menu_open

Xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý Mai vàng Huế góp phần phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế

Danh mục Thương hiệu Mai vàng Huế

Chi tiết sản phẩm

Danh mục:
Thương hiệu Mai vàng Huế
Doanh nghiệp:
Văn hóa - Nghệ thuật
Trọng lượng:
Đơn vị tính:
Chứng nhận chất lượng sản phẩm:

Mô tả sản phẩm

1. Chỉ dẫn địa lý, vai trò, ý nghĩa với phát triển kinh tế, xã hội

Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu chỉ đến nguồn gốc của một sản phẩm từ một khu vực địa lý nhất định, tại khu vực địa lý đó với những điều kiện tự nhiên và con người đã tạo ra sản phẩm có tính chất, chất lượng đặc thù mà không một khu vực địa lý nào khác có được. 

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý là công cụ thương mại quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và thâm nhập thị trường quốc tế một cách tốt nhất, nhưng cũng đầy thách thức đặc biệt là đối với sản phẩm là “hoa”. Tới nay, ngày càng nhiều quốc gia nhận thức lợi thế và cơ hội của chỉ dẫn địa lý, bởi những sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý chứa trong nó những thuộc tính không chỉ vật chất mà cả văn hóa độc đáo để trở thành sản phẩm khác biệt. Những thuộc tính vật chất và văn hóa này hình thành nên giá trị cơ bản riêng có, mang tính đặc trưng vùng miền, thậm chí là đặc trưng quốc gia cho sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Điều này một mặt nâng cao lợi ích thương mại và kinh tế, bổ sung thêm các giá trị địa phương (vùng miền) về môi trường, văn hóa và truyền thống. Mặt khác, chỉ dẫn địa lý hàm chứa trong nó nhiều đặc trưng của một thương hiệu cao cấp, tác động lớn đến chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ của một khu vực, từ đó thúc đẩy nhóm doanh nghiệp phát triển, nâng cao tính hội nhập cho kinh tế không chỉ một khu vực mà có thể là một vùng rộng lớn (Đào Đức Huấn, 2017).

Theo báo cáo của tổ chức SHTT thế giới - WIPO tính đến cuối năm 2019 đã có 65.900 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ. Trong đó 49% chỉ dẫn địa lý được bảo hộ có hiệu lực cấp quốc gia và 51% được bảo hộ theo các cam kết quốc tế, Châu Âu có số lượng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ lớn nhất, chiếm 57,4%, tiếp theo là Châu Á (chiếm 28,3%) và Châu Mỹ La tinh và Caribe (chiếm 8,4%). Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các đặc sản địa phương nhằm khai thác danh tiếng và sự nổi tiếng của sản phẩm là cách làm tốt nhất hiện nay mà nhiều nước trên thế giới áp dụng để giúp các sản phẩm phát triển. Rất nhiều nước trên thế giới như: Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Thái Lan… đã thành công với những giải pháp này. Quan điểm xây dựng thương hiệu cho nông sản dưới hình thức chỉ dẫn địa lý của cộng đồng chung Châu Âu là nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường, thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững.

Bên cạnh đó, sự phát triển của chỉ dẫn địa lý trở thành một hướng chiến lược cho bảo tồn đa dạng sinh học, văn hóa truyền thống, thúc đẩy tiềm năng các nguồn lực địa phương nhằm phát triển các vùng lãnh thổ và hệ thống sản xuất tại nông thôn trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Việt Nam là nước nông nghiệp truyền thống với đa dạng các loại sản vật địa phương gắn với đặc trưng vùng miền. Nhận thức rõ vai trò của chỉ dẫn địa lý, trong 20 năm qua (2001-2021), Việt Nam đã có nhiều chính sách, chương trình, giải pháp hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý từ Trung ương đến địa phương. Các chính sách, chương trình này một mặt nhằm bảo tồn và phát huy giá trị những sản vật, đặc sản truyền thống với tư cách là sản phẩm riêng có của địa phương, vùng miền, mặt khác đưa các sản vật, đặc sản truyền thống này trở thành sản phẩm mũi nhọn thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống của người dân, góp phần ổn định xã hội tại địa phương. 

