Những ngày giữa tháng 12, việc di dời hàng chục ngàn hiện vật, tài liệu thuộc sự quản lý Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đã cơ bản hoàn tất sau hàng chục năm “ăn nhờ ở đậu di tích”. Điểm đến mới của bảo tàng này đó chính là địa chỉ số 268 Điện Biên Phủ, TP. Huế.
Trước đó, việc tìm một không gian hợp lý hơn cho Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên đã được tính toán. Cuộc di dời chính thức khởi động từ cách đây 4 năm – năm 2020, khi những hiện vật ngoài trời với kích cỡ lớn như xe tăng, máy bay, khẩu pháo… đã được di dời. Ngày đó, rất nhiều người vui mừng khi hay tin việc di dời bảo tàng này về nơi mới, để trả lại nguyên trạng cho di tích một cách đúng nghĩa.
Sau khi thống nhất đất nước, vua Gia Long đã quyết định xây dựng kinh đô tại Huế. Tháng 8/1803, một trường học mang tính quốc gia đã được thành lập tại đây với tên gọi là Đốc Học Đường (hay Quốc Học Đường). Tháng 3/1820, vua Minh Mạng đổi tên trường thành Quốc Tử Giám. Vị trí trước đây của Quốc Tử Giám tại địa phận An Ninh Thượng, cách Kinh thành Huế chừng 5km về phía tây.
Đến năm 1908, thời vua Duy Tân, Quốc Tử Giám được dời vào bên trong Kinh thành là vị trí hiện nay. Quy mô của trường bao gồm các công trình như Di Luân Đường, hai bên là hai dãy phòng học, nhà ở của quan Tế Tửu, Tư Nghiệp (hiệu trưởng, hiệu phó) và các viên chức khác… Phần nhiều trong số những công trình này có kiến trúc bằng gỗ với phong cách truyền thống có giá trị nghệ thuật cao. Với gần 150 năm tồn tại, Quốc Tử Giám đã góp phần không nhỏ trong việc đào tạo những nhân tài cho đất nước. Trong số hơn 500 vị tiến sĩ, phó bảng của triều Nguyễn, có không ít vị đã từng dùi mài kinh sử tại ngôi trường này.
Công trình kiến trúc tuyệt đẹp này cùng với hệ thống di tích cung đình triều Nguyễn đã được ghi tên vào danh mục Di sản thế giới của UNESCO. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, Quốc Tử Giám được “mượn” để làm trụ sở và là nơi trưng bày của Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế trong hơn 4 thập kỷ.
Nhiều công trình bên trong di tích Quốc Tử Giám hư hỏng nặng nề
Đến thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế cho hay, công tác di dời hiện vật về địa điểm mới cơ bản hoàn tất. Bảo tàng đang tiến hành làm thủ tục để bàn giao di tích Quốc Tử Giám cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Tuy nhiên, do hai dãy nhà nằm hai bên trong di tích trước kia làm nơi trưng bày hiện vật kháng chiến chống Pháp và Mỹ hiện không thể sử dụng được nữa nên bảo tàng phải tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng trước khi bàn giao. Để làm được việc này, phải có hướng dẫn của Sở Tài chính và Sở Văn hóa và Thể thao. “Chúng tôi đã cung cấp hồ sơ và sẽ mời đại diện 2 sở đến họp và xem trực tiếp. Sau khi có hướng dẫn sẽ tiến hành tháo dở và quyết tâm mọi việc sẽ hoàn tất trước 31/12”, ông Lộc nói.
Mới đây, tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026, UBND tỉnh cũng đã có tờ trình về việc đề nghị phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Bảo tồn, tôn tạo thích nghi di tích Quốc Tử Giám.
Trước đó, dự án này được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 100/NQHĐND ngày 14/10/2021 với quy mô bảo tồn, tu bổ các hạng mục công trình trong khuôn viên tổng thể di tích với các hạng mục: tam quan, Di Luân Đường, 2 nhà học tả hữu, 2 nhà ở của các giám sinh tả hữu và 2 kiều gia tả hữu kết nối giữa nhà học và 2 nhà ở của các giám sinh, nhà trù… Ngoài ra, tôn tạo thích nghi với các hạng mục: sửa chữa, nâng cấp nhà trực, bảo vệ; sửa chữa, nâng cấp nhà vệ sinh; xây dựng bãi đỗ xe cho cán bộ nhân viên; sân đường, cảnh quan; hệ thống hạ tầng kỹ thuật; phòng cháy chữa cháy; chống sét. Tổng mức đầu tư hơn 60,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, thời gian thực hiện dự án 4 năm.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai công tác lập dự án, khảo sát, đánh giá chất lượng hiện trạng các công trình; các đơn vị được giao chuẩn bị đầu tư dự án là Sở Văn hoá và Thể thao, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Cụ thể, Thay đổi phương án tu bổ công trình chính của di tích Quốc Tử Giám là Di Luân Đường từ tu bổ cục bộ sang tu bổ tổng thể (hạ giải công trình).
Bổ sung các hạng mục nhà che bia Huỳnh Tự Thư Thanh và nội thất của các công trình Di Luân Đường, 2 nhà học tả hữu; điều chỉnh tăng chi phí xây lắp trên cơ sở lập dự toán chi tiết sau khi đã có thiết kế xây dựng và cập nhập lại đơn giá nhân công, ca máy đối với các hạng mục 2 nhà học tả hữu, 2 nhà ở giám sinh tả hữu và 2 kiều gia tả hữu… Với các nội dung này, kiến nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án tăng từ hơn 60,5 tỷ đồng lên hơn 108,5 tỷ đồng, tăng hơn 48 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư tại chủ trương đầu tư được duyệt.
Qua thẩm tra, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh việc điều chỉnh này là cấp thiết góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới. Nghị quyết này đã sau đó được HĐND tỉnh thông qua.