Bên này là sông Hương. Yên ả. Những tiếng xe, tiếng người vọng vào, nhưng không khí Liễu quán đã khác, vắng lặng. Cả ngôi nhà chỉ có tôi và những bức thư pháp, 3 tủ sách Phật học. Và thỉnh thoảng lướt qua một bóng áo lam. Có lẽ những ngày hội họp, Liễu quán sẽ đông vui. Còn bây giờ, chỉ có thinh lặng.
Tôi đi trên những con đường Huế không còn thâm u trầm mặc như xưa, nhộn nhịp xe và người, và du khách. Dừng chân bên Liễu quán ven sông Hương. Một bên là đường Lê Lợi. Ồn ã. Bên này là sông Hương. Yên ả. Những tiếng xe, tiếng người vọng vào, nhưng không khí Liễu quán đã khác, vắng lặng. Cả ngôi nhà chỉ có tôi và những bức thư pháp, 3 tủ sách Phật học. Và thỉnh thoảng lướt qua một bóng áo lam. Có lẽ những ngày hội họp, Liễu quán sẽ đông vui. Còn bây giờ, chỉ có thinh lặng.
Trong một góc Liễu quán, bức ảnh “Đức Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu ngày 11/6/1963 để bảo vệ Phật pháp” hút tôi lại, hơn tất cả những bức thư pháp treo kín các bức tường. Không hiểu sao bức ảnh lại được treo ở một góc khuất như thế. Vị tỳ kheo ngồi kiết già bình thản, trùm lên ông là những quầng lửa hung hãn, cuồn cuộn khói đen khói xám. Lửa khói tạt về một phía, phía kia là vị tu sĩ an nhiên. Một sự tương phản lạ lùng. Tôi tự tiện kéo ghế ngồi viết bài trong Liễu quán. Một vị ni cô ngang qua, nhìn rồi đi, không hỏi han, như một sự thường. Có lẽ đã nhiều người đến đây, như tôi.
Cách Liễu quán không xa, cũng trên trục đường Lê Lợi chạy dọc sông Hương là Đài tưởng niệm những vị tử vì đạo năm 1963. Đài tưởng niệm nhỏ, nằm khiêm tốn trên hè phố. Bát hương có vẻ lạnh. Thế nhưng một sớm mai tôi ngang, đã nghe toả mùi trầm trong không khí, có ai đó đã thắp lên những nén hương thơm nồng từ sáng sớm. Một anh bán sách nói với tôi rằng, đạo Phật bàng bạc trong văn hoá Huế. Người ta chậm rãi hơn, bình an hơn; cây cối cũng nhuốm vẻ trầm mặc. Những ngôi chùa thâm u, cổ kính khuất trong cây cối của những khuôn viên rộng giữa phố, hoặc u tịch trên một ngọn đồi thông reo vi vút...
Dù đi con đường nào ở Huế, bạn cũng có thể nhìn thấy các tu sĩ Phật giáo. Họ sinh hoạt trong chùa, họ đến trường, họ đi làm việc xã hội, họ hoà nhập với đời sống cộng đồng... Ở đây, hình như bạn có thể cảm nhận Phật pháp cả trong từng làn gió, khi hơn 200 ngôi chùa thong thả buông từng tiếng chuông vào ban sớm, ban chiều, trong những bóng áo nâu áo xám mà bạn có thể gặp bất cứ lúc nào khi đi trên phố, và trong niềm tự hào của nhiều người Huế, rằng thành phố của họ hiền hoà và bình yên.
Thượng toạ Thích Hải Ấn, trụ trì chùa Từ Đàm – ngôi chùa nổi tiếng đã đi vào lịch sử âm nhạc nước nhà với những câu hát da diết “Ôi uy nghiêm bóng chùa Từ Đàm” bảo rằng ở Huế, 60% dân số là các tín đồ Phật tử cho nên nếp sống, giáo lý của đạo Phật bàng bạc trong tất cả mọi hoạt động của cư dân ở thành phố này. Nếp sống Huế mang dáng dấp của chốn thiền môn, hiền hoà - vị Thượng tọa bộc bạch đầy tự hào - nhất là các buổi sáng sớm, khi mà tất cả mọi người đi làm việc, trong đó có một số tăng ni, Phật tử, đi đến các trường học. Ở Huế có 3 trường học, 1 trường trung cấp Phật học, 1 trường cao đẳng Phật học, 1 Học viện Phật giáo cho nên số lượng tăng, ni sinh của 3 trường đó lên đến gần 800 vị rồi.
Cái không gian trầm lắng của các ngôi chùa xứ Huế hay là của các sinh hoạt chốn thiền môn như là chuông sớm hay là kinh kệ buổi sáng sớm, đó cũng là một nét đem lại an bình cho người dân khi họ suốt ngày lao động. Sau buổi sáng sinh mơ, họ nghe được tiếng chuông chùa, nghe được những lời kinh kệ cũng là đem lại những tĩnh tâm cho mọi người, tạo cho họ có một sức sống vào ngày mới. Đó cũng là chuyện đời chứ không phải chuyện đạo nữa rồi.