Tính tới cuối năm 2021, đã có 110 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam theo pháp luật quốc gia, trong đó có 101 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và 09  chỉ dẫn địa lý của nước ngoài (Cục SHTT- 2021). Đồng thời, nhằm hỗ trợ các sản phẩm mở rộng thị trường, chúng ta đã tiến hành bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam theo Hiệp định Thương mại Việt Nam- Liên minh Châu Âu (EVFTA) theo hình thức công nhận lẫn nhau. Có 05 chỉ dẫn địa lý được tiến hành đăng ký bảo hộ tại nước ngoài theo pháp luật quốc gia bằng con đường trực tiếp bao gồm: (i) Cà phê Buôn Ma Thuột được bảo hộ tại Nga, Thái Lan; (ii) Quế Văn Yên được bảo hộ tại Thái Lan; (iii) Nước mắm Phú Quốc được bảo hộ tại Châu Âu; và (iv - v) mới đây nhất là vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận được bảo hộ tại Nhật Bản (2021). Việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài đã mở ra cơ hội rất lớn cho sự phát triển của các sản phẩm nêu trên.

Và thực tế là nhiều chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đã từng bước chiếm lĩnh thị trường và mở rộng sản xuất như: nước mắm Phú Quốc, Mật ong bạc hà Hà Giang, Chả mực Hạ Long, Cà phê Buôn Ma Thuột, Thanh long Bình Thuận, Chè Shan tuyết Mộc Châu, cam Cao Phong, vải thiều Lục Ngạn.... Không những thế, những chỉ dẫn địa lý đã và đang được bảo hộ này đã có những tác động tích cực hạn chế rủi ro do biến động giá nông sản và mở rộng thị trường tiêu thụ. Một số sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đã đứng vững trước những biến động khủng hoảng kinh tế, giá bán ổn định và lượng hàng liên tục tăng. Những sản phẩm chỉ dẫn địa lý được quản lý và khai thác tốt đã góp phần tích cực trong việc quy hoạch và phát triển vùng đặc sản của địa phương. Tất cả những thành quả đó khẳng định chỉ dẫn địa lý đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững của sản xuất nông nghiệp hiện nay cũng như trong tương lai.

2. Mai vàng Huế, sản phẩm có lịch sử, danh tiếng, tính chất, chất lượng riêng có

Trong muôn vàn sắc hoa, cây mai quyến rũ người đời bởi sự tương phản hiếm có: thân gầy guộc, hoa mỏng manh, hương thơm dịu dàng, thanh khiết nhưng ẩn chứa trong mình sự kiêu dũng, khí phách. Các nhà nho xưa thường dùng hình ảnh hoa mai để ví với cốt cách thanh tao và chí khí của người quân tử.

Nói đến mai vàng Huế, không thể không nhắc đến Bài thơ “Vịnh Hoàng mai” trong Minh Mệnh thánh chế có lược chú rằng: Mai Huế có thân cây cứng và thẳng, lá xanh lợt mà sáng mịn, nhọn dài, hoa có năm cánh, nhị như ngọc, lòng hoàng đàn, cũng giống mai trắng nhưng sắc vàng thẫm và thơm hơn. Khi hoa rụng thì cuống khô biến thành sắc hồng, cũng giống như hoa, khác hẳn các loại hoa khác. 

Tại hội nghị đánh giá đặc tính cảm quan mai vàng Huế ngày 24/1/2022 đã đưa ra đặc trưng nhận biết của hoa mai vàng Huế như sau: Mai vàng Huế có lộc xanh, cành lộc dày (dăm chi); hoa cuống ngắn; 5 cánh màu vàng đậm, viền lượn sóng, mặt phẳng, các cánh xếp khít nhau, có mùi thơm dịu nhẹ. Những đặc điểm này khác hẳn với mai Giảo, mai Cúc và các loại mai khác ở các địa phương trên cả nước.

Những cây Hoàng mai lâu năm được trồng trong Thế Tổ Miếu (Đại Nội Huế)

Sinh trưởng trên đất Cố đô, trải qua nhiều thế kỷ, mai vàng Huế không chỉ gắn với người Huế mà đã trở thành đặc sản của vùng sông Hương-núi Ngự. Từ xa xưa, mai vàng Huế được trồng rất nhiều tại cung đình, phủ đệ, dinh thự, sân đình, đình, chùa…gắn với các địa danh lịch sử tâm linh và trong khuôn viên của mỗi gia đình tại Huế. Bằng chứng không chỉ ở cây mai được trồng tại các khu vực này có tuổi đời lên tới hàng trăm năm mà còn hiện hữu từ vật dụng cho đến kiến trúc các di tích như điện Thái Hòa, Thế Tổ Miếu; Cung Diên Thọ; điện Long An; trong nội thất của các lăng tẩm vua Nguyễn, cổng Tam Tòa (Cơ Mật Viện)…

