menu_open
Chúa Tiên Nguyễn Hoàng
08/06/2021 11:22:09 SA
Xem cỡ chữ:
Chúa Tiên Nguyễn Hoàng - người có đủ tâm, tài, chí, trí, dũng mở đầu cho sự nghiệp xây dựng nên xứ Đàng trong của chín đời chúa Nguyễn.

Cho đến đầu thế kỷ thứ XVII đất nước ta mới vào đến Quảng Nam (1611). Trong vòng một thế kỷ rưỡi sau đó (1611-1757) lãnh thổ của nước Đại Việt vào đến mũi Cà Mau như ngày hôm nay. Người có chí lớn trong việc mở nước vĩ đại đó là chúa Nguyễn Hoàng và bảy đời hậu duệ của ông(1).

Nguyễn Hoàng người làng Gia Miêu huyện Tống Sơn (nay là huyện Hà Trung) tỉnh Thanh Hóa. Sinh năm 1524, con thứ hai của Nguyễn Kim. Ông cùng cha, anh (Nguyễn Uông), và anh rể (Trịnh Kiểm) giúp trung hưng nhà Lê, được phong tước Đoan Quận Công. Sau khi Nguyễn Kim bị hàng tướng Dương Chấp Nhất đánh thuốc độc chết, Trịnh Kiểm chuyên quyền, ám hại Nguyễn Uông (anh của ngài), ông nghe mưu của cậu là Nguyễn Ư Dĩ, cáo bệnh giữ mình. Hiểu ý câu nói của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” và theo lời khuyên của cậu, ông nhờ chị là Ngọc Bảo xin với chống là Trịnh Kiểm cho vào trấn đất Thuận Hóa.

Thuận Hóa là đất cũ của người Chiêm, nổi tiếng là vùng “Ô châu ác địa”, mang chữ “tâm” trong lòng, đi đến đâu Nguyễn Hoàng cũng cho sửa chùa cũ, lập chùa mới như chùa Linh Mụ ở Huế (1601), chùa Sùng Hóa ở xã Triêm Ân (1602), Phú Vang, Thừa Thiên, chùa Hoằng Phước ở Lệ Thủy(2), chùa Kính Thiên ở Quảng Bình, chùa Long Hưng ở phía đông Trấn dinh, lập chùa Bảo Châu ở Trà Kiệu huyện Duy Xuyên Quảng Nam(3)... Ông lấy ngũ giới(1) của nhà Phật mà giáo hóa vỗ về quân dân. Với chính sách thu dùng hào kiệt, thương dân rộng rãi, sưu thuế nhẹ, quân lệnh nghiêm, chợ không bán hai giá, người không có trộm cướp, đêm ngủ không phải đóng cửa, nhân dân được an cư lạc nghiệp. Thuyền buôn ngoại quốc đến buôn bán ở phố Lữ (Bao Vinh, Huế), Hội An (Quảng Nam) đông đúc. Được ông trấn nhậm, chỉ trong vòng mươi năm xứ Thuận - Quảng trở thành nơi đô hội lớn. Ông được bá tánh mến phục xưng tụng là Chúa Tiên.

Chúa Tiên là một người văn võ toàn tài. Lúc ông mới 21 tuổi, được tập phong tước Hạ Khê Hầu. Ông đem quân đánh nhà Mạc, giết được tướng Mạc, được vua Lê khen: “Thực là cha hổ sinh con hổ.” Khi vào trấn nhậm Thuận Hóa rồi Thuận Quảng, năm Nhâm Ngọ (1572), tướng Mạc là Lập Bạo đem quân vào đánh Thuận Hóa bị Chúa lập kế mỹ nhân đánh bại giết chết(2).

Năm Quý Tỵ (1593), Trịnh Tùng dẹp nhà Mạc, rước vua Lê trở về Đông đô, Chúa đem quân ra yết kiến được vua Lê phong chức Trung quân Đô đốc phủ, Tả Đô đốc chưởng phủ sự, Thái úy Đoan Quốc Công. Ông ở Đông đô 8 năm, thường đem quân đi đánh dẹp tàn quân nhà Mạc, đánh đâu thắng đó.

Năm Ất Mùi (1595), ông được vua Lê chúa Trịnh cử làm Đề điệu khoa thi Tiến sĩ.

Năm Kỷ Hợi (1599), vua Lê Thế Tông băng, vua Kính Tông lên ngôi, tấn phong ông làm Hữu tướng.

Ông ở Đông đô lập được nhiều công trạng. Nhưng ông vẫn một lòng nhớ đất Thuận Quảng ở miền biên viễn phía Nam. Chúa Trịnh Tùng sợ “thả hổ về rừng” nên tìm mọi cách giữ chân ông lại. Muốn Chúa Trịnh khỏi nghi ngờ, ông để một người con là Nguyễn Hải và một người cháu là Nguyễn Hắc ở lại làm con tin và về sau gả con là Ngọc Tú cho Trịnh Tráng (con cả của Trịnh Tùng). Năm Canh Tỵ (1600), Chúa lập kế đi đánh Phan Ngạn, Bùi Văn Khuê rồi nhân đó đem tướng sĩ, binh thuyền tức tốc theo đường biển chạy về Thuận Hóa. Chúa cho dời Dinh sang phía đông Ái Tử gọi là Dinh Cát. Vua Lê và Chúa Trịnh sai sứ vào phủ dụ Chúa vẫn thoái thác không trở lại Đông đô.

Năm Nhâm Dần (1611), quân Chiêm xâm lấn bờ cõi ở Quảng Nam, Chúa đem quân đánh dẹp, lấy vùng đất biên giới lập thành phủ Phú Yên.

Năm Quý Sửu (1613), ngày mồng 3 tháng 6 (20-7), Chúa yếu, cho triệu Thế tử và Thân thần đến trước ngự sàng bảo rằng:

- “Ta với các ông cùng nhau cam khổ đã lâu, muốn dựng nên nghiệp lớn. Nay ta để gánh nặng lại cho con ta, các ông nên cùng lòng giúp đỡ cho nên công nghiệp.”

 Rồi ông quay qua dặn Thế tử Nguyễn Phúc Nguyên: 

- “Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung, anh em trước hết phải thương yêu nhau. Con mà giữ được lời dặn đó thì ta không ân hận gì.” 

Chúa lại nói: 

- “Đất Thuận - Quảng, phía bắc có núi Ngang (Hoành sơn) và sông Gianh (Linh Giang) hiểm trở, phía nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia (Thạch Bi sơn) bền vững. Núi sẵn vàng sắt, biển sẵn cá, muối thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân, luyện binh để chống với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không thể địch được thì cố giữ đất đai chờ cơ hội, đừng bỏ qua lời dặn của ta.”

Dặn dò xong Chúa băng, ở ngôi 56 năm, thọ 89 tuổi.(1)

Lăng mộ lúc đầu táng ở núi Thạch Hãn (thuộc huyện Hải Lăng, Quảng Trị) sau cải táng vào núi La Khê (huyện Hương Trà nay thuộc huyện Hương Thủy, Thừa Thiên).

Không phải đợi đến lúc chúa băng người ta mới thấy các cái tâm, tài, chí, trí, dũng của con người đích thực chúa Tiên mà như Thực Lục đã ghi từ lúc chúa còn tuổi ấu thơ, xem tướng mạo của chúa người ta đã thấy: “Chúa tướng vai lân, lưng hổ, mắt phượng, trán rồng, thông minh tài trí, người thức giả đều biết là bậc phi thường.”(2)

Nguyễn Hoàng là bậc phi thường. Ông có tâm (thương dân, dạy dân bằng ngũ giới nhà Phật và được dân thương), có tài (đánh họ Mạc, đánh Chiêm Thành mở trấn Phú Yên, cai trị xứ Đàng Trong được giàu mạnh), có chí (quyết tâm thực hiện Hoành sơn nhất đái), có trí (biết hòan cảnh mình có thể bị ám hại nên xin vào Thuận Hóa, rồi biết mình bị giữ lại Đông đô nên tìm cách trốn vào Thuận Hóa một cách an tòan), có dũng (dám đương đầu với cả thế lực vua Lê-chúa Trịnh). Con người phi thường đó không những đạt được những công nghiệp phi thường trong đời mình mà còn đặt để phương hướng nhiệm vụ mở nước phi thường cho nhiều đời con cháu sau này. Đời ông mới được dân tôn vinh là “Tiên chúa” hay chúa Tiên, con trai ông (Nguyễn Phúc Nguyên) được tôn lên bậc “Phật chúa” hay Chúa Sãi. Bảy đời chúa hậu duệ của ông chỉ thực hiện di ngôn của ông lo mở nước. Khi nước mở xuống tận mũi Cà Mau (1757) việc thực hiện di ngôn của ông mới xong.

Nguyễn Hoàng thương dân, lo cho dân nên được dân (Quảng Trị) hết lòng phò tá, Nguyễn Hoàng mới trở thành chúa Tiên, mới trở thành người phi thường - người đứng đầu trong lịch sử mở nước ở phương Nam. Nguyễn Hoàng là con người vĩ đại của Hoàng tộc Nguyễn và cũng là niềm tự hào của người dân Quảng Trị hơn 450 năm qua (1558-2009). Vì thế trước đây ở Quảng Trị có trường Trung học Nguyễn Hoàng-nơi xuất thân của nhiều thế hệ học sinh giỏi, có tinh thần gắn bó với quê hương sâu sắc. Rất tiếc sau ngày giải phóng (1975) rồi hợp nhất Bình Trị Thiên, do không hiểu hết giá trị của lịch sử truyền thống, trường Nguyễn Hoàng đã bị đổi tên. Nay sự nghiệp của Chín đời chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn đã được Nhà nước và giới sử học tôn vinh, tôi tin cái tên Nguyễn Hoàng - người đứng đầu trong sự nghiệp được tôn vinh ấy không sớm thì muộn sẽ được phục hồi cho ngôi trường đã ghi trong lý lịch của hàng vạn người Quảng Trị có học. Tại sao không?

Gác Thọ Lộc-Huế, cuối năm 2008

Nguyễn Đắc Xuân

________________________________________
(1) Tức là từ đời Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên cho đến Võ Vương Nguyễn Phúc Hoạt/Khoát.

(2) QSQTN, Đại Nam nhất thống chí, Nha VH bộ QGGD, SG, 1960, 150, tỉnh Quảng Trị.

(3) Thời Pháp thuộc bị phá để lấy đất làm nhà thờ Thiên chúa giáo Trà Kiệu như còn thấy ngày nay.

(1) Ngũ giới: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu.

(2) Xem “Một người con gái Thuận Hóa (Ngô Thị Lâm) trong binh nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng”, sách Chuyện Nội Cung Chín Đời Chúa của Nguyễn Đắc Xuân, Nxb Thuận Hóa Huế 2005, tr.7.

(1) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập I, Nxb Giáo Dục, HN. 2002, tr. 37.

(2) Quốc sử quán triều Nguyễn, Sđd. tr.27.

Trích Nghiên cứu triều Nguyễn và Huế xưa, tập I,

NXB Thuận Hóa 2011, tr.235- 239

Nguyễn Đắc Xuân
Các bài khác
    << < 1 2 > >>