của người Huế trong một số loài vật thì có con Cọp, vì “Cọp được xem là mạnh nhất trong các loại thú rừng, nên gọi là chúa sơn lâm. Do sức mạnh đó, Đạo Giáo phù thủy đã thuần hóa, dùng hình tượng cọp trong một số lá bùa trấn giữ trong nhà.
Hình tượng con hổ trong tranh dân gian làng Sình - Huế (ảnh minh họa)

Một số am miếu vẽ hình tượng cọp lên bình phong, như là một sức mạnh trấn giữ tà khí. Một số khác vẽ trong hệ thống bên tả Rồng xanh, bên hữu Cọp trắng, với ý nghĩa tăng cường yếu tố địa linh: tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ triều củng, hộ vệ cho công trình. Cọp cũng được xem là một sơn thần, nằm trong hệ thống chư thần của cõi núi rừng, đặc biệt tại các am miếu thờ Mẫu Thượng ngàn”(1).

Ở các làng xã xứ Huế, Cọp được thờ ở mọi nơi như đình làng, am điện, đền miếu, ở các ngã 3, ngã 4, họa tiết ở bình phong. Có chỗ thờ rất trang nghiêm tại am như ở đình làng Sơn Tùng, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền; đình làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, thành phố Huế; có nơi tượng Cọp được đặt trên bệ đá, bệ ximăng như tượng Cọp ở đường Bùi Xuân Phái, phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy; tượng Cọp ở đường Duy Tân, phường An Cựu, thành phố Huế. Có nơi đặt vào vách tường có mái che như am Bà tại cánh đồng Thanh Lam; bình phong nhà thờ họ Trần ở thôn Trung An, làng Tây Hồ, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang; ở bình phong của miếu Ông, làng Nguyệt Biều, phường Thủy Biều, thành phố Huế; ở nhà thờ họ Phan của làng Phú Lương A, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền; ở miếu Bà đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường An Tây, thành phố Huế; ở bức bình phong đình làng Phú Xuân, phường Tây Lộc, thành phố Huế; ở miếu Cô đàn làng Thủ Lễ, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền.

Bên cạnh đó, ở các miếu Ngài khai canh nhiều làng thì lấy đề tài trang trí thường là tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng), hổ phù, hổ tọa, bát bửu như miếu khai canh làng Xuân Hòa, phường Hương Long, thành phố Huế là một ví dụ điển hình. Hoặc đối với các công trình kiến trúc, nghệ thuật của triều Nguyễn, hình tượng Hổ cũng được khắc, vẽ, đắp nề nhằm thể hiện sức mạnh của triều đại. Trên Cửu đỉnh tại Thế Miếu – Đại Nội, Huế hình tượng Hổ được khắc ở Cao đỉnh(2).

Trong quá trình đi điền dã, sưu tầm và nghiên cứu văn hóa dân gian ở làng quê xứ Huế, chúng tôi thấy có nhiều làng thờ miếu Ông. Miếu Ông thường lấy đề tài hổ làm nội dung trang trí chủ đạo, thêm vào đó là gắn liền với truyền thuyết liên quan, như miếu Ông ở làng Nguyệt Biều, phường Thủy Biều, thành phố Huế kể rằng “Ngày xưa, trong một trận giao tranh, có vị tướng thất trận bị chém mất đầu, cưỡi trên mình ngựa hoặc voi chiến, đi ngang qua địa phương, hoặc để lại vết máu, hoặc để lại thủ cấp, hoặc sau khi chuyện trò với dân sở tại về lẽ sống – chết, thắng – bại, rồi gục chết. Về sau linh ứng thành thần nên nhân dân lập miếu thờ”(3). Hoặc miếu Ông có bình phong thờ Cọp ở làng An Nông, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc có gốc tích “Tướng quân đánh giặc Nam, thắng trận trở về bị phục binh chém đứt đầu. ngài nhặt lên lắp vào người chạy tiếp đến La Sơn thì ngã xuống chết. ngựa chạy về làng báo tin cho dân làng biết và dẫn đến nơi Ngài chết. Mọi người đến nơi thấy mối đùn lên vùi mất xác nên mai táng tại chỗ”(4).