Ngoài ra, hoa mai xuất hiện trên các đồ pháp lam, đồ đồng, đồ sứ ký kiểu, đồ gỗ, đồ bạc cổ vật của triều Nguyễn….. Đặc biệt, dưới thời vua Bảo Đại hoa mai hiện diện trên trang phục áo dài truyền thống, điển hình là chân dung Hoàng hậu Nam Phương với áo dài có họa tiết hoa mai được chụp khoảng những năm 1939-1943.

Người Huế vốn tinh tế, trọng phong thủy, có mai vàng trong nhà là có sự yên bình, sum vầy và hạnh phúc. Năm cánh hoa mai tượng trưng cho năm điều tốt lành gồm hạnh phúc, may mắn, trường thọ, thành công và an nhiên. Sắc vàng của mai mang lại sự sung túc, đầy đủ, no ấm. Vì thế, mai trở thành “khuôn vàng thước ngọc” trong kiến trúc cảnh quan xứ Huế trước khuôn viên mỗi gia đình cũng như trong các di tích. Một gốc mai tán lá xum xuê đều cả bốn năm hướng đông-tây-nam-bắc và trung tâm là cái thế thể hiện sự vững chãi và là “bức bình phong” trấn thủ. Chẳng thế mà người Huế quí hoa mai đến mức tôn thờ như một linh vật, mai vàng được coi như một linh hoa.

Hình ảnh cây Hoàng mai Huế là biểu tượng cho tinh thần không khuất phục, không cam chịu trước hoàn cảnh, luôn phấn đấu vươn lên để mang đến những điều tốt đẹp cho bản thân, gia đình và xã hội của người dân xứ Huế; và mai vàng cũng là biểu trưng của sự dịu dàng, đoan trang, mỏng manh nhưng ẩn trong đó là tinh thần mạnh mẽ, dám hy sinh để mang lại những điều tốt đẹp cho gia đình, xã hội của người con gái Huế.

Do tính chất, chất lượng của mai vàng Huế; do sự yêu mến của người dân Huế với mai vàng của quê hương, mai vàng Huế còn được gọi bằng một tên khác “Hoàng mai” một tên gọi rất sang trọng, đài các.

3. Phát triển mai vàng Huế là góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế

a) Thực trạng sản xuất và kinh doanh mai vàng Huế

Theo thông tin sơ bộ thông qua khảo sát của công ty TNHH tư vấn và phát triển thương hiệu AMC Việt Nam trong tháng 01/2022 và theo thông tin của các hộ trồng mai cung cấp thì Thành phố Huế có khoảng 50 vườn mai; huyện Phú Vang, Hương Thuỷ; Hương Trà có khoảng 30 đến 35% số hộ; huyện Phong Điền và Quảng Điền có khoảng gần 45% số hộ trồng và kinh doanh mai. Các huyện còn lại như Nam Đông, Phú Lộc, A Lưới có khoảng 20 -30 hộ. Danh tiếng nhất, phải kể đến làng nghề Thế Chí Tây với gần 80% số hộ trồng, kinh doanh mai. Về quy mô vườn mai rất đa dạng, vườn nhỏ có từ 20 đến 30 chậu, vườn lớn có từ 200 đến 300 chậu, cá biệt có vườn có tới 500 chậu. Trong đó, mai chậu và mai bonsai chiếm từ 80 đến 85%, mai toà, mai tự nhiên chiếm khoảng từ 15 -20%. Tuổi mai trung bình dao động từ 20 – 50 – 60 tuổi. Về diện tích, hầu hết các vườn mai nằm trong khuôn viên, diện tích của gia đình, hoặc tận dụng hoặc thuê lại những khu đất trống cạnh nhà nhưng thường nhỏ. Và hầu hết các vườn mai chưa được đầu tư, quy hoạch một cách bài bản, khoa học nên một mặt rất dễ làm cho mai vàng Huế bị lai tạp, mặt khác làm cho các vườn mai hầu như chưa đạt được mức cảnh quan thu hút khách du lịch, tham quan trải nghiệm như những vùng trồng hoa Đào; Mận; Lê …sản phẩm tương tự ở các địa phương khác.

