menu_open
Huế vừa giữ gìn bản sắc, vừa mới lên từng ngày
Xem cỡ chữ:
 Nghệ thuật mặt nạ tuồng Huế xuống phố biểu diễn 
Bảo tồn những giá trị văn hóa đã có, hình thành những giá trị mới, tiếp tục đầu tư có chiều sâu cho văn hóa, xem di sản là tài sản vô giá để phát triển… là những quan điểm được các nhà nghiên cứu văn hóa trẻ đang làm việc ở Huế bàn về tương lai khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn các giá trị văn hóa, di sản.
Nghệ thuật mặt nạ tuồng Huế xuống phố biểu diễn 

ThS. Nguyễn Anh Tuấn - Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế là một địa phương có bề dày về lịch sử, văn hóa và có ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa, đặc biệt là giai đoạn thủ phủ, kinh đô nên có sự giao thoa, tiếp thu nhiều luồng văn hóa. Do vậy, khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, thì cần phải phát huy các giá trị truyền thống, chú trọng hình thành những giá trị mới, đây là yếu tố đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai.

Cùng với đó, cần ưu tiên trùng tu phục hồi các công trình, các chương trình tiêu biểu, cả vật thể và phi vật thể; phát triển các ngành kinh tế, các ngành nghề sản phẩm để hỗ trợ hoạt động văn hóa. Ngoài ra, chính quyền phải mở rộng mô hình xã hội hóa huy động sự đóng góp các nguồn lực, chú trọng tăng cường giao lưu mở rộng hợp tác văn hóa các nước.

Ngoài ra, phải xác định được cốt lõi của vấn đề “đặc thù” để có những định hướng chiến lược cho tương lai xa. Cùng với việc bảo tồn cần phải tạo ra giá trị kinh tế, tạo được công ăn việc làm, doanh thu cao cho người dân…


Sân khấu điện Kiến Trung lần đầu tiên được chọn làm sân khấu cho các hoạt động Festival Huế 

TS. Nguyễn Thị Tâm Hạnh - Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế

Bằng cảm quan chúng ta cũng có thể thấy diện mạo của Huế đã sự đổi thay rất lớn trong những năm gần đây. Cả vùng đô thị trung tâm lẫn vệ tinh đều được đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng số, văn hóa xã hội. Bên cạnh các ngành kinh tế truyền thống, Huế ngày càng chú ý kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, công nghiệp văn hóa với sự tham gia của nhiều bạn trẻ năng động, sáng tạo. Huế cũng ngày một xanh, sạch, sáng hơn. Đặc biệt, cuộc di dời các hộ dân trong khu vực Kinh thành Huế không chỉ giúp người dân có một cuộc sống mới tốt hơn, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc chỉnh trang cảnh quan đô thị, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích Kinh thành Huế.

Bên cạnh đó, hàng trăm công trình được đầu tư tôn tạo, trùng tu có hệ thống. Nhiều không gian sáng tạo, bảo tàng tư nhân được mở ra. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật cũng ngày càng đa dạng. Nếu như trước đây, các hoạt động chủ yếu thiên về truyền thống thì hiện nay đã có những không gian, những sân chơi mới cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật đương đại. Những điều này cho thấy Huế đang vừa gìn giữ bản sắc nhưng cũng đang không ngừng mới lên từng ngày.

Là con dân của Huế, dĩ nhiên điều tôi mong muốn là quê hương của mình ngày một thay da đổi thịt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một nâng cao, sự chênh lệch về văn hóa và mức sống giữa các tầng lớp ngày càng thu hẹp.

Riêng từ góc độ văn hóa, do Huế được xây dựng thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, do đó, điều tôi mong muốn là sự đầu tư có chiều sâu cho văn hóa. Đó không chỉ là trùng tu, tôn tạo di tích, xây dựng các thiết chế văn hóa hay phát triển các phong trào bề nổi mà cần có sự tập trung cho từng lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cụ thể, cho từng dự án và thậm chí cả cá nhân cụ thể. Làm sao đó, để người dân Huế cảm thấy di sản là một phần tài sản của mình, đem lại nguồn sống, sự hạnh phúc cho bản thân, và tự tìm cách bảo tồn, làm sống dậy và bồi đắp cho di sản những giá trị mới.

TS. Lê Vũ Trường Giang - Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế

Là người nghiên cứu và giảng dạy lịch sử, với tôi lịch sử là nguồn cội, mỗi con dân nước Việt đều phải nằm lòng. Lịch sử là bài học của quá khứ, là giá trị của hiện tại và hướng tới tương lai. Tôi muốn chuyển tải lịch sử một cách nhẹ nhàng và nhiều thông điệp qua từng câu chuyện nhỏ. Những câu chuyện gần gũi, đi vào lòng người, là niềm nhớ về một thời xa xưa của vùng đất, của cha ông nhưng vẫn còn đó giá trị, bài học kinh nghiệm cho thế hệ chúng ta. Người trẻ rồi sẽ lớn, là thế hệ kế tục xây dựng, phát triển đất nước. Họ biết sử, hiểu sử để tri ân, để báo ân cho bao thế hệ đã kiến tạo nên cuộc sống hôm nay. Họ phải vững vàng trên đôi chân của nền tảng tri thức về văn hóa, lịch sử dân tộc, đất nước, quê hương, từ đó mới làm nên những điều cao cả.

Tôi nghĩ rằng, di sản văn hóa Huế là vốn quý, là tài sản vô giá của cha ông để lại cho xứ sở này. Vì thế, việc bảo tồn và phát huy giá trị là ý thức, là trách nhiệm của địa phương, đặc biệt là giới trẻ, thế hệ sẽ tiếp nối để gìn giữ di sản. Trước hết, lớp trẻ cần có nhận thức đúng về bảo tồn di sản văn hóa Huế. Đó là bản sắc, là hình hài, là nền tảng mà chúng ta kế thừa được, chúng ta phải tự hào về điều đó. Di sản văn hóa Huế là lòng yêu thương và trân trọng để gìn giữ, phát huy, là ý thức, hành động ngay từ trong chính mỗi người. Và muốn vậy, cần tạo điều kiện cho lớp trẻ cần trau dồi, tiếp thu kiến thức từ di sản, hiểu rõ hơn về di sản và vận dụng di sản văn hóa Huế làm giàu cho vùng đất, làm giàu cho chính bản thân.

Bài, ảnh: NHẬT MINH