Ở làng Phú Lương A, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền có miếu thờ Bà và Hai Cậu, theo tập truyền của dân làng thì đây là miếu thờ một người thiếu nữ đã có công tiêu diệt hai con hổ giúp dân làng an cư lập nghiệp, nên dân làng lập miếu thờ Bà và thờ hai con hổ tại đây gọi tránh là Hai Cậu, bài vị ghi Phan trinh nữ thần võ tướng công. Huyền tích này có liên quan với một ngôi mộ thuyền bị đào xuất lộ khi dân làm thủy lợi tài xứ Bàn Than, làng Phú Lương B, xã Quảng An, huyện Quảng Điền, người được chôn trong mộ thuyền là một cô gái khoảng 18 – 23 tuổi, tay có chiếc nhẫn bị ôxy hóa và trong mộ có 1 đoản kiếm. Sau khi bị đem lên kho bảo tàng Tỉnh một thời gian, Bảo tàng lại đem thi hài cô về làng an táng, chỉ giữ chiếc mộ thuyền(5).

Một trong những thiết chế đặc biệt của văn hóa làng xã xứ Huế đó là miếu Bà, gồm có một quần thể miếu thờ các thần, ban thờ hội đồng, am cô, am cậu, hòn non bộ với hang động bằng đá thờ thần hổ, thần voi với cây xanh, hoa lá. Thần hổ thờ ở miếu Bà thì tùy theo quy mô của miếu mà thần hổ được tạc bởi những kích thước khác nhau, chất liệu thường bằng sành sứ, xi măng, thể hiện phong thái uy nghi, chững chạc, nhe răng, đứng hoặc ngồi hoặc nằm. Ở bàn thờ hổ thường đặt các thứ lễ vật khoai, gừng, rượu trắng.

Ở trong tín ngưỡng thờ Mẫu, có cõi Thượng ngàn có nhắc đến Ngũ hổ mãnh tướng. Cậu hổ hay còn gọi là ông Hạ Ban được các đệ tử Tiên Thiên thánh giáo thờ cúng ở điện Hòn Chén và các am điện thờ khác trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi thờ ông Hạ Ban thường là am động uy nghi, trang nghiêm và có chút hoang sơ của núi rừng.

Hiện nay, ở phía hữu đình làng Sơn Tùng, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, có lăng mộ của ngài khai canh Hộ bộ Thượng thư tên là Hồ Công Bình, cạnh đó làng đã xây một miếu nhỏ khang trang bên trong có đặt tượng con cọp gỗ, lưu niệm về nhiều truyền thuyết cũ “Tương truyền thuở xa xưa, các ngài tổ đã phát hiện một con cọp sa lầy dưới Rào Đình, các ngài đã tìm cách cứu thoát, cảm ơn cứu tử, hàng năm đến kỳ Thu tế cọp đã săn bắt nai hoặc heo rừng từ khuya đã đem đặt trước sân đình. Liên tục nhiều năm như thế. Đến một năm kia, không thấy cọp mang thú về, dân làng bủa ra đi tìm, khi đến bàu Niên ở làng Nam Dương, đã thấy dân nơi đây vây quanh xác một con cọp bên cạnh có xác heo rừng. Hóa ra cọp lại bị sa lầy chết ở bàu Niên.

Để nhớ ơn con cọp có nghĩa, dân làng đã tạc tượng cọp để đặt ngoài cửa miếu ngài Hồ Công Bình”(6). Trước năm 1946, miếu thờ hình một con cọp dáng ngồi trên sàn có lư hương, có cửa bản khoa nhỏ để mở và đóng lại, trước có mành trúc che.