Về giá trị, do chủ yếu các nhà vườn làm mai thế nên cây mai ở đây có giá rất cao (từ chục triệu tới hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng) rất ít chậu mai, cây mai bonsai có giá dưới 10 triệu đồng. Về thị trường, theo người trồng mai cho biết, mai thế của Huế hiện đang cung cấp cho một số thành phố lớn là Đà Nẵng, Tp Hồ Chí Minh và Hà Nội và cho những chủ thể có điều kiện. Điều này có nghĩa là mai vàng Huế đang tập trung vào sản phẩm cao cấp, phục vụ phân khúc khách hàng cao cấp, như vậy là không phải người dân nào của Huế nói riêng và người dân Việt Nam nói chung cũng có đủ điều kiện để chơi được mai vàng Huế. 

b) Phát triển mai vàng Huế tạo thêm sinh kế, tăng thu nhập cho người dân

Mai vàng là loại hoa gắn với những ngày năm hết Tết đến, nhất là ở Huế, từ xưa đến nay, hầu như nhà nào cũng mong muốn có một bình mai, chậu mai đón xuân, nhưng phải là mai vàng Huế, loại mai 05 cánh có mùi thơm dịu đặc trưng (người Huế không sử dụng mai cành). Đời sống của người dân ngày càng nâng cao thì nhu cầu chơi mai, thưởng mai ngày càng lớn. 

Mai vàng Huế chủ yếu là mai thế với giá trị rất cao, không phải ai, gia đình nào cũng có đủ điều kiện để sắm cho mình một bình mai, chậu mai trong dịp tết. Có nghĩa là mai vàng Huế hiện nay đang bỏ ngỏ phân khúc mai thương mại bình dân với nhu cầu ngày càng tăng không chỉ cho người Huế mà cả những người yêu mai, thích mai ở các địa phương khác. Chính điều này, tạo điều kiện cho mai vàng Bình Định, mai vàng Vĩnh Long... đang từng bước xâm nhập, chiếm lĩnh các thị trường, trong đó có Huế.  

Với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, theo kinh nghiệm của người dân thì việc trồng mai tại Thừa Thiên Huế là khá phù hợp, với phân khúc mai thương mại, mỗi người dân đều có thể thực hiện được nếu có đam mê và khát vọng vươn lên làm giàu. Bởi cây mai là loại cây dễ trồng và dễ sống, trong phân khúc thương mại việc tạo dáng không cần quá cầu kỳ, quan trọng là sự điều tiết nở hoa được đúng dịp tết.

Theo các nhà vườn cho biết, trung bình cây mai Huế cần ít nhất 03 năm thì có thể thương mại được (tính trồng từ cây con) và sau ba năm một cây mai Huế có thể bán được từ 2,5 đến 03 triệu đồng/cây. Nếu một hộ có 100 cây thì sau 03 năm có thể có thu nhập từ 250 đến 300 triệu (tính trung bình mỗi năm có từ 80 đến 100 triệu). Đây thực sự là mức thu nhập tương đối cao đối với nông hộ trong tình hình hiện nay. Đó là chưa tính đến mai trồng vườn để tự nhiên phục vụ cho việc chơi mai tự nhiên và mai trồng khu vực đường phố, nơi tạo cảnh quan công cộng theo Quyết định số 915/QĐ-UBND  ngày 26/4/2021 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Như vậy, có thể nói mai vàng Huế còn rất nhiều cơ hội, tiềm năng để phát triển.

c) Phát triển mai vàng Huế là tạo điểm nhấn trong du lịch đến với Huế

Hiện nay Huế được biết đến là thành phố du lịch, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam gắn với quần thể di tích cố đô được UNESCO công nhận là di sản thế giới và cảnh quan thiên nhiên thơ mộng. Theo Sở du lịch, năm 2019, Huế đón 4,7 triệu lượt khách (2020 -2021 do đại dich) và khách đến Huế vẫn chủ yếu là thăm lại cố đô, ngoài cố đô, các điểm nhấn khác còn hạn chế.

