Lễ hội điện Huệ Nam hay còn gọi lễ hội điện Hòn Chén, diễn ra vào đầu tháng 3 và tháng 7 âm lịch hàng năm, được xem là hoạt động sinh hoạt truyền thống mang yếu tố văn hóa tâm linh kết hợp giữa nghi thức cung đình và tín ngưỡng dân gian của một bộ phận dân cư xứ Huế nói riêng, cả nước nói chung. Từng được nâng lên hàng quốc lễ, ngày nay lễ hội thu hút đông đảo du khách nhất là ở miền Trung.
Hầu hết nghi lễ chính diễn ra tại ngôi điện nằm trên núi Ngọc Trản bên bờ sông Hương, nơi thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Ngoài các lễ chính, còn các lễ phóng sinh, phóng đăng, với các làn điệu chầu văn xứ Huế... thu hút hàng trăm chiếc thuyền ngược dòng sông Hương với lượng du khách rất đông đến từ các tỉnh trong cả nước về với lễ hội.
Người dân làng Vân Cù với nghề làm bún nổi tiếng. Ảnh: Đình Hoàng
Trong khi đó, nghề làm bún Vân Cù là làng nghề truyền thống nổi tiếng gần xa bởi sợi trắng ngà, hương thơm đặc trưng được hình thành cách đây hơn 400 năm. Ngày nay làng nghề này thu hút hơn 100 hộ tham gia sản xuất bún để cung ứng cho khắp các chợ, nhà hàng, quán ăn… nhờ thế đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con.
Trước đó, vào tháng 8/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định chính thức ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với với “Tri thức May và Mặc áo dài của người Huế”.