Lại có truyền thuyết kể lại rằng “Con Cọp này của ngài khai canh là Hồ Công Bình, có lúc ngài dùng làm “ngựa”. Lúc ngài qua đời, Cọp về lại rừng và lạ thay cứ mỗi độ xuân kỳ thu tế thường niên thì vào buổi sáng của ngày tế lễ, ngay giữa sân đình làng có xác thú rừng là nai hoặc heo còn tươi máu, dân làng đã lấy số thịt rừng đó để làm cỗ bàn cúng tế. Năm sau, dân làng tổ chức phân công người rình trong đêm trước ngày lễ tế của làng, thì từ trong bóng tối, người ta thấy một con cọp to lớn đem thú rừng về cho làng rồi lại ra đi. Thời gian từ năm này qua năm khác mỗi độ xuân thu nhị kỳ hằng năm thì trường hợp ấy đều đặn xảy ra cho nên có dư luận khiến các làng lân cận và quan trên cũng biết.

Vào mùa thu tế như thường lệ, cọp ân nhân không còn xuất hiện nữa, không mang thịt thú rừng về, dân làng đi tìm. Khi đến Bàu Niên của làng Nam Dương thì thấy dân làng ở đây đang bao quanh xác một con cọp bên xác con heo rừng còn nguyên vẹn. Người làng Sơn Tùng trình bày sự thật và người dân làng Nam Dương cũng hiểu ít nhiều về chuyện từ trước nên người dân làng Nam Dương để người làng Sơn Tùng nhận.

Để nhớ ơn một con cọp có nghĩa và là ân nhân nên làng tạc tượng thờ từ ngày đó bà con dân làng gọi là ông Cọp”.

Hoặc có truyền thuyết “Cọp đi ngang Bàu Niên bị sa lầy nên nhiều con đỉa bu bám, cắn chết. Cho nên, dưới bụng ông Cọp có tạc một hình một con đỉa to bự đang bám”. Lại có thuyết kể là “Cọp bị dân làng Nam Dương đánh chết khi sa lầy ở Bàu Niên nên bị làng Sơn Tùng kiện lên quan trên. Khi biết sự việc, quan trên phán xử làng Nam Dương phải tạc hình tượng con Cọp gỗ để bồi thường cho người dân của làng Sơn Tùng”.

Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, quân Pháp đã chiếm đình làng Sơn Tùng để làm dồn, thì miếu thờ Ông Cọp cũng bị phá sập. Tượng Ông Cọp bị ném xuống sông, dân làng đau lòng, cứ nghĩ tượng Ông Cọp bị vùi lấp dưới đáy sông hoặc trôi ra biển. Thế nhưng, tượng Ông Cọp lại trôi dạt vào ngay trước bến của nhà thờ ngài khai canh Hồ Công Bình, được dân làng đem lên thờ ấm cúng.

Từ trên đống gạch hoang tàn, năm 1972 đình làng Sơn Tùng được xây dựng lại khang trang và tượng Ông Cọp lại đưa về đình làng và đặt nằm ở chân bia mộ của ngài khai canh Hồ Công Bình như thể hiện việc hiếm có xưa nay là thú mến tình người. Đến năm 2001, đình làng lại được trùng tu khang trang, thoáng đãng, cao ráo như hiện nay, miếu thờ Ông Cọp cũng được sửa sang đẹp đẽ, tượng Ông Cọp cũng được khoác lên màu sơn mới mẻ, tượng Ông Cọp được đặt bên trong miếu cùng với đồ đồ khí tự uy nghiêm. Hằng tháng, ngày sóc, ngày vọng, lễ tế xuân thu nhị kỳ, lễ tết đều được hương khói uy nghi như nhắc nhở một tình ân nhân giữa Cọp và người. Đây là một hiện tượng đặc biệt của làng quê xứ Huế mà không thể nơi nào có được những sự li kỳ đầy tính nhân văn này.