Thực hiện Đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam”, theo Quyết định số 915/QĐ-UBND ngày 26/4/2021 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đến nay rất nhiều các công sở, nhà dân, đặc biệt là khu vực đại nội (Hoàng thành) đã được trồng mai vàng Huế, bắt đầu tạo điểm nhấn về cảnh quan của thành phố. Theo Đề án các điểm du lịch dự kiến tiếp tục trồng mai vàng Huế bao gồm: đồi Vọng cảnh; núi Ngự Bình; khu vực hồ Thủy Tiên; khu vực thiền viện Trúc lâm Bạch mã; khu vực Bàu Co; khu vực ao cá Bác Hồ. Tại các di tích như: khu vực Eo Bầu; tuyến đường Tam Thai kết nối với khu vực chứng tích Chín Hầm; trung tâm văn hóa Huyền Trân; học viện phật giáo Việt Nam; khu vực Đại nội; công viên đường Lê Duẩn; các tuyến đường, cửa ngõ ra vào thành phố như khu vực công viên phường An Hòa; khu vực cầu vượt Thủy Dương, các tuyến đường hai bên bờ sông Hương; các tuyến xung quan Đại Nội; ưu tiên các phường du lịch như Vỹ Dạ, Kim Long; Thủy Biều và Thủy Xuân.

Với độ phủ như vậy, chúng tôi tin rằng, chỉ sau khoảng thời gian ngắn nữa (03 đến 05 năm), Mai vàng Huế trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc không chỉ của Huế nói riêng mà cả của Việt Nam nói chung khi gắn với du lịch cố đô. Đây thực sự là một điểm nhấn mà chưa có địa phương nào có được.

4. Một số đề xuất, kiến nghị

Để  sớm đạt được mục tiêu của Đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam” theo Quyết định số 915/QĐ-UBND ngày 26/4/2021 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, căn cứ vào kết quả khảo sát, chúng tôi xin được đề xuất bổ sung một số giải pháp sau đây:

- Một là: hỗ trợ Hiệp hội/Hội mai vàng Huế hoạt động hiệu quả với các nội dung thiết thực, cụ thể như: tổ chức trồng và phát triển cây mai vàng Huế, tạo không gian để đổi mới, sáng tạo, đặc biệt là thiết kế dáng thế, hình thành các sản phẩm mai vàng đặc sắc, thống nhất về định hướng phát triển cây mai vàng Huế.

Tạo các điều kiện để Hội mai vàng Huế có điểm trình diễn, trưng bày nghệ thuật mai vàng Huế (bonsai) gắn với thành nội.

- Hai là: Xây dựng, hoàn thiện câu chuyện sản phẩm mai vàng Huế gắn với giá trị văn hóa, tâm linh của cung đình Huế để nâng cao và định vị về giá trị tiêu dùng mai vàng Huế.

- Ba là: tập trung quảng bá, giới thiệu về cây mai vàng Huế nâng cao nhận thức, thúc đẩy niềm tự hào của người trồng mai, người dân Huế và khách du lịch.

- Bốn là: tạo các điều kiện thuận lợi, đặc biệt là quỹ đất (có thể là chuyển đổi) để người dân có đủ diện tích trồng mai phù hợp đặc biệt là mai thương phẩm cho phân khúc bình dân. Đẩy mạnh việc xây dựng mô hình vườn tại các làng trồng mai truyền thống, đảm bảo vườn đẹp đủ điều kiện phục vụ cho tham quan trải nghiệm.

- Năm là: đưa mai vàng Huế, điểm đến về du lịch vào các phương tiện quảng bá về du lịch Huế, tổ chức các tour kết nối du lịch trải nghiệm phát triển sản phẩm với các nhà vườn.

- Sáu là: thúc đẩy mai vàng Huế thành một số sản phẩm nhỏ gọn, đẹp nhằm làm quà tặng, quà lưu niệm, gắn với sự phát triển của các mô hình thương mại tại chỗ (đặt hàng – chuyển phát)…

Phát triển chỉ dẫn địa lý mai vàng Huế là góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh phát triển, đây là hướng đi đúng và chúng tôi tin rằng với quyết tâm của UBND tỉnh, của các cấp các ngành tại địa phương, của người dân, thời gian tới đây, du khách thập phương sẽ được thưởng ngoạn và sử dụng mai vàng Huế, một sản phẩm đặc sắc của Thừa Thiên Huế.

Liên hệ mua hàng

Thực hiện Đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế thành xứ sở mai vàng của Việt Nam” theo Quyết định số 915/QĐ-UBND ngày 26/4/2021 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; Mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế thành xứ sở mai vàng của Việt Nam. Trong đó xây dựng thương hiệu Mai vàng Huế dưới hình thức chỉ dẫn địa lý là một nội dung quan trọng.
Luật sư Nguyễn Bá Hội
Khám phá Huế tổng hợp