menu_open
TỪ DI SẢN “THỰC HÀNH TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU TAM PHỦ CỦA NGƯỜI VIỆT”: Nghĩ về lễ hội điện hòn chén
13/03/2017 7:59:52 SA
Xem cỡ chữ:
Hầu đồng tại đền Trần Nam Định. Ảnh: Diên Thống
Cuối năm 2016, “Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt” chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với Thừa Thiên Huế, đây là cơ hội để thu hút khách hành hương trong mỗi kỳ lễ hội ở điện Hòn Chén.
Hầu đồng tại đền Trần Nam Định. Ảnh: Diên Thống

Cùng nền tảng tín ngưỡng

“Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” vừa được UNESCO vinh danh là một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi... được hình thành và phát triển mạnh mẽ. Từ thế kỷ 16, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân. Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thờ cúng cùng với các vị Thánh Mẫu cai quản miền trời, rừng, nước, những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước, với dân.

Mặc dù xuất phát không cùng nguồn gốc, nhưng tín ngưỡng thờ Mẫu trong dân gian Thừa Thiên Huế có cùng nền tảng với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói chung của người Việt - Thờ Mẹ. Theo nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh (Chủ tịch Hội Văn học dân gian Thừa Thiên Huế), tín ngưỡng thờ Mẫu phía Bắc xuất hiện từ thế kỷ 16 thờ Vân Hương Thánh Mẫu (Thánh Mẫu Liễu Hạnh), trong khi tín ngưỡng thờ Mẫu ở Thừa Thiên Huế suy tôn Thánh Mẫu Thiên Y A Na, nguyên là nữ thần Po Nagar (Nữ Thần Mẹ xứ sở) của người Chăm. Tuy nhiên, đến năm 1953, khi Đức Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại (lúc bấy giờ là Hội trưởng Hội quý tế điện Huệ Nam) đưa Thánh Mẫu Vân Hương vào thờ trong điện Huệ Nam thì hai dòng tín ngưỡng này mới có sự hội nhập và giao lưu phát triển nhiều hơn.

Cho đến nay, lễ hội điện Hòn Chén vẫn là một trong những hoạt động tín ngưỡng dân gian của những tín đồ suy tôn Thánh mẫu Thiên Y A Na. Truyền thuyết dân gian Chăm kể lại, nữ thần là con của Ngọc Hoàng được sai xuống trần gian, bà có công lao tạo ra trái đất và các loại gỗ trầm, lúa gạo. Để ký âm từ Po Nagar bằng Hán văn, các nho sĩ xưa đã ghi bằng bốn chữ Hán: Thiên Y A Na. Trong Quần thể di tích Cố đô Huế, điện Hòn Chén không chỉ là một di tích lịch sử và tôn giáo mà còn là một thắng cảnh, một điểm tham quan văn hóa độc đáo. Trong tâm thức của nhiều người, Hòn Chén là ngôi điện có một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân xứ Huế và cũng là ngôi điện duy nhất ở Huế có sự kết hợp giữa nghi thức cung đình và tín ngưỡng dân gian...

Tỉnh táo, biết điểm dừng

Tại điện Hòn Chén, lễ hội quan trọng nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu được tổ chức vào tháng 3 và tháng 7 Âm lịch (tháng bảy vía cha, tháng ba vía mẹ). Đó cũng là "đại hội hầu bóng" lớn nhất trong năm ở Huế. Mỗi kỳ lễ hội, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế - đơn vị trực tiếp quản lý di tích, phối hợp rất chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương và các ban, ngành trong tỉnh để đảm bảo môi trường an toàn cho khách hành hương. Những năm gần đây, lễ hội Hòn Chén thu hút ngày càng đông lượng khách trong nước về hành hương, chiêm bái và du khách nước ngoài đến khám phá, trải nghiệm. Chính vì vậy, cùng với niềm vui “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu” được vinh danh là Di sản văn hóa nhân loại, nhiều người cũng lo ngại, hoạt động hầu đồng có thêm cơ hội nở rộ và gây hệ lụy trong cuộc sống.

Sau khi “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO vinh danh, GS. Ngô Đức Thịnh - thành viên xây dựng hồ sơ, từng chia sẻ: "Lâu nay, nhiều người hiểu đơn giản nghi lễ thờ Mẫu Tam phủ lễ hầu đồng, hầu bóng. Hầu đồng là nghi lễ đặc trưng nhất, quan trọng nhất, thể hiện những giá trị bản chất nhất của thờ Mẫu, chứ không phải là tất cả. Một thời gian dài, nghi lễ này bị cấm đoán và khi phục hồi, không ít trường hợp làm biến dạng. Chúng ta phải khẳng định, chấn hưng lại, để những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu được phát huy".

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông (nguyên Phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế), tục thờ Mẫu là dòng nội đạo xuất phát từ tín ngưỡng bản địa - tín ngưỡng về một bà mẹ nông nghiệp và tạo sự bình an tâm linh cho con dân buổi ban đầu xa xứ. Các hình thức hầu đồng, hầu bóng là một hiện tượng phổ biến trên phạm vi thế giới, cũng như trên khắp đất nước ta. Hiện tượng này tạo nên sự quân bình và yên ổn về mặt tâm lý trước những bất an và áp lực của đời sống, cũng như đức tin để bám víu, cần có trong đời sống tâm linh. Tất nhiên, chúng ta cũng có thể nhận ra đâu đó hiện tượng “buôn thần, bán thánh”, nhưng đây chỉ là những hệ lụy tất yếu mà chúng ta có thể khống chế được.

Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh cho rằng, nên xem vấn đề này như một dấu ấn tín ngưỡng cổ truyền của giai đoạn lịch sử từ thế kỷ 16-19 và nay chỉ còn tồn tại trong một bộ phận quần chúng. Tất nhiên, cần tỉnh táo để ứng xử như một hiện tượng văn hóa, có chừng mực và biết đâu là điểm dừng để di sản này góp phần đem lại lợi ích kinh tế và đúng ý nghĩa như UNESCO đã tôn vinh. “Nét đẹp văn hóa trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Thừa Thiên Huế nói riêng, khu vực Trung bộ nói chung không thua kém khu vực Bắc bộ. Với hoạt động hầu đồng tại điện Hòn Chén, nếu chúng ta tiếp tục có sự phối hợp của chính quyền địa phương, đơn vị quản lý và các nhà nghiên cứu văn hóa thì chắc chắn sẽ điều chỉnh được những hành vi mê tín di đoan, lợi dụng lòng tin của người khác để trục lợi kinh tế, gây ô nhiễm môi trường… Bằng cách đẩy mạnh giáo dục tuyên truyền, từng bước điều chỉnh hành vi và không đụng chạm đến đức tin, tôi tin chúng ta sẽ làm được”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông khẳng định.

Bài: ĐỒNG VĂN