Truyền thuyết về Cọp đội ơn những người đã cứu mình, được người dân của làng Sơn Tùng truyền miệng từ đời này sang đời khác và đến tận hôm nay chúng tôi còn nghe được là một niềm cảm kích lớn. Vì người xưa tiên tổ của làng Sơn Tùng muốn có một dụ ngôn cho con cháu mai hậu rằng “Chúa sơn lâm dữ như cọp mà vẫn cảm hóa được, và thú vật còn biết ân biết nghĩa, có tình huống là người…” nên người dân làng Sơn Tùng vẫn xem đó là câu chuyện riêng của quê hương đầy ý nghĩa, đầy thích thú từ bao đời trước đến nay mà có thơ ghi rằng:

“Nghìn xưa rời bỏ chốn sơn lâm,

Bởi vì nghĩa nặng với tình thâm,

Nhớ chiều ngộ nạn Sơn Tùng cứu,

Cho dạ ghi sâu tự đáy lòng,

Truyền thuyết từ xưa có hay không?

Dụ ngôn còn lại Sơn Tùng đó,

Tượng Cọp còn đây đã rõ lòng,

Trải bao nắng hạ với mưa đông,

Bao khói hương lửa bao tai biến,

Tượng vẫn còn đây với nỗi lòng,

Như nhắn cùng ai người hậu thế,

Vẫn một sắc son vẫn một lòng”(7).

Trên góc tường thành phía đông đình làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, thành phố Huế, người dân trong làng đã thiết lập một miếu thờ tượng Cọp trắng chất liệu bằng đá trắng, được gọi là miếu Ông Cọp. Vì người dân ở đây tin tưởng rằng, đây là tướng tinh của võ tướng đời Gia Long là Quận công Nguyễn Đức Xuyên, được dân làng thờ cúng trong miếu đó, là Bạch Hổ đã từng bảo hộ cho dân làng tránh khỏi một số tai họa(8).

Ngài Nguyễn Đức Xuyên (1758 – 1824) thuộc dòng dõi những người có công đầu tiên hình thành nên làng Dương Nỗ là các vị họ Nguyễn, Trần, Đoàn, Võ, Dương, Lê, Huỳnh. Trong đó họ Nguyễn là họ “Tiền khai canh lập thành xã hiệu”, sáu họ còn lại “Hậu khai khẩn lập thành ấp hiệu”(9).

Ông sinh ra trong một gia đình dòng dõi quan lại, có đức tính dũng mãnh, gan dạ và mưu lược, có công phò tá Nguyễn Ánh. Sau khi Nguyễn Ánh thu phục Phú Xuân, thì Nguyễn Đức Xuyên là người góp công sức vào sự nghiệp xây dựng đất nước buổi đầu của triều Nguyễn, là bậc khai quốc công thần dưới triều Nguyễn, tước Khoái Châu quận công.

Riêng đối với làng Dương Nỗ, ngài Nguyễn Đức Xuyên với tư cách là vị tiên chỉ của làng đã góp công sức tài năng kiến thiết cơ ngơi đình làng, hoàn chỉnh nhất là trong đợt trùng tu năm 1808. Quận công Nguyễn Đức Xuyên đã hỗ trợ cho dân làng tái thiết đình bằng gỗ lim, lợp ngói âm dương. Kết cấu nhà rường 5 gian 2 chái và hai nhà trù phía sau.

Đặc biệt là khu vực đình làng và sân đình được lấy âm xuống mặt đất 1m, đảm bảo yêu cầu từ trong đình nhìn ra không thấy mặt nước sông Phổ Lợi (thâm thổ bất kiến thủy), nhưng vào mùa lũ lụt, nước lũ có thể thông vào sân đình và sàn đình, như là một biểu hiện của sự hòa hợp âm dương. Cuộc đất thấp này cũng giúp cho đình đứng vững trước những cơn bão mạnh, như bão Giáp Thìn năm 1904, bão Ất Sửu năm 1985(10). Ở phía tả của đình là miếu thờ Khoái Châu quận công hằng năm cứ đến ngày giỗ của ông vào ngày 7.12 âm lịch, dân làng lại nhớ đến ông và hương khói cầu xin ở miếu Ông Cọp trắng cho dân làng được bình an vô sự.

Chúng tôi thấy được rằng các bàn thờ Cọp được bài trí rất đơn giản, thường chỉ có 1 bát nhang, 1 bình cắm hoa, 1 quả bồng đựng bánh trái, 1 ly nước. Tượng Cọp để thờ ở vùng quê Thừa Thiên Huế thường được đắp bằng các chất liệu như: Đất nung, ximăng, đá ong, đá sa thạch trắng, gỗ và bằng tranh giấy làng Sình.

Việc cúng thần hổ thường được tổ chức vào các ngày rằm, mồng 1 hằng tháng, lễ tế xuân thu nhị kỳ ở đình làng và lễ cúng đầu năm mới đều có dâng sớ màu đỏ cho thần hổ. Như lễ cúng đầu năm của thôn Trung Đông, làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, thành phố Huế, ngay trên vách của cổng thôn được dán ảnh hổ bằng tranh giấy làng Sình, dán lên vách cổng xóm, vách nhà nhằm dâng lên thần hổ lễ vật, tấm lòng thành của người dân trong làng, trong xóm, họ cúng để cầu an sau đó tranh giấy vẽ hổ được đốt cho thần hổ. Bên cạnh đó, dòng tranh dân gian làng Sình có các tờ tranh vẽ về hổ “để dùng trong lễ cúng cho người đi rừng trước khi vào cửa rừng”(11).

Như vậy, tục thờ cọp thể hiện một ước mơ chính đáng của con người muốn có một sức mạnh phi thường để phục vụ cho sự sinh tồn của mình, đảnh đuổi và trừ khử mọi thế lực hung ác, cho sức khỏe của con người, xua đuổi tà ma và mong có một vụ mùa bội thu.

__________
1: Trần Đại Vinh: Tín ngưỡng dân gian Huế. NXB Thuận Hóa, Huế, 1995, trang 87.

2: Dương Phước Thu: Đất nước Việt Nam qua Cửu đỉnh Huế (Biên khảo về Cửu đỉnh – Báu vật bằng đồng vô giá của Việt Nam). NXB Tri Thức, Hà Nội, 2011, trang 81.

3: Huỳnh Đình Kết: Tục thờ thần ở Huế. NXB Thuận Hóa, Huế, 1998, trang 132.

4: Hồ Quốc Hùng: Về sự tái sinh của nhóm truyền thuyết anh hùng bộ lạc ở vùng Thuận Hóa. Trog sách: Nhiều tác giả: Nghiên cứu Văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế – 25 năm một hành trình (1991 – 2016). NXB Thuận Hóa, Huế, 2016, trang 235.

5: Huỳnh Đình Kết: Quá trình tụ cư lập làng khu vực thành Hóa Châu qua tiếp cận gia phả một số dòng họ khai canh, khai khẩn- Trường hợp các làng Kim Đôi, Thành Trung, Phú Lương. Trong sách: Nguyễn Quang Trung Tiến (Chủ biên): Văn hóa – lịch sử Huế qua góc nhìn làng xã phụ cận và quan hệ với bên ngoài. NXB Thuận Hóa, Huế, 2010, trang 179.

6: Trần Đại Vinh (Chủ biên): Làng Văn vật Thừa Thiên Huế. Tập 2. NXB Thuận Hóa, Huế, 2018, trang 208, 209.

7: Theo trang web sau đây: Truyền thuyết Ông Cọp. http://langsontung.vn/Phong-tuc-tapquan/TRUYEN-THUYET-ONG-COP-17.html Thứ hai – 22/09/2014 09:07. Truy cập ngày 25.10.2021.

8: Trần Đại Vinh: Tín ngưỡng dân gian Huế. NXB Thuận Hóa, Huế, 1995, trang 86, 87.

9: Nguyễn Văn Đăng, Mai Văn Được: Vài nét về gia thế và sự nghiệp của Quận công Nguyễn Đức Xuyên (1758 – 1824). Tạp chí Huế xưa và nay, số 135(5-6).2016, trang 79.

10: Trần Đại Vinh (Chủ biên): Làng Văn vật Thừa Thiên Huế. NXB Thuận Hóa, Huế, 2017,trang 84, 85.

11: Trần Đại Vinh: Tín ngưỡng dân gian Huế. NXB Thuận Hóa, Huế, 1995, trang 182.

TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG
Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế