menu_open
Phan Duy Khánh và điệu hồn dân tộc
Xem cỡ chữ:
  Phan Duy Khánh (bìa phải)
Gần 10 năm gắn bó với đàn nguyệt, ngón đàn của Phan Duy Khánh, sinh viên năm 3 Khoa Âm nhạc di sản – Truyền thống của Học viện Âm nhạc Huế ngày càng điêu luyện, khẳng định niềm đam mê của mình bằng những thành tích nổi bật.
 Phan Duy Khánh (bìa phải)

Học xong lớp 9, Duy Khánh thi vào chuyên ngành đàn nguyệt Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Huế. Ước mơ theo đuổi nhạc cụ truyền thống của dân tộc đã trở thành hiện thực. 4 năm theo học, Khánh không ngừng nỗ lực, phấn đấu, miệt mài luyện tập để ngón đàn của mình ngày một điêu luyện.

Đàn nguyệt còn có tên gọi khác là đàn kìm, quân tử cầm, vọng nguyệt cầm. Loại nhạc cụ này được sử dụng rộng rãi trong dòng nhạc dân gian cũng như cung đình bác học cổ truyền của người Việt. Để sử dụng thành thạo và điêu luyện, người chơi phải chú ý tư thế cầm đàn và gảy đàn. Duy Khánh chia sẻ: “Đàn nguyệt là cây đàn dễ đánh nhưng rất khó hay. Người chơi đàn cần trau chuốt, cẩn trọng trong từng ngón nhấn, ngón vê, ngón luyến.  Để có được độ rung, láy, vỗ… đạt đến mức tinh tế thì mình phải tập luyện, mài giũa liên tục”.

Vừa theo học văn hóa, vừa miệt mài với bộ môn đàn nguyệt mà mình yêu thích, Duy Khánh phân chia thời gian hợp lý để quyết tâm chinh phục những thử thách về mặt kỹ thuật. Tài năng chơi đàn của nam sinh đã thể hiện rõ ngay từ những ngày học ở hệ trung cấp. Phong thái biểu diễn tự tin, từng ngón đàn điêu luyện trong những lần độc tấu, hòa tấu, đệm hát… đưa người nghe chìm đắm trong những cung bậc cảm xúc, tâm tư, tình cảm sâu lắng và da diết.

Chàng trai trẻ đã thể hiện thành công những tác phẩm viết riêng cho đàn nguyệt, như: Tình quê hương; Tình mẹ; Trăng rằm; Quê ta… Khi đang theo học năm 4 Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Huế, Phan Duy Khánh đã đoạt giải Nhì tại hội thi Tài năng trẻ học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật toàn quốc năm 2020, với tiết mục độc tấu đàn nguyệt có tên Tình quê hương. Đây là quả ngọt cho cả quá trình say mê theo đuổi của chàng trai xứ Huế yêu mến loại hình nhạc cụ truyền thống của dân tộc.

Tốt nghiệp Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật, Khánh gác lại con đường theo đuổi nghệ thuật truyền thống để vào Nam mưu sinh, lập nghiệp. Hai năm xa quê, ngày Khánh đi làm, nhưng đêm về vẫn mải mê luyện đàn. Lửa nghệ thuật cứ âm ỉ cháy, chàng trai ấy quyết định trở về Huế để tiếp tục theo đuổi tình yêu và niềm đam mê nghệ thuật. Năm 2022, Duy Khánh thi đỗ vào chuyên ngành đàn nguyệt của Học viện Âm nhạc Huế. Trở lại với môi trường đào tạo chuyên nghiệp, Khánh dồn hết tâm sức của mình, học hành, rèn luyện nghiêm túc để tiếng đàn mang đậm hồn cốt quê hương ngày càng luyến láy, để lại ấn tượng khó phai trong lòng người thưởng thức.

Gần 10 năm bén duyên với loại nhạc cụ truyền thống này, Khánh nắm chắc đặc điểm cấu tạo và khoảng âm của đàn nguyệt để biểu diễn thành công, chuyển tải hết thế giới cảm xúc, tâm tình của người chơi vào trong từng tác phẩm. Để có tiếng đàn hay, theo Duy Khánh, người đánh phải tiết chế trường độ âm thanh; có sự liên kết giữa các câu nhạc, tiết nhạc, đoạn nhạc, ý nhạc; rõ ràng, tròn nốt… Cọ xát thực tế trải nghiệm để củng cố và nâng cao trình độ nhạc lý, bao nhiêu năm qua Duy Khánh đã miệt mài tham gia nhiều chương trình biểu diễn; các hoạt động nghệ thuật lớn nhỏ. Đều đặn vào tối thứ Ba hằng tuần, Khánh tham gia sinh hoạt và biểu diễn tại Câu lạc bộ ca Huế thính phòng ở địa chỉ 25 Lê Lợi từ năm 2018 đến nay. Tại đây, Khánh vừa được thể hiện tài nghệ ngón đàn của mình, vừa giao lưu, học hỏi các nghệ nhân đi trước.

Duy Khánh đạt được danh hiệu sinh viên giỏi, trở thành một trong những gương mặt trẻ tiêu biểu của Học viện Âm nhạc Huế; từng được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen; được nhận học bổng danh giá Trần Văn Khê cho những tài năng âm nhạc. Cô Mai Nga, giảng viên Học viện Âm nhạc Huế khẳng định: “Khánh là sinh viên rất đam mê, tâm huyết. Tình yêu nghệ thuật lớn dần trong em từ phong cách biểu diễn đến việc xử lý kỹ thuật. Chúng tôi rất vui vì có những bạn trẻ tìm về và gắn bó, giữ gìn, lan tỏa giá trị âm nhạc truyền thống của quê hương, dân tộc”.

Bài, ảnh: Trần Văn Toản