Cơ hội mới
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2023 là gần 3,7 triệu lượt; trong đó, khách Trung Quốc nhanh chóng vươn lên vị trí thứ 3 trong tổng lượt khách quốc tế, dù mới mở cửa 1,5 tháng. Theo Tổng cục Du lịch, khách Trung Quốc sẽ hồi phục với tốc độ nhanh hơn các thị trường khác do có quy mô dân số lớn; nhu cầu ngày càng gia tăng sau khi nước này mở lại hoạt động du lịch quốc tế. Đặc biệt, thị trường này dự kiến sẽ phục hồi nhanh từ mùa hè 2023, tăng mạnh vào dịp tháng 10 và những tháng cuối năm nay.
Trước đại dịch, khách Trung Quốc có xu hướng thích các điểm du lịch biển ở các vùng khí hậu ấm áp, du lịch mua sắm, đến các danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Việt Nam. Thừa Thiên Huế chưa phải là điểm đến chính của du khách Trung Quốc, do chưa có nhiều khách sạn nội đô và nghỉ dưỡng ven biển quy mô, thiếu phòng lớn cho các đoàn khách có số lượng đông cũng như các dịch vụ theo kiểu khu phức hợp…
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho hay, theo đánh giá của nhiều chuyên gia du lịch gần đây, nhiều du khách Trung Quốc có xu hướng thay đổi cách đi du lịch, nhất là giai đoạn đầu mở cửa. Khách không đi tập trung theo đoàn, mà đi theo nhóm nhỏ hoặc gia đình. Dòng khách chủ yếu là du khách trẻ, thích tự khám phá tìm hiểu những nét văn hóa của điểm đến an toàn, không đông đúc, có các sản phẩm chăm sóc sức khỏe...
Nhiều dòng khách nói tiếng Hoa đã quay trở lại Huế ngày càng đông hơn
Theo ông Phúc, từ các nhu cầu đó, đây là cơ hội để du lịch Thừa Thiên Huế thu hút lượng du khách Trung Quốc trong giai đoạn sắp đến. Cũng là tiền đề để Huế có thể hình thành thêm các sản phẩm, dịch vụ, điểm đến đáp ứng nhu cầu của một số dòng khách khác từ Trung Quốc.
Ông Trương Công Lê Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ và Du lịch Việt Trung, đơn vị chuyên khai thác khách Trung Quốc cho biết, số lượng khách đến Việt Nam tăng, nhưng bay thẳng sang Đà Nẵng trong thời gian đến sẽ giảm. Với Huế, nhà ga T2 của Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài đã có quy mô, hiện đại hơn nên có thể khai thác khách trực tiếp từ Trung Quốc sang. Khi khách bay thẳng đến, Huế là điểm giữa nên sẽ rất thuận lợi để kết hợp du lịch Quảng Bình và Đà Nẵng, Hội An. Cùng với đó, Huế được đối tác lựa chọn làm điểm đến của loại hình du lịch giáo dục đang phát triển mạnh ở Trung Quốc.
Cần thêm sản phẩm
Cơ hội mới đã được nhìn nhận. Tuy vậy, cần xem xét đánh giá lại tình hình thực tế, khi Trung Quốc mới có chính sách mở cửa cho du khách, ít nhiều vẫn sẽ còn những hạn chế nhất định về hình thức tổ chức tour. Hiện nay, khách du lịch có sự thay đổi về thị hiếu, suy nghĩ, hành vi, cách đi du lịch. Nhưng bản thân “nội hàm” về sản phẩm du lịch ở Huế chưa có nhiều thay đổi. Nếu muốn thu hút thị trường tỷ dân này, cần có những giải pháp mới.
Theo ông Trương Công Lê Hoàng, với lợi thế của Huế và sự thay đổi một số nhu cầu của du khách, trong thời gian đến, những tour du lịch giáo dục với tour kéo dài 10 - 15 ngày cho học sinh Trung Quốc sang học tập, tìm hiểu văn hóa đặc trưng, các làng nghề... đầu tiên sẽ đến Huế. Các chương trình tìm hiểu văn hóa, trao đổi văn hóa, nghệ thuật. Cùng với đó, kết hợp với các sản phẩm khám phá thiên nhiên ở Quảng Bình, nghỉ dưỡng biển ở Đà Nẵng, là những dịch vụ mà doanh nghiệp sẽ cùng đối tác phía Trung Quốc khai thác khi đến Huế nói riêng và miền Trung nói chung trong thời gian đến.
Để kết nối các tỉnh thành ở Trung Quốc sang Thừa Thiên Huế, chỉ phía doanh nghiệp không thể thực hiện được, mà cần sự “chủ công” của các cơ quan, ban ngành cấp tỉnh đến trực tiếp các địa phương bạn để xúc tiến. Nhất là, xúc tiến để mở được đường bay thẳng. Bên cạnh đó, cần quảng bá hình ảnh của điểm đến tốt hơn nữa ở các thị trường mà Huế hướng đến.
Ông Nguyễn Văn Phúc khẳng định, để đáp ứng được nhu cầu của du khách Trung Quốc, Sở Du lịch cùng các đơn vị lữ hành khảo sát, nghiên cứu hành vi của khách, xem xu hướng trên có thay đổi không, khách còn có mong muốn gì khác... Chỉ khi hiểu được thị trường và nhu cầu của khách thì mới có thể có được những sản phẩm chất lượng, phù hợp.
Ở một diễn biến khác, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đang liên hệ trao đổi với một số đối tác du lịch ở tỉnh Triết Giang, Trung Quốc, là địa phương kết nghĩa hợp tác với Thừa Thiên Huế để bàn khả năng hợp tác trao đổi khách, phát triển một số sản phẩm phù hợp dòng khách đến từ một số vùng của thị trường Trung Quốc.
Cùng với sự chủ động kết nối, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đang liên kết chặt chẽ với ngành du lịch Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng và Quảng Nam, phối hợp với một số doanh nghiệp ở Trung Quốc tổ chức đón các đoàn có chương trình đến tham quan Huế thời gian tới. Kết nối tổ chức mời đoàn famtrip gồm 1 số doanh nghiệp Trung Quốc đến tìm hiểu khả năng xúc tiến, đầu tư đến Thừa Thiên Huế để khảo sát, đánh giá về khả năng lưu trú, sản phẩm, điểm đến phù hợp với một số dòng khách Trung Quốc, nhằm xây dựng thêm các chương trình tour phù hợp đưa đến Huế và miền